Bộ Y tế sẵn sàng thực hiện phương án cách ly tại nhà đối với Đà Nẵng
Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết, Bộ Y tế đã sẵn sàng phương án cách ly tại nhà ở Đà Nẵng từ lâu và sẵn sàng thực hiện khi có lệnh của Ban chỉ đạo.
Bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép”
Tại họp báo Chính phủ chiều tối nay, báo chí đặt câu hỏi liên quan đến đề xuất của Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân về việc áp dụng kinh nghiệm chống dịch của Vũ Hán (Trung Quốc) để ngăn dịch Covid-19 tại Đà Nẵng.
Trả lời, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, khi ổ dịch tại 3 bệnh viện tại Đà Nẵng bùng phát đã được khoanh vùng ngay. Mặc dù là ngày nghỉ nhưng Thủ tướng đã họp và chỉ đạo rất quyết liệt, đưa ra các giải pháp đồng bộ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng
Ổ dịch là tổ hợp bệnh viện và dân cư sống gần khu vực đó, việc thăm thân chăm sóc bệnh nhân, đội ngũ y, bác sỹ, nhân viên y tế… đã được khoanh vùng và kiểm soát rất chặt chẽ. Ngành giao thông vận tải đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, khuyến cáo người dân không có việc thì không nên đến vùng dịch thời điểm này.
“Quan điểm chung, các vùng dịch chúng ta phải tiến hành khoanh, dập. Đám lửa to khoanh to, đám lửa nhỏ khoanh nhỏ và dập tất”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ông Dũng lưu ý, những vùng khác không phải ổ dịch, như thôn Bùi của Thái Bình chỉ khoanh vùng, giãn cách xã hội thôn này, khoanh vùng với bán kính nhỏ vừa đủ để dập dịch nhưng vẫn bảo đảm kinh doanh, thông thương kinh tế.
“Kinh nghiệm các nước cũng đều thực hiện chiến lược “mục tiêu kép” như chỉ đạo của Thủ tướng đã chỉ đạo ở Việt Nam. Hiện phần lớn các địa phương chưa có dịch, chưa phát hiện ca nhiễm Covid, có địa phương có ca dịch xuất phát từ ổ dịch Đà Nẵng… Chúng ta phải tính toán làm sao vừa đủ chứ không đưa ra trạng thái quá cứng”, Chủ nhiệm VPCP nói.
Ông dẫn bài học của Singapore, khi dịch bùng phát ở khu công nhân đã đóng cửa toàn quốc. Toàn bộ nền kinh tế đã phải chi trả hơn 100 tỉ đô la Singapore để giải cứu nền kinh tế, trong khi 99% số lây nhiễm Covid-19 ở Singapore thời điểm đó là do khu ký túc xá công nhân.
Nhiều chuyên gia của Singapore cho rằng chỉ cần cách ly khu ký túc xá của công nhân là giải quyết được vấn đề, không cần đóng cửa toàn quốc vì gây ra hậu quả vô cùng lớn.
Video đang HOT
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, quyết định thực hiện giãn cách, phong toả thế nào là vấn đề rất quan trọng. Khi đỉnh cao của đỉnh dịch hồi đầu tháng 3, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 16 (trước đó là Chỉ thị 15) thực hiện giãn cách toàn xã hội.
“Về ý kiến của Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Thủ tướng sẽ tiếp tục nghiên cứu, để làm sao hợp lý, bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép” là phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế xã hội trong thời điểm hiện nay”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ông cho rằng, một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM phản ứng rất nhanh, tạm thời dừng những hoạt động tụ tập đông người và những hoạt động chưa phải thiết yếu là những biện pháp rất tích cực.
Về Chỉ thị mới của Thủ tướng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, VPCP đã hoàn thiện thông báo kết luận của Thủ tướng, giao VPCP và Bộ Y tế xây dựng chỉ thị mới trong điều kiện tình hình mới.
