Bộ Y tế thông tin về việc làm giả bệnh án tâm thần
Chiều tối 10/8, Bộ Y tế đã có cuộc họp khẩn với lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị thuộc Bộ; một số Bệnh viện Tâm thần trên địa bàn Hà Nội, liên quan đến các thông tin báo chí phản ánh về việc giả hồ sơ bệnh án tâm thần để trốn tránh việc xử lý của các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Bộ Y tế tổ chức cuộc họp khẩn chiều 10/8. (Ảnh: PV/Vietnam )
Tại cuộc họp, đại diện Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho biết, ngày 12/6/2018, Bệnh viện nhận thông báo số 53 và 54 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội về việc khởi tố bắt bị can tạm giam phục vụ điều tra với 2 viên chức của bệnh viện là: BSCK 2 Thân Thanh Phong – Phó Trưởng khoa tâm thần người cao tuổi; Ông Nguyễn Tuấn Sơn – kỹ thuật viên trưởng Khoa Dinh dưỡng. Trong đó, ông Sơn có trách nhiệm phân công công việc hàng ngày tại Khoa Dinh dưỡng.
Đại diện Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho biết, sau khi nhận được thông báo một ngày, bệnh viện đã có quyết định tạm hoãn hợp đồng làm việc 3 tháng đối với ông Sơn và ông Phong.
Qua 2 tháng, cơ quan Công an Hà Nội đang tiếp tục điều tra. Đến nay, bệnh viện vẫn chưa nhận được thông báo của Công an Hà Nội về kết quả điều tra đối với 2 viên chức trên.
Ngoài ra, ngày 26/7 vừa qua, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 nhận được công văn của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội về việc cung cấp thông tin, tài liệu kiểm tra lại 94 hồ sơ của bệnh nhân đã điều trị tại Bệnh viện.
Sau khi nhận được công văn, Bệnh viện đã kiểm tra kỹ số lượng hồ sơ bệnh án yêu cầu, và cung cấp thông tin cho Công an thành phố Hà Nội. Bệnh viện cũng đang phối hợp với Công an thành phố Hà Nội Hà Nội rà soát lại 94 hồ sơ bệnh án để xem có bệnh án giả mạo hay không.
Video đang HOT
Tại cuộc họp, giáo sư Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế nêu rõ quan điểm của Bộ Y tế xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực thi nhiệm vụ để vi phạm pháp luật. Đề nghị các cơ quan tư pháp xử lý đúng người đúng tội, không bỏ lọt tội phạm, tránh oan sai.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, công tác giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần là một trong những hoạt động bổ trợ tư pháp, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và không thể thiếu trong bất kỳ nền tư pháp nào. Kết luận giám định pháp y, pháp y tâm thần được pháp luật quy định là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án.
Kết luận giám định đúng đắn giúp cho việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án được chính xác, khách quan, đúng pháp luật, góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, không để lọt tội phạm, không để oan người vô tội, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Trước thông tin về việc hiện nay đang có dư luận: có những đối tượng phạm tội dùng mọi thủ đoạn như mua, làm giả giấy xác nhận bị bệnh, giả bệnh tâm thần để vào các Trung tâm, cơ sở y tế để khám, chữa bệnh để có hồ sơ bệnh án tâm thần để đối phó với cơ quan pháp luật.
Do vậy, Bộ Y tế yêu cầu các bác sỹ, giám định viên pháp y, pháp y tâm thần càng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh chính trị vững vàng trước công việc hàng ngày, trước mỗi ca giám định, không để vật chất hoặc các mối quan hệ cá nhân làm ảnh hưởng đến kết luận giám định. Những trường hợp khó kết luận, cần tổ chức hội chẩn để đưa ra kết luận đúng đắn, chính xác.
Bộ Y tế yêu cầu các Cục, Vụ, đơn vị liên quan, các bệnh viện chuyên ngành Tâm thần rà soát quy trình, thủ tục chuyên môn liên quan đến chẩn đoán, giám định bệnh án tâm thần.
Theo vietnamplus
Làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần bị xử lý thế nào?
