Bộ Y tế: Sắp xếp các cơ sở đào tạo thành Đại học Khoa học sức khỏe
Bộ Y tế đang xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ đề án sắp xếp, phát triển một số cơ sở đào tạo thành Đại học Khoa học sức khỏe, xây dựng Nghị định về đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực sức khỏe.
Bộ Y tế đang xây dựng nhiều nội dung mới liên quan đến đào tạo nhân lực y tế. (Ảnh: PV/Vietnamplus)
Bộ Y tế đang xây dựng nhiều đề án quan trọng trong lĩnh vực đào tạo nhân lực y tế như: Đề án thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia và tổ chức thí điểm thi quốc gia để xét cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn; Đề án sắp xếp, phát triển một số cơ sở đào tạo thành Đại học Khoa học sức khỏe.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Lợi – Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) để hiểu rõ hơn về một số chủ trương mới trong thời gian tới.
- Năm học 2019-2020 là năm học đầu tiên thực hiện những quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Ông có thể cho biết một số nội dung mới liên quan đến đào tạo nhân lực y tế?
Ông Nguyễn Minh Lợi: Như chúng ta đã biết, đối với các cơ sở đào tạo nhân lực y tế, năm học 2019-2020 là năm học thứ hai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và là năm học đầu tiên thực hiện những quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Với trách nhiệm được giao, Bộ Y tế đang triển khai rất nhiều chương trình, đề án cụ thể.
Trong chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW khóa XII, liên quan đến công tác đào tạo nhân lực y tế, Bộ Y tế đang xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ hai đề án rất quan trọng là: Đề án thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia và tổ chức thí điểm thi quốc gia để xét cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn; Đề án sắp xếp, phát triển một số cơ sở đào tạo thành Đại học Khoa học sức khỏe.
Tiếp đó là việc triển khai và thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Bộ Y tế được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì xây dựng Nghị định về đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực sức khỏe.
Video đang HOT
Có thể nói, khi các chương trình, đề án, văn bản nói trên được ban hành, công tác đào tạo nhân lực y tế sẽ có những thay đổi mạnh mẽ cả về hệ thống đào tạo, mô hình cơ cấu đào tạo và chính sách sử dụng nhân lực với mục tiêu là nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ông Nguyễn Minh Lợi – Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế). (Ảnh: T.G/Vietnamplus)
- Như ông vừa nêu, một trong những đề án sẽ được triển khai là sắp xếp, phát triển một số cơ sở đào tạo thành Đại học Khoa học sức khỏe, ông có thể nói rõ hơn về Đề án này?
Ông Nguyễn Minh Lợi: Trước hết, phải khẳng định khoa học sức khỏe bao gồm nhiều lĩnh vực: khoa học y sinh (sinh học di truyền, giải phẫu, sinh lý, mô phôi, vi sinh, …), y học, y học cổ truyền, dược học, răng hàm mặt, điều dưỡng, kỹ thuật y học, y tế công cộng…
Mô hình đại học trong đó có các trường thành viên đã có ở Việt Nam như các Đại học Quốc gia (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh), Đại học vùng (Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng). Mô hình này đã được khẳng định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Đối với lĩnh vực khoa học sức khỏe, cũng đã có một số mô hình như Đại học Khoa học sức khỏe Lào, Đại học California Sanfrancisco (University of California, Sanfrancisco)…
Cách đây gần 20 năm chủ trương thành lập Đại học Khoa học sức khỏe ở Việt Nam đã được đề cập, dự kiến đặt tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Về bản chất, đây là mô hình đại học trong đó có các trường thành viên chuyên ngành là Trường Đại học Y, Trường đại học Dược, Trường Đại học Điều dưỡng, Trường Đại học Y tế công cộng… Theo mô hình này, sẽ tạo quyền tự chủ học thuật cho các trường thành viên theo từng chuyên ngành, nhưng lại phát huy tối đa và hiệu quả thông qua sự chia sẻ nguồn lực chung như bộ máy quản lý, điều phối, đầu tư cho các bộ môn cơ bản, cơ sở thuộc khối khoa học y sinh, sự phối hợp nghiên cứu và đào tạo liên ngành…
Hiện nay, chúng tôi đang nghiên cứu xây dựng Đề án để có mô hình phù hợp nhất, trên nguyên tắc đảm bảo đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn giữ được truyền thống và “thương hiệu” của cơ sở đào tạo.
Chúng tôi cũng xác định quan trọng là bản chất vấn đề chứ không phải là tên gọi, ví dụ Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay hoạt động theo mô hình Trường Đại học đang làm Đề án và sẽ được đầu tư, phát triển theo mô hình Đại học Khoa học sức khỏe. Về tên gọi sẽ cân nhắc cụ thể trong đó có phương án vẫn giữ tên là Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh và chỉ đi vào hoạt động theo mô hình Đại học khi được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê quyệt.
- Ông có thể nói khái quát về định hướng thi quốc gia để cấp chứng chỉ hành nghề và Hội đồng Y khoa quốc gia?
