Bộ Y tế vận động người dân dùng thuốc nội
Thực tế là trong hệ thống điều trị hiện nay, tỷ lệ sử dụng thuốc nội chưa cao, đặc biệt là càng ở bệnh viện tuyến trên thì tỷ lệ sử dụng thuốc nội trong điều trị càng thấp.
Ngày 20/12, tại Hà Nội, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế công bố chương trình truyền thông “Con đường thuốc Việt” với mong muốn mỗi năm bình chọn và tôn vinh 100 sản phẩm thuốc Việt Nam tốt về chất lượng, đảm bảo hiệu quả điều trị, an toàn trong sử dụng và được Hội đồng chuyên môn đánh giá cao, được nhân dân tin cậy sử dụng.
Tuyến trên dùng ít thuốc nội
Theo thống kê của Cục Quản lý Dược, hiện nay thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng 50% nhu cầu thuốc cho phòng và chữa bệnh của nhân dân; nhiều dịch bệnh được thanh toán và khống chế nhờ vắc xin trong nước sản xuất.
Tỷ lệ dùng thuốc nội ở BV tuyến trên chưa cao – (Ảnh: C.Q)
Tuy nhiên, thực tế là trong hệ thống điều trị hiện nay, tỷ lệ sử dụng thuốc nội chưa cao, đặc biệt là càng ở bệnh viện tuyến trên thì tỷ lệ sử dụng thuốc nội trong điều trị càng thấp (các chuyên khoa như mắt, ung thư, tim mạch… chỉ sử dụng khoảng 5-10% thuốc nội). Có nơi tỷ lệ sử dụng thuốc nội tương đối cao nhưng trị giá sử dụng lại thấp.
Ông Trần Viết Tiệp, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Việt Nam – Thụy Điển (TP Uông Bí, Quảng Ninh) cho biết, tỷ lệ dùng thuốc nội trong bệnh viện ông chiếm khoảng 45-50% (chủ yếu là nhóm thuốc kháng sinh, giảm đau và một số thuốc bổ trợ khác).
Video đang HOT
Trong khi đó, chi phí sử dụng thuốc nội chỉ chiếm khoảng 25-30%, phần còn lại từ 70-75% đều là tiền thuốc nhập ngoại.
Hiện nay, mỗi năm bệnh viện này sử dụng khoảng 50-60 tỷ đồng tiền thuốc.
Thống kê cho thấy, tổng trị giá tiền mua thuốc sản xuất tại Việt Nam của 34 bệnh viện trung ương năm 2010 là hơn 378 tỷ đồng (chỉ chiếm 11,9% tổng trị giá tiền mua thuốc).
Điều đó cho thấy bệnh viện tuyến Trung ương vẫn phải sử dụng phần lớn thuốc ngoại (khoảng gần 90% tổng trị giá tiền mua thuốc). Tại bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố, tỷ lệ sử dụng thuốc nội trong điều trị có cao hơn (chiếm khoảng 33,9% tổng trị giá tiền mua thuốc vào năm 2010).
Như vậy bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố vẫn sử dụng khoảng 66% tổng trị giá tiền mua thuốc cho thuốc ngoại trong điều trị. Hiện nay, thuốc nội đang được sử dụng nhiều nhất ở tuyến huyện.
Tại sao dân không tin thuốc nội?
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết thuốc Việt của chúng ta tuy có nhiều cố gắng nhưng lượng thuốc đặc trị còn khiêm tốn so với thuốc thông thường, hạng bệnh viện có thể sử dụng thuốc với giá trị như thế nào còn bị hạn chế, bệnh viện tuyến dưới còn phải liệu cơm gắp mắm rất nhiều.
Thuốc nội cần chứng minh được chất lượng, hiệu quả, có chính sách quảng bá tốt mới có thể tạo niềm tin cho người bệnh (Ảnh: C.Q)
Còn ông Lê Thanh Hải, Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thuốc nội cần chứng minh được chất lượng và hiệu quả điều trị để thu hút bác sỹ, người bệnh, để một ngày nào đó mà chính bác sỹ cũng kê đơn cho người thân của mình bằng thuốc nội.
