Bộ Y tế khuyến cáo không uống quá 2 lon bia, 2 chén rượu trong ngày Tết
Để bảo đảm sức khỏe trong dịp Tết, Bộ Y tế khuyến cáo người dân hãy hạn chế uống rượu bia, nếu có uống thì không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày với nam giới…
Bộ Y tế đưa khuyến cáo hạn chế uống rượu bia trong dịp Tết
Theo Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, rượu được xác định có liên quan đến 200 loại bệnh, là chất gây nhiều bệnh nhất trong các chất nguy hại cho sức khỏe.
Việt Nam là nước đứng thứ ba khu vực châu Á về tiêu thụ rượu, bia. Đặc biệt, vào dịp tết, lễ hội đầu xuân như hiện nay thì nhu cầu tiêu dùng rượu bia tăng đột biến do rượu, bia là đồ uống thường không thể thiếu trong mỗi dịp liên hoan.
Cũng vì thế, những ngày này, số người nhập viện do say rượu, bia, thậm chí bị ngộ độc rượu có xu hướng gia tăng, nhiều trường hợp nguy kịch do xuất huyết tiêu hóa, men gan tăng, viêm gan, xơ gan, viêm tụy…
Để bảo đảm sức khỏe trong dịp Tết cổ truyền Canh Tý 2020 và các ngày lễ hội đầu Xuân, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế khuyến cáo mỗi người dân cần tuân thủ thực hiện tốt các quy định của Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Video đang HOT
“Hãy hạn chế uống rượu, bia vì không có ngưỡng nào là an toàn. Nếu có uống: không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày với nam giới, một đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày/tuần.
Một đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống. Như vậy một đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%); một cốc bia hơi 330 ml; một ly rượu vang 100 ml (13,5%); hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%)” – Cục Y tế dự phòng khuyến cáo.
Đặc biệt, Cục Y tế dự phòng kêu gọi người dân tuyệt đối không điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia. Chỉ uống rượu, bia rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng.
Theo anninhthudo
Mềm môi rượu tất niên, cổng bệnh viện chực chờ
Dịp Tết, số bệnh nhân nhập viện liên quan đến rượu bia tăng cao, chủ yếu do xuất huyết tiêu hóa, men gan tăng, viêm gan, xơ gan, viêm tụy cấp...
Một bệnh nhân nhập viện điều trị viêm tụy cấp do rượu gây nên
Theo các chuyên gia y tế, thời điểm trước và sau Tết, số bệnh nhân nhập viện liên quan đến rượu bia có xu hướng tăng cao, trong đó chủ yếu là xuất huyết tiêu hóa, men gan tăng, viêm gan, xơ gan, viêm tụy cấp...
Xuất huyết tiêu hóa nôn ra máu vì rượu
Bệnh nhân N.V.T (TP Bắc Ninh) được người nhà cho nhập viện trong tình trạng người mệt mỏi vã mồ hôi, tay chân lạnh, huyết áp tụt, nôn ra máu, đại tiện ra máu... Theo người nhà, ông T. nghiện rượu gần 20 năm, dù đã bị xơ gan nhưng vẫn "lấy cớ" tất niên để lướt khướt tối ngày bất chấp vợ con khuyên can và hậu quả phải nhập viện cấp cứu. Sau khi khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân T. bị sốc mất máu do xuất huyết tiêu hóa trên, bởi bệnh nhân trước đó uống quá nhiều rượu bia, say rượu nên nôn nhiều làm rách niêm mạc thực quản. Ngay lập tức bệnh nhân được hồi sức tích cực chống sốc mất máu.
Theo BS. Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai, uống rượu nhiều sẽ làm tổn thương bộ phận gan, tế bào gan bị hoại tử, thoái mỡ, tổ chức xơ phát triển dẫn đến xơ gan. Xơ gan làm ảnh hưởng mạnh đến các quá trình chuyển hóa của cơ thể như: Khả năng thải độc, tạo mật, quá trình đông máu... Các bệnh nhân xơ hoá gan do uống rượu nhiều hầu hết đến viện trong tình trạng muộn, đã có biến chứng rõ ràng như: Xuất huyết tiêu hoá, vàng da, cổ trướng...
Bệnh nhân khi bị xuất huyết tiêu hóa thường rất dễ nhận biết bởi các biểu hiện đặc trưng như: Mệt mỏi, chán ăn, vàng mắt, vàng da, nôn ra máu rất nhiều, đi đại tiện ra máu, đại tiện phân đen như bã cà phê. Mức độ mất máu có thể nhẹ tới vừa, thậm chí nhiều trường hợp chảy máu nặng gây mất máu nghiêm trọng, đe dọa tới tính mạng bệnh nhân.
