Bộ Y tế lập tức sửa sai khi ra quy định bị nhiều người phản đối
Công văn được ban hành trước đó có nội dung gây khó khăn cho bác sĩ trong việc chỉ định xét nghiệm điều trị, thiệt thòi về quyền lợi bảo hiểm y tế của bệnh nhân. Ngay lập tức, Bộ Y tế đã gấp rút sửa đổi nội dung của công văn này.
Theo đó, tại Công văn khẩn số 6629, do Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) Lê Văn Khảm ký ban hành ngày 2.11 gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Y tế đề nghị “Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí xét nghiệm đường máu mao mạch căn cứ vào số lần xét nghiệm thực tế đã thực hiện cho người bệnh theo yêu cầu chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh”, đồng thời đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố thực hiện.
Công văn đính chính của Bộ Y tế. Ảnh: L.C
Công văn khẩn kể trên của Bộ Y tế nhằm đính chính, thay đổi nội dung tại điều 2 của Công văn số 5388/BHYT do Bộ này gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam hồi tháng 9 vừa qua.
Trước đó, tại công văn 5388 của Bộ Y tế ban hành ngày 12.9, cũng do ông Lê Văn Khảm ký, gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc thực hiện dịch vụ xét nghiệm đường huyết mao mạch tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, có nội dung: “Số lần xét nghiệm đường máu mao mạch sử dụng cho người bệnh trong ngày không quá 2 lần”.
Sau khi văn bản này ban hành, một số cơ sở y tế, bác sĩ điều trị đã “kêu” khó, không phù hợp vì chỉ định xét nghiệm khi điều trị cho các bệnh nhân cần theo dõi sát, có chỉ định phải làm nhiều hơn số xét nghiệm đường máu bị mặc định 2 lần/ngày. Với một số trường hợp bệnh lý và tùy thuộc tình trạng bệnh, bệnh nhân cần theo dõi diễn biến đường máu từng giờ.
Còn đối với bệnh nhân, nếu quỹ bảo hiểm y tế chỉ thanh toán 2 lần xét nghiệm đường huyết như vậy thì bệnh nhân sẽ rất thiệt thòi khi phải tự thanh toán xét nghiệm ngoài 2 lần đó nếu được chỉ định cần làm nhiều xét nghiệm hơn.
Theo T.L (Lao Động)
Bác sĩ quyết liệt phản đối quy định lạ đời của Bộ Y tế
Những ngày gần đây, các bác sĩ tại TP.HCM phản ứng việc Bộ Y tế gửi công văn đến Bảo hiểm xã hội Việt Nam về giới hạn số lần lấy máu xét nghiệm đường máu mao mạch tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Video đang HOT
Công văn số 5388/BYT-BH ký ngày 12/9/2018 do Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế Lê Văn Khảm ký tên, đóng dấu gửi đến Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam).
Mao mạch là các mạch máu nhỏ gần bề mặt da. Lấy máu mao mạch còn có các tên khác như lấy máu đầu ngón tay, máu gót chân.
Nội dung công văn khẳng định "Số lần xét nghiệm đường máu mao mạch sử dụng cho người bệnh trong ngày không quá 2 lần" bị nhiều bác sĩ phản đối, cho rằng chính ngành y tế đang tự trói chân tay mình.
Vào hồi sức, trung bình 4 lần xét nghiệm đường máu mao mạch
Lấy máu mao mạch cho bệnh nhi tại khoa Sốt xuất huyết, BV Nhi đồng 1 (TP.HCM)
Bác sĩ Huỳnh Minh Thu - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) - cho biết: kỹ thuật xét nghiệm đường máu mao mạch là dùng kim chích và nặn nhẹ ở đầu ngón tay hoặc gót chân để lấy ra vừa đủ một giọt máu.
"Với các trường hợp bệnh nhân nhập viện thì thường bệnh không phải nhẹ. Lấy máu mao mạch bao nhiêu lần/ngày tùy thuộc vào tình trạng bệnh của mỗi bệnh nhi. Khi bệnh nhi nằm phòng hồi sức - cấp cứu, thường số lần lấy xét nghiệm đường máu mao mạch khoảng 4 lần/ngày.
Có trường hợp nặng, phải lấy đến 8 lần/ngày. Khi bệnh nhi bị hạ đường huyết lâu dài có thể ảnh hưởng đến não. Chính vì vậy, phải thường xuyên lấy máu để đo lượng đường huyết mỗi giờ, mỗi ngày để điều chỉnh liều insulin để xác định chính xác bệnh" - bác sĩ Thu chia sẻ.
