Bộ Y tế lý giải vì sao răng vẩu, ngực lép không được lái tàu
Thành viên ban soạn thảo cho biết, so với lái xe, thể lực và sức khoẻ của lái tàu yêu cầu cao hơn do đặc thù nghề nghiệp.
Ngay sau khi Bộ Y tế công bố dự thảo lấy ý kiến lần 1 về thông tư quy định tiêu chuẩn sức khỏe tuyển dụng và sức khỏe định kỳ của nhân viên đường sắt trực tiếp chạy tàu, có nhiều điểm bất hợp lý đã được chỉ ra.
Chi tiết để tiện cho bác sĩ
Trao đổi với PV, ông Lê Lương Đống, Trưởng phòng Phục hồi chức năng, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, thành viên ban soạn thảo cho biết, thông tư trên bắt đầu được xây dựng từ tháng 9.2017. Đến cuối tháng 12, Bộ đưa lên website để lấy ý kiến trong vòng 2 tháng, kết thúc vào ngày 24.2 vừa qua.
“Trong suốt thời gian này, chúng tôi không hề nhận được ý kiến đóng góp nào, cho đến vừa qua, nhiều báo mới đưa thông tin”, ông Đống nói.
Ban soạn thảo cho rằng do đặc thù nghề nghiệp nên tiêu chuẩn sức khoẻ của lái tàu cao hơn tài xế đường bộ.
Theo ông, ban soạn thảo xây dựng thông tư gồm Bộ Y tế và Bộ GTVT, trong đó có Cục Y tế giao thông vận tải, Tổng công ty đường sắt VN, BV Giao thông vận tải, Trung tâm y tế đường sắt.
“Phía Trung tâm y tế đường sắt đề nghị cần quy định cụ thể trong từng tiêu chuẩn để tiện cho các bác sĩ. Vì nếu sau khi tuyển dụng, phát hiện người được tuyển mắc bệnh thì cơ sở khám chữa bệnh phải chịu trách nhiệm”, ông Đống nói thêm.
Về căn cứ xây dựng, ông Thống cho biết, ban soạn thảo căn cứ theo Quyết định 4132 của Bộ Y tế năm 2001 quy định về tiêu chuẩn sức khoẻ người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới.
Video đang HOT
Là người tham gia xây dựng nhiều thông tư, theo ông Đống, so với lái xe đường bộ, sức khoẻ lái tàu khi tuyển dụng có nhiều quy định khắt khe hơn.
Như lái đường bộ chỉ cần cao 1,62m nhưng lái tàu phải 1,64m trở lên, lái xe đường bộ chỉ cần 48kg nhưng lái tàu cần tối thiểu 52kg. Tương tự lái xe đường bộ, vòng ngực chỉ cần 79cm với nam nhưng lái tàu hoả cần trên 80cm.
Ông Đống quan điểm, quy định rõ vòng ngực vì đây là một trong những chỉ số để đánh giá thể trạng sức khoẻ của một người, hô hấp tốt, độ giãn nở phổi lớn thì vòng ngực sẽ lớn.
“Phía ngành đường sắt cho rằng do đặc thù nghề nghiệp, không phải muốn là dừng để chữa bệnh nên sức khoẻ lái tàu đòi hỏi chặt chẽ hơn để tránh tai nạn. Lái xe đường bộ có thể tuyển người sức khoẻ loại A, B, C nhưng đường sắt chỉ được tuyển loại A, 1 tiêu chí loại B cũng không đủ yêu cầu”, ông Đống giải thích.
Sẽ rút gọn các tiêu chuẩn
Ông Đống cho biết, ngay sau khi báo chí và dư luận có ý kiến, ông đã trực tiếp rà soát lại thông tư cũng như các văn bản có liên quan.
“Thông tư đang dài 21 trang, chúng tôi sẽ xem xét để rút lại chỉ còn 5-6 trang theo hướng bao quát hơn, nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ 2 nhóm tiêu chí và 13 chuyên khoa để người dân đọc thấy đơn giản hơn”, ông Đống cho hay.
Ông Đống dẫn chứng, như chuyên khoa tiêu hoá, hiện quy định rất dài, giờ sẽ suy nghĩ định gọn lại “không mắc các bệnh ảnh hưởng chức năng tiêu hoá”, nếu mới bị loét, chưa ảnh hưởng thì không sao và khi khám bác sĩ vẫn phải khám đủ, khám kĩ. Các chuyên khoa tiết niệu, sinh dục… cũng tương tự.
Riêng với chuyên khoa răng hàm mặt, ông Đống cho biết sẽ bỏ tiêu chí vẩu (khoảng cách 2 hàm lớn hơn 0,5cm).
Với hệ máu bạch huyết trong đó yêu cầu xét nghiệm hậu quả của máu về bệnh phóng xạ, máu khó đông… ông Đống cho biết sẽ xem xét bỏ, vì không phải cơ sở y tế nào cũng đủ máy móc để xét nghiệm chỉ số này. Thay vào đó, bác sĩ sẽ phải khai thác rất kỹ bệnh sử, khi cần chuyển sang BV chuyên sâu hơn để xét nghiệm.
Với các tiêu chí khác, chẳng hạn như lái tàu không được có răng sâu men, ngà trên 3 cái, sẽ chiếu lại thông tư liên bộ năm 2013 về quy định tỉ lệ tổn thương cơ thể do bệnh tật. Nếu chỉ ảnh hưởng 5-7% là bình thường, nếu trên 10% thì không đủ điều kiện.
“Chúng tôi sẽ mời các thành viên trong ban soạn thảo, đặc biệt bên ngành đường sắt cùng ngồi thẩm định lại các tiêu chí. Các cơ quan này đề ra các tiêu chuẩn để tuyển dụng người đảm bảo chất lượng làm việc sau này thì phải đưa ra các tiêu chuẩn, sau đó ngành y tế mới xem tiêu chuẩn như vậy có cao quá hay thấp quá”, ông Đống nói.
Theo Thúy Hạnh (VNN)
Bác sĩ "buồn cười" vì nhân viên đường sắt không được thiếu tinh hoàn hay mổ đẻ
Một bác sĩ chia sẻ, ông cảm thấy "buồn cười" những tiêu chuẩn nam không được thiếu tinh hoàn, nữ không được mổ đẻ, ngực lép... trong Dự thảo Quy định tiêu chuẩn sức khỏe tuyển dụng và sức khỏe định kỳ của nhân viên đường sắt trực tiếp chạy tàu do Bộ Y tế vừa đưa ra lấy ý kiến.
Vị bác sĩ này đã công tác lâu năm trong ngành y tế và có thâm niên trong việc khám tuyển, khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên nhiều ngành. Ông cho biết, ông ngạc nhiên và khá buồn cười với nhiều tiêu chuẩn về sức khỏe của nhân viên đường sắt được quy định trong Dự thảo.
Nhiều tiêu chuẩn về sức khỏe của nhân viên đường sắt đang gây tranh cãi (Ảnh minh họa IT)
Ông phân tích, Dự thảo yêu cầu nữ giới là "trưởng tàu, trực ban chạy tàu, nhân viên gác ghi, điều độ chạy tàu phải cao từ 1,53 m, cân nặng 45 kg, vòng ngực trung bình từ 75 cm trở lên", ngực lép không được tuyển. Nếu vậy, để được tuyển người ta có thể nâng ngực là to ngay, điều này không quyết định yếu tố khỏe hay yếu. Hơn nữa, Việt Nam cũng chưa có quy định về số đo hình thể quyết định "khỏe - yếu" để so sánh, rằng ngực trên 75cm mới đủ khỏe.
Ngoài ra, tiêu chuẩn nhân viên đường sắt cũng đưa nhân viên đường sắt phải không được thiếu tinh hoàn cũng gây "khó hiểu". Thậm chí hài hơn khi "răng vổ" cũng là điều kiện loại trừ khi khám sức khỏe cho nhân viên đường sắt. "Một tinh hoàn, tinh hoàn ẩn hay răng vổ thì liên quan gì đến lái tàu hay bẻ ghi" - vị bác sĩ này chất vấn.
