Bộ Xây dựng đề xuất nới điều kiện vay vốn để kéo giảm hơn giá nhà
Báo cáo về tình hình thị trường bất động sản tháng 11/2014 của Bộ Xây dựng tiếp tục ghi nhận nhiều số liệu thống kê tích cực, giao dịch tăng nhanh, giá nhà điều chỉnh hợp lý, cơ cấu sản phẩm thiết thực hơn…
Chung cư thêm tăng nhiệt cuối năm
Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS Nguyễn Mạnh Hà cho biết, lượng giao dịch nhà tăng, chủ yếu thành công ở phân khúc căn hộ chung cư có diện tích nhỏ.
Lượng giao dịch thành công chủ yếu từ các dự án đã hoàn thành, những dự án mới mở bán ở khu vực có đầy đủ các công trình hạ tầng, mật độ xây dựng thấp, chủ đầu tư có uy tín và các dự án đang thi công với tiến độ tốt. Tỷ lệ mua bán thành công tăng trưởng khá so với tháng trước.
Diễn biến thị trường bất động sản cuối năm được cho là có nhiều sinh khí, nhiệt lượng mới.
Cụ thể, tại Hà Nội, theo thống kê, trong tháng 11 có khoảng 1.400 giao dịch thành công, tăng 12% so với tháng trước; lũy kế 11/2014 2014 có 9.950 giao dịch thành công, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ 2013. Tại TPHCM, có khoảng 1.300 giao dịch thành công, tăng 18% so với tháng trước, luỹ kế tháng 11 có khoảng 8.850 giao dịch thành công, tăng 35% so với cùng kỳ 2013.
Cục trưởng Nguyễn Mạnh Hà khái quát, nhiều dự án mới bán ở vị trí thuận tiện giao thông, môi trường sống tốt và được các ngân hàng cho vay vốn với lãi suất ưu đãi đã được khách hàng đặt cọc mua hết số lượng căn hộ ngay sau khi mở bán (như dự án Scenic Valley – Quận 7, Lucky Palace – Quận 6 – TPHCM…).
Lượng giao dịch tăng được đánh giá phù hợp với quy luật nhu cầu mua nhà của người dân tăng vào những tháng cuối năm. Ngoài ra, một số dự án có chế độ khuyến mại đặc biệt để thu hút khách hàng như chiết khấu tới 9-15%, hỗ trợ gói nội thất, không thu tiền dịch vụ từ 3 -10 năm (như dự án Royal City, dự án Mulberry Lane, dự án Thăng Long Victory – Hà Nội..).
Phân khu căn hộ cao cấp cũng có tăng trưởng. Giao dịch thành công chủ yếu tại những dự án đã hoàn thành, dự án gần trung tâm. Khách mua nhà phần lớn là những người có nhu cầu thực mua để ở và cho thuê (như dự án Royal City, dự án Indochina – Cầu Giấy – Hà Nội…).
Về cơ cấu sản phẩm bất động sản, Cục quản lý Nhà đánh giá chung, thị trường đang được đa dạng hóa, thỏa mãn nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng, góp phần tăng tính thanh khoản cho thị trường.
Các dự án mới khởi công đã có sự điều chỉnh về cơ cấu căn hộ, tăng số lượng căn hộ có diện tích nhỏ (dưới 70 m2), giảm các căn hộ có diện tích lớn.
Video đang HOT
Một số quận tại Hà Nội chuẩn bị đấu giá quyền sử dụng đất, các ô đất có diện tích từ 60 – 100 m2, giá khởi điểm dự kiến khoảng 20 – 40 triệu đồng/m2 được nhiều người quan tâm. Báo cáo nêu ví dụ dẫn chứng, quận Nam Từ Liêm chuẩn bị đấu giá quyền sử dụng đất tại Mễ Trì, Trung Văn.
Nhiều doanh nghiệp đang triển khai đầu tư các dự án nhà giá rẻ tại khu vực ngoại thành để đáp ứng nhu cầu của người có thu nhập thấp và trung bình như dự án Ehome – Quận Bình Tân, Ehome – Thủ Đức – TPHCM với giá bán dự kiến từ 600 – 700 triệu đồng/căn. Tại Hà Nội, chung cư Gemek Tower – dự án Geleximco – Hà Đông có giá khoảng 800 triệu đồng/căn, dự án Thăng long Victory – Khu đô thị mới Văn phú có giá từ 13-13,5 triệu đồng/căn…
Cơ quan thống kê cũng điểm một số dự án căn hộ cao cấp gần khu vực trung tâm của Hà Nội, TPHCM được triển khai để đáp ứng nhu cầu ở của những gia đình khá giả và nhu cầu mua để cho thuê như dự án Platinum – Phố Nguyễn Công Hoan, dự án Vinhomes – Nguyễn Chí Thanh – Hà Nội; dự án Vinhomes – Tân Cảng – TPHCM…
Nới điều kiện vay vốn để kéo giảm giá nhà
Nhà ở cho công nhân, sinh viên hiện là vấn đề “ nóng”, nan giải, đang cần huy động tối đa sự đầu tư của người dân.
Ghi nhận diễn biến giá nhà đang theo hướng tích cực, Cục trưởng Nguyễn Mạnh Hà cho biết, giá bán cơ bản ổn định, điều chỉnh hợp lý ở một số dự án đang chuẩn bị hoàn thành, các căn hộ có diện tích nhỏ, dự án ở khu có hạ tầng hoàn chỉnh thì giá bán tăng nhẹ trong khi các dự án ở xa trung tâm giá không tăng, nhiều nơi giá nhà tiếp tục giảm.
Tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư phần lớn giữ giá ổn định, một số khu vực hạ tầng tốt, đi lại thuận tiện giá căn hộ chung cư tăng khoảng 1 – 2 triệu đồng/m2 so với đầu năm 2014 như một số dự án tại khu vực Cầu Giấy, Từ Liêm. Các dự án sắp hoàn thành bàn giao cho khách hàng giá tăng từ 1-3 triệu đồng/m2 so với đầu năm như dự án D22 Trần Bình – Mai Dịch – Cầu Giấy, khu chung cư Cổ Nhuế – Bắc Từ Liêm….
Các dự án xa trung tâm, hạ tầng chưa đầy đủ giá chung cư không tăng, thậm chí giảm so với cuối năm 2013 (như dự án Khu đô thị Dương Nội, Khu đô thị Văn Phú – Hà Đông). Giá nhà thấp tầng khu vực Hà Đông, Hoài Đức giá giảm khoảng 2 – 4% so với cuối năm 2013, nhiều dự án giảm tới 50% so với năm 2010, trở về giá khởi điểm chủ đầu tư bán ra, nhưng vẫn có rất ít giao dịch thành công như dự án khu đô thị mới Vân Canh, dự án khu đô thị Tân Tây Đô….
Tại TPHCM, giá nhà ở cũng đã dần ổn định, phân khúc chung cư cũng như đất nền không còn hiện tượng giảm giá như đầu năm, những tháng gần đây giá cả ổn định, không có nhiều biến động, phân khúc căn hộ diện tích nhỏ phù hợp nhu cầu của thị trường giá tăng nhẹ.
Nhận định chung, cơ quan quản lý cho rằng thị trường tuy đã khởi sắc nhưng vẫn phải đối mặt nhiều khó khăn như DN khó tiếp cận vốn vay ngân hàng vì ít ngân hàng cung cấp tín dụng bằng tín chấp với lo ngại phát sinh thêm nợ xấu. Nhu cầu nhà ở xã hội vẫn rất lớn, nhiều nhiều cán bộ công chức còn chưa có nhà ở, do có ít dự án được khởi công nên phân khúc này vẫn có tình trạng lệch pha cung – cầu. Nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp rất khó khăn vì khó huy động DN tham gia đầu tư, công nhân thuê nhà trọ trong khu dân cư, đời sống rất khó khăn, tạm bợ…
Bộ Xây dựng nêu quan điểm đề xuất các ngân hàng nới lỏng điều kiện cho các dự án vay vốn để triển khai thi công nhằm cung cấp đủ hàng hóa cho thị trường, từ đó tác động để giá nhà có thể giảm tiếp.
P.Thảo
Theo Dantri
Nhiều dự án "treo" quá lâu tại các "khu đất vàng"
"Cử tri TP rất bức xúc trước một số dự án lớn do TP kêu gọi đầu tư nhưng bị "treo" quá lâu tại các "khu đất vàng" trên đường Hùng Vương, Phan Châu Trinh, đặc biệt là dự án SVĐ Chi Lăng cũng như gần 1.800 lô đất lớn, nhỏ trong khu dân cư..."
Đó là một trong những ý kiến của cử tri gửi đến kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng được Chủ tịch UBMT TQ VN TP Đà Nẵng - ông Nguyễn Mạnh Hùng - thay mặt cử tri báo cáo với các đại biểu HĐND TP Đà Nẵng.
Sáng ngày 9/12, HĐND TP Đà Nẵng đã khai mạc kỳ họp thứ 11 khóa VIII nhiệm kỳ 2011-2016. Đây là kỳ họp nhằm đánh giá tình hình KT-XH, quốc phòng - an ninh năm 2014 và bàn các biện pháp, nhiệm vụ trọng tâm năm 2015.
Kỳ họp thứ 11 HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII diễn ra từ ngày 9-11/12
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng - ông Trần Thọ - cho biết, trong năm 2014, trong bối cảnh tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội ở một số nơi trên thế giới và khu vực có nhiều bất ổn, ảnh hưởng nhất định đến kinh tế - xã hội đất nước nói chung và thành phố nói riêng. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, sự giám sát, điều hành quyết liệt... tình hình kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng tiếp tục giữ được đà tăng trưởng khá toàn diện trên các mặt.
Hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra; kết cấu hạ tầng đô thị tiếp tục được đầu tư theo hướng hiện đại, đồng bộ; các công trình trọng điểm được tập trung đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng và kịp thời đưa vào sử dụng một số công trình lớn; chương trình "Năm Doanh nghiệp 2014" được triển khai mạnh mẽ; các chính sách an sinh xã hội tiếp tục được duy trì, đời sống người dân được quan tâm chăm lo; công tác đối ngoại được chú trọng; quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng - ông Trần Thọ phát biểu khai mạc kỳ họp
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cho rằng hoạt động sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn, tiến độ thực hiện một số công trình trọng điểm còn chậm tiến độ; thu hút đầu tư nước ngoài đạt thấp; một số điểm nóng gây ô nhiễm môi trường chưa được xử lý dứt điểm; tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng; đời sống, việc làm của một bộ phận dân cư còn khó khăn...
"Tình hình đó đòi hỏi chúng ta phải có sự phân tích thấu đáo, đánh giá làm rõ nguyên nhân, đề ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới, nhất là trong năm 2015 - năm có ý nghĩa quan trọng, quyết định đến kết quả, sự thành công trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX", Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng - ông Trần Thọ phát biểu.
Theo Chủ tịch TP Đà Nẵng - ông Văn Hữu Chiến, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn năm 2014 ước đạt 41.714 tỷ đồng (tăng 9,28% so với năm 2013); trong đó: dịch vụ tăng 8,5%; công nghiệp - xây dựng tăng 11,1%; nông nghiệp tăng 3,1%. Đây là mức tăng hợp lý trong bối cảnh nền kinh tế đang còn những khó khăn nhất định. Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ năm 2014 ước đạt 39.292,6 tỷ đồng (đạt 88,3% kế hoạch, tăng 9,3% so với năm 2013).
Tổng hợp ý kiến cử tri trình bày trước HĐND, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch UBMT TQ VN TP Đà Nẵng cho biết, thông qua các buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp đã tổng hợp được 784 ý kiến với 9 nhóm nội dung liên quan đến tình hình KT-XH, ANQP của đất nước và địa phương. Trong các ý kiến của cử tri đã có một số ý kiến đã được giải quyết, có vấn đề đã đề cập từ những kỳ họp trước nhưng chưa xử lý, có vấn đề mới phát sinh...
Dự án Vũ Châu Long (ngay góc ngã tư Phan Châu Trinh - Hùng Vương) bỏ hoang mấy năm nay khiến người dân bức xúc
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, cử tri rất bức xúc trước một số dự án lớn do TP kêu gọi đầu tư nhưng bị "treo" quá lâu như các dự án trên đường Hùng Vương, Phan Châu Trinh, Nguyễn Chí Thanh... Đặc biệt là dự án SVĐ Chi Lăng cũng như gần 1.800 lô đất lớn nhỏ đang bỏ trống đan xen trong khu dân cư. Đây là tác nhân tạo ô nhiễm môi trường, làm nhếch nhác đô thị và nay lại là nơi ẩn nấp, sinh nở của rắn lục đuôi đỏ, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của nhân dân.
"Vấn đề cử tri quan tâm là tại sao lãnh đạo TP đã hứa nghiên cứu, xem xét cùng các nhà đầu tư xử lý những lô "đất vàng", đất trống này nhưng 2 năm rồi vẫn chưa thấy động tính gì? UBND TP có giải pháp gì để khắc phục hậu quả và cần rút kinh nghiệm trong việc kêu gọi đầu tư cũng như xử lý triệt để những vẫn đề cử tri đã kiến nghị", ông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu.
Cử tri cũng đề nghị lãnh đạo TP Đà Nẵng đánh giá hiệu quả đề án "Chính quyền điện tử" được vay từ Ngân hàng Thế giới trị giá hơn 27 triệu USD; nhanh chóng ngăn chặn nạn phá rừng ở khu vực rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, xử lý nghiêm những phần tử vi phạm và tiếp tay cho lâm tặc.
Người dân cũng bức xúc trước tình trạng "Dân chờ đất, đất chờ dân" làm ngân sách địa phương phải chi mỗi năm hàng chục tỉ đồng để thuê nhà cho người dân trong khi chờ nhận đất, gây thất thoát, lãng phí tiền của.
Ngoài ra, tình trạng nợ BHXH vẫn diễn ra phức tạp ở hàng chục doanh nghiệp đã gây ảnh hưởng đến quyền lợi của gần 4 ngàn lao động. Tình hình ngập úng cục bộ trên một số tuyến đường như Nguyễn Văn Linh - Lê Đình Lý, khu vực phường Thạc Gián - Vĩnh Trung, đường Quang Trung, Đống Đa... Tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số khu vực như kênh Phú Lộc, âu thuyền Thọ Quang đã được cử tri phản ảnh từ nhiều năm nay nhưng không được xử lý rốt ráo...
Kỳ họp thứ 11 HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII lần này diễn ra từ ngày 9-11/12 sẽ dành 2 ngày trong quỹ thời gian 3 ngày của kỳ họp để thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn. Kỳ họp lần này cũng sẽ tiến hành việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND TP bầu theo Nghị quyết của Quốc hội.
Công Bính
Theo Dantri
Bãi trông xe máy đắt nhất Hà Nội Khu trông giữ xe ở phố Cầu Gỗ tồn tại đã nhiều năm, mức giá gửi xe ở đây vượt khung nhiều lần so với quy định của thành phố Hà Nội. Theo phản ánh của nhiều người dân gửi xe tại khu vực phố cổ, các bãi gửi xe ở khu vực phố Cầu Gỗ (phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà...