Bộ Y tế: Điều trị Covid-19 theo triệu chứng
Hội đồng chuyên môn y tế cho biết đang điều trị bệnh nhân Covid-19 theo triệu chứng, giữ phòng bệnh thông thoáng, súc họng bằng dung dịch sát khuẩn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Cục trưởng Quản lý Khám Chữa bệnh Lương Ngọc Khuê, cùng 30 chuyên gia thành viên Hội đồng chuyên môn các bệnh truyền nhiễm, họp cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chiều qua. Các chuyên gia cũng xem xét các loại thuốc đang được một số quốc gia thử nghiệm lâm sàng.
Tuy nhiên, Hội đồng khẳng định vẫn chưa có thuốc đặc hiệu điều trị Covid-19, tất cả thuốc hiện nay đều điều trị triệu chứng là chính. Bộ Y tế khuyến cáo việc sử dụng thuốc trong điều trị Covid-19 phải tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của bác sĩ. Người dân không tự ý sử dụng thuốc tránh ngộ độc hay các tác dụng phụ không mong muốn.
Để điều trị bệnh nhân Covid-19, Bộ Y tế hướng dẫn:
Với phòng điều trị bệnh nhân:
Phòng cần được đảm bảo thông thoáng. Có thể sử dụng hệ thống lọc không khí hoặc các biện pháp khử trùng phòng bệnh như đèn cực tím.
Đối với người bệnh:
- Vệ sinh mũi họng, có thể giữ ẩm mũi bằng cách nhỏ dung dịch nước muối sinh lý. Súc miệng họng bằng các dung dịch vệ sinh miệng họng thông thường.
- Giữ ấm. Uống đủ nước, đảm bảo cân bằng dịch, điện giải.
Cách thức điều trị:
- Thận trọng khi truyền dịch cho người bệnh viêm phổi không có dấu hiệu của sốc.
- Đảm bảo dinh dưỡng và nâng cao thể trạng.
- Người bệnh nặng, nguy kịch cần áp dụng hướng dẫn dinh dưỡng của Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc.
- Bệnh nhân sốt cao, hạ sốt bằng paracetamol liều 10-15 mg một kg một lần, không quá 60 mg một kg một ngày cho trẻ em và không quá 2 gam một ngày với người lớn.
Video đang HOT
- Giảm ho bằng các thuốc giảm ho thông thường nếu cần thiết.
- Các biện pháp điều trị khác như sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus, corticosteroids toàn thân, lọc máu ngoài cơ thể, Immunoglobuline truyền tĩnh mạch (IVIG), phục hồi chức năng hô hấp…
Phác đồ điều trị còn dựa trên tình trạng từng bệnh nhân. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ cho bệnh nhân súc họng bằng dung dịch sát khuẩn.
“Tài liệu nước ngoài chưa từng đề cập cách này, nhưng qua kinh nghiệm điều trị và bằng chứng khoa học về săn sóc bệnh nhân thở máy, chúng tôi áp dụng biện pháp súc họng giúp ngăn ngừa nhiễm trùng, ngăn ngừa virus. Đây là biện pháp khác biệt của Việt Nam”, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết. Bệnh viện Chợ Rẫy đã điều trị thành công 2 bệnh nhân Covid-19.
Bệnh nhân Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam (phải) điều trị ở bệnh viện Chợ Rẫy trong phòng mở cửa thông thoáng, khỏi bệnh cuối tháng 2. (Ảnh: VnExpress)
Các khuyến cáo của WHO cũng chưa từng áp dụng cách súc họng. Quan trọng nhất là bác sĩ phải theo dõi sát tình trạng sức khỏe bệnh nhân, áp dụng tất cả kinh nghiệm điều trị lâm sàng để phát hiện sớm biến chứng và ngăn ngừa.
Ngoài ra, bác sĩ theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu sinh tồn, kịp thời phát hiện những dấu hiệu tiến triển nặng của bệnh nhân như suy hô hấp, suy tuần hoàn để có các biện pháp can thiệp kịp thời. Đánh giá, điều trị, tiên lượng các tình trạng bệnh lý mạn tính kèm theo nếu có.
Thực hiện đầy đủ các xét nghiệm cận lâm sàng và thăm dò thường quy, tùy từng tình trạng người bệnh để chẩn đoán, tiên lượng, và theo dõi người bệnh.
Bên cạnh đó, tại các cơ sở điều trị cần có các trang thiết bị, dụng cụ cấp cứu tối thiểu như máy theo dõi độ bão hòa oxy, hệ thống/bình cung cấp oxy, thiết bị thở oxy, mặt nạ, dụng cụ đặt ống nội khí quản phù hợp các lứa tuổi…
Trường hợp bệnh nhân thiếu oxy nặng, dai dẳng hoặc thất bại với các biện pháp điều trị thông thường, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định và sử dụng các kỹ thuật trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO) cho từng trường hợp cụ thể. Phương pháp ECMO chỉ được thực hiện ở những cơ sở y tế có đủ điều kiện triển khai.
