Bộ Y tế “cầu cứu” Bộ Công an về an ninh bệnh viện
Trước thực trạng liên tiếp các vụ việc người nhà bệnh nhân và đối tượng bên ngoài hành hung, truy sát, gây rối, uy hiếp người bệnh và nhân viên y tế, chiều 15.5, Bộ Y tế đã có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Công an “nhờ” lực lượng công an tăng cường kiểm soát trật tự trong và ngoài bệnh viện.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, chỉ trong vòng 1 tháng qua, tại nhiều bệnh viện đã diễn ra các vụ gây rối nghiêm trọng. Cụ thể, tối 8.4, tại Bệnh viện đa khoa Cái Nước (Cà Mau) một nhóm thanh niên đã mang theo dao, mã tấu, ống sắt… đánh người bệnh là anh Nguyễn Hoàng Linh gây thương tích ở đầu và đánh nhân viên bảo vệ bệnh viện chấn thương má trái.
Ngày 16.4, tại Bệnh viện đa khoa huyện Thạch Thất (Hà Nội), ông Cấn Ngọc Giang là bố của người bệnh Cấn Ngọc Thanh đã dùng cốc đánh vào đầu bác sĩ Lê Quang Dương khiến bác sĩ Dương ngất tại chỗ, đầu có 2 vết thương phải khâu 7 mũi và theo dõi chấn thương sọ não.
Bác sĩ Lê Quang Dương tại Bệnh viện đa khoa Thạch Thất bị đánh ngất xỉu ngày 16.4.
Tối 29.4, tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên, trong khi đang chuẩn bị vận chuyển người bệnh đi chiếu chụp phim, sinh viên y khoa Phạm Lê Tùng bị người thân của người bệnh Bùi Thế Sơn chửi, doạ dẫm liên tiếp.
Rạng sáng 7.5, tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, 3 thanh niên mang hung khí vào bệnh viện khống chế bảo vệ và nhân viên y tế, xông vào khoa cấp cứu chém người bệnh là anh Đinh Giang Nam trong lúc anh này đang được bác sĩ cấp cứu, xử lý vết thương. Bệnh nhân Nam đã bị thêm nhiều vết thương khác, trong đó có 1 vết thương nguy hiểm gây đứt khí quản.
Video đang HOT
Cùng ngày, tại Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cũng xảy ra vụ việc người nhà bệnh nhân gây gổ với nhân viên bảo vệ, chửi mắng với nhân viên y tế, đồng thời rút dao doạ dẫm khi các bác sĩ đang cấp cứu cho người nhà của họ.
Côn đồ vào tận phòng cấp cứu đe doạ, lăng mạ nhân viên y tế tại Bệnh viện đa khoa Hùng Vương ngày 7.5.
Trước tình hình leo thang ngày càng nghiêm trọng của các vụ việc mất an ninh trật tự bệnh viện, Bộ Y tế đề nghị Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo các đơn vị công an địa phương tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ sở khám bệnh trên địa bàn; điều tra xác minh làm rõ các hành vi và đối tượng gây bạo lực trong bệnh viện đối với các vụ việc nêu trên, truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có, xử lý nghiêm minh các đối tượng hành hung người bệnh và nhân viên y tế, công khai kết luận điều tra, xét xử để công luận, người dân biết, cảnh báo, răn đe, phòng ngừa.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các lực lượng công an trên địa bàn tăng cường đảm bảo an ninh trật tự khu vực quanh bệnh viện như các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phục vụ người bệnh khi đến khám chữa bệnh, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trước cổng bệnh viện.
Lực lượng công an cũng cần hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh trang bị các thiết bị kỹ thuật bảo đảm an ninh, bảo vệ tại bệnh viện; phối hợp tập huấn, nâng cao trình độ cho bảo vệ bệnh viện; phản ứng nhanh với các tình huống gây rối, đánh nhau, hành hung tại các bệnh viện và cơ sở y tế. Xây dựng và thử nghiệm triển khai mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ về an ninh trật tự tại các bệnh viện.
Bộ Y tế cũng mong muốn lực lượng công an cắt cử cán bộ tuần tra, bảo vệ đảm bảo an ninh trật tự tại các bệnh viện lớn, có lượng người đến đông và nâng cao năng lực chuyên môn của nhân viên bảo vệ, thiết lập đường dây nóng của lực lượng cảnh sát cơ động và cơ quan công an gần nhất cho bệnh viện và điểm nóng hay xảy ra mất trật tự bệnh viện trên địa bàn để các nhân viên y tế kịp thời gọi, nhờ hỗ trợ khẩn cấp khi có tình huống nguy hiểm.
Theo Danviet
Lực lượng bảo vệ "không dám" xử lý côn đồ tấn công bệnh viện
Liên tục 2 vụ côn đồ mang dao, súng tấn công vào bệnh viện khiến dư luận bất an. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia y tế, lực lượng bảo vệ bệnh viện không đủ kỹ năng để xử lý những vụ việc nguy hiểm như vậy.
Ngày 9.5, tin từ Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cho biết, bệnh viện vừa trải qua một trận "sóng gió" khi một nhóm côn đồ mang súng tự chế bắn nhân viên an ninh của bệnh viện.
