Bộ Xây dựng yêu cầu xác định cụ thể danh mục các dự án nhà ở
Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian qua, nhiều địa phương đã xây dựng, phê duyệt chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở tại địa phương, làm cơ sở để chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án khu đô thị có nhà ở.
Dự án nhà ở thương mại phục vụ tái định cư tại khu X2 Đại Kim, quận Hoàng Mai. Ảnh minh họa: Thành Đạt/ TTXVN
Tuy nhiên, qua tổng hợp của Bộ Xây dựng, hiện vẫn còn nhiều địa phương chưa kịp thời phê duyệt Chương trình, Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 như: Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang, Yên Bái, Lạng Sơn, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, KonTum, Đắk Lắk, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Trà Vinh, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.
Thậm chí, một số địa phương chưa phê duyệt chương trình phát triển nhà ở mà đã phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở như TP. Hà Nội, Nam Định, Tuyên Quang, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Trà Vinh… Trong khi đó, theo quy định thì Chương trình phát triển nhà ở là căn cứ để xây dựng Kế hoạch phát triển nhà ở.
Bên cạnh đó, một số địa phương như Hải Dương, Nghệ An, Gia Lai, Bình Phước, Sóc Trăng, Vĩnh Long,… đã phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở nhưng nội dung lại chưa đảm bảo các nội dung theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Ngày 22/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 2161/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó giao Bộ Xây dựng hướng dẫn, đôn đốc việc xây dựng Chương trình phát triển nhà ở của các địa phương.
Bộ Xây dựng viện dẫn, theo quy định tại khoản 4 Điều 3 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, trường hợp do thay đổi nội dung Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia hoặc thay đổi quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải xây dựng, điều chỉnh lại nội dung Chương trình phát triển nhà ở.
Do vậy, để thực hiện các quy định của Luật Nhà ở, Nghị định số 99 và Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Xây dựng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện một số nội dung liên quan đến việc xây dựng, điều chỉnh chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030.
Video đang HOT
Theo đó, về Chương trình phát triển nhà ở, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương chưa xây dựng, phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 thì căn cứ vào Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Thủ tướng Chính phủ, Quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương (nay là Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội) để xây dựng, trình HĐND thông qua Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 5 năm (2021-2025) hoặc giai đoạn 10 năm (2021-2030) trong năm 2022.
Đối với các địa phương đã phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 hoặc có thời hạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Bộ Xây dựng đề nghị tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung các nội dung trong Chương trình phát triển nhà ở áp dụng cho giai đoạn 2021-2030 để bảo đảm phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cùng đó, trình tự, thủ tục xây dựng, điều chỉnh Chương trình phát triển nhà ở cần tuân thủ quy định tại Nghị định số 99 và Nghị định số 30/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP.
Nội dung Chương trình phát triển nhà ở cần tuân thủ các quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 99, phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2161/QĐ-TTg (xây dựng các mục tiêu, nhóm giải pháp phát triển nhà ở của Chương trình phát triển nhà ở tương ứng với các mục tiêu, nhóm nhiệm vụ giải pháp đã đề ra trong Chiến lược).
Do đó, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh không xây dựng định hướng hoặc tầm nhìn của Chương trình mà xây dựng nội dung cụ thể của Chương trình để áp dụng cho giai đoạn 5 năm (2021-2025) hoặc giai đoạn 10 năm (2021-2030).
Về Kế hoạch phát triển nhà ở, đối với các địa phương đã phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 nhưng chưa xây dựng, phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm giai đoạn 2021-2025, Bộ Xây dựng đề nghị khẩn trương phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở năm 2022 và giai đoạn 5 năm (2021-2025) trong 6 tháng đầu năm 2022.
Với các địa phương đã phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 5 năm (2021-2025) thì đề nghị tiếp tục rà soát, điều chỉnh Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025 theo đúng yêu cầu của pháp luật nhà ở.
Các địa phương đã phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở nhưng chưa có Chương trình phát triển nhà ở, Bộ Xây dựng đề nghị khẩn trương xây dựng, phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 5 năm (2021-2025) hoặc giai đoạn 10 năm (2021-2030), sau đó điều chỉnh lại Kế hoạch phát triển nhà ở theo đúng quy định. Thời gian thực hiện, hoàn thành chậm nhất trong 6 tháng đầu năm 2022.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đề nghị xây dựng, phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hàng năm cần xác định cụ thể danh mục các dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn, bao gồm dự án xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, nhà ở để phục vụ tái định cư và các vị trí, khu vực dự kiến phát triển dự án nhà ở… để làm cơ sở để thẩm định chủ trương đầu tư và phê duyệt dự án theo quy định.
Thiếu hụt nguồn cung dự án nhà ở thương mại
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, số lượng dự án nhà ở thương mại trong cả nước được cấp phép trong quý II/2021 chỉ có 69 dự án mới, với 27.462 căn được cấp phép, chỉ bằng 73% so với quý I và bằng 21% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, có 37 dự án ở miền Bắc, 9 dự án ở miền Trung và 23 dự án ở miền Nam.
Nguồn cung giảm mạnh
Bộ Xây dựng cũng thống kê, có 1.119 dự án nhà ở thương mại, với hơn 352.000 căn đang xây dựng, tính chung bằng 81% so với quý I, bằng 79% so với cùng kỳ năm 2020, gồm miền Bắc có 236 dự án, miền Trung có 163 dự án và miền Nam có 720 dự án.
Về nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho biết, trong quý II chỉ có 3 dự án với hơn 1.700 căn được cấp phép mới tại Đà Nẵng, Thanh Hoá và Lạng Sơn. Có 5 dự án, với hơn 1.800 căn hộ tại các tỉnh Hoà Bình, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hưng Yên, An Giang được Sở Xây dựng các địa phương có văn bản thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Thị trường BĐS đang thiếu hụt nguồn cung các dự án nhà ở thương mại.
Về bất động sản (BĐS) du lịch nghỉ dưỡng, văn phòng kết hợp lưu trú, cả nước chỉ có 5 dự án mới, với hơn 4.800 căn hộ du lịch, 270 biệt thự du lịch...
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, thị trường BĐS bắt đầu có dấu hiệu suy giảm từ cuối năm 2019, khi dòng vốn đầu tư, hành lang pháp lý, thủ tục cấp phép xây dựng dự án các phân khúc BĐS đều bị siết chặt. Thêm vào đó, tình hình dịch bệnh COVD-19 kéo dài từ năm 2020 đến nay khiến giao dịch thị trường ảm đạm, đã dẫn đến nguồn cung sản phẩm mới ra thị trường thiếu hụt mạnh.
"Nguồn cung sản phẩm dự án BĐS khan hiếm, trong khi dòng tiền của xã hội khó đưa vào các ngành khác do dịch bệnh, nên nhu cầu đầu tư đất nền khắp nơi tăng, tạo ra sốt đất ở nhiều địa phương, gây ra không ít hệ luỵ đối với lĩnh vực kinh doanh BĐS. Thực tế này tác động lớn đến tâm lý nhà đầu tư và nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhân sự trong ngành kinh tế này đã dần rời bỏ thị trường", ông Nguyễn Văn Đính nhận định.
Vì vậy, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh cho rằng, điều cần thiết hiện nay là Bộ Xây dựng và các cơ quan quản lý Nhà nước cần đẩy mạnh tháo gỡ vướng mắc trong cơ chế chính sách để tạo ra nguồn cung sản phẩm mới thật dồi dào cho thị trường; chú trọng phát triển nhà ở thương mại bình dân, nhà ở xã hội để tăng thanh khoản, từng bước khôi phục thị trường và cân bằng cơ cấu thừa hàng cao cấp, thiếu hàng bình dân, đồng thời kích cầu.