Các chuyên gia về tiêu hóa nhận định, thời điểm trước và sau Tết, số bệnh nhân nhập viện liên quan đến rượu bia tăng cao, trong đó chủ yếu là xuất huyết tiêu hóa, men gan tăng, viêm gan, xơ gan, viêm tụy... Hầu hết bệnh nhân vào viện trong tình trạng lạm dụng rượu kéo dài nhiều năm. Cá biệt có nhiều bệnh nhân ra vào viện 9-13 lần do xuất huyết tiêu hóa.
Nguy kịch viêm tụy cấp cũng vì rượu
Năm nay, anh H.V.P (Hà Nam) lắc đầu quầy quậy mỗi khi ai mời rượu và quyết tâm chỉ nâng đủ 3 chén trong tiệc rượu cho mọi người vui. "Cũng dịp áp Tết năm trước, nếu không nhờ sự tận tình cứu chữa của các bác sĩ BV Bạch Mai thì chắc tôi không còn cơ hội được đón Tết với hai đứa con thơ chỉ vì viêm tụy cấp do những trận rượu tất niên triền miên", anh P. chia sẻ.
Theo lời anh P., anh được chính các bạn rượu đưa đi cấp cứu trong tình trạng đau bụng vật vã, chân tay mềm nhũn, nôn thốc nôn tháo tất cả. Lúc đó anh P. vẫn chỉ nghĩ chắc cơn đau dạ dày hành hạ mà không ngờ đó là cơn đau báo hiệu viêm tụy cấp. Sau nhập viện, anh P. nhanh chóng được chuyển lên khoa hồi sức cấp cứu vì có dấu hiệu hoại tử, suy đa tạng. "10 ngày tôi sống phụ thuộc hoàn toàn vào máy móc, đối mặt với tử thần khiến cả nhà không ăn không ngủ. May mắn thoát chết trong gang tấc, nên từ lần đó chừa luôn những trận rượu say khướt", anh P. tâm sự.
GS. Nguyễn Gia Bình, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai cho biết, bệnh viêm tụy do uống quá nhiều rượu bia, hoặc tăng mỡ máu chiếm tỷ lệ cao. Tuy nhiên, diễn tiến của viêm tụy cấp rất khó lường nên tiên lượng cho các bệnh nhân thể hoại tử đã có biến chứng sốc và suy đa tạng luôn hết sức dè dặt.
Còn theo phân tích của BS. Lê Dương Tiến, Khoa tiêu hoá, Bệnh viện Thanh Nhàn, khi uống quá nhiều rượu, sẽ gây ra tổn thương tụy, rối loạn chuyển hoá. Lúc này men tụy sẽ được hoạt hóa, men tụy tự phá hủy tụy và các cơ quan lân cận gần nó, dẫn đến suy đa phủ tạng, bệnh nhân rất dễ tử vong. Dịch tụy tham gia vào quá trình tiêu hoá, bị tổn thương sẽ khiến bệnh nhân đau tức thượng vị và mạng sườn trái, đau xuyên ra sau lưng, nôn, buồn nôn, chướng bụng...
Nặng hơn bệnh nhân có thể bị sốc nhiễm khuẩn dẫn đến tụt huyết áp, toan chuyển hóa nặng, hôn mê và tử vong. "Số bệnh nhân viêm tụy, do rượu bia hiện nay ngày càng tăng lên và nó chiếm khoảng 20-30% các mặt bệnh tiêu hóa", BS. Tiến khuyến cáo.
Theo số liệu của ngành Y tế, khoảng 80% viêm tụy cấp có nguyên nhân, 20% không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, trong những năm gần đây tỷ lệ viêm tụy cấp do 2 nguyên nhân rượu và mỡ máu lại tăng rất nhanh, chiếm tới 70% số ca nhập viện.
Theo baogiaothong
Thực hư loại thuốc "thổi bay" nồng độ cồn sau khi uống bia rượu Trước thông tin lan truyền rằng có loại thuốc có thể "thổi bay" nồng độ cồn sau khi uống rượu, bia, ngày 6/1, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cho biết chưa một sản phẩm dược phẩm nào được cấp phép lưu hành tại Việt Nam có công dụng như vậy. Một sản phẩm được quảng cáo có tác dụng "thổi bay"...