Bộ Y tế phản bác về tiêu chuẩn trong tương ớt của Việt Nam thấp hơn các nước
Bộ Y tế vừa lên tiếng phản bác thông tin dư luận cho rằng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Việt Nam… thấp hơn các nước. Điển hình là vụ tương ớt Chinsu, trong khi Nhật Bản cấm sử dụng Acid benzoic (chất chống nấm mốc) trong tương ớt, Việt Nam thì vẫn cho dùng.
Ngày 12/4, Cục An toàn thực phẩm ( Bộ Y tế) có công văn trả lời chính thức vụ tương ớt Chinsu bị thu hồi tại Nhật Bản.
Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định: “Qui định của Việt Nam áp dụng theo tiêu chuẩn của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế Codex đối với việc sử dụng Acid benzoic, muối Natri benzoat và Acid sorbic hoặc muối Kali trong thực phẩm nói chung, tương ớt nói riêng.
Theo đó, Acid benzoic (INS 201), muối Natri benzoat (INS 211) và Acid sorbic (INS200) và muối Kali (INS 202) là các chất bảo quản được phép sử dụng trong sản phẩm tương ớt với hàm lượng tối đa 1.000mg/kg sản phẩm.
“Đây cũng là quy định của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế Codex gồm 189 nước thành viên. Để một phụ gia thực phẩm có trong danh mục Codex, các nhà khoa học JECFA và WHO phải thực hiện nghiên cứu khoa học, đánh giá nguy cơ đối với sức khỏe con người để đưa ra được mức sử dụng tối đa với từng phụ gia trong thực phẩm đảm bảo an toàn cho người sử dụng”, bà Nga cho biết.
Như vậy, sản phẩm tương ớt Chin-su của Masan sử dụng chất bảo quản Acid benzoic hoặc muối Natri benzoat và acid sorbic hoặc muối Kali với hàm lượng không quá 1.000 mg/kg sản phẩm phù hợp với quy định của Việt Nam và Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế Codex.
Đối với việc vì sao Nhật Bản cấm phụ gia này trong tương ớt, Bộ Y tế cho rằng, Acid benzoic cũng như Acid sorbic chưa quy định sử dụng trong tương ớt nhưng điều đó không có nghĩa Acid benzoic và Acid sorbic là chất cấm trong sử dụng thực phẩm tại Nhật Bản.
“Thực tế, hiện Nhật Bản đang cho phép dùng các phụ gia này trong sản phẩm trứng cá muối, bơ thực vật, nước tương, đồ uống không cồn…”, Cục An toàn thực phẩm thông tin.
Cơ quan này cũng bác bỏ quan điểm cho rằng, việc Nhật Bản không quy định Acid benzoic, Acid sorbic làm phụ gia thực phẩm trong tương ớt mà Việt Nam lại cho dùng, tức là tiêu chuẩn Việt Nam… thấp.
“Điều này không có nghĩa tiêu chuẩn thực phẩm của Việt Nam không được quan tâm như ở Nhật Bản. Thực tế, VN đang sử dụng tiêu chuẩn thực phẩm của Codex (trong đó có tương ớt), đây cũng là tiêu chuẩn của Mỹ, các nước châu Âu… đều là những quốc gia phát triển trên thế giới đang sử dụng”, bà Nga thông tin.
Video đang HOT
Việc sử dụng Acid benzoic, Natri benzoat Acid sorbic hoặc Kali sorbat trong tương ớt theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành không yêu cầu ghi cảnh báo, chỉ yêu cầu đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm phải ghi rõ tên nhóm chất phụ gia, tên chất phụ gia hoặc mã số quốc tế INS (nếu có).
Hồng Hải
Theo Dân trí
Tiêu chuẩn an toàn của Việt Nam "dễ" hơn?
Liên quan đến vụ việc hơn 18.000 chai tương ớt Chinsu có nguồn gốc từ Việt Nam bị thu hồi tại Nhật Bản, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã vào cuộc, đang nhanh chóng tiến hành làm rõ vụ việc.
Sản phẩm tương ớt Chinsu được bày bán phổ biến ở Việt Nam. Ảnh: PV
Tương ớt của Việt Nam không nguy hiểm?