“Chúng ta đặt vấn đề tái bùng phát cũng không phải. Việc công bố con virus đã có biến thể cũng phải cân nhắc kỹ, chúng ta chưa công bố như vậy. Nếu công bố khi chưa có đầy đủ cơ sở sẽ gây ra lo ngại trong dân”, Chủ nhiệm VPCP lưu ý.
Bộ trưởng cho biết, VPCP và Bộ Y tế sẽ sớm soạn thảo chỉ chị mới của Thủ tướng trên tinh thần sẽ đưa ra giải pháp mạnh nhất, tốt nhất, kịp thời để chủ động ứng phó và dập tắt dịch.
Sẵn sàng cách ly tại nhà khi có lệnh của Ban chỉ đạo
Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường cũng nhắc lại ý kiến của Bí thư TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng dịch ở Đà Nẵng đã âm thầm lây nhiễm trong vòng 1 tháng và đã diễn ra từ 2 – 2,5 chu kỳ. Vì vậy phải chuẩn bị tinh thần áp dụng biện pháp cao nhất.
“Tức là yêu cầu tất cả người dân ở trong nhà và hàng tuần cử 1 người đại diện gia đình ra ngoài mua đồ ăn, tiếp tới người đó không được đi ra ngoài nữa mà cử người khác mang đến. Chúng tôi tiếp thu và nghiên cứu phương án của Bí thư Thành ủy TP.HCM đưa ra để áp dụng phù hợp với tình hình dịch bệnh mới”, ông Cường nói.
Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường
Về việc khống chế dịch ở Đà Nẵng, Thứ trưởng Cường cho biết, Bộ Y tế đã cử đoàn công tác nhiều kinh nghiệm nhất do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn làm trưởng đoàn và “đồng chí có nói sẽ ở đến khi nào hết dịch thì thôi”.
Trong đoàn có đội điều trị, đội dập dịch cũng rất nhiều kinh nghiệm, trong đó có các bác sỹ từng tham gia dập dịch ở Bạch Mai, ngay Giám đốc bệnh viện Bạch Mai cũng trực tiếp vào Đà Nẵng.
“Tất cả đội quân có kinh nghiệm nhất ở đợt phòng chống dịch đợt 1 đều được đưa vào chiến dịch này”, Thứ trưởng Y tế nhấn mạnh.
Thứ trưởng Cường cũng đính chính lại thông tin một trường hợp nhiễm dịch không phải ở Hà Nam mà quê ở Hà Nam.
“Hiện chúng tôi huy động hơn 1.000 người gồm sinh viên trường y, quân đội để hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch Đà Nẵng với tinh thần hết sức quyết liệt. Hiện tình hình đang trong tầm kiểm soát tốt, truy vết rất quyết liệt để dịch không lây lan trên diện rộng”, ông Cường khẳng định và kỳ vọng sớm tháo gỡ tình hình này.
Về câu hỏi liên quan đến Chủ tịch TP Đà Nẵng hướng tới cách ly tại nhà, ông Cường cho biết, hiện khu cách ly tập trung tương đối đông, một số khu quá tải.
“Phương án cách ly tại nhà đã sẵn sàng. Chúng tôi đã chuẩn bị phương án này từ lâu và có thể thực hiện ngay khi có lệnh của Ban chỉ đạo”, Thứ trưởng Y tế nói.
Các bệnh viện Đà Nẵng gấp rút bổ sung thiết bị
Các bệnh viện được chỉ định điều trị bênh nhân Covid-19 cấp tốc lắp đặt máy thở, máy chạy thận, sẵn sàng đón tiếp số lượng bệnh nhân lớn hơn.
Bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Y tế Hòa Vang cho biết bệnh viện sẽ là nơi điều trị cho các bệnh nhân chạy thận nhân tạo Covid-19. Với sự giúp đỡ cùa các chuyên gia đến từ Bệnh viện Bạch Mai, chỉ trong thời gian ngắn, trong tối nay, 1/8, bệnh viện sẽ lắp xong 10 máy chạy thận nhân tạo và ngày 2/8 sẽ lắp thêm 10 máy nữa. Đồng thời, các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã tư vấn và giám sát việc lắp đặt 2-4 phòng điều trị hồi sức tích cực (ICU) cho các bệnh nhân nặng.
Tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, giám đốc Lê Thành Phúc thông tin bệnh viện đang điều trị 33 bệnh nhân Covid-19. Chuẩn bị cho các tình huống tiếp theo, Sở Y tế Đà Nẵng đã giao cho bệnh viện cải tạo các phòng điều trị nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu điều trị của bệnh nhân.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại Đà Nẵng, đề nghị các cán bộ y tế vượt qua khó khăn, thử thách, bám sát công việc, điều trị tốt cho người bệnh và hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn động viên nhân viên y tế Đà Nẵng. Ảnh: Tuấn Dũng.
Ông đã đến từng bệnh phòng, động viên các bác sĩ đang trực tiếp điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đà Nẵng, động viên các bác sĩ yên tâm làm việc và cho biết Bộ Y tế đã và đang hỗ trợ hết mình cho các bác sĩ trên mặt trận tuyến đầu này.
Hiện nay, bệnh viện này đang điều trị cho 10 bệnh nhân Covid-19. Tới đây, sẽ chuyển hết số bệnh nhân này đến các bệnh viện được chỉ định như Trung tâm Y tế Hòa Vang và Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.
Bệnh viện C Đà Nẵng hiện nay không còn bệnh nhân Covid-19, đang tích cực thực hiện khử khuẩn và cách ly.
Ông Huỳnh Đức Thơ, chủ tịch Đà Nẵng nói thành phố đang dồn toàn lực cho công tác phòng chống Covid-19, với sự giúp đỡ của các chuyên gia đầu ngành của Bộ Y tế đang có mặt tại thành phố, chắc chắn Đà Nẵng sẽ chiến thắng đợt dịch này.
Các lực lượng chi viện của Bộ Y tế bao gồm: Đội Điều tra, giám sát dịch; Đội điều trị; Đội xét nghiệm đang phối hợp tích cực với y tế Đà Nẵng và các lực lượng trên địa bàn để nâng cao năng lực xét nghiệm và điều trị, giúp y tế Đà Nẵng chuẩn bị cơ sở vật chất để điều trị bệnh nhân Covid-19.
Phó giáo sư Trần Như Dương, Đội trưởng Đội điều tra giám sát dịch, khuyến cáo lãnh đạo TP Đà Nẵng, cần siết chặt việc thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội. Đồng thời đề nghị TP Đà Nẵng cần thành lập ngay tổ giám sát Covid-19 tại cộng đồng.
"Kinh nghiệm của Hà Nội và nhiều địa phương khác, là tổ giám sát này có vai trò rất quan trọng. Mỗi tổ chỉ cần 1-2 người địa phương có uy tín trong tổ dân phố, đi từng nhà, động viên, thăm hỏi để biết người dân có ai ốm, ho, sốt...rồi báo ngay cho y tế", ông Dương nói.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Đội trưởng Đội điều trị cho biết, cần phải tăng cường kiểm soát cách ly, phân loại phát hiện nhanh các ca bệnh. Thông tin từ các bệnh viện cho thấy, xuất hiện nhiều bệnh nhân dương tính với nCoV có bệnh lý nền, đòi hỏi sự cảnh giác cao hơn.
Trong 8 ngày qua, Đà Nẵng ghi nhận tổng cộng 104 ca, Quảng Nam 26, TP HCM 7, Hà Nội hai, Thái Bình, Quảng Ngãi và Đăk Lăk mỗi nơi một. Các ca bệnh chủ yếu liên quan đến cụm bệnh viện ở Đà Nẵng.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn thăm hỏi, động viện bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Tuấn Dũng.
Thứ trưởng Y tế: 'Nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng cần điều trị' Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết đến lúc này ngành y tế vẫn kiểm soát được dịch bệnh, song có những bệnh nhân nặng cần tập trung điều trị. Những bệnh nhân Covid-19 nặng chủ yếu là những người cao tuổi, có bệnh nền hoặc những bệnh nhân chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện Đà Nẵng. Sáu bệnh nhân...