Hiện, trong các ca Covid-19 đang điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương có 3 bệnh nhân rất nặng đang được can thiệp ECMO. Việc hội chẩn các bệnh nhân này được 30 chuyên gia thuộc Hội đồng Chuyên môn Bộ Y tế tiến hành hàng ngày.
Thứ trưởng Bộ Y tế: 'Bệnh nhân thứ 34 rất phức tạp'
Lãnh đạo Bộ Y tế và tỉnh Bình Thuận nói, 'bệnh nhân thứ 34 rất phức tạp'. Bệnh nhân thứ 38 (con dâu bệnh nhân thứ 34), phải nhờ 'sếp' bệnh nhân này tác động mới chịu đi cách ly.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc sáng nay 15.3 ảnh: Quế Hà
Sáng 15.3, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế dẫn đầu đoàn công tác Bộ Y tế về làm việc tại Bình Thuận để kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại tỉnh này.
Mở đầu buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt quan tâm đến diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay, nói chung và của Bình Thuận nói riêng.
Thủ tướng chỉ đạo phải đặc biệt quan tâm, với quyết tâm cao nhất, không được chủ quan với dịch Covid-19 vì đã bước sang giai đoạn hai, vô cùng phức tạp.
Thủ tướng cho rằng chỉ cần lơ là, chủ quan thì độ lây lan của dịch Covid-19 không chỉ là cấp số nhân, mà là cấp lũy thừa. Do vậy, không được chủ quan, bằng lòng trên những thành công bước đầu, mà phải quyết liệt hơn nữa để chống dịch.
Hai tuyến đường ở TP.Phan Thiết đã bị cô lập để cách ly y tế, phòng chống dịch (thuộc P.Đức Thắng) Ảnh: Quế Hà
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn yêu cầu Bình Thuận phải tập trung sàng lọc F1 (tiếp xúc gần), F2 (tiếp xúc xa) để cách ly hiệu quả, không được để lây lan cho cộng đồng và lây lan cho nhân viên ngành y tế.
Về điều tra dịch tễ các nguồn lây bệnh từ các bệnh nhân, Thứ trưởng cho rằng Bình Thuận có bệnh nhân số 34 rất phức tạp. Là một doanh nhân, nên bệnh nhân này có quan hệ làm ăn, giao dịch nhiều người, nhiều nơi; khả năng lây lan bệnh cho nhiều người là rất cao. Đây là điều Bộ Y tế rất quan ngại, nên đề nghị Bình Thuận phải hết sức chú ý. Ngành y tế phải tìm hết người đã tiếp xúc với bệnh nhân thứ 34 để khoanh vùng và cách ly triệt để, ngăn chặn lây lan.
81 mẫu bệnh Bình Thuận có kết quả âm tính
Tại cuộc làm việc này, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, thông báo tin vui, cả 81 trường hợp mẫu bệnh mà Bình Thuận vừa gửi cho Viện Pateur Nha Trang đều đã cho kết quả âm tính. Chỉ còn hai trường hợp dương tính xét nghiệm lại là chưa có kết quả. Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong đoàn công tác của Bộ, cùng đi còn có hai cán bộ là Tổ trưởng và Tổ phó phụ trách Tổ công tác đặc biệt Sơn Lôi, Vĩnh Phúc. Bộ Y tế đang biên soạn quy trình cách ly. Bình Thuận có thể áp dụng để cách ly theo kịch bản Sơn Lôi với sự giúp đỡ của Bộ Y tế.