Tùy cách thức, thủ đoạn làm giả mà cơ quan tố tụng xác định có hay không hành vi phạm tội Đưa hối lộ, Nhận hối lộ hay Làm giả con dấu tài liệu.
Công an Hà Nội vừa thông tin về việc điều tra vụ án làm giả bệnh án tâm thần để trốn tránh việc xử lý của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Theo đó, có 78 hồ sơ bệnh án tâm thần được làm giả. Trong số này có 41 hồ sơ mang tên các đối tượng giang hồ.
Việc làm giả hồ sơ bệnh án không phải là vấn đề mới phát sinh, chỉ vì muốn trốn tránh việc điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan thực thi pháp luật mà nhiều đối tượng đã sử dụng thủ đoạn nhờ đến các cá nhân hỗ trợ làm hồ sơ bệnh giả. Vậy, hành vi này bị xử lý thế nào?
Nhiều kẻ gây án thoát tội nhờ có bệnh án tâm thần giả. Ảnh minh họa.
Trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Dũ (Đoàn Luật sư TP.HCM), ông cho biết với hồ sơ bệnh án tâm thần giả do các bệnh viện tâm thần địa phương làm ra, cần phải làm rõ cách thức, thủ đoạn làm giả, người làm giả để có căn cứ xác định có hay không có tội phạm và phạm tội gì.
Theo luật sư Dũ, với loại hồ sơ do giám định viên, bác sĩ được phân công kiểm tra, xác nhận thì hành vi của người làm giả sẽ thuộc vào trường hợp thi hành công vụ, nhiệm vụ. Lúc này, họ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật, trái công vụ được giao.
"Nếu người này đã nhận hoặc có hứa hẹn sẽ nhận được lợi ích vật chất hoặc phi vật chất để làm giả hồ sơ bệnh án, thì việc làm giả của họ có dấu hiệu của tội Nhận hối lộ (Điều 354 BLHS 2015), người đưa tiền có dấu hiệu của tội Đưa hối lộ (Điều 364 BLHS 2015)", luật sư Dũ phân tích.
Còn nếu không chứng minh được tình tiết đã hoặc sẽ nhận lợi ích thì người phạm tội có thể bị xem xét về tội danh Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356 BLHS 2015); hoặc tội danh Giả mạo trong công tác (Điều 359 BLHS 2015).
Trong trường hợp người làm giả là những cá nhân không được phân công công việc đó, luật sư Dũ cho rằng sẽ xác định họ không có chức vụ, quyền hạn đối với việc làm giả. Do đó, họ sẽ bị không định tội danh đối với nhóm về chức vụ, mà có thể xem xét theo tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức (Điều 341 BLHS 2015).
Về trách nhiệm đối với người sử dụng hồ sơ giả, nếu họ có mục đích dùng hồ sơ để trốn tránh việc bị xử lý về hành vi vi phạm pháp luật (không chứng minh được có tội Đưa hối lộ), thì có thể bị xem xét theo tội danh Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Việc làm giả giấy tờ trên thực tế không chỉ do những người trong các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện mà còn do những người khác thực hiện. Trường hợp này được xác định là giả về nội dung và hình thức.
"Việc làm giả giấy tờ diễn ra rất phức tạp trong thực tế và thủ đoạn ngày càng tinh vi. Việc làm giả không chỉ xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức mà còn gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác cho xã hội. Các ngành, các cấp và mọi người dân cần chung tay đấu tranh, ngăn chặn, tạo môi trường xã hội bình đẳng, văn minh", luật sư nói thêm.
Trong số 78 hồ sơ bệnh án tâm thần giả được cơ quan công an phát hiện, có đến 41 hồ sơ của những kẻ giang hồ cộm cán.
Hoài Thanh
Theo Zing
Trùm "giang hồ" Hà Nội "chạy" bệnh án tâm thần để trốn tội Theo cảnh sát, Tùng là đối tượng cộm cán, cầm đầu nhóm đối tượng gây ra vụ án Cố ý gây thương tích có tính chất băng nhóm thanh toán lẫn nhau. Sau khi gây an Tùng xuất trình bệnh án tâm thần để trốn tránh trách nhiệm hình sự nhưng bất thành. (Ảnh minh họa) Ngày 9/8, Công an TP.Hà Nội cho...