Bộ Y tế nói gì về mức đóng bảo hiểm y tế học sinh tăng cao?
Năm học 2015-2016, mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) của học sinh-sinh viên (HSSV) tăng từ 3% lên 4,5% mức lương cơ sở/tháng (1.150.000 đồng). Như vậy, sau khi được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% (tương đương 232.875 đồng), HSSV sẽ đóng khoảng 543.000 đồng cho 15 tháng, gần gấp đôi mức đóng của năm trước.
Việc mức đóng BHYT tăng mạnh và phải đóng cho 15 tháng đang khiến nhiều bậc phụ huynh thắc mắc. PV HNMO đã có cuộc phỏng vấn TS Lê Văn Khảm-Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) xung quanh vấn đề này.
-Thưa ông, vì sao mức đóng BHYT đối với HSSV lại tăng mạnh như vậy?
-Tôi biết, hiện nhiều bậc phụ huynh cũng như dư luận đang quan tâm về mức đóng BHYT đối với HSSV điều chỉnh từ 3% mức lương cơ sở lên 4,5% kể từ năm học 2015-2016. Sự điều chỉnh này đã được bàn thảo kỹ lưỡng dưới các góc nhìn, chiều cạnh khác nhau.
Mức đóng BHYT của các đối tượng tham gia BHYT được quy định tại Nghị định 105/2014 của Chính phủ, trong đó HSSV đóng BHYT là 4,5% mức lương cơ sở. Sự điều chỉnh này nhằm đáp ứng một số yêu cầu. Đó là:
Luật BHYT sửa đổi bổ sung có hiệu lực từ 1/1/2015 đã mở rộng quyền lợi đối với người tham gia BHYT. Ví dụ, mức hưởng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình nghèo trước đây là 95%, tức họ phải cùng chi trả 5% chi phí khám chữa bệnh, thì nay không phải trả nữa; người dân ở vùng dân tộc thiểu số, người sinh sống vùng đặc biệt khó khăn, cư dân ở các xã đảo, huyện đảo cũng vậy.
Nhóm đối tượng thuộc hộ gia đình cận nghèo trước đây khám chữa bệnh phải trả 20% chi phí thì nay chỉ phải trả 5%.
Bên cạnh đó, nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao do thay đổi mô hình bệnh tật; cùng với đó là việc ứng dụng các khoa học kỹ thuật mới, các công nghệ mới tại nhiều bệnh viện.
Với HSSV, quỹ BHYT do HSSV đóng còn được sử dụng một phần (7% tổng mức thu) cho hoạt động y tế nhà trường trong nhiệm vụ phục vụ khám chữa bệnh thông thường, chăm sóc sức khỏe ban đầu, gồm cả hoạt động giáo dục truyền thông về giữ gìn sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật, phòng ngừa tai nạn thương tích.
Video đang HOT
TS Lê Văn Khảm-Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế): Mức thu đóng BHYT đối với HSSV thống nhất là 4,5% mức lương cơ sở.
-Nhưng mức đóng trên là quá cao khi mà đầu năm phụ huynh phải đóng nhiều khoản và còn nhiều gia đình gặp khó khăn về kinh tế, thưa ông?
- Theo Luật, mức điều chỉnh thu đóng BHYT đối với HSSV được phép là 6% mức lương cơ sở. Tuy nhiên, sau khi cân đối điều kiện kinh tế xã hội, chúng ta mới chỉ thu 4,5%.
Việc điều chỉnh mức đóng BHYT như vậy có ảnh hưởng đến điều kiện kinh tế gia đình và bậc phụ huynh hay không đã được những người soạn thảo cân nhắc, xem xét. HSSV có thể thuộc nhiều đối tượng khác nhau, ví dụ các em thuộc hộ gia đình nghèo thì được NSNN hỗ trợ 100% mức đóng, là dân tộc thiểu số hoặc là thân nhân của sĩ quan quân đội được hỗ trợ 100% mức đóng, các em thuộc hộ gia đình cận nghèo được ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng. Nhiều địa phương hiện nay huy động nhiều nguồn lực khác nhau, từ các dự án phát triển, nguồn lực địa phương, sự hỗ trợ cộng đồng để hỗ trợ nốt 30% mức đóng của hộ cận nghèo nên không ảnh hưởng nhiều đến đối tượng này.
Ngay cả hộ gia đình cận nghèo sinh sống ở vùng khó khăn hoặc hộ cận nghèo nhưng mới thoát nghèo vẫn được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng. Vậy, số còn lại những gia đình có điều kiện hơn sẽ tham gia đóng 70% mức đóng BHYT đối với HSSV.
-Tại sao HSSV phải đóng BHYT tới 15 tháng, thưa ông?
