Bộ Y tế trần tình vụ bắt buộc công dân hiến máu 1 lần/năm
“Bộ Y tế đã bàn bạc kỹ lưỡng và quyết định chọn giải pháp “Quy định việc hiến máu là tự nguyện đưa vào Dự thảo Luật về máu và tế bào gốc, nội dung “bắt buộc công dân hiến máu 1 lần/năm chỉ là bàn bạc”, đại diện Bộ Y tế cho hay.
Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế chỉ đưa nội dung “quy định việc hiến máu là tự nguyện vào Dự thảo.
Trong báo cáo đánh giá tác động chính sách đối với Dự án Luật về máu và tế bào gốc Bộ Y tế vừa gửi Bộ Tư pháp thẩm định có nội dung “quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân phải thực hiện 1 năm/lần nhưng có loại trừ một số trường hợp không thể hiến máu và nội dung quy định việc hiến máu là tự nguyện kết hợp với tăng chi cho hoạt động vận động hiến máu”.
Sau khi thông tin này được đưa ra, có nhiều ý kiến bày tỏ: “Hiến máu là tự nguyện của mỗi công dân, chứ không thể bắt buộc mà chỉ nên đề nghị mọi người ủng hộ tích cực phong trào tự nguyện hiến máu”.
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng: Nếu cứ để với tinh thần người dân tự nguyện, thích thì đi, không thích thì thôi, vậy chúng ta còn thiếu nguồn máu điều trị cho người bệnh dài dài. Bắt buộc công dân hiến máu sẽ giúp người dân có trách nhiệm hơn với cộng đồng”.
Video đang HOT
Trao đổi với phóng viên chiều 9/1, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế vừa ban hành Dự thảo Luật về máu và tế bào gốc và nhận thấy, “quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân phải thực hiện 1 năm/lần” là không phù hợp nên không thể đưa vào Dự thảo. Bộ Y tế chỉ đưa nội dung “quy định việc hiến máu là tự nguyện kết hợp với tăng chi cho hoạt động vận động hiến máu”.
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế
Trước câu hỏi, “tại sao không có nội dung “bắt buộc” hiến máu trong dự thảo mà trong báo cáo gửi Bộ Tư pháp thẩm định lại có?”, ông Quang nói: “Đã là thảo luận, có giải pháp nào chúng tôi phải đưa hết ra chứ. Sau khi đưa ra và lấy ý kiến mới quyết định chọn nội dung nào phù hợp”.
Ông Quang lý giải, “quy định bắt buộc hiến máu” là một trong những giải pháp đưa ra trong báo cáo đánh giá tác động chính sách đối với dự án Luật về máu và tế bào gốc. Tuy nhiên, sau khi đánh giá, nghiên cứu xã hội học trên 1.600 người dân tại 8 tỉnh đại diện cho 8 vùng trong thời gian chỉ có 30,25% đồng ý; có 837 người không đồng ý với giải pháp này, chiếm tỷ lệ 69,75%.
Cũng theo đại diện Bộ Y tế, nếu “bắt buộc người dân hiến máu” thì chi phí đi lại mà người dân phải bỏ ra cho một lần đi hiến máu trong một năm là trên 588 tỷ đồng. (Mức bình quân khoảng cách phải đi lại nhân với định mức bình quân chỉ cho 1 lượt đi lại nhân số lượt và nhân số người hiến máu. Định mức bình quân chỉ cho một lượt đi lại được tính bằng 0,2 lít xăng/1km x 16.000 đồng/lít.)
Nếu sử dụng giải pháp 1 sẽ xuất hiện một lượng máu dư thừa khá lớn không cần thiết là khoảng gần 28 triệu đơn vị máu. Bên cạnh đó, việc sử dụng giải pháp 1 cũng làm tăng chi phí của xã hội lên gấp đôi so với việc sử dụng giải pháp 2.
Từ những phân tích trên, Bộ Y tế đề xuất lựa chọn giải pháp 2 vì phù hợp với thực tiễn và phù hợp với pháp luật quốc tế cũng như không gây tốn kém không cần thiết cho Nhà nước và xã hội.
Cũng theo ông Quang, để không làm ảnh hưởng đến phong trào hiến máu tự nguyện hiện nay, trong Dự thảo Bộ Y tế cấm các hành vi ép buộc hoặc cản trở người khác hiến máu.
Theo Diệu Thu (Dân Việt)
"Bắt buộc hiến máu" là vi phạm quyền con người
Đây là ý kiến của bà Hoàng Tú Anh - Giám đốc Trung tâm sáng kiến sức khỏe dân số (CCIHP), chia sẻ với báo Dân Việt ngày 9.1.