Công văn quy định về xét nghiệm đường máu
Bác sĩ H.T.H. - công tác tại một bệnh viện ở TP.HCM nhận định: Quy định xét nghiệm đường huyết không quá 2 lần/ngày sẽ đẩy các bác sĩ khoa hồi sức thành những kẻ vô tâm và hại người. Bởi khi điều trị một ca hôn mê trên bệnh nhân tiểu đường thì các phác đồ trong y học trên thế giới đều phải làm xét nghiệm đường huyết nhiều lần trong ngày, thậm chí là mỗi giờ để điều chỉnh liều thuốc tiểu đường cho phù hợp.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) - cho biết, những trường hợp nặng nằm hồi sức rất cần chỉ định xét nghiệm đường huyết mao mạch.
Không chỉ trẻ bị tiểu đường, viêm tụy cấp mà ngay cả trẻ bị sốc do sốt xuất huyết, sốc nhiễm trùng vì thường kèm hạ đường huyết cũng được chỉ định lấy máu mao mạch xét nghiệm đường huyết.
Nếu không được xét nghiệm đường máu mao mạch nhiều lần để chẩn đoán, trẻ có thể bị tổn thương não. Hoặc trường hợp trẻ bị viêm phổi thở máy, phải nuôi ăn qua dịch truyền càng phải thử đường huyết thường xuyên. Trẻ nhập viện trong tình trạng hôn mê phải thường xuyên đo đường huyết vì hạ đường huyết có thể làm trẻ co giật.
Bệnh nhi nhập viện tại BV Nhi đồng 1 (TP.HCM)
Bác sĩ Dương Hoàng Hà - Trưởng khoa Hồi sức tích cực & chống độc, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (TP.HCM) - nhận định: với bệnh nhân vào cấp cứu hoặc hồi sức, hầu hết rơi vào tình trạng đường huyết rất cao hoặc bị hạ thấp nên phải thử thường xuyên: "Bệnh nhân hôn mê tăng đường huyết phải thử mỗi giờ cho đến khi ổn. Thông thường thử 5 lần/ngày, thậm chí có trường hợp phải thử đến 10 lần/ngày".
Lỗi tại... công văn lỗi, sẽ thay đổi!
Các bác sĩ phản đối mạnh mẽ không chỉ bởi với việc giới hạn số lần xét nghiệm đường huyết mao mạch không phù hợp thực tế, mà nội dung này do chính người trong ngành - tức Bộ Y tế đề nghị với Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Bệnh nhi nằm ở phòng cấp cứu khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1 (TP.HCM)
Một số bệnh viện tại TP.HCM cho biết, bảo hiểm y tế vẫn chấp nhận thanh toán cho chỉ định xét nghiệm đường máu mao mạch mà không kèm theo điều kiện nào, cũng không đưa mức giới hạn 2 lần hay 3 lần trong một ngày. Các bác sĩ không hiểu tại sao chính Bộ Y tế lại tự đưa ra mức giới hạn cho dịch vụ xét nghiệm đường máu mao mạch.
Các bác sĩ cho biết nếu quy định này được áp dụng trên thực tế thì họ vẫn tuân thủ theo đúng nguyên tắc chuyên môn điều trị bệnh, không vì bảo hiểm không thanh toán mà thay đổi phác đồ điều trị. Tuy nhiên, bệnh nhân sẽ rất thiệt thòi khi tự chi trả.
Chiều 3/11, trao đổi với Báo Phụ Nữ TP.HCM, ông Lê Văn Khảm - Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế cho biết: "Đây là công văn bị lỗi trong quá trình tổng hợp, soạn thảo, nhầm lẫn về phần áp dụng. Lẽ ra chỉ áp dụng với các trường hợp không nằm hồi sức hoặc chuyên khoa.
Chúng tôi đã soạn thảo một văn bản thay thế và sẽ công bố vào tuần sau. Theo đó, sẽ bỏ giới hạn 2 lần/ngày, nghĩa là không có giới hạn; thanh toán theo thực tế chi phí thực hiện, theo như chỉ định của bác sĩ. Làm bao nhiêu thì bảo hiểm thanh toán bấy nhiêu".
Lấy máu cho bệnh nhi tại bệnh viện
Giải thích vì sao có sự ra đời của công văn này, ông Lê Văn Khảm cho biết: "Lúc trước, bảo hiểm y tế không thanh toán dịch vụ xét nghiệm đường máu mao mạch. Sau đó cho phép nhưng sợ bị lạm dụng xét nghiệm nên chúng tôi ra công văn này để giải thích cho bên bảo hiểm rõ".
Theo phunuonline.com.vn
Nữ sinh xúc phạm cô giáo trên Facebook thừa nhận 'bồng bột' Trở lại lớp sau gần 10 ngày bị đuổi học, hai nữ sinh trường THPT Nguyễn Trãi (Thanh Hóa) chia sẻ rất hối lỗi, sẽ quyết tâm sửa sai. Ngày 2/11, hai trong ba học sinh bị Hội đồng kỷ luật trường THPT Nguyễn Trãi (TP Thanh Hóa) đuổi học một năm vì xúc phạm thầy cô trên Facebook đã trở lại trường....