Cụ thể, chiều 7.5, 3 thanh niên đưa một bệnh nhân nữ có biểu hiện ngất xỉu đến cấp cứu. Khi nhân viên y tế mời các thanh niên này ra ngoài chờ để bác sĩ cấp cứu cho bệnh nhân thì các đối tượng không nghe, chửi bới lại nhân viên y tế. Sau đó, đối tượng đã gọi thêm đồng bọn trở lại đe dọa và tấn công nhân viên bệnh viện. Chỉ khi có sự xuất hiện của lực lượng Công an huyện Đoan Hùng cùng lực lượng công an xã khu vực thì tình hình trật tự mới được ổn định.
Đến 20h30 cùng ngày, nhóm côn đồ tiếp tục quay lại bệnh viện. Lần này, chúng mang theo vật dụng nghi là súng tự chế, bất ngờ bắn nhân viên an ninh tên Trung. Viên đạn sượt qua vai nhân viên an ninh, làm thủng kính một chiếc xe ô tô đỗ gần đó khiến y bác sĩ, bệnh nhân và những người thăm nuôi hoảng loạn.
Đối tượng chỉ tay vào mặt bác sĩ, sự việc được camera an ninh của BV Hùng Vương ghi lại.
Cùng ngày 7.5, tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng đã xảy ra vụ việc 20 thanh niên cầm dao, mã tấu chém một bệnh nhân thêm nhiều vết thương, trong đó một vết thương làm đứt khí quản. Trước đó, bệnh nhân này được đưa vào Bệnh viện cấp cứu do bị thương ở đầu vì đánh nhau trong quán karaoke. Do ngày nghỉ, lực lượng bảo vệ mỏng nên nhân viên bảo vệ và các bác sĩ không thể ngăn cản được đám thanh niên côn đồ. Rất may sau đó bệnh nhân tiếp tục được cấp cứu, qua cơn nguy kịch.
Việc côn đồ mang vũ khí tấn công bệnh nhân, bác sĩ từng diễn ra ở nhiều bệnh viện. (Một vụ tấn công tại bệnh viện ở Đắk Lắk. Ảnh CAND)
Trước đó, PGS-TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng chia sẻ, nhiều bệnh viện vẫn chưa có phương án để đảm bảo an ninh trong bệnh viện. Hầu hết mới chỉ quan tâm đến giữ gìn trật tự, chống trộm cắp, cò mồi, xung đột đơn giản, còn chưa lường hết được các tình huống nguy hiểm như côn đồ, kẻ ngáo đá tấn công bằng các vũ khí nguy hiểm...
"Các bệnh viện phải xây dựng một lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp, có kỹ năng xử lý nhiều tình huống xung đột, kể cả khi có côn đồ tấn công. Đồng thời, các bệnh viện phải có quy chế phối hợp với lực lượng công an trên địa bàn để có tình huống nguy hiểm thì điện thoại nhờ trợ giúp" - ông Khuê nói.
Tuy nhiên, một lãnh đạo Bệnh viện cho biết, lực lượng bảo vệ trong bệnh viện chỉ có thể xử lý các tình huống xô xát đơn giản, bắt kẻ trộm, ngăn ngừa, nhắc nhở bệnh nhân và người nhà thực hiện đúng nội quy bệnh viện. Họ cũng không được trang bị vũ khí thì khó có thể chống lại côn đồ mang vũ khí có tính sát thương cao, lại đông người, hung hãn. "Lúc này chỉ có thể chờ lực lượng công an, có kỹ năng và vũ khí để đối phó" - lãnh đạo này cho biết.
Về an ninh bệnh viện, đại tá Phạm Văn Tám - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cũng nhận định, hầu hết nhân viên bảo vệ tại các BV đã ít lại thiếu tính chuyên nghiệp, đặc biệt là trong phản ứng với các tình huống nguy hiểm. Đồng thời, nhân viên bảo vệ chỉ làm nhiệm vụ kiểm soát trật tự bên ngoài bệnh viện, ít khi ở trong khu vực khám chữa bệnh, do đó, nếu có xung đột cũng không can thiệp được kịp thời. Do thiếu kỹ năng, nếu có đối tượng côn đồ mang vũ khí, hung hãn tấn công thì họ cũng không dám lao vào khống chế đối tượng.
Theo đại tá Tám, các bệnh viện cần lựa chọn nhân viên bảo vệ của các công ty có trình độ, chuyên môn chuyên nghiệp, có khả năng ứng phó với các tình huống thường xảy ra tại các bệnh viện. Ngoài ra, đối với các bệnh viện lớn, đông người, đóng trên địa bàn phức tạp thì nên có phương án phối hợp với lực lượng công an sở tại để cắt cử cán bộ tuần tra, sẵn sàng phối hợp can thiệp khi có tình huống nguy hiểm.
Theo Danviet
Đánh bác sĩ là đe dọa tính mạng nhiều người Một bác sĩ ở Bệnh viện Thạch Thất (Hà Nội) vừa bị hành hung dã man khi đang giải thích bệnh tình cho người nhà bệnh nhân. Đây không phải lần đầu bác sĩ phải "đổ máu" khi đang làm nhiệm vụ khám chữa cho bệnh nhân. Ngày 17.4, bác sĩ Vương Trung Kiên, GĐ Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất - Giám...