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho hay, hiện chưa có thông tin từ cơ quan chức năng Nhật Bản về việc thu hồi sản phẩm tương ớt Chin-su, nhưng cơ quan này cũng đang làm rõ vụ việc. Đặc biệt là nguyên nhân dẫn đến việc thu hồi và nguồn gốc hàng hóa.
Nguyên nhân lô hàng kể trên bị thu hồi tại Nhật Bản như thông tin từ website của thành phố Osaka, Nhật Bản, nơi thu hồi tương ớt Chin-su là do sản phẩm này có chứa acid benzoic, trong khi quy định tại Nhật Bản không cho phép tương ớt được bảo quản bằng chất này.
Về vấn đề này, đại diện Cục An toàn thực phẩm cho biết, acid benzoic có trong danh mục phụ gia bảo quản thực phẩm của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế mà cả VN và Nhật Bản đều là thành viên.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định liên quan đến phụ gia trong thực phẩm, hiện nay có 186 nước dùng theo tiêu chuẩn chung của Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm của Liên Hợp Quốc (Ủy ban Codex), trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, tiêu chuẩn chung là như vậy, nhưng các thành viên của Codex có nước lại cho phép và có nước lại tuyệt đối cấm. Theo Luật Vệ sinh thực phẩm của Nhật, acid benzoic không được cho phép sử dụng trong tương ớt ở Nhật Bản.
Về nguy cơ nếu sử dụng phụ gia acid benzoic trong sản phẩm, đại diện Cục An toàn thực phẩm cho biết, nếu dùng quá hàm lượng cho phép và ngoài danh mục sản phẩm được phép, acid benzoic gây kích ứng dạ dày, viêm dạ dày... ở người sử dụng. Đại diện Cục ATTP cũng cho rằng, cần phải làm rõ xem loại phụ gia này có được sử dụng trong sản xuất tương ớt hay không.
Axit benzoic là phụ gia bị cấm sử dụng trong sản phẩm tương ớt của Nhật nhưng lại là phụ gia được phép sử dụng tại Việt Nam. Tương ớt Chinsu hiện chứa từ 0,41g/kg đến 0,45g/kg axit benzoic.
"Một số nước có điều kiện phát triển tốt như Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu có những đánh giá riêng, bên cạnh quy định của Codex. Khi xây dựng tiêu chuẩn, các nước này đánh giá trên tổng quan lượng tiêu thụ thực phẩm của người dân nước đó", bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho hay.
Cũng theo đại diện Cục An toàn thực phẩm, nhiều chất mà các nước trên thế giới dùng nhưng Việt Nam lại cấm. Vì vậy, theo bà Nga, việc axit benzoic dùng cho tương ớt của Việt Nam mà không dùng cho tương ớt của Nhật Bản không đồng nghĩa với việc tương ớt của chúng ta nguy hiểm.
Tương ớt chinsu bị Nhật thu hồi vì chứa loại chất bảo quản Nhật không cho phép. Ảnh: P.V
Việt Nam có quy định về việc sử dụng axit benzoic trong thực phẩm
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội, chất bảo quản ít nhiều gây tác hại xấu tới sức khỏe, nhưng có ngưỡng chấp nhận được. Benzoic là axit nằm trong nhóm phụ gia thực phẩm, có tác dụng chống lại vi sinh vật, đặc biệt là nấm mốc.
Ngoài tương ớt, axit benzoic còn được dùng trong các thực phẩm khác như sữa lên men, quả ngâm giấm, hoa quả ngâm đường, các loại sản phẩm nước trái cây, rau thanh trùng, bánh kẹo.
Đồng quan điểm này, PGS.TS Trần Hồng Côn (Khoa Hóa học - Trường ĐHKHTN - ĐHQGHN) cho hay nếu để axit benzoic vào cơ thể với hàm lượng nhiều, cơ thể sẽ bị ảnh hưởng vì glucocol dùng để tổng hợp protein sẽ bị mất do tác dụng với axit benzoic để giải độc. Ngoài ra, axit benzoic có thể tác động hệ hô hấp và hệ thần kinh trung ương, gây kích ứng mắt.
Nên dù không cấm, nhưng Việt Nam có quy định về việc sử dụng phụ gia thực phẩm axit benzoic trong thực phẩm. Cụ thể tại thông tư 27/2012/TT-BYT ngày 30.11.2012 về quản lý phụ gia thực phẩm, hàm lượng benzoic được sử dụng với hàm lượng tối đa 1g/kg sản phẩm tương ớt.
Liều lượng chất bảo quản được cho phép là bao nhiêu?
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Ủy ban Codex có cho phép sử dụng axit benzoic để bảo quản thực phẩm với hàm lượng 0,1% trong sản phẩm.
Ở Việt Nam, quy định của Bộ Y tế cũng cho phép sử dụng phụ gia này với nồng độ tối đa 0,1%, tức 1g/1 lít, 1g/1kg. Đối với con người, khi vào cơ thể, nó tác dụng với glucocol chuyển thành acid purivic không độc, thải ra ngoài.
Liều lượng gây độc ở người của axit benzoic là 6mg/kg thể trọng.
PGS Thịnh cho hay, hiện nay, người ta quan tâm hàm lượng, nồng độ của chất phụ gia mà chưa chú ý tới lượng ăn vào. Ví dụ, ở ngưỡng 0,1% axit benzoic có trong thực phẩm là an toàn, nhưng chúng sẽ không còn an toàn nếu lượng ăn vào quá nhiều, vượt hàm lượng cho phép.
"Việc dùng axit benzoic tùy từng nước có cho phép hay không, liên quan nhiều vấn đề khác. Nhật Bản không cho phép sử dụng trong tương ớt. Không thể nói luật pháp Việt Nam cho phép mà nước khác phải công nhận", PGS Thịnh nêu quan điểm.
Masan chưa có kết luận chính thức về nguồn gốc xuất xứ tương ớt Chin-su bị Nhật Bản thu hồi
Theo thông tin được công bố trên cổng thông tin của thành phố Osaka, hàm lượng phụ gia thực phẩm benzoic acid được Trung tâm y tế công cộng thành phố Osaka kiểm tra trên sản phẩm tương ớt Chin-Su này là từ 0,41 - 0,45g/kg.
Trước vấn đề trên, đại diện Cty Masan đã khẳng định, tất cả các sản phẩm của Cty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan sản xuất và phân phối đều tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và nước nhập khẩu về an toàn thực phẩm, bao gồm cả các quy định về ghi nhãn, thành phần và sử dụng phụ gia. Masan cho biết, họ chỉ chính thức xuất khẩu trực tiếp sản phẩm tương ớt Chin-su sang các thị trường Mỹ, Canada, Úc, Nga, Cộng hoà Séc, Trung Quốc, Đài Loan.
Do đó, thông tin được đăng tải trên Cổng thông tin của thành phố Osaka, Nhật Bản là do việc liên quan đến việc ghi nhãn không đầy đủ của Công ty Javis Co., Ltd. là đơn vị đã nhập khẩu 757 thùng tương ớt Chin-su cho 3 lô hàng có hạn sử dụng đến ngày 10.6.2019, 17.6.2019, 6.7.2019 và bán toàn bộ cho Cty ISC Industrial Co., Ltd.
Đại diện Cty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan bà Vũ Thị Thu Thuỷ cho biết, "Cty chưa từng xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp tương ớt Chin-su cho Cty Javis Co., Ltd hoặc Cty ISC Industrial Co., Ltd. Khi xuất khẩu trực tiếp vào thị trường Nhật Bản, chúng tôi phải tuân thủ quy định ghi nhãn của Nhật Bản. Chúng tôi lấy làm tiếc về sự cố này và cho rằng, nếu Cty Javis Co., Ltd đã liên hệ với chúng tôi để nhập khẩu chính thức thì sự cố ghi nhãn này đã không xảy ra".
Đồng thời bà Thuỷ cho biết, hiện Cty cũng không có mẫu sản phẩm nên chưa thể có kết luận chính thức về nguồn gốc xuất xứ của lô hàng này nhưng nhiều khả năng đây là sản phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam, trên sản phẩm có ghi rõ "Dành riêng cho thị trường Việt Nam. Không dành cho xuất khẩu. Exclusively for sale in Vietnam. Exports are not authorised", hoặc là sản phẩm không rõ xuất xứ.
Theo Lao động
Cục ATTP cảnh báo không mua Aminkid Calci trên một số website Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế vừa đưa ra thông tin cảnh báo người tiêu dùng cẩn trọng với thông tin quảng cáo TPBVSK Aminkid Calci trên các website: sieure.fun, reoilare.fun, muazii.com Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm, thời gian vừa qua trên các website sieure.fun, reoilare.fun, muazii.com có quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ...