Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại Ninh Thuận
Ngày 27/8, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng và côn trùng Quy Nhơn làm Trưởng đoàn cùng lãnh đạo Viện Pasteur Nha Trang, Cục quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại Ninh Thuận.
Đoàn công tác của Bộ Y tế làm việc với Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Thuận.
Ông Nguyễn Nhị Linh, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận) cho biết, tính đến ngày 21/8/2019, toàn tỉnh đã có 55/65 xã, phường mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue, với tổng số ca mắc 968 trường hợp; trong đó có 26 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue nặng, không có trường hợp tử vong. Số ca mắc bệnh tăng 6,6 lần so với cùng kỳ năm 2018 (968/147).
Hiện, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm có số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao với 354 trường hợp; huyện Ninh Phước có 323 trường hợp; huyện Ninh Hải có 117 trường hợp; huyện Ninh Sơn có 70 trường hợp; huyện Thuận Nam có 55 trường hợp; huyện Thuận Bắc có 44 trường hợp và huyện Bác Ái có 5 trường hợp.
Tại Bệnh Viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận – điểm giám sát phát hiện bệnh, Đoàn công tác đã tiến hành kiểm tra công tác cập nhật tình hình, thu dung điều trị cho bệnh nhân theo pháp đồ của Bộ Y tế tại các khoa: truyền nhiễm, nhi, hồi sức tích cực – chống độc của bệnh viện theo từng nhóm tuổi và tình trạng bệnh.
Video đang HOT
Đoàn cũng kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa bàn thành phố Phan Rang – Tháp Chàm.
Đoàn công tác đánh giá cao công tác chuẩn bị nhân lực, vật lực để thu dung điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết tại địa phương. Mặc dù có nhiều ca mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue nặng, nhưng do có sự chuẩn bị sơ cứu, điều trị kịp thời của bệnh viện nên Ninh Thuận không có trường hợp nào tử vong.
Tuy nhiên công tác phòng, chống dịch bệnh ở một số địa phương trong tỉnh vẫn chưa được chú trọng; vai trò của chính quyền, Mặt trận, đoàn thể chưa được phát huy, nhận thức của người dân chưa được nâng cao nên dịch bệnh kéo dài, gia tăng, đặc biệt là Phan Rang – Tháp Chàm có số ca mắc sốt xuất huyết tăng khá cao với 354/968 trường hợp.
Bác sĩ Bệnh Viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận khám cho trẻ mắc sốt xuất huyết đang điều trị tại khoa hồi sức tích cực – chống độc.
Do thời tiết thay đổi bất thường, làm cho muỗi truyền bệnh phát sinh, phát triển mạnh. Dự báo trong thời gian tới, dịch sốt xuất huyết có thể diễn biến phức tạp, có nguy cơ gia tăng số ca mắc bệnh. Đoàn công tác đề xuất Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của Ninh Thuận tiếp tục chỉ đạo chính quyền các cấp huy động các ban ngành, đoàn thể cùng tham gia phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm, chủ động trích thêm kinh phí hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch bệnh để thực hiện tốt biện pháp kiểm soát dịch bệnh hiện nay.
Công Thử
Theo TTXVN
Cần giảm quá tải bệnh viện tuyến cuối trong điều trị sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết đang vào mùa cao điểm dẫn tới tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến cuối và bệnh viện trung ương.
Tại TP Hồ Chí Minh, thực trạng này dẫn đến việc sàng lọc bệnh, cũng như nguy cơ lây nhiễm các bệnh khác tại các bệnh viện tuyến trên ngày càng cao, ảnh hưởng đến chất lượng khám và điều trị bệnh.
Bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 100 nghìn trường hợp mắc sốt xuất huyết. Trong đó số trường hợp nhập viện là hơn 43.000. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, trong tháng 7, số ca sốt xuất huyết được báo cáo là 6.456 ca, tăng 123% so với tháng 6, trong đó có 3.696 ca nội trú và 2.760 ca ngoại trú. Tính đến hết tháng 7, số ca mắc sốt xuất huyết tích lũy trong bảy tháng qua là 31.787 ca ( gồm 18.255 ca nội trú và 13.532 ca ngoại trú), tăng 160% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong các bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn thành phố, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới có số ca mắc bệnh sốt xuất huyết đang điều trị nhiều nhất. Theo thống kê của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, hiện bệnh viện đang điều trị 200 ca sốt xuất huyết. Riêng trong tháng 7, có thời điểm, bệnh viện điều trị gần 300 ca sốt xuất huyết, chiếm gần 50% số giường bệnh của bệnh viện. Tính từ đầu năm đến hết tháng 7, số người bệnh nhập viện điều trị bệnh sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới là 5.816.
