Bờ vực đổ vỡ
Cuộc họp không chính thức các Bộ trưởng Ngoại giao Liên hiệp châu Âu (EU) đã kết thúc ngày 31-8 tại Thủ đô Vienna của Áo, song các bên vẫn chưa thống nhất về cách thức giải quyết khúc mắc liên quan một nội dung quan trọng là thỏa thuận hạt nhân Iran.
Tới nay, những giải pháp được EU áp dụng hầu như chưa đem lại hiệu quả, khiến dư luận lo ngại rằng EU sẽ lâm vào thế “lực bất tòng tâm” trước sức ép từ cả Mỹ và Iran.
Biếm họa của EMAD HAJJAJ
Video đang HOT
Theo thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) ký giữa Tehran và nhóm P5 1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức) hồi năm 2015, các lệnh trừng phạt Iran được dỡ bỏ đổi lấy việc Tehran hạn chế chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, ngày 7-8 vừa qua, Mỹ đã áp đặt trở lại một loạt biện pháp trừng phạt đơn phương đối với Iran, sau khi Tổng thống Trump hồi tháng 5 tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận này, cho đây là “một thỏa thuận phiến diện, không đáp ứng mục đích căn bản ngăn chặn Iran phát triển bom nguyên tử”.
Các đông thái trừng phạt của Mỹ đã khiến nền kinh tế Iran trì trệ, đồng rial của quốc gia Trung Đông này đã mất một nửa giá trị. C ảnh báo của Mỹ về việc trừng phạt các công ty nước ngoài làm ăn với Iran đã buộc một loạt công ty quốc tế, trong đó có các tập đoàn Total, Peugeot và Renault của Pháp, cũng như tập đoàn Siemens và Daimler của Đức không còn cách nào khác phải ngừng hoạt động tại Iran. Cả Air France và British Airways đều đã thông báo ngừng các chuyến bay đến Tehran từ tháng 9 tới.
Trong bối cảnh đó, để chống chọi sức ép từ Mỹ, Iran buộc phải tiếp tục tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài, đặc biệt là EU. Tuy nhiên, vốn là đồng minh lâu năm của Mỹ nên để tránh làm “mất lòng” Washington, EU cũng đang hết sức cân nhắc về các biện pháp ủng hộ Iran. Bởi thế, trong chuyến công du tới Phần Lan ngày 31-8, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian cho rằng, sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA, Tehran cần sẵn sàng đàm phán về các kế hoạch hạt nhân trong tương lai, kho tên lửa đạn đạo của nước này, cũng như vai trò của nước Cộng hòa Hồi giáo trong cuộc xung đột tại Syria và Yemen.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Iran đã bác bỏ lời kêu gọi của Pháp tiến hành đàm phán thêm với Tehran về thỏa thuận hạt nhân, coi lời kêu gọi này là “ức hiếp và quá đáng”. Hãng thông tấn IRNA dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qassemi nhấn mạnh: “Không có lý do, sự cần thiết, hay độ đáng tin để tiến hành các cuộc đàm phán về các vấn đề vốn không thể thương lượng”. Ông khẳng định rằng Pháp và các quan chức quốc tế đều biết rõ rằng chính sách về khu vực của Iran theo đuổi hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế cũng như đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố và cực đoan.
Tình hình liên quan JCPOA thêm căng thẳng khi Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif khẳng định, tuân thủ thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 với các cường quốc thế giới không phải là lựa chọn duy nhất của Tehran. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Iran không nêu rõ những lựa chọn khác đối với nước này là gì, song đây được xem là tín hiệu cho thấy Tehran cũng không dễ “buông xuôi” trước các áp lực từ bên ngoài.
Nhằm xoa dịu Iran đồng thời bảo vệ các hợp đồng kinh tế đã triển khai giữa hai bên, mới đây EU đã nhất trí cung cấp một gói hỗ trợ trị giá 18 triệu euro cho các dự án phát triển xã hội và kinh tế bền vững của Iran, một phần của gói hỗ trợ lớn trị giá 50 triệu euro. Tuy nhiên, hiện chưa rõ các nỗ lực này có hiệu quả đến đâu khi phần lớn các công ty nước ngoài đã lựa chọn từ bỏ các dự án đầu tư tại Iran do lo ngại các lệnh trừng phạt của Mỹ. Bên cạnh đó, gói trừng phạt thứ hai của Washington dự kiến sẽ có hiệu lực từ đầu tháng 11 tới, nhằm vào lĩnh vực năng lượng và dầu mỏ quan trọng của Iran, chắc chắn sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế của quốc gia Hồi giáo này.
Bài toán khó cho EU hiện nay là làm thế nào để dung hòa các lợi ích chính trị và kinh tế, giữ vững được nguyên tắc đa phương trong chính sách quan hệ quốc tế trước xu hướng đơn cực mà nước Mỹ đang tìm mọi cách áp đặt, trên cơ sở đó mới có thể tìm ra được một giải pháp khả thi giúp thỏa thuận hạt nhân Iran tránh khỏi bờ vực đổ vỡ.
Theo nhandan
Hội nghị Ngoại trưởng EU bàn về diễn biến ở Trung Đông, Syria và Iran
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, ngày 31/8, Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) đã kết thúc tại thủ đô Vienna của Áo sau thời gian thảo luận về diễn biến hiện tại ở Trung Đông, tình hình Syria và Iran.
Bộ trưởng Ngoại giao Áo Karin Kneissl (trái) và bà Federica Mogherini, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU trong cuộc họp báo kết thúc hội nghị. (Nguồn: heute.at)
Các quan chức cũng bàn bạc về một số vấn đề khác như giải quyết làn sóng người di cư, quan hệ xuyên Đại Tây Dương và tình hình tại Đông và Nam Âu với trọng tâm là việc mở rộng Liên minh trong tương lai.
Phát biểu tại cuộc họp báo kết thúc hội nghị cùng với Bộ trưởng Ngoại giao Áo Karin Kneissl, bà Federica Mogherini, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU cho biết các bộ trưởng đã tái nhấn mạnh quan điểm của EU về sự cần thiết của giải pháp hai Nhà nước như là biện pháp duy nhất có thể giúp giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine. EU cũng khẳng định sẽ tập trung hỗ trợ cho những nỗ lực mà Liên hợp quốc và Ai Cập đang triển khai tại dải Gaza.
Đại diện cấp cao của EU cho hay cần ngăn chặn và tránh một hành động quân sự ở khu vực Idlib tại Syria vì nguy cơ gây ra một thảm họa nhân đạo. Các bộ trưởng cũng thảo luận về những cách thức cho phép tăng cường các hoạt động hỗ trợ nhân đạo cho người Syria.
Trong khuôn khổ hội nghị, các Bộ trưởng ngoại giao EU cũng thảo luận về những động thái của Iran trong khu vực. Bà Mogherini đánh giá đây là mối bận tâm cao độ đối với tất cả và châu Âu phải tham gia giải quyết để giúp ổn định tình hình.
Các bộ trưởng đã thảo luận vấn đề trên một cách khá chi tiết, đồng thời cho rằng nhiệm vụ của EU là tiếp tục bảo toàn thỏa thuận hạt nhân Iran, hay gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Bà cũng đặc biệt nhấn mạnh việc ngày 30/8, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA đã công bố báo cáo xác nhận rằng Iran vẫn luôn tôn trọng các cam kết của mình về hạt nhân.
Vấn đề người nhập cư, nhất là các hoạt động của Chiến dịch SOPHIA đã được đề cập trong một cuộc làm việc với các Bộ trưởng quốc phòng ngày 30/8 tại Vienna. Bà Mogherini cho biết đã cảm nhận rõ về một cam kết mạnh mẽ của các quốc gia thành viên trong việc tiếp tục chiến dịch được đánh giá là đã mang lại kết quả và lợi ích cho tất cả các bên.
Đại diện cấp cao của EU cũng ghi nhận nỗ lực chung của châu Âu trong việc tìm ra một giải pháp thiết thực trong vấn đề chia sẻ trách nhiệm quản lý người di cư cũng như các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ.
Nội dung thảo luận về chính sách đa phương hiệu quả đã diễn ra với sự tham gia của các nước đối tác của EU là Albania, Macedonia, Montenegro, Serbia và Thổ Nhĩ Kỳ. Nỗ lực củng cố chính sách đa phương nhằm xây dựng một trật tự quan hệ quốc tế dựa trên các quy tắc nhất quán là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược đối ngoại tổng thể của EU, đồng thời là mối quan tâm của Áo, nước hiện nắm giữ ghế Chủ tịch luân phiên của Hội đồng EU.
Ngoại trưởng Áo Karin Kneissl nhấn mạnh chủ nghĩa đa phương và một trật tự quốc tế dựa trên các nguyên tắc nhất quán chỉ có thể được đẩy mạnh trên nguyên tắc "các thỏa thuận phải được giữ gìn." Ngoại trưởng Áo nhấn mạnh cần phải chắc chắn rằng các hiệp ước và hiệp định quốc tế sẽ được tôn trọng.
Theo vietnamplus
Thế giới 24h: Mỹ-Trung khai hỏa chiến tranh thương mại Mỹ và Trung Quốc, ngày 6/7, chính thức bước vào "cuộc chiến thương mại lớn nhất lịch sử kinh tế" khi áp các mức thuế mới lên hàng chục tỷ đôla hàng hóa nhập khẩu từ mỗi bên. Chính quyền Tổng thống Donald Trump quyết định áp mức thuế mới 25% đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá 34 tỷ USD từ...