Bộ Y tế dự kiến cắt giảm 1.151 điều kiện đầu tư kinh doanh
Bộ Y tế đã rà soát các điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực y tế đang được quy định tại: 06 Luật; 13 Nghị định và 07 Thông tư và và dự kiến cắt giảm 1.151/1.680 điều kiện đầu tư kinh doanh đạt 68,51% và cắt 168/338 thủ tục hành chính đạt 49,70%.
Ngày 26/4/2018, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế.
Dự thảo Nghị định đã được đăng tải nội dung trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế để lấy ý kiến góp ý. Dự kiến Nghị định này sẽ được trình Chính phủ trong tháng 5/2018.
Tham dự và chủ trì Hội thảo có GS. TS. Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Bộ Y tế, cùng đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn, Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Tài chính, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Sở Y tế, cơ sở y tế, Hiệp hội ngành nghề và đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế.
Quang cảnh buổi Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế.
Thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 413/TTG-TH ngày 30/3/2018 yêu cầu việc cắt giảm, sửa đổi hoặc bãi bỏ phải thực chất, không cắt giảm, bãi bỏ hoặc sửa đổi theo kiểu cơ học thuần túy, gộp nhiều điều kiện vào một điều kiện; tuyệt đối không cắt giảm cái này lại bổ sung cái khác hoặc sửa đổi, cắt giảm theo kiểu thay đổi tên gọi.
Bộ Y tế đã rà soát và đề xuất việc cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh thực hiện theo 5 nguyên tắc sau: Các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không ảnh hưởng đến chất lượng các dịch vụ chuyên môn hoặc đã được pháp luật chuyên ngành khác quy định hoặc có sự chồng chéo giữa các văn bản gây khó khăn khi thực hiện.
Các điều kiện kinh doanh không định lượng, mang tính định tính, cảm quan không đo lường cụ thể được gây khó hiểu, mập mờ cho người thực hiện như: “phải phù hợp”, “phải đủ”, “phải có đủ sức khỏe”, “phải có trình độ”…;
Các điều kiện kinh doanh đương nhiên phải đáp ứng khi hoạt động như: có đủ điện, nước, ánh sáng …; Các điều kiện đã có quy định ở mức độ cao hơn nhưng vẫn tồn tại các điều kiện ở mức độ thấp, ví dụ: đã có quy định phải đạt ISO, GMP, HACCP… nhưng ở văn bản hướng dẫn vẫn quy định các điều kiện thấp hơn; Chuyển tối đa hình thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Video đang HOT
Tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: “Theo yêu cầu của Chính phủ, phải đảm bảo các điều kiện kinh doanh của chúng ta phải cắt bỏ được khoảng 50%, giảm được các thủ tục về kiểm tra chuyên ngành khoảng 50%. Đây là những con số minh chứng cho sự chỉ đạo quyết liệt, thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong vấn đề đổi mới và đồng hành cùng doanh nghiệp, cùng người dân”.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế đã rà soát các điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực y tế đang được quy định tại: 06 Luật; 13 Nghị định và 07 Thông tư và và dự kiến cắt giảm 1.151/1.680 điều kiện đầu tư kinh doanh đạt 68,51% và cắt 168/338 thủ tục hành chính đạt 49,70%. Và hiện nay Bộ Y tế vẫn tiếp tục rà soát và bãi bỏ các Nghị định, thông tư có quy định điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết.
Đối với nhóm điều kiện kinh doanh đề nghị bãi bỏ hiện đang được quy định tại Luật, Pháp lệnh: Bộ Y tế đề xuất với Chính phủ báo cáo Quốc hội đẩy nhanh tiến độ xem xét sửa đổi các văn bản đó.
Đối với nhóm điều kiện thuộc các văn bản hướng dẫn Luật (bao gồm cả Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư, …): xây dựng dự thảo Nghị định theo hình thức một văn bản sửa nhiều văn bản.
Hiện nay, Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi một số quy định sửa đổi một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế, Nghị định đề cập đến 9 lĩnh vực có quy định điều kiện kinh doanh gồm: Khám chữa bệnh; Dược phẩm, mỹ phẩm; An toàn thực phẩm; Trang thiết bị y tế; Y dược cổ truyền; Y tế dự phòng; Sản xuất chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế; Xét nghiệm HIV và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; Thụ tinh trong ống nghiệm, Mang thai hộ, Xác định lại giới tính.
Tiếp tục xem xét tháo gỡ một số vướng mắc gây khó cho cơ sở tư nhân
Tham dự hội thảo này rất nhiều doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực y tế, cơ sở y tế tư nhân… đánh giá cao dự thảo Nghị định sửa đổi một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế. Tuy nhiên, một số ý kiến vẫn đề nghị Ban soạn thảo xem xét để sửa đổi, bổ sung một số quy định hiện hành chưa được đưa vào trong dự thảo Nghị định sửa đổi này.
Đại diện của bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cho hay, khoản 2, điều 136 của Nghị định 54/2017/NĐ-CP (Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật dược) có quy định cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ được mua thuốc trúng thầu của chính cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó sẽ gây khó khăn cho các cơ sở y tế tư nhân.
Đại diện Ban soạn thảo giải đáp các ý kiến thắc mắc của các đại biểu tham gia.
“Với cơ sở khám chữa bệnh nhà nước thì lệ thuộc vào khoản đấu thầu, trúng thầu. Còn đối với cơ sở tư nhân thì công việc này phục vụ cho kinh doanh. Trên thực tế thì có rất nhiều loại thuốc khi mới vào Việt Nam, được phép lưu hành nhưng lại chưa nằm ở gói thầu nào cả nên nếu quy định bó hẹp như ở khoản 2, điều 136 thì sẽ gây khó cho các nhà thuốc hoạt động tại bệnh viện”, đại diện này chia sẻ.
Đại diện Ban soạn thảo Nghị định cho hay, quy định này đã được Bộ Y tế và VCCI xem xét rất kỹ lưỡng khi căn cứ vào điều kiện thực tế, đảm bảo sự công bằng cho các nhà thuốc trực thuộc bệnh viện và các thuốc tư ở bên ngoài. Mục tiêu nhằm để cho người dân mua được thuốc tốt với giá thành thấp nhất.
Đánh giá cao về công tác rà soát Nghị định 54/2017/NĐ-CP, cắt giảm các quy định không cần thiết của Bộ Y tế, ông Phạm Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Dược Phẩm Trung Ương CPC1 cho hay: Cơ bản các vướng mắt trong hoạt động, kinh doanh vừa qua của doanh nghiệp là đã được giải quyết. Tuy nhiên tại khoản 3, điều 133 có quy định: “Cơ sở kinh doanh dược không được bán thuốc khi chưa có giá kê khai, kê khai lại được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế do chính cơ sở sản xuất hoặc cơ sở đặt gia công, cơ sở nhập khẩu thuốc đó đã kê khai, kê khai lại”. Việc này dẫn đến tình trạng khi doanh nghiệp nhập thuốc về sẽ có một khoảng thời gian trễ và trống khi chưa được công bố lên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, thời gian này lại không được bán hành nên ảnh hưởng đến tốc độ bán hàng và doanh thu.
Giải đáp vấn đề này, đại diện của Bộ Y tế khẳng định: Đúng là cách đây 1-2 năm thì rất trễ, tuy nhiên hiện nay chủ yếu là thực hiện hậu kiểm nên việc này đã được giải quyết. Cụ thể, khi có hồ sơ đến Cục Quản lý dược trong thời gian quy định thì phải cho lên cổng thông tin, sau đó quay trở lại thấy giá của anh cao hơn với các cơ sở khác thì sẽ có công văn yêu cầu giải trình lại, không có chuyện đợi lâu, đợi dài.
“Cục Quản lý dược mà không đăng tải kịp thì đơn vị này phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, trước nhân dân, trước doanh nghiệp”, đại diện này nói.
