Bộ Y tế công bố 3 ca tử vong liên quan đến Covid-19
Chiều tối 2/7, Bộ Y tế cho biết 3 ca tử vong liên quan đến Covid-19 số 82, 83 và 84 đều là bệnh nhân nam, cao tuổi, trong đó một bệnh nhân ở Bắc Ninh, hai trường hợp còn lại ở TPHCM.
Theo Tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, ca tử vong thứ 82 là BN3799, 69 tuổi, ở Yên Phong, Bắc Ninh.
Bệnh nhân sống trong vùng dịch tễ Covid-19 lưu hành. Ngày 13/5, bệnh nhân được xét nghiệm và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, được nhập Bệnh viện Dã chiến số 1 (Bắc Ninh) để điều trị. Chẩn đoán lúc vào viện là viêm phổi, mắc Covid-19, suy kiệt.
Bệnh nhân được điều trị kháng sinh, dexamethazole, lovenox liều dự phòng. Ngày 19/5, bệnh nhân khó thở nhiều, đau tức ngực, ho khan, được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh.
Bệnh nhân được điều trị tích cực bằng kháng sinh phổ rộng, thở máy HFNC, chống đông liều điều trị, dinh dưỡng tĩnh mạch kết hợp qua sonde dạ dày.
Bệnh nhân cũng đã được Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế hội chẩn 4 lần, được các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương tăng cường hỗ trợ điều trị tại chỗ hằng ngày.
Ảnh minh họa.
Ngày 10/6, tình trạng suy hô hấp tiến triển, bệnh nhân được đặt ống nội khí quản, thở máy xâm nhập chiến lược bảo vệ phổi, lọc máu liên tục bằng quả lọc oxiris, duy trì kháng sinh, corticoid, chống đông liều điều trị. Tình trạng suy hô hấp không cải thiện, bệnh nhân được chạy tim phổi nhân tạo (ECMO).
Video đang HOT
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân được xét nghiệm xét nghiệm SARS-CoV-2 cho kết quả âm tính 6 lần, lần gần nhất vào ngày 28/6. Trên siêu âm phổi và X-quang ngực hình ảnh tổn thương đông đặc và xơ hóa trên nửa trường phổi 2 bên.
Đến ngày 29/6, bệnh nhân diễn biến nặng dần, xuất hiện tình trạng suy tim phải, suy gan, suy thận, sốc nhiễm khuẩn.
Bệnh nhân xuất hiện ngừng tuần hoàn và được cấp cứu ngừng tuần hoàn sau 60 phút nhưng không có kết quả. Bệnh nhân tử vong ngày 30/6.
Nguyên nhân tử vong là sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng trên bệnh nhân suy kiệt, viêm phổi nặng biến chứng ARDS liên quan đến Covid-19.
Ca tử vong thứ 83 là BN15970, 67 tuổi, ở Thủ Đức, TPHCM, có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường, suy thận mạn.
Ngày 27/6, bệnh nhân chuyển từ Bệnh viện Dã chiến điều trị Covid-19 Cần Giờ đến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc tốt, thở khí phòng. Bệnh nhân được điều trị tích cực kháng sinh tĩnh mạch, kháng đông, kháng tiết, thuốc điều trị tiểu đường, tăng huyết áp, theo dõi sát.
Đến ngày 28/6, bệnh nhân xuất hiện tình trạng suy giảm tri giác, lơ mơ, tím toàn thân, diễn tiến đột ngột ngưng tim, ngưng thở. Sau hơn 30 phút tiến hành hồi sức tim phổi không kết quả, bệnh nhân tử vong ngày 29/6.
Nguyên nhân tử vong là nhồi máu cơ tim cấp, viêm phổi do SARS-CoV-2 mức độ trung bình trên bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường, suy thận mạn, phì đại tuyến tiền liệt.
Ca tử vong thứ 84 là BN11618, 64 tuổi, ở quận 12, TPHCM, có tiền sử tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ.
Ngày 15/6, bệnh nhân được xét nghiệm SARS-CoV-2 và có kết quả dương tính, được chuyển đến Bệnh viện Dã chiến điều trị Covid-19 Củ Chi. Chẩn đoán lúc vào viện là viêm phổi do nhiễm SARS-CoV-2, biến chứng suy hô hấp tiến triển (ARDS) mức độ trung bình trên bệnh nhân tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ.
Ngày 18/6, bệnh nhân xuất hiện khó thở tăng dần, được chuyển khoa Điều trị tích cực (ICU). Tại đây, bệnh nhân được điều trị tích cực bằng thở máy qua nội khí quản, giảm đau, an thần, giãn cơ, lọc máu, kháng sinh phối hợp, kháng viêm, kháng đông, dinh dưỡng. Tuy nhiên, do tuổi cao bệnh lý nền nặng, bệnh nhân tử vong ngày 30/6.
Nguyên nhân tử vong là sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi nặng do SARS-CoV-2 biến chứng suy hô hấp tiến triển trên bệnh nhân tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ.
Như vậy, từ đầu vụ dịch đến nay nước ta đã có 84 ca tử vong, trong đó riêng đợt dịch thứ 4 có 49 trường hợp tử vong.
Thứ trưởng Y tế: 'Dịch ở TP HCM vẫn rất khó lường'
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định diễn biến dịch bệnh TP HCM vẫn rất khó lường và khả năng tiếp tục tăng, phạm vi lan rộng các tỉnh, thành lân cận.
Ý kiến được ông Sơn chia sẻ tại họp ban chỉ đạo chống Covid-19 tại TP HCM, sáng 2/7.
Thứ trưởng Sơn cho rằng thành phố còn một số vấn đề cần khắc phục trong tổ chức lấy mẫu xét nghiệm diện rộng, phân phối và sử dụng test nhanh... Lực lượng thực hiện công tác truy vết và lấy xét nghiệm bị phân tán nên chưa phát huy hiệu quả cao nhất. Một số khu cách ly, khu phong tỏa cũng còn một số hạn chế trong phòng, chống dịch bệnh.
Trên cơ sở đó, Bộ Y tế khuyến cáo các địa phương sử dụng test nhanh hợp lý để đảm bảo truy vết nhanh, khoanh vùng phong tỏa sớm. Hiện nay, con số sử dụng test nhanh còn rất hạn chế, sử dụng khoảng 128.000 trong tổng số 222.000 test nhanh.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn tại cuộc họp ban chỉ đạo chống Covid-19 TP HCM, sáng 2/7. Ảnh: Trung tâm Báo chí TP HCM.
"Diễn biến dịch còn khó lường. Bên cạnh sử dụng hệ thống giám sát cộng đồng bằng xét nghiệm PCR mẫu gộp 10, 15, địa phương cần tăng cường lực lượng y tế để đảm bảo test nhanh có hiệu quả và truy vết kịp thời", ông Sơn nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Sơn, việc xét nghiệm cần chia ca hợp lý, tránh tụ tập đông người, ảnh hưởng đến phòng chống dịch. Nếu cần thiết có thể triển khai lấy mẫu xét nghiệm ngay tại các ngõ dân cư. Tại các khu cách ly, khu vực phong tỏa nên có đội ngũ dự bị để sẵn sàng lấy mẫu xét nghiệm khi cần, đảm bảo trả kết quả đúng hẹn. Những đơn vị truy vết chỉ tập trung vào công tác truy vết để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ trong trường hợp dịch lan rộng, lan nhanh trên diện rộng.
"Sáng nay 400.000 liều vaccine đã về tới sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Y tế dự kiến ưu tiên phân bổ số lượng lớn cho TP HCM", ông Sơn thông tin.
Trên cơ sở dự báo diễn biến tình hình Covid-19 trên địa bàn TP HCM, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng cuộc chiến với dịch bệnh vẫn còn rất khó khăn, đòi hỏi sự tập trung cao độ và nỗ lực lớn nhất cùng với việc thực hiện tốt, đồng đều các biện pháp.
"Phấn đấu, quyết tâm đến cuối tháng 7, dịch bệnh giảm rõ, giảm sâu và đến tháng 8 có thể khống chế dịch", Phó Thủ tướng nêu. "Công tác xét nghiệm tầm soát và tiêm vaccine diện rộng cần tổ chức chặt chẽ, cụ thể, tránh để tràn lan, tự phát, tập trung đông người".
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cũng nhấn mạnh đợt dịch lần 4 này nguy hiểm, phức tạp và khó dự đoán hơn các lần trước. Có thời điểm thành phố ghi nhận trên 500 ca nhiễm một ngày.
Phân tích các ca nhiễm từ ngày 19 đến 30/6, trong thời điểm áp dụng chỉ thị 10, số ca nhiễm tầm soát, phát hiện ở cộng đồng bình quân 65 ca mỗi ngày, số nhiễm sàng lọc tại các bệnh viện bình quân 35 ca một ngày.
Theo ông Phong, điều này cho thấy các biện pháp đang triển khai từng bước phát hiện được các ca nhiễm tiềm ẩn trong cộng đồng. Đồng thời, phản ánh được sự phức tạp của diễn biến dịch bệnh khi biến thể Delta được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xem là có khả năng lây lan nhanh, có khả năng giảm hiệu quả bảo vệ của vaccine.
"Tỷ lệ lây nhiễm thứ phát và tốc độ lây lan của biến thể này mạnh mẽ và số ca nhiễm có khả năng vẫn còn tăng trong những ngày tới", ông Phong chia sẻ.
Việt Nam chế tạo thành công máy oxy dòng cao điều trị Covid-19 Máy do nhóm nghiên cứu ĐH Bách khoa HN phối hợp cùng doanh nghiệp chế tạo để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 giai đoạn 3, được Bộ Y tế cấp phép. Từ tháng 5, nhóm nghiên cứu phối hợp với một doanh nghiệp chuyên sản xuất thiết bị y tế để chế tạo máy oxy dòng cao BKVM-HF1 dùng trong điều trị...