Bác sĩ Trương Ngọc Trung, Phó Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố cho biết, việc tiếp nhận quá nhiều ca mắc sốt xuất huyết khiến nhiều lúc bệnh viện quá tải, đội ngũ y, bác sĩ phải làm việc vất vả để sàng lọc bệnh, chữa trị cho người bệnh. Trong khi đó, Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng là một trong những bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn thành phố tiếp nhận nhiều người bệnh mắc bệnh sốt xuất huyết. Hiện bệnh viện đang điều trị 57 ca mắc bệnh sốt xuất huyết. Từ đầu năm đến nay, số người bệnh điều trị nội trú tại Bệnh viện Nhi đồng 2 hơn 2.000 ca. Trước số người bệnh nhập viện quá đông, các bệnh viện đã phải chuyển một số ca bệnh không lây nhiễm qua phòng khác để có thể điều trị cho các người bệnh từ tuyến dưới chuyển về.
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa, hơn 80% số ca mắc sốt xuất huyết là nhẹ. Chính vì thế, các bệnh viện tuyến tỉnh, quận, huyện đều có khả năng điều trị khỏi bệnh sốt xuất huyết. Việc người bệnh tập trung chuyển về tuyến trên sẽ gây ra tình trạng quá tải, ảnh hưởng ít nhiều đến việc sàng lọc, kiểm soát bệnh. Việc tập trung điều trị tại bệnh viện tuyến cuối sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm các bệnh khác, khiến bệnh càng nặng hơn. Trên thực tế, nhiều người bệnh mắc sốt xuất huyết tử vong do lây nhiễm thêm nhiều bệnh khác khi điều trị tại các bệnh viện quá tải.
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thì các Bệnh viện Nhi đồng 1, 2 là những bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối của khu vực, cho nên lượng bệnh chuyển đến rất cao. Hiện tại Bệnh viện Nhi đồng 1 đang trong giai đoạn sửa chữa lớn, vì thế Sở Y tế thành phố đã chỉ đạo các bệnh viện quận, huyện trên địa bàn hạn chế chuyển bệnh đến Bệnh viện Nhi đồng 1. Sở Y tế cũng đã có văn bản đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố thông báo đến các bệnh viện trong tỉnh biết để hạn chế chuyển bệnh đến Bệnh viện Nhi đồng 1 và nếu có chuyển thì phải báo trước để bố trí kịp thời. Hiện Bệnh viện Nhi đồng thành phố với cơ ngơi rộng rãi, lại ít người bệnh cho nên việc chuyển người bệnh đến bệnh viện này sẽ góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến cuối còn lại.
Tại hội nghị phòng, chống bệnh sốt xuất huyết do Bộ Y tế tổ chức vào tháng 7 vừa qua tại TP Hồ Chí Minh, để giảm quá tải tại các bệnh viện tuyến cuối, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh rà soát quy trình khám, điều trị đối với người bệnh sốt xuất huyết, bố trí khu khám sàng lọc linh hoạt nhằm đáp ứng tình hình dịch. ối với người bệnh phải nhập viện điều trị cho nên sắp xếp các người bệnh có cùng phân độ vào một khu và có chỉ thị mầu đối với từng phân độ người bệnh nặng, bệnh án nặng nhằm tăng sự lưu ý khi điều trị đặc biệt là theo dõi để phát hiện và xử lý kịp thời. Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa cho rằng, bệnh viện tuyến trên cũng cần cử cán bộ tăng cường hỗ trợ chuyên môn tại chỗ cho tuyến dưới, nhằm nâng cao hiệu quả điều trị bệnh sốt xuất huyết tại tuyến dưới, góp phần hạn chế chuyển bệnh lên tuyến trên. Một trong những khâu quan trọng trong việc giảm quá tải tại các bệnh viện tuyến cuối đó là công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh, hiệu quả hơn. Bên cạnh việc phòng, chống sốt xuất huyết, công tác truyền thông cần phải tuyên truyền cho người dân hiểu rõ mức độ bệnh để có thể yên tâm điều trị tại các bệnh viện tuyến dưới, chỉ những trường hợp nặng mới cần chuyển lên tuyến trên. Có thế, tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến cuối mới cơ bản được giải quyết, qua đó giúp cho công tác điều trị, kiểm soát bệnh sốt xuất huyết được tốt hơn, làm hạn chế các ca tử vong.
LINH NGUYỄN
Theo Nhân dân
Cần chế tài hộ dân và tổ chức không chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết Đồng Nai nên nghiên cứu, xem xét đưa ra những chế tài để làm sao cho người dân và tổ chức phải có trách nhiệm trong việc chủ động phòng chống dịch bệnh SXH Phun thuốc trừ muỗi tại Hà Nội - Ảnh: Ngọc Thắng Đó là đề nghị của ông Lê Thành Đồng, Viện trưởng Viện Sốt rét - ký sinh trùng...