Phun dịch tiêu độc khử trùng toàn TP.Phan Thiết trong hai ngày 14 và 15.3 ảnh: Quế Hà
Kích hoạt cơ sở cách ly mới, bệnh nhân không hợp tác
Bác sĩ (BS) Nguyễn Quốc Việt, Giám đốc Sở Y tế Bình Thuận, cho biết cho đến chiều tối qua (14.3), Bình Thuận ghi nhận được 203 người thuộc diện F1; 761 người thuộc diện F2. Tất cả đã được cách ly tập trung và cách ly tại nhà. BS Việt cho biết thêm, Bình Thuận ban đầu chỉ có 4 cấp độ, nhưng nay đã lên cấp độ 5. Bình Thuận hiện đang thiếu điều kiện cơ bản về nhân lực, cơ sở vật chất nếu dịch còn tăng cao và đề nghị Bộ Y tế trang bị cho Bình Thuận một phòng xét nghiệm độc lập để có thể tự xét nghiệm và công bố kết quả các mẫu. Sáng nay 15.3, ngành y tế Bình Thuận đã kích hoạt cơ sở cách ly tập trung thứ 3 là Trường Quân sự địa phương ở xã Tiến Thành, TP.Phan Thiết. Đại tá Nguyễn Ngọc Hùng, Chỉ huy phó Bộ chỉ huy Quân sự Bình Thuận cho rằng đây là cơ sở có phòng ốc, hạ tầng rất tốt do mới được đầu tư.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.Phan Thiết Nguyễn Văn Luân cho biết, việc vận động các bệnh nhân gặp nhiều khó khăn. Ví dụ bệnh nhân thứ 38 (con dâu bệnh nhân 34, nhân viên ngân hàng) không hợp tác với chính quyền khi được vận động đi cơ sở cách ly tập trung. UBND TP phải làm việc với thủ trưởng đơn vị nơi bệnh nhân làm việc để vận động, sau đó bệnh nhân này mới chịu đi cách ly.
Chủ tịch UBND TP.Phan Thiết Nguyễn Văn Luân cho biết việc đưa bệnh nhân đi cách ly còn khó khăn do bệnh nhân thiếu hợp tác với chính quyền Ảnh: Quế Hà
Theo Chủ tịch UBND TP.Phan Thiết, hiện nay Phan Thiết có 8 bệnh nhân (còn 1 bệnh nhân của H.Hàm Thuận Bắc); trong số này, các bệnh nhân số 34, 36, 41, 42, 43 là có nguy cơ lây bệnh rất cao vì tiếp xúc với nhiều người. TP.Phan Thiết đã xuống từng nhà dân vận động bà con khai báo y tế, không để sót F1, F2. Theo ông Luân, hiện Phan Thiết phát hiện thêm 6 người tại địa phương đã có tiếp xúc gần với bệnh nhân thứ 45 (trú Q.Tân Bình, TP.HCM).
Bệnh nhân không khai báo đầy đủ
Tại cuộc làm việc với Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Đức Hòa (Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19), cho biết, "vì nhiều lý do khác nhau, nên bệnh nhân khai báo không đầy đủ, gây khó khăn cho điều tra dịch tễ".
Theo ông Nguyễn Đức Hòa, bệnh nhân thứ 34 ban đầu chỉ khai có 17 người tiếp xúc F1 (hiện nay là 46 người F1 của bệnh nhân này - PV). Bình Thuận đã chuẩn bị kịch bản để đối phó trong trường hợp số bệnh nhân lên đến 20 người.
Ông Hòa cho rằng Bình Thuận đang chuẩn bị tốt về phương án y tế dịch tễ, không để "vỡ trận", trong đó, chú trọng đặc biệt khâu cách ly. Phó chủ tịch Bình Thuận thừa nhận "ban đầu ngành y tế tỉnh hơi lúng túng vì chưa gặp dịch như vậy bao giờ". Ông nguyễn Đức Hòa kiến nghị Bộ Y tế tham mưu cho Chính phủ "phải kiểm soát chặt đầu vào đầu ra tại cửa khẩu sân bay".
Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng tình hình dịch bệnh tại Bình Thuận còn diễn biến phức tạp, khó lường. Cả hệ thống chính trị của tỉnh phải bình tĩnh, quyết tâm cao nhất để dập dịch Ảnh: Quế Hà
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu phải làm tốt hơn nữa việc kiểm soát những trường hợp thuộc diện F1, F2 để cách ly. Ông Hùng cho rằng, hiện nay vẫn còn dấu hiệu các trường hợp dương tính Covid-19 chưa khai báo hết đã tiếp xúc với những ai. Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận yêu cầu không được chủ quan khi có kết quả cả 81 trường hợp xét nghiệm đều âm tính.
"Đây mới chỉ là giai đoạn đầu thôi. Phải xác định dịch bệnh còn có thể kéo dài và diễn biến phức tạp, khó lường. Do vậy cả hệ thống chính trị phải vào cuộc một cách quyết liệt. Nếu cần, có thể huấn luyện nhanh cho sinh viên Cao đẳng y tế năm hai, năm ba để đưa vào giúp ngành y tế chống dịch", Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nói.
Theo thanhnien.vn
'Ngành y tế đang làm chủ, kiểm soát được tình hình dịch bệnh COVID-19' Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới đã ran rộng tại 107 quốc gia và vùng lãnh thổ bên ngoài Trung Quốc, với tổng số trường hợp mắc là 125.544 người, trong đó đã có 4.623 trường hợp đã tử vong. Khu cách ly đặc biệt tại Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà, Vĩnh Phúc. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN) Đến ngày 12/3,...