Hiện nay, theo ông Hải, có nhiều nguyên nhân khiến thuốc nội khó vào tuyến trung ương như: tuyên truyền chưa tốt; tâm lý sính ngoại của bác sỹ lẫn người dân, kinh phí để quảng bá, giới thiệu thuốc vẫn còn hạn chế nên người dân ít biết đến.
Trên thực tế, hiện nay thuốc nội được sản xuất nhiều, nhưng chủ yếu là các thuốc kháng sinh, cảm cúm, viêm nhiễm thông thường, chưa có nhiều thuốc đặc trị.
Theo lý giải của ông Nguyễn Thành Lâm, trưởng phòng quản lý giá thuốc (Cục Quản lý Dược) thì điều này do thị trường quyết định, cái gì thị trường cần nhiều thì sẽ được sản xuất nhiều.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trước thực tế thuốc nội ít được sử dụng ở bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương, Bộ Y tế đã có các giải pháp, tuy nhiên cuối cùng lại phát sinh vấn đề: có những loại mà thuốc nội không có mặt hàng đó vì chưa sản xuất được cho nên bắt buộc phải dùng các thuốc biệt dược của nước ngoài.
Theo Vietnamnet
Ra mắt chương trình 'Con đường thuốc Việt'
Ngày 20.12, tại Hà Nội, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã tổ chức buổi ra mắt chương trình truyền thông "Con đường thuốc Việt".
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (thứ 4, từ trái qua) tặng hoa cho hội đồng bình chọn thuốc nội trong lễ ra mắt chương trình - Ảnh: T.T
Ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược, cho biết: Hiện ngành dược nội địa đã có bước phát triển mạnh, với 121 nhà máy sản xuất thuốc trong nước đạt tiêu chuẩn GMP; nhiều sản phẩm dược Việt Nam đã được xuất khẩu đi các nước trong khu vực và trên thế giới. Rất nhiều tập đoàn dược phẩm nước ngoài đã chọn những nhà máy sản xuất thuốc trong nước để sản xuất nhượng quyền hoặc gia công sản phẩm để xuất khẩu. Tuy nhiên, giá trị tiền thuốc nội địa sử dụng ở bệnh viện cũng như trên thị trường tự do đều chưa cao, chỉ xấp xỉ 48% tổng trị giá thị trường.
Để người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, Bộ Y tế đã chỉ đạo Cục Quản lý dược tìm ra những hướng đi thích hợp cho sự phát triển của ngành dược trong nước để từ đó nâng cao doanh số và chất lượng thuốc sản xuất trong nước. Vì vậy, Cục Quản lý dược xây dựng và hoàn thiện chương trình "Con đường thuốc Việt", với mong muốn mỗi năm bình chọn và tôn vinh 100 sản phẩm thuốc Việt Nam tốt về chất lượng, đảm bảo hiệu quả điều trị, an toàn trong sử dụng và được hội đồng chuyên môn đánh giá cao, được nhân dân tin cậy sử dụng.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng chương trình truyền thông "Con đường thuốc Việt" sẽ nâng cao nhận thức của người dân đối với thuốc sản xuất trong nước cũng như tăng cường vai trò trách nhiệm của đội ngũ thầy thuốc đối với việc kê đơn, sử dụng thuốc đảm bảo hợp lý, an toàn, hiệu quả; từ đó hỗ trợ ngành dược Việt Nam phát triển. Các doanh nghiệp dược phải nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là phải chứng minh rằng, thuốc nội sản xuất có chất lượng cao, hình thức đẹp không thua kém gì thuốc ngoại nhập, trong khi giá thành lại rẻ, phù hợp với phần lớn người dân Việt Nam...
Công ty cổ phần dược phẩm Traphaco là nhà tài trợ chính của chương trình này.
Chương trình "Con đường thuốc Việt" được phát sóng và hợp tác phát sóng trên kênh VTV1, VTV2, HTV7, VOV và được bảo trợ thông tin bởi Báo Thanh Niên và một số báo khác...
Theo TNO
Bộ trưởng Y tế: "Chúng tôi bị "đổ tội" làm tăng CPI vì tăng viện phí" Nhận được nhiều ý kiến ủng hộ về việc tăng giá viện phí nhưng Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biêt không thể điều chỉnh nhanh vì Chính phủ nhắc nhở, ngành đã bị "đổi tội" làm CPI tăng vì điều chỉnh giá viện phí. Sáng 25/9, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có phiên họp tại UB...