- Trước đây, việc thu đóng BHYT của HSSV là theo năm học, từ ngày 1/10 năm trước đến 30/9 năm sau (12 tháng). Tuy nhiên, theo hướng dẫn mới về việc thực hiện BHYT, việc thu đóng BHYT được áp dụng theo năm tài chính, tức từ 1/1-31/12 của năm đó. Việc thay đổi này vô hình chung có khoảng thời gian giao thoa, vì thế, năm học này, HSSV phải đóng 3 tháng của năm 2015 và 12 tháng của năm 2016 thì tổng cộng là 15 tháng.
Điều đó không có nghĩa là các hộ và các bậc phụ huynh phải đóng 1 lúc 15 tháng mà mỗi địa phương, cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh phối hợp với sở giáo dục đào tạo và các nhà trường để thống nhất cách thức thu đóng, có thể phân kỳ mức đóng, 6 tháng hoặc 1 năm. Với năm học này, có thể thực hiện, năm 2015 thu 3 tháng 1 lần, còn sang năm 2016 có thể thu 6 tháng hoặc 1 năm/lần. Điều quan trọng là nhà trường và địa phương phải thông tin sớm, đầy đủ để các phụ huynh chủ động. Tuy nhiên, cũng cần chú ý đóng thế nào để không bị nặng gánh tài chính đầu năm nhưng không làm mất thời gian mỗi lần đóng.
-Vì sao không thực hiện thu đóng BHYT đối với HSSV theo hộ gia đình?
- Luật BHYT quy định đã phân chia các nhóm đối tượng theo trách nhiệm đóng, theo hỗ trợ của Nhà nước để phân định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức quản lý, và cũng tạo điều kiện thao tác về kỹ thuật trong triển khai.
Quy định của Luật là xếp HSSV một nhóm riêng, nhóm tham gia hộ gia đình là nhóm riêng. Sau khi trừ các đối tượng, nhóm do ngân sách nhà nước hỗ trợ toàn bộ, hỗ trợ một phần, những người còn lại mới là đối tượng tham gia hộ gia đình. Hơn nữa, theo quy định của Luật, HSSV được hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng. HSSV đóng BHYT tại trường được được chăm sóc sức khỏe ban đầu của nhà trường, nếu không đóng vào đó không có quỹ của nhà trường, HSSV giảm cơ hội được chăm sóc sức khỏe ở nhà trường.
Bên cạnh đó, mới thoáng nhìn đóng theo hộ gia đình sẽ được giảm trừ mức đóng khá lớn, từ người thứ 2,3,4…trong gia đình nhưng quy mô hộ gia đình hiện nay có mấy gia đình có 5-6 người đâu, mà phổ biến là 3-4 người. Khi lập danh sách đóng BHYT theo hộ gia đình, phải trừ các đối tượng khác rồi mới đến đối tượng theo hộ gia đình nên HSSV không quá lợi khi đóng theo hộ gia đình. Vì vậy, phải nhìn theo nhiều phương diện khác nhau, không thể chỉ lấy một ý này để giải thích cho cả vấn đề.
-Hiện nay, nhiều phụ huynh phản ánh mức đóng BHYT ở các cấp học khác nhau, có gia đình con học tiểu học đóng 507.000 đồng nhưng người nhà học đại học lại đóng hơn 530.000 đồng. Ý kiến của ông về vấn đề này?
-Hôm nay bạn nói tôi mới biết được thông tin này. Tôi khẳng định, mức thu đóng BHYT đối với HSSV thống nhất ở mức 4,5% mức lương cơ sở. Tất cả HSSV đều được hỗ trợ tối thiểu 30% từ ngân sách nhà nước. Có thể con số trên khác nhau bởi tính toán có sự sai sót về mặt kỹ thuật chứ không phải do các trường thu mức khác nhau.
- Xin cảm ơn ông! Thanh Hương (thực hiện)
Theo_Hà Nội Mới
BHYT học sinh tăng đột biến, giáo viên giải thích "khô cả miệng"
Trước mức thu bảo hiểm y tế học sinh năm nay, không ít phụ huynh giật mình khi "bỗng nhiên" họ phải đóng gấp đôi năm trước.
Phụ huynh bức xúc
Trước ngày tựu trường, nhiều trường học đã thông báo yêu cầu học sinh phải đóng số tiền bảo hiểm y tế là 543.700 đồng. Nhiều phụ huynh học sinh cảm thấy "choáng" vì số tiền bảo hiểm y tế phải đóng tăng gần gấp đôi so với những năm trước.
Chị Nguyễn Thị Trúc (quận Tân Phú, TP.HCM) bức xúc: "Vừa vào năm học mới đã thấy con mang thông báo thu tiền về rồi. Tôi giật mình thấy số tiền thu bảo hiểm y tế rồi bảo hiểm tai nạn lên đến gần 600.000 đồng. Hai đứa con đi học là đã mất hơn 1 triệu đồng rồi, trong khi hai vợ chồng tôi chỉ là công nhân, lo sao xuể cho những khoản thu này?"
