Bộ Y tế tìm những người ăn bún riêu chay ở Bình Dương
Bộ Y tế đề nghị những người này cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất nếu có vấn đề bất thường về sức khỏe.
Ngày 26/3, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Hùng Long ra văn bản đề nghị Sở Y tế Bình Dương thông báo, tìm kiếm những người đã ăn bún riêu tại khu vực miếu Chiêu Liêu, khu dân cư Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương vào ngày 20/3.
“Những người này cần khai báo tại cơ sở y tế gần nhất. Trường hợp có biểu hiện bất thường về sức khỏe cần đến ngay cơ sở gần nhất để được thăm khám, điều trị kịp thời”, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo.
Bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum đang phải thở máy tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: Thúy Nguyễn.
Video đang HOT
Thông báo này được đưa ra sau khi các bệnh viện tại TP.HCM tiếp nhận 6 người bị ngộ độc Botulinum. Trước đó, họ cùng ăn bún riêu chay tại miếu Chiêu Liêu. Nguyên liệu nấu bún riêu có một hộp pate chay bị phồng nắp.
Cục An toàn thực phẩm đề nghị TP.HCM, Bình Dương phối hợp điều tra thực phẩm bệnh nhân đã sử dụng, xác minh nguyên nhân vụ việc, lấy mẫu thực phẩm để xét nghiệm các chỉ tiêu nghi ngờ gây ngộ độc.
Cùng ngày, Cục An toàn thực phẩm gửi văn bản đề nghị Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phối hợp điều tra, truy xuất nguồn gốc, tạm ngưng lưu thông sản phẩm gây ngộ độc.
Cơ quan này cần giám sát các loại thực phẩm đóng hộp (pate chay), lên men yếm khí (thịt cá ướp, cá ủ muối), bảo quản trong môi trường yếm khí (hun khói) và hướng dẫn nguy cơ ngộ độc Botulinum trong thực phẩm của hộ kinh doanh, gia đình tự sản xuất.
Đến nay, TP.HCM thông báo 6 người được ghi nhận bị ngộ độc sau khi cùng ăn bún riêu có pate chay ở Bình Dương. Một người trong số này đã tử vong tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
5 bệnh nhân còn lại đang thở máy, lọc máu tại Bệnh viện Nhân dân 115 (4 người) và Bệnh viện Nhi đồng 2 (1 người). Sau khi được truyền huyết thanh kháng độc tố, sức khỏe của họ đã cải thiện.
Các chuyên gia cho biết Botulinum là protein độc tố thần kinh do vi khuẩn Clostridium botulinum tiết ra. Đây là chất độc gây chết người mạnh nhất từng được biết.
Trước đó, ngày 13/7/2020, Cục An toàn thực phẩm phát đi thông báo khẩn cảnh báo về sản phẩm pate của Công ty Minh Chay khiến nhiều người bị ngộ độc. Nhiều người ở Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh Hòa, Quảng Nam, Nam Định, Hà Nội…, nhập viện, thở máy và liệt do độc tố trong sản phẩm này.
TP.HCM: Thêm 3 bệnh nhân nhập viện nghi ngộ độc patê chay
Theo thông tin mới nhất từ Sở Y tế TP.HCM, trong đêm 25/3, BV Nhân Dân 115 đã tiếp nhận thêm 3 bệnh nhân có bệnh cảnh tương tự, cùng ăn bún riêu chay tại miếu ở Bình Dương.
Bệnh nhân ngộ độc Botulinum trước đó được ghi nhận tại BV bạch Mai (ảnh minh họa).
Sở Y tế TP.HCM cho biết, trong đêm 25/3, thêm 3 bệnh nhân đã nhập viện do có bệnh cảnh tương tự, cùng ăn bún riêu chay tại miếu ở Bình Dương.
Thông tin thêm về 2 bệnh nhân nghi ngộ độc patê chay đang được điều trị tại 2 bệnh viện ở TP.HCM là BV Nhân Dân 115 và BV Nhi Đồng 2, Sở Y tế TP.HCM cho biết, bệnh nhân nữ 53 tuổi, hiện đang hồi sức tích cực tại BV Nhân Dân 115 và bé gái 16 tuổi, đang hồi sức tích cực tại BV Nhi Đồng 2. Hai bệnh nhân này đã có biểu hiện cải thiện rõ rệt sau khi truyền huyết thanh kháng độc tố Botulism Antitoxin Heptavalent do các bác sĩ của BV Bạch Mai mang vào vào tối hôm qua (25/3).
Theo báo cáo nhanh của BV Nhân Dân 115, bệnh nhân nữ 53 tuổi đang trong tình trạng suy hô hấp nặng, hôn mê, liệt tứ chi (trước đó đã có ngưng tim 1 lần) sau khi truyền 1 lọ huyết thanh kháng độc tố của vi khuẩn Clostridium Botulinum có tên là Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) thì 3 giờ sau, bệnh nhân có biểu hiện cải thiện sức cơ (từ 1/5 đã tăng lên 2/5) và có biểu hiện nghe hiểu.
Còn theo báo cáo nhanh của BV Nhi Đồng 2, bé gái 16 tuổi đang suy hô hấp và được thở máy, đồng tử dãn 5mm, còn phản xạ ánh sáng, sức cơ 1/5 (chỉ cử động nhẹ đầu ngón tay). Bệnh nhân được truyền huyết thanh kháng độc tố BAT (2/3 lọ) lúc 19h30 hôm qua (25/3), đến 22h30 (sau 3 giờ truyền BAT), bệnh nhân có biểu hiện cải thiện sức cơ, các đầu ngón tay, chân có biên độ cử động rõ hơn, đến 1h30 sáng 26/3, khi được yêu cầu thì bé rung được cơ đùi, đồng tử 4mm có phản xạ ánh sáng tốt.
Biểu hiện lâm sàng sau truyền huyết thanh kháng độc tố của vi khuẩn Clostridium Botulinum là bằng chứng cho thấy đây là những trường hợp ngộ độc thức ăn patê cho độc tố của vi khuẩn Clostridium Botulinum. Hiện BV Nhân Dân 115và BV Nhi Đồng 2 tiếp tục hồi sức và theo dõi sát tình trạng của các bệnh nhân.
TP.HCM chính thức đưa ra đề nghị liên quan pate chay Sau khi ghi nhận 3 bệnh nhân ngộ độc nghi do pate chay, trong đó có 1 người không qua khỏi, Sở Y tế TP.HCM đã đề nghị người dân tạm ngưng dùng các sản phẩm này. Theo trang tin của Bộ Y tế, một chùm ca bệnh rơi vào tình trạng nguy kịch nghi do thực phẩm pate chay đã được cấp...