Bộ Y tế cảnh báo người dân không được chủ quan với sốt xuất huyết
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay cả nước ghi nhận trên 80.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có sáu trường hợp tử vong tại Bình Phước, Bình Thuận, Khánh Hòa, Quảng Bình, Tiền Giang, Thành phố Hồ Chí Minh.
Phun xịt hóa chất diệt lăng quăng, bọ gậy tại phường Trảng Dài (thành phố Biên Hòa, Đồng Nai). Ảnh: Lê Xuân/TTXVN
Bộ Y tế nhận định, hiện nay là mùa cao điểm dịch, số mắc nhiễm tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố trong những tuần gần đây, dự báo số ca mắc mới sẽ gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Theo các chuyên gia y tế, trong tình hình dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp như hiện nay, cách phòng chống tốt nhất vẫn là diệt muỗi và ngăn ngừa muỗi đốt. Một người có thể bị nhiễm sốt xuất huyết nhiều lần, vì vậy những người đã từng mắc bệnh cũng không được chủ quan.
Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh Phan Trọng Lân cho biết, sốt xuất huyết Dengue do bốn chủng vi rút Dengue gây ra. Khi nhiễm bất kỳ chủng vi rút Dengue nào thì con người sẽ có miễn dịch suốt đời với duy nhất chủng Dengue đó, nhưng không được miễn dịch bảo vệ chéo với ba chủng vi rút Dengue còn lại. Vì thế, những người chưa mắc những chủng còn lại thì vẫn có thể mắc. Một người trong suốt cuộc đời mình có thể bị nhiễm bệnh sốt xuất huyết tối đa là bốn lần.
Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cũng lưu ý: Nếu bị mắc bệnh từ lần sau trở đi với các chủng vi rút Dengue thứ hai, thứ ba, thứ tư thì bệnh nhân có thể sẽ bị bệnh nặng hơn và dễ xảy ra tình trạng sốc sốt xuất huyết gây nguy hiểm đến tính mạng.
Theo các chuyên gia, hiện nay các xét nghiệm chẩn đoán sốt xuất huyết được chia ra làm hai nhóm: nhóm tìm kháng nguyên và nhóm tìm kháng thể kháng virus Dengue. Các xét nghiệm tìm kháng nguyên được sử dụng bao gồm xét nghiệm NS1, RT-PCR và phân lập vi rút. Các xét nghiệm tìm kháng thể được sử dụng chủ yếu là MAC-ELISA. Tuy nhiên, tùy từng loại xét nghiệm mà sẽ có chỉ định cho từng thời điểm khác nhau của bệnh, các xét nghiệm tìm kháng nguyên thường được thực hiện trong vòng năm ngày đầu của bệnh, còn các xét nghiệm tìm kháng thể thường được thực hiện kể từ ngày thứ sáu trở đi của bệnh.
Việc điều trị sốt xuất huyết hiện nay chủ yếu là nhằm điều trị triệu chứng, điều quan trọng là phải theo dõi sát để phát hiện sớm các biến chứng và điều trị biến chứng một cách kịp thời.
Do đó, đối với những trường hợp sốt xuất huyết thể nhẹ, chúng ta có thể điều trị tại nhà, theo dõi các dấu hiệu cảnh báo, còn với các trường hợp sốt xuất huyết thể nặng thì phải nhập viện ngay.
Video đang HOT
Sốt xuất huyết không lây trực tiếp từ người sang người mà thông qua muỗi truyền. Muỗi có thể hút máu của người mắc bệnh rồi truyền bệnh khi đốt sang người khác hoặc truyền virus cho đời con, cháu của muỗi để tiếp tục truyền bệnh sang người.
Vì vậy việc diệt muỗi và ngăn ngừa muỗi đốt quan trọng hơn rất nhiều so với việc giữ gìn, cách ly người bệnh.
Về vắc xin phòng sốt xuất huyết, Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trên thế giới hiên có bốn công ty đang nghiên cứu vắc xin ngừa bệnh sốt xuất huyết. Các công ty đều triển khai thử nghiệm lâm sàng ở nhiều quốc gia trên thế giới, chủ yếu là tại các quốc gia lưu hành sốt xuất huyết mà tập trung nhiều ở khu vực châu Á và châu Mỹ La tinh.
Từ năm 2011 Việt Nam (cụ thể là Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh) cùng chín quốc gia khác ở khu vực Đông Nam Á và khu vực Mỹ La tinh tham gia nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng pha III của sản phẩm vắc xin ngừa sốt xuất huyết Dengue do công ty Sanofi Pasteur sản xuất. Các nghiên cứu này đã chứng minh rằng vắc xin an toàn và có hiệu quả ngừa bệnh sốt xuất huyết cho người từ 9 tuổi trở lên, đặc biệt là ngừa được sốt xuất huyết nặng và sốt xuất huyết nhập viện.
Dựa trên kết quả này, Sanofi đã đăng ký lưu hành vắc xin ở 22 quốc gia/vùng lãnh thổ lưu hành bệnh sốt xuất huyết thuộc Mỹ La tinh, châu Á và châu Âu với tên thương mại là Dengvaxia.
Hiện tại, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với với nhà tài trợ để cập nhật đầy đủ kết quả nghiên cứu vắc xin ngừa bệnh sốt xuất huyết đến các đối tượng tình nguyên tham gia và hoàn tất các thủ tục, chuẩn bị nghiệm thu kết thúc nghiên cứu tại Việt Nam.
Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau để phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh:
Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối, dầu hoặc hóa chất diệt ấu trùng vào bát nước kê chân chạn.
Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên để ngăn muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…
Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Khi bị sốt thì phải đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Theo TTXVN/Báo Tin tức
Bộ Y tế về Đồng Nai "thị sát" dịch bệnh sốt xuất huyết
Từ đầu năm đến nay tỉnh Đồng Nai phát hiện hơn 1.000 ổ dịch sốt xuất huyết với 5.800 ca, tăng mạnh so với năm ngoái, 98% ổ dịch đã được xử lý.
Liên quan đến tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết tăng nhanh, có chiều hướng phức tạp, trong ngày 18/7, Đoàn công tác của Bộ Y tế đã có mặt tại tỉnh Đồng Nai để nắm bắt tình hình sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh này.
Phun xịt khử trùng tại phường Trảng Dài, Biên Hòa, Đồng Nai
Tại buổi làm việc, đại diện Sở Y tế Đồng Nai cho biết từ đầu năm đến nay tỉnh phát hiện hơn 1.000 ổ dịch sốt xuất huyết với 5.800 ca, tăng mạnh so với năm ngoái, 98% ổ dịch đã được xử lý. Trong đó hiện nay TP Biên Hòa là đơn vị có nhiều người mắc sốt xuất huyết nhất tỉnh với hơn 2.000 bệnh nhân.
Theo ông Nguyễn Đức Khoa, Phó Trưởng phòng kiểm soát bệnh truyền nhiễm Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), do biến đổi khí hậu, thời tiết nắng nóng kéo dài xen lẫn các đợt mưa khiến các véc tơ gây bệnh sốt xuất huyết sinh sôi toàn cầu.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, tình hình sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp và ghi nhận số ca mắc tăng cao tại nhiều quốc gia. Riêng tại Việt Nam, số ca mắc sốt xuất huyết tăng 3,2 lần so với cùng kỳ 2018 (gần 100.000 ca). Đặc biệt, trong 5 tuần trở lại đây, sốt xuất huyết tại 34 tỉnh, thành phố của các khu vực miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam tăng mạnh.
Bộ Y tế nhận định, ở những tháng sau nữa, tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục gia tăng do đây mới chỉ bước vào mùa dịch bệnh. Vì vậy cần phải tăng cường các biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh, huy động tất cả các ban ngành đoàn thể, người dân cũng tham gia cuộc chiến chống sốt xuất huyết.
Hạn chế dịch bệnh lây lan
Theo ông Huỳnh Cao Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, cho biết, Đồng Nai là địa phương dân số đông, địa bàn rộng, tập trung nhiều công nhân lao động sinh sống ở các khu nhà trọ. Đặc biệt, công nhân sau khi đi làm về chỉ tập trung ăn uống, nghỉ ngơi, ít có thời gian sinh hoạt giải trí, tiếp cận với thông tin đại chúng. Ngành y tế Đồng Nai đã thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh như duy trì hàng tuần, mỗi tuần dành 1 buổi tổng vệ sinh các khu nhà trọ lụp xụp, diệt muỗi, lăng quăng,...
Ông Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh nhấn mạnh, nhiệm vụ trong thời gian tới cho Đồng Nai và khu vực phía Nam là giám sát tốt cả véc tơ bọ gậy, lăng quăng và muỗi. Nếu thấy chỉ số tăng thì phải xử lý ngay, đồng thời, giám sát chặt chẽ các ca bệnh sốt xuất huyết. Việc phát hiện ca bệnh sớm vừa để xử lý ổ dịch không để lan ra cộng đồng, vừa để chăm sóc tốt hơn cho bệnh nhân, giảm tỉ lệ tử vong cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết.
Cùng ngày Đoàn công tác của Bộ Y tế đã tiến hành khảo sát thực tế tình hình phòng chống sốt xuất huyết tại phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa, Đồng Nai). Tại đây, Đoàn đã phối hợp với địa phương tổ chức phát tờ rơi, hướng dẫn cho người dân ký cam kết loại trừ lăng quăng, diệt muỗi,...
Theo nguoiduatin
Bộ Y tế chỉ đạo khẩn về điều trị sốt xuất huyết Tính tới nay, cả nước đã có 87.806 ca sốt xuất huyết, trong đó có 6 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2018, số mắc tăng 3,1 lần và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên. Vì thế, ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã ký công văn khẩn yêu...