Ông Nguyễn Minh Lợi: Như nhiều dịp chúng tôi đã trao đổi, việc thi quốc gia để cấp chứng chỉ hành nghề là xu hướng chung trên thế giới. Bộ Y tế đang đưa nội dung này vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi và chỉ áp dụng cho những người chưa có chứng chỉ hành nghề, những người đã được cấp chứng chỉ hành nghề thì không phải qua kỳ thi này.
Dự kiến việc thi sẽ được áp dụng theo mô hình của các nước tiên tiến, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin để thuận lợi nhất cho người dự thi, đảm bảo công bằng, khách quan và đánh giá đúng năng lực của người dự thi.
Thi quốc gia ở đây nghĩa là kỳ thi được tổ chức ở nhiều địa phương, nhiều thời điểm trong năm nhưng theo một bộ tiêu chí đánh giá năng lực chung của cả nước do Hội đồng Y khoa Quốc gia xác định, được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Hội đồng Y khoa Quốc gia là mô hình rất nhiều nước đã áp dụng. Cơ quan này có chức năng tư vấn giúp Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Y tế xác định cơ chế đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực y tế có đủ năng lực nghề nghiệp để hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật; phối hợp với Tổng hội Y học Việt Nam và các hội, hiệp hội chuyên ngành trong lĩnh vực y tế xác định các tiêu chuẩn, tiêu chí, phương pháp, công cụ và tổ chức thi đánh giá năng lực của người hành nghề y tế phù hợp với quy định của pháp luật./.
Xin trân trọng cảm ơn ông!./.
Thùy Giang
Theo Vietnamplus
Xây dựng văn hóa 'không đổ lỗi' vì an toàn người bệnh
Hiện nay, tâm lý quy chụp, đổ lỗi cá nhân khi xảy ra các sự cố y khoa còn khá nặng nề. Nhằm hướng tới một môi trường bệnh viện an toàn, việc xây dựng văn hóa "không đổ lỗi", khuyến khích cán bộ y tế tự nguyện báo cáo sự cố, đang là vấn đề cấp thiết.
Bộ Y tế tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng "Ngày An toàn người bệnh Thế giới lần thứ nhất".
Tại lễ mít tinh hưởng ứng "Ngày An toàn người bệnh thế giới lần thứ nhất", do Bộ Y tế tổ chức ngày 17/9, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho rằng: "Hiện nay, tâm lý buộc tội cá nhân khi có các sự cố y khoa xảy ra vẫn còn nặng nề. Để hạn chế các tai biến y khoa, đảm bảo an toàn người bệnh, cần tạo mội trường bệnh viện thân thiện, xây dựng văn hóa "không đổ lỗi", nhằm khuyến khích sự trao đổi, học hỏi từ các sự cố y khoa đã xảy ra".
Theo đó, các bệnh viên cần nâng cao trách nhiệm của nhân viên y tế trong việc tự nguyện báo cáo sự cố y khoa; đồng thời, không định kiến và cởi mở với những sự cố y khoa không mong muốn, thay vì quy chụp trách nhiệm cho cá nhân, dẫn đến tình trạng giấu diếm, im lặng, thậm chí im lặng tập thể khi có sự cố xảy ra. Trong khi trên thực tế, có tới 70% các sự cố y khoa là do lỗ hệ thống, lỗi cá nhân chỉ chiếm khoảng 30%.
Bệnh viện không chỉ là nơi cứu người, mà đây cũng chính là môi trường nguy cơ cao, nơi các sự cố y khoa có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào, từ bất kỳ dịch vụ khám chữa bệnh nào. Bệnh viện cũng là nơi các thầy thuốc thường xuyên bị áp lực công việc do tình trạng quá tải và áp lực về tâm lý. Vì vậy, sự cố y khoa không mong muốn là điều khó tránh khỏi và trong nhiều trường hợp ngoài tầm kiểm soát.
Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, cứ 10 người bệnh, thì có 1 người người bị tổn hại trong quá trình tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh. Trong đó, tới 50% nguyên nhân có thể phòng tránh được. Ngoài ra, có tới hơn 1 triệu người bệnh tử vong do tai biến phẫu thuật mỗi năm và trở thành 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới.
"Khi xảy ra sự cố, lãnh đạo các bệnh viện, ngành y tế và cả các kênh truyền thông cần ngay lập tức vào cuộc để tìm ra nguyên nhân và quy trách nhiệm cụ thể, nhằm đưa ra biện pháp khắc phục kịp thời. Việc nhân viên y tế tự nguyện báo cáo các sự cố y khoa, cũng cần sớm có hình thức động viên, khen thưởng, khuyến khích, để nâng cao văn hóa an toàn người bệnh tại các cơ sở y tế", ông Nguyễn Trọng Khoa nhấn mạnh.
Theo Tin, ảnh: Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Vụ cháy Công ty Rạng Đông: Yêu cầu Chủ tịch Hà Nội khẩn trương làm rõ giới hạn khu vực và mức độ ô nhiễm Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chủ trì làm rõ phạm vi, giới hạn khu vực ô nhiễm môi trường, mức độ ô nhiễm của vụ cháy tại Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông. Người dân cẩn...