Theo bác sĩ, xây dựng tiêu chuẩn đối với nhân viên đường sắt thì phải đơn giản và phù hợp với yêu cầu nghề nghiệp. Cụ thể như với lái tàu thì phải nghiên cứu xem yêu cầu tiên quyết của nhân viên đường sắt là gì? Ví dụ vô lăng của tàu cao bằng này, thì chiều cao cần của lái tàu để thuận lợi điều chỉnh vô lăng là gì?. Bẻ lái tàu nặng, vậy cơ lực của lái tàu cần bao nhiêu? Lái tàu cũng không nên có dị tật gì về xương khớp mà ảnh hưởng đến hoạt động của khớp tay, khớp chân. Lái tàu phải nghe rõ hiệu lệnh, phải nhìn rõ đường đi nên tai phải thính, mắt phải tinh.
Những các quy định cũng lại phải rõ ràng phải định hóa bắt buộc, mắt bị cận bao nhiêu thì không được, vì nếu cận vừa phải đeo kính vẫn có thể tinh như thường, không thể chỉ quy định chung chung "người cận" không được lái tàu. "Người bị các bệnh về tim mạch thì không nên lái tàu, làm bẻ ghi vì có thể có bất ngờ bị bệnh khi đang làm việc. Nhưng nếu nữ "mổ đẻ hai lần" thì liên quan gì đến công việc nhân viên đường sắt?. Đưa tiêu chí "mổ ruột thừa có di chứng nặng nề" là rất chung chung. Cần phải định nghĩa "thế nào là di chứng nặng nề"?" - bác sĩ này nói.
Một số quy định trong dự thảo
Bác sĩ này lo ngại, nếu đưa ra các chỉ tiêu quá khắt khe thì khó mà tuyển được nhân viên đường sắt. Tuy nhiên, vị bác sĩ này cũng nhận định, đây mới là dự thảo, là những tiêu chuẩn "thô", Bộ Y tế đưa ra để lấy ý kiến dư luận, sau đó Hội đồng xây dựng Dự thảo sẽ có bàn bạc, cân nhắc để đưa ra những tiêu chí phù hợp nhất.
Theo đó, quy định này hướng dẫn khám sức khỏe cho các chức danh của ngành đường sắt như lái tàu, phụ lái tàu, trưởng tàu, trực ban chạy tàu ga, điều độ chạy tàu, nhân viên gác ghi, nhân viên ghép nối đầu máy, toa xe... yêu cầu khám 13 mục như: mắt, răng hàm mặt, tai mũi họng, tim, phổi, máu, hệ tiêu hóa, tâm thần, hệ tuần hoàn, hệ sinh dục, ngoài da - da liễu, nội tiết, u các loại và ngoại hình. Trước đó, Bộ Y tế đang lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Thông tư quy định tiêu chuẩn sức khỏe của nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu.
Đặc biệt, với những hạng mục liên quan đến chức năng sinh lý, sinh dục có các chỉ số cụ thể như: tràn dịch tinh hoàn nam; rò bàng quang âm đạo, các biểu hiện viêm, viêm cạnh tử cung, viêm mạn tính vòi trứng; u nang buồng trứng, trĩ, ruột thừa... Do đó, theo dự thảo này, Bộ Y tế yêu cầu khám tuyển đầu vào lái tàu, phụ lái tàu, loại các trường hợp bị tràn dịch màng tinh hoàn, bệnh đường niệu đạo - dương vật phải can thiệp phẫu thuật.
Nữ giới là trưởng tàu, trực ban chạy tàu, nhân viên gác ghi, điều độ chạy tàu phải cao từ 1,53 m, cân nặng 45 kg, vòng ngực trung bình từ 75 cm trở lên. Nam, nữ nhân viên tuần đường, gác chắn cũng phải đạt các chỉ số tối thiểu về chiều cao, cân nặng, vòng ngực. Ở nhóm bệnh ngoài da, dự thảo này quy định các bệnh viêm da, ghẻ có biến chứng, sạm da từ độ 2 trở lên thuộc nhóm không đủ điều kiện sức khỏe để tuyển dụng.
Dự thảo đã gây nên sự tranh cãi trong dư luận.
Theo Danviet
Người mắc bệnh sùi mào gà, giang mai có được lái tàu? Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, khi đưa ra dự thảo này cơ quan soạn thảo đã có cái lý của họ. Nhân viên y tế khám, kiểm tra sức khỏe cho nam bệnh nhân. Bộ Y tế đang lấy ý kiến góp ý Dự thảo Thông tư Quy định tiêu chuẩn sức khỏe của nhân viên đường sắt...