Chị Huỳnh Thị Thảo (huyện Nhà Bè) cũng không giấu được sự thắc mắc: "Tôi nhớ năm trước đóng tiền bảo hiểm cho con chỉ đâu đó khoảng 300.000 đồng thôi, sao năm nay lại tăng nhiều vậy? Đầu năm chúng tôi đã căng mình đóng rất nhiều khoản tiền trường cho con, nay phí bảo hiểm lại tăng thì khổ quá".
Theo giải thích của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm học trước với phí đóng là 3% mức lương cơ sở, khoản tiền mua bao hiểm y tế trong 12 tháng của mỗi học sinh, sinh viên là 289.800 đồng. Tuy nhiên, theo Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi bổ sung một số điều thì năm học 2015-2016 phí đóng bảo hiểm y tế là của nhóm đối tượng trên sẽ tăng lên 4,5% so với lương cơ sở. Học sinh, sinh viên được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% phí mua bảo hiểm, 70% còn lại phải tự chi trả nên mức đóng trong 12 tháng sẽ là 434.700 đồng.
Trước đây, thẻ bảo hiểm của học sinh, sinh viên được cấp vào đầu năm học (tháng 9 hàng năm) và cũng hết hạn vào thời gian trên. Để đồng bộ hóa thời gian được cấp bảo hiểm của học sinh, sinh viên theo các nhóm đối tượng khác trong năm nay, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sẽ triển khai thu thêm 3 tháng bảo hiểm y tế đối với nhóm học sinh, sinh viên, thời hạn bảo hiểm ghi trên thẻ sẽ theo năm tài chính (từ ngày 1/1 đến 31/12 của năm).
Như vậy, ngoài khoản tiền 434.700 đồng phải đóng cho 12 tháng, học sinh, sinh viên sẽ phải đóng thêm 3 tháng với số tiền 108.675 đồng, tổng của 15 tháng là 543.375 đồng. Lý giải cho việc tăng thêm, 1,5% phí mua bảo hiểm y tế so với lương cơ sở, đại diện Bộ Y tế cho rằng, học sinh sinh viên vẫn được bảo hiểm y tế chi trả 80% và đồng chi trả 20% chi phí khi đi khám, chữa bệnh. Nâng mức đóng bảo hiểm y tế là tiền đề cho việc tăng chất lượng khám, chữa bệnh.
Đến giáo viên cũng "than trời"
Cùng với việc tăng phí, học sinh, sinh viên sẽ nằm trong nhóm đối tượng bắt buộc phải mua bảo hiểm y tế. Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận đã ký công văn về việc triển khai thực hiện công tác thu bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên năm học 2015 - 2016. Theo đó, bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên là loại hình bắt buộc phải thu ngay từ đầu năm học. Thành phố giao chỉ tiêu cho từng trường học, cơ sở giáo dục đào tạo đưa tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%.
Chính vì chỉ tiêu 100% này mà không ít giáo viên "than trời" khi phải bất đắc dĩ trở thành các "đại lý thu tiền" cho bảo hiểm xã hội.
Hiệu trưởng một trường tiểu học cho rằng, với mức đóng bảo hiểm y tế như hiện nay, học sinh phải đóng tiền bảo hiểm còn cao hơn cả tiền học phí. Mức học phí của các trường công lập tại TP.HCM hiện nay chỉ ở mức 85.000 đồng - 200.000 đồng/tháng tùy từng cấp học và từng khu vực
Thêm vào đó, thực tế không phải phụ huynh nào cũng sử dụng thẻ bảo hiểm y tế cho con khi đi khám chữa bệnh. Nhiều phụ huynh không tin tưởng vào chất lượng khám, chữa bệnh ở các bệnh viện quận, huyện, mua bảo hiểm y tế học sinh chẳng qua vì nhà trường bắt phải mua chứ hầu như không dùng đến vì thủ tục nhiêu khê, mất thời gian chờ đợi, chưa kể bị phân biệt đối xử.
Nhiều hiệu trưởng ở TPHCM cho biết, trường nào cũng đau đầu, mệt mỏi khi nghe phụ huynh chất vấn về khoản thu bảo hiểm y tế bắt buộc quá cao. Tuy nhiên, do quy định ràng buộc - xem đây là chỉ tiêu xét thi đua hàng năm, nên trường nào cũng bị áp lực phải vận động, thuyết phục phụ huynh, học sinh mua bảo hiểm y tế để đạt chỉ tiêu cao nhất. Và trách nhiệm bán bảo hiểm y tế để đạt ngưỡng 100% đang làm khổ giáo viên chủ nhiệm lẫn ban giám hiệu (!?).
Theo_Eva
Giá bán lẻ điện có thể chạm tới ngưỡng 4.000 đồng/kWh Từ 16/3 tới, khi sử dụng điện sinh hoạt từ kWh thứ 401 trở lên, các hộ gia đình sẽ phải chi trả đơn giá 2.587 đồng/kWh trong khi đó đơn giá đắt nhất cho khối sản xuất 2.735/kWh và cho khối kinh doanh là 3.991 đồng/kWh. Đơn giá bán lẻ điện sinh hoạt được điều chỉnh lũy tiến, dùng càng nhiều càng...