Bộ Y tế khuyến cáo người cao tuổi hạn chế tối đa ra ngoài đường
Bộ Y tế khuyến cáo người cao tuổi, người có bệnh lý nên hạn chế tối đa việc ra ngoài, khu vực công cộng, tiếp xúc với người khác, để phòng tránh Covid-19.
Ngày 19/3, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 gửi công văn tới Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố cả nước về việc tăng cường phòng chống dịch Covid-19 đối với người bệnh, người cao tuổi.
Theo đó, cơ quan chức năng địa phương cần thống kê và lập danh sách, quản lý chặt chẽ sức khỏe người cao tuổi, đặc biệt người có các bệnh lý nền và những người có nguy cơ cao mắc bệnh khác.
Đồng thời phải khuyến cáo, thông báo cụ thể tới các gia đình có người cao tuổi, người có bệnh lý nền và những người có nguy cơ cao, hạn chế tối đa việc ra ngoài, khu vực công cộng, tiếp xúc với người khác.
“Khi người cao tuổi có vấn đề về sức khỏe phải liên hệ ngay với y tế xã, phường, bác sỹ gia đình; trong trường hợp thật sự cần thiết, cấp cứu mới đến cơ sở y tế để khám, chữa bệnh (hết thuốc, cần chỉnh liều…) luôn sử dụng khẩu trang và sát khuẩn tay nếu ra ngoài nhà”, văn bản nêu.
Bên cạnh đó, đối với các trường hợp người trên 60 tuổi và người có các bệnh lý nền, bệnh không lây nhiễm hoặc các bệnh lý khác, cần được ưu tiên trong khai báo điện tử qua ứng dụng NCOVI.
Văn bản cũng nêu, các cơ sở y tế cấp phát thuốc điều trị các bệnh mạn tính với thời gian dài hơn cho tất cả các những người bệnh (tối thiểu 2 tháng).
Video: Phòng ngừa Covid-19, ‘bỏ túi’ ngay 4 cách hạn chế chạm tay lên mặt (Nguồn VTC 16)
NGUYỄN PHƯƠNG
Theo vtc.vn
Hai ca Covid-19 diễn biến nặng, Bộ Y tế khuyên người già hạn chế ra ngoài
Tại Việt Nam, hai ca mắc Covid-19 diễn biến nặng đang phải điều trị tích cực đều trên 60 tuổi, có sẵn bệnh lý nền. Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 khuyến cáo người cao tuổi hạn chế ra ngoài.
Theo đó, tại Việt Nam, đến hai ghi nhận 2 trường hợp diễn biến nặng trong tổng số 76 ca mắc Covid-19.
Đó là trường hợp bệnh nhân nữ người Việt (64 tuổi có bệnh lý nền là rối loạn tiền đình) vẫn đang thở máy, lọc máu duy trì.
Bệnh nhân nam người Anh (69 tuổi có bệnh đái tháo đường type 2, tăng huyết áp), vẫn đang thở máy do suy hô hấp nặng.
Theo dõi sức khoẻ cho người có nguy cơ cao mắc Covid-19 tại khu cách ly. Ảnh: Toàn Vũ
Ngày 19/3, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đã có công văn gửi đến Chủ tịch UNBD các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Công văn do GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế kí, đề nghị các địa phương tăng cường phòng chống dịch cho người cao tuổi, người có các bệnh lý và đối tượng nguy cơ khác.
Theo đó, Ban chỉ đạo đề nghị địa phương thống kê và lập danh sách, quản lý chặt chẽ sức khoẻ người cao tuổi, đặc biệt người có bệnh lý nền, các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh khác.
Khuyến cáo và thông báo cụ thể tới các gia đình có người cao tuổi, người có bệnh lý nền và đối tượng có nguy cơ cao hạn chế tối đa việc ra ngoài, khu vực công cộng, tiếp xúc với người khác. Khi có vấn đề về sức khoẻ phải liên hệ ngay với y tế xã, phường, bác sĩ gia đình. Trong trường hợp thực sự cần thiết, cấp cứu mới đến cơ sở y tế để khám, chữa bệnh (như hết thuốc, cần chỉnh liều...); luôn sử dụng khẩu trang và sát khuẩn tay nếu ra ngoài.
Cá cơ sở y tế thực hiện việc cấp phát thuốc điều trị các bệnh mạn tính với thời gian dài hơn cho tất cả các đối tượng (tối thiểu 2 tháng).
Thực hiện khai báo y tế điện tử hoặc hồ sơ đầy đủ, trước tiên ưu tiên khai cho người từ 60 tuổi trở lên và người có bệnh lý nền, bệnh không lây nhiễm hoặc các bệnh lý khác.
Trước đó, tại cuộc họp cung cấp thông tin về dịch Covid-19 cho báo chí, GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết: "Có đến 80% các ca tử vong tại Trung Quốc là trên 60 tuổi, 75% có bệnh nền đi kèm theo như tăng huyết áp, tim mạch, COPD. Bệnh nền này gây nên tình cảnh lâm sàng nặng hơn".
Trong buổi hội chẩn về hai ca mắc Covid-19 diễn biến nặng hôm 17/3, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, cũng khuyến cáo cần đẩy mạnh tuyên truyền đối với người cao tuổi, có bệnh nền đi kèm cần tham gia khai báo y tế đầy đủ.
Bên cạnh đó, tuyên truyền hướng dẫn người cao tuổi có biện pháp nâng cao sức khoẻ, tránh chỗ đông người, tránh tiếp xúc với những nơi nguy cơ có dịch và người từ vùng dịch về. Người cao tuổi cần tăng cường nếp sống lành mạnh, sử dụng khẩu trang, vệ sinh cá nhân, ăn, ngủ, nghỉ điều độ. Đặc biệt khi có những biểu hiện sức khỏe như ho, sốt, khó thở thì báo cáo cơ sở y tế gần nhất để được cán bộ y tế đến tận nơi thăm khám và chăm sóc.
Theo các chuyên gia, một số điểm bất lợi của người cao tuổi đối với bệnh Truyền nhiễm là khả năng chống đỡ với bệnh tật và thích nghi với môi trường của người cao tuổi ngày càng suy giảm; Phổi giảm dung tích, lồng ngực thu hẹp, màng nhầy giảm, lực ho yếu, do vậy người cao tuổi rất dễ bị viêm đường hô hấp; Tim phì đại, khả năng điều hoà và thích nghi kém... Người cao tuổi dễ mắc nhiều bệnh cùng lúc. Theo nghiên cứu của BV Lão khoa TƯ cho thấy trung bình người cao tuổi mắc 2,6 bệnh, đối với người trên 80 tuổi con số này là 6,8 bệnh.
Liên quan đến các trường hợp bệnh nhân nặng, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, Bộ Y tế thành lập Nhóm Điều trị tích cực gồm các chuyên gia các lĩnh vực để hỗ trợ và điều trị các bệnh nhân Covid-19 nặng.
Hồng Hải (dantri.com.vn)
Bệnh nhân thứ 39 nhiễm virus corona là hướng dẫn viên du lịch ở Hà Nội Bộ Y tế vừa công bố bệnh nhân mới dương tính với virus corona tại Việt Nam. Đây là bệnh nhân thứ 5 mắc Covid-19 tại Hà Nội. Bộ Y tế vừa thông tin về trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 thứ 39 tại Việt Nam. Bệnh nhân là nam, 29 tuổi, hướng dẫn viên du lịch của Công ty Amazing Ninh...