Theo bà Tú Anh, việc khuyến khích, vận động người dân tham gia tự động hiến máu là rất nhân văn, đảm bảo được nguồn máu cung cấp cho người bệnh. "Nếu ai cũng có thể giác ngộ rằng chỉ cần một ít máu mình cho đi có thể cứu được cả cuộc đời người khác thì sẽ thấy được ý nghĩa của việc hiến máu" - bà Tú Anh cho biết.
Tuy nhiên, bà Tú Anh cũng khẳng định, việc hiến máu chỉ nên khuyến khích chứ không thể ép buộc. "Nếu Luật quy định "bắt buộc hiến máu" là vi phạm quyền con người, quyền tự quyết về thân thể, khiến người dân có thể có những phản ứng tiêu cực không đáng có".
Trước đó, Bộ Y tế đã gửi tờ trình Bộ Tư pháp về Dự án Luật về máu và tế bào gốc. Về nghĩa vụ của công dân liên quan đến hiến máu, Bộ Y tế đưa ra 2 giải pháp được lựa chọn đó là: 1: Quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân phải thực hiện 01 năm/lần nhưng có loại trừ một số trường hợp không thể hiến máu. 2: Quy định việc hiến máu là tự nguyện kết hợp với tăng chi cho hoạt động vận động hiến máu. Tuy nhiên, phương án 1 "hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc" đã gặp phải sự phản ứng gay gắt của người dân. Hiện theo thông tin mới nhất, Bộ Y tế đã lựa chọn phương án 2: "không bắt buộc hiến máu".
Bà Tú Anh dẫn chứng, mới đây ở Hà Lan có thông qua Luật hiến các bộ phận trên cơ thể người mà theo đó, tất cả công dân đều phải kê bảng khai xác nhận hiến xác. Tuy nhiên, trên bảng kê khai đó có mục để người dân lựa chọn từ chối hiến bộ phận cơ thể. Khi đó, Chính phủ cũng tôn trọng quyền quyết định của người dân. Tuy nhiên, nếu người dân không kê bảng khai đó thì được "mặc định" là đồng ý hiến tạng và nếu chẳng may qua đời sớm, các bệnh viện có quyền lấy bộ phận cơ thể của họ để ghép cho người cần. "Đó có thể là một gợi ý hay cho chúng ta" - bà Tú Anh nói.
Về ý kiến cho rằng, người dân "ích kỷ", chỉ thích nhận, không thích cho nên không thích hiến máu, bà Tú Anh cho biết, hiện mỗi năm Việt Nam vẫn có hàng chục triệu lượt người hiến máu, do đó không thể nói rằng tất cả người Việt đều ích kỷ. "Người tốt, người tự nguyện hiến máu đang rất đông, cho dù chưa đạt được tới lượng máu cần. Do đó, để người dân tích cực hiến máu thì các cơ quan ban ngành phải tăng cường vận động, đồng thời đề ra các chính sách ưu tiên, khuyến khích người tích cực hiến máu" - bà Tú Anh nhận định.
Theo bà Tú Anh, người dân còn ngại ngần hiến máu có thể còn nhiều lý do. Có thể do họ vẫn chưa thấy hết được tầm quan trọng của việc hiến máu. Cũng có thể người dân chưa tin tưởng vào việc giọt máu họ cho đi sẽ được sử dụng một cách có ý nghĩa nhất khi đâu đó. Thậm chí có người còn lo rằng nếu họ đi hiến máu và phát hiện ra các bệnh lây nhiễm (như HIV hay viêm gan B), họ sẽ không được bảo mật thông tin, khiến cuộc sống của họ gặp nhiều trắc trở... "Do đó, chúng ta cần tăng cường vận động, tuyên truyền và minh bạch các thông tin để giúp củng cố niềm tin của người dân. Tôi tin người tốt muốn chia sẻ máu để cứu sống người khác còn rất nhiều" - bà Tú Anh khẳng định.
Theo Danviet
Bỏ quên kéo trong bụng bệnh nhân: "Bệnh viện phải đền bù" Đó là ý kiến của ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế sau sự việc bác sĩ Bệnh viện Bắc Kạn bỏ quên kéo trong bụng bệnh nhân suốt 18 năm. Ông Ma Văn Nhật đã được lấy kéo trong bụng bị bác sĩ bỏ quên 18 năm trước Tháng 6/1998, ông Ma Văn Nhật (Chợ Đồn, tỉnh...