Thị trường khó phục hồi ngay trong năm 2022
Trước những thống kê của Bộ Xây dựng về thị trường BĐS những tháng đầu năm "ảm đạm" do dịch bệnh kéo dài, nhiều chuyên gia cho rằng, với đà này thị trường khó phục hồi ngay được trong năm 2022.
Thực tế, giá giao dịch căn hộ chung cư bình quân quý II, đặc biệt tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn tăng khoảng 5-7% so với quý I; các dự án nhà ở thương mại tại khu vực trung tâm của các đô thị hầu như không có căn hộ với mức giá dưới 25 triệu đồng/m2, sản phẩm chủ đạo trên thị trường vẫn là các căn hộ phân khúc trung cấp (30-50 triệu đồng/m2) chiếm phần lớn nguồn cung mở bán mới trong quý II; giá giao dịch căn hộ trung cấp có mức tăng cao tại một số khu vực như quận Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hoàng Mai (Hà Nội), Quận 5, TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), TP Dĩ An (Bình Dương)... Song, số giao dịch tại miền Bắc chỉ bằng khoảng 20% so với quý II, miền Nam bằng khoảng 87%.
Các dự án nhà ở xã hội, cho người thu nhập thấp cũng khan hiếm.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế kéo dài không những trong năm 2021, mà còn kéo dài đến năm 2022. Nền kinh tế muốn phục hồi phải mất ít nhất là 1-2 năm. Dự báo, tương đối lạc quan là nền kinh tế phục hồi vào năm 2023. Về giá BĐS tăng, tới mức nào đó sẽ phải dừng. Cơ cấu sản phẩm BĐS tại Việt Nam phần lớn mang tính đầu cơ và đầu tư, không đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng. Nếu sản phẩm BĐS không được thanh toán, giá tăng "ảo", cộng với nền kinh tế khó khăn, giá có thể "rơi mạnh" bất cứ lúc nào. Lúc đó, lực cầu giảm nhiệt dễ kéo theo sự đổ vỡ của thị trường.
Về vấn đề này, theo Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), thị trường BĐS đã xuất hiện các tồn tại, hạn chế cần khắc phục, cụ thể như: Hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực BĐS đã từng bước được hoàn thiện, nhưng vẫn còn không ít quy định chồng chéo, gây khó khăn cho đầu tư, dẫn đến tình trạng thủ tục đầu tư dự án bị kéo dài, làm nghẽn nguồn cung thị trường BĐS. Bên cạnh đó, cơ cấu hàng hóa BĐS tuy đã được điều chỉnh, nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường, nguồn cung nhà ở trung, cao cấp vẫn chiếm tỷ lệ lớn, trong khi nguồn cung nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội vẫn thiếu hụt. Ngoài ra, thông tin về thị trường BĐS chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, chưa minh bạch về quy hoạch, tính pháp lý từng dự án... là nguyên nhân dẫn đến tình trạng "sốt nóng" cục bộ tại một số địa phương.
Do đó, Bộ Xây dựng đưa ra các kiến nghị, các địa phương cần nhanh chóng triển khai thực hiện các chính sách, văn bản pháp luật về đầu tư, xây dựng, nhà ở, kinh doanh BĐS mới ban hành; công bố công khai và liên thông quy trình giải quyết thủ tục hành chính trong cấp mới, điều chỉnh, kiểm tra, rà soát dự án kinh doanh BĐS; đồng thời, công khai thông tin về thị trường BĐS, quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án BĐS tại địa phương, nhằm hạn chế tình trạng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi.
Nhận diện thị trường và vinh danh thương hiệu bất động sản dẫn đầu năm 2021 2022 Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), Tạp chí điện tử Bất động sản (BĐS) Việt Nam và Viện Nghiên cứu BĐS Việt Nam (VIRES) ngày 15/3 đã phối hợp tổ chức diễn đàn BĐS Mùa Xuân thường niên lần II và vinh danh thương hiệu BĐS dẫn đầu năm 2021 - 2022. Nhận diện thị trường BĐS Sau hơn 2 dịch...