Chưa thỏa mãn với các câu trả lời này, chị Đinh Thị Thùy – Khoa dược của BV Thu Cúc phân tích: Khi chúng ta đăng ký thuốc thì đã qua một Hội đồng xét rất bài bản về giá. Bộ Y tế có nói giá thuốc bệnh nhân đang mua ở ngoài sẽ bị vướng khi mà không qua đấu thầu vì không có sự cạnh tranh thì có thể giải quyết ngay từ đầu, tức là đăng ký ban đầu thì các ban ngành đã đưa ra một cái giá thuốc theo tiêu chí an toàn, hợp lý. Khi đó, công việc phía sau là thầu hay không thầu chỉ là một khâu thủ tục hành chính, giúp các cơ sở rà soát lại một lần nữa.
“Kết quả đầu thầu của tất cả các doanh nghiệp sản xuất trên cả nước, đôi khi chỉ đủ cung cấp cho các cơ sở đấu thầu trực tiếp, còn đối với bệnh viện tư nhân khi áp kết quả thầu của các doanh nghiệp đó thì họ lại không có trách nhiệm cung cấp sản phẩm cho dịch vụ những doanh nghiệp tư nhân mà không đấu thầu. Điều này sẽ gây khó khăn cho các bệnh viện tư”, chị Thùy nói.
Lắng nghe và tiếp thu các ý kiến một cách cầu thị, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị các ý kiến đóng góp gửi lại cho Ban soạn thảo bằng văn bản và dẫn giải chi tiết. Trên cơ sở đó, Ban soạn thảo sẽ cùng ngồi lại với các đơn vị liên quan thảo luận, xem xét lại để làm sao cân bằng tất cả lợi ích các bên, lợi ích của người bệnh, lợi ích của doanh nghiệp…
Nguyễn Hùng
Theo Dân trí
Công bố quyết định bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ KH&CN
Ngày 19.4, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đã trao Quyết định số 398/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Bùi Thế Duy, Chánh Văn phòng Bộ, giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Tân Thứ trưởng Bùi Thế Duy phát biểu nhận nhiệm vụ. Ảnh báo KHPT
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh chúc mừng và bày tỏ sự tin tưởng, với trọng trách mới, ông Bùi Thế Duy sẽ luôn là người lãnh đạo gương mẫu, trí tuệ, mẫn cán. Thời gian tới Bộ trưởng mong rằng tân Thứ trưởng sẽ tiếp tục phát huy được năng lực, sở trường của mình, phấn đấu để đạt kết quả công việc cao hơn nữa, cùng với tập thể lãnh đạo Bộ và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao.
Phát biểu nhận nhiệm vụ, tân Thứ trưởng bày tỏ sự xúc động, vinh dự nhận được sự tín nhiệm của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các lãnh đạo Bộ; đồng thời nguyện tiếp tục ra sức phấn đấu, gương mẫu, rèn luyện về mọi mặt, nỗ lực nâng cao năng lực công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và toàn ngành.
Như vậy hiện Bộ Khoa học và Công nghệ có Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và 5 Thứ trưởng: Thứ trưởng Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Phạm Đại Dương và tân Thứ trưởng Bùi Thế Duy.
Tân Thứ trưởng Bùi Thế Duy sinh năm 1978, tại Hà Nội, từng giữ chức Chánh Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam (Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh).
Ông Bùi Thế Duy từng đoạt Huy chương Đồng Olympic Tin học quốc tế, Hà Lan; Huy chương Đồng Olympic Tin học quốc tế, Hungary. Năm 1998, du học tại Đại học Wollongong (Australia) theo học bổng AusAid. Năm 2001-2004, làm nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Twenle của Hà Lan. Bảo vệ luận án tiến sĩ ở tuổi 26 và về làm giảng viên Khoa Công nghệ - Thông tin của Đại học Công nghệ (ĐHQGHN)./.
Theo PV (Báo điện tử Chính Phủ)
Người trẻ nhất được phong Phó GS nhận quyết định làm Thứ trưởng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 398/QĐ-TTg của bổ nhiệm ông Bùi Thế Duy làm Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Ông Duy từng bảo vệ luận án tiến sĩ khi tuổi đời còn rất trẻ và là người được trao hàm PGS khi mới 31 tuổi. Bộ trưởng Chu Ngọc Anh (phải) trao Quyết...