Bộ Y tế phản bác hai công văn ‘không phù hợp’ của BHXH Việt Nam
Hai công văn số 4996 và 5219 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH VN) hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành triển khai nghị định 146 của Chính phủ vừa bị Bộ Y tế phản bác là “không phù hợp”.
Người dân khám bệnh tại cơ sở y tế bằng thẻ BHYT – Ảnh: T.L.
Công văn của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn ký đề nghị BHXH VN rà soát hai công văn 4996 và 5219 vì có nhiều nội dung “không phù hợp” các quy định hiện hành, gây khó khăn cho các cơ sở khám chữa bệnh và ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh tham gia bảo hiểm y tế (BHYT).
Cụ thể hướng dẫn của BHXH VN chỉ ghi trường hợp người có thẻ BHYT tự đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến là “tự đi khám, chữa bệnh không phải là nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ BHYT”.
Cho rằng hướng dẫn này không đầy đủ, Bộ Y tế chỉ ra còn thiếu các trường hợp như cấp cứu, đang điều trị nội trú được phát hiện bệnh khác ngoài phạm vi chuyên môn hoặc tình trạng bệnh diễn biến vượt quá khả năng chuyên môn của cơ sở khám, chữa bệnh… theo quy định tại khoản 3 điều 14, 15 của Nghị định 146.
Về việc đề nghị cơ sở khám, chữa bệnh ghi đầy đủ lý do điều kiện chuyển tuyến, Bộ Y tế cho rằng “không cần thiết” và không đúng theo nội dung của giấy chuyển tuyến.
Video đang HOT
Ngoài ra việc yêu cầu cơ sở khám, chữa bệnh tra cứu trên cổng tiếp nhận của hệ thống thông tin giám định điện tử để xác định người bệnh đã được hưởng BHYT đúng tuyến hay trái tuyến là “không phù hợp với thực tiễn, làm phát sinh thủ tục hành chính gây khó khăn cho cơ sở khám, chữa bệnh và người bệnh”.
Bộ Y tế cho rằng việc BHXH VN chỉ chấp nhận trường hợp hẹn khám lại là “trước đó đã được chuyển đúng tuyến” và ngoài trường hợp nêu trên người bệnh chỉ được hưởng mức thanh toán từ 40 – 70% tùy tuyến huyện, tỉnh, trung ương là không phù hợp.
Lý do được đưa ra là nội dung hướng dẫn của BHXH VN gồm cả điều khoản đã hết hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời hướng dẫn này hạn chế quyền lợi của người bệnh đối với các trường hợp được quy định tại khoản 4 điều 22 Luật BHYT và khoản 3 điều 14 Nghị định 146.
Đối với hướng dẫn “quỹ BHYT không thanh toán chi phí khám, chữa bệnh mà người bệnh yêu cầu cơ sở thực hiện” – Bộ Y tế đưa ra 3 cơ sở pháp lý gồm điều 23, khoản 1 điều 22 và khoản 1 điều 20 Nghị định 85 của Chính phủ để khẳng định là không thuộc thẩm quyền của cơ quan tổ chức thực hiện và không đúng với Luật BHYT, các văn bản liên quan.
Cuối cùng, Bộ Y tế cho rằng hướng dẫn của BHXH VN dừng thanh toán chi phí trong trường hợp chuyển người bệnh hoặc mẫu bệnh phẩm để thực hiện các kỹ thuật xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh để chờ Bộ Y tế hướng dẫn là không phù hợp. Lý do các trường hợp nêu trên đều đã được Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể trong các văn bản hiện hành.
Khẳng định để tạo điều kiện và đảm bảo quyền lợi của người bệnh tham gia BHYT, đồng thời hạn chế đầu tư tư trang thiết bị không cần thiết – Bộ Y tế đề nghị BHXH VN kiểm tra rà soát lại hai công văn số 4996 và 5219 hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành.
Mục đích đảm bảo đúng quy định của Luật BHYT, Luật khám chữa bệnh và các nghị định, thông tư hiện hành.
HOÀNG LỘC
Theo tuoitre
Tăng cường công tác khám, điều trị bệnh sởi
Để chủ động phòng chống dịch, đặc biệt là tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế, Sở Y tế Hà Nội vừa có công văn khẩn gửi các bệnh viện trong và ngoài công lập về tăng cường công tác khám, điều trị bệnh sởi.
Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện trong và ngoài công lập trực thuộc tổ chức tập huấn các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi cho nhân viên y tế có tham gia chẩn đoán điều trị bệnh sởi. Đặc biệt, là cán bộ nhân viên khu vực phòng khám, khu cấp cứu, điều trị bệnh nhân sởi và các cán bộ tham gia công tác vận chuyển bệnh nhân.
Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh cần tăng cường công tác khám, phân loại, điều trị bệnh sởi. Ảnh minh họa
Trước đó, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo về vấn đề này, trong đó nhấn mạnh bệnh dịch sởi có số mắc cao hơn so với cùng kỳ năm 2018 và xu hướng tiếp tục tăng, do vậy số khám, điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh gia tăng, đặc biệt là các bệnh viện tuyến cuối gây nên tình trạng quá tải và nguy cơ lây nhiễm chéo bệnh dịch trong bệnh viện.
Bộ Y tế đã yêu cầu giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành, giám đốc bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và y tế các bộ, ngành chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt công tác tuyên truyền trong cơ sở khám chữa bệnh; thực hiện hiệu quả công tác khám chữa bệnh và điều trị.
Với công tác khám bệnh phải tổ chức phân luồng và có khu khám riêng để sàng lọc bệnh sởi, nghi sởi với các bệnh khác. Cho nhập viện điều trị nội trú những ca bệnh sởi nặng theo đúng hướng dẫn, đúng tuyến điều trị để tránh quá tải và giảm lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Tổ chức tư vấn, hướng dẫn người bệnh biết cách chăm sóc ca bệnh nhẹ tại nhà để giảm chi phí điều trị cho gia đình và xã hội, tránh được lây nhiễm chéo và quá tải bệnh viện.
Về điều trị, Bộ Y tế cũng đề nghị các đơn vị chuẩn bị đủ thuốc, trang thiết bị, nguồn nhân lực; bố trí khu vực riêng biệt cho bệnh nhân sởi và nghi ngờ mắc sởi tại khoa truyền nhiễm, khoa nhi hoặc các khu vực cách ly của các khoa lâm sàng trước khi có chẩn đoán xác định bệnh sởi.
Những ca bệnh sởi nặng phải điều trị tại khoa hồi sức tích cực, hồi sức cấp cứu vẫn phải đảm bảo cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn để phòng lây nhiễm chéo. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh căn cứ số lượng và mức độ bệnh để tăng cường nhân lực, khu vực điều trị nội trú nhằm giảm quá tải cho nhân viên y tế làm công tác điều trị bệnh dịch và hạn chế việc người bệnh truyền nhiễm phải nằm ghép. Tổ chức tập huấn lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi đã được Bộ Y tế ban hành cho các nhân viên tham gia khám, điều trị bệnh sởi, đặc biệt đối với các nhân viên y tế được tăng cường.
Đối với công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm bệnh trong bệnh viện cần chú ý thực hiện: Bố trí phòng khám phân loại ngay tại khoa khám bệnh, có hệ thống biển báo chỉ dẫn từ ngoài cổng bệnh viện. Người bệnh đến khám sởi nghi mắc sởi được hướng dẫn thẳng vào phòng khám, không phải ra khu vực tiếp đón chung để giảm lây lan, hạn chế sự di chuyển không cần thiết để phòng lây nhiễm, bố trí việc lấy mẫu xét nghiệm tại chỗ.
Khuyến cáo người bệnh, người nhà người bệnh sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân và vệ sinh phù hợp, hạn chế tiếp xúc; tăng cường công tác vệ sinh tay trong bệnh viện; đảm bảo công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong phòng bệnh, khu vực khám bệnh, cấp cứu hồi sức tích cực và các khu vực khác trong bệnh viện. Bố trí khu điều trị cách ly điều trị bệnh sởi theo quy định; Thực hiện điều trị theo đúng phác đồ, theo dõi sát bệnh nhân, tuân thủ quy trình khám sàng lọc bệnh nhân, nhận bệnh nhân vào điều trị...
Tuyết Nga
Theo baonhandao
4.724 ca cấp cứu tai nạn do đánh nhau trong 7 ngày Tết Trong 7 ngày Tết (từ sáng ngày 28 Tết đến mùng 5 Tết), có 4.724 ca cấp cứu tai nạn do đánh nhau, 57% trong số đó (2.677 ca) phải nhập viện điều trị, theo dõi và 14 trường hợp bị tử vong. Thông tin từ Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, tính đến 7 giờ ngày 9/2/2019...