Bỏ vô lăng về quê nuôi chim ưa sạch và con “chết sớm”, lãi 13 triệu/tháng
Đang có nghề lái xe trên thành phố với một mức lương cao và ổn định, nhưng anh Phạm Xuân Đức (35 tuổi) trú ở xóm 2, xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh (Ninh Bình) vẫn quyết định bỏ về quê để xây dựng mô hình nuôi chim bồ câu và dế thương phẩm, bước đầu mô hình của anh đã cho thu nhập hơn chục triệu/ tháng.
Hơn 1 năm về trước anh Xuân Đức làm nghề lái xe cho một công ty vận tải, lúc nào cũng ngồi trong cabin ô tô, quần áo tươm tất, vi vu đi đây đi đó, nhưng đùng một cái anh quyết định về quê theo nghiệp nhà nông trước sự ngỡ ngàng của bạn bè và người thân.
Anh Đức cho biết, trong một lần đi chở hàng cho khách thì anh tình cờ bắt gặp mô hình nuôi chim đi liền với nuôi dế. Thấy mô hình hay hay nên cứ lúc nào rảnh là anh Đức lại dùng smartphone lên mạng Internet tìm hiểu về nuôi chim bồ câu, nuôi dế. Trong quá trình tìm hiểu, anh thấy hai loại vật nuôi này khá dễ nuôi và cho hiệu quả kinh tế khá cao, thu nhập chẳng thua kém gì nghề lái xe mà anh đang làm. Sau nhiều lần đắn đo suy nghĩ, anh quyết định bỏ về quê nuôi chim.
“Trong quá trình tìm hiểu tôi thấy rất nhiều thông tin thú vị về chim bồ câu và con dế. Chẳng hạn, chim bồ câu là loài chim hay “đỏm dáng, làm điệu” và ưa sạch sẽ. Hay như con dế là loài “chết sớm, đoản thọ”, nó chỉ sống được không quá 3 tháng…Những kiến thức sơ khởi như thế vừa vui vui mà lại giúp tôi có cái nền ban đầu khi về quê nuôi chim bồ câu, nuôi dế…”, anh Đức thổ lộ.
Sau khi bỏ nghề lái xe về quê lập nghiệp, anh Phạm Xuân Đức có nguồn thu nhập ổn định hơn 10 triệu đồng/tháng.
“Lái xe được đi đây đi đó, gặp đủ kiểu người, nhưng nhiều lúc thấy nghề lái xe vất vả, suốt ngày lông bông ngoài đường và nguy hiểm lại luôn rình rập nên tôi quyết định về quê lập nghiệp. Lúc đầu nhiều người cũng khuyên ngăn vì cho rằng liệu bỏ về nuôi chim bồ câu, làm bạn với giun dế như thế thì có ra cơm cháo gì không?. Tôi thì nghĩ, thành càng tốt, mà thất bại nhiều thì quay lại nghề lái xe cũng chẳng sao. Thế là mặc cho mọi người bàn tán tôi vẫn quyết định bỏ về quê làm chuồng nuôi chim và nuôi con “chết sớm…”, anh Đức nhớ lại.
Từ những kiến thức kỹ thuật nuôi chim bồ câu, kỹ thuật nuôi dế mà anh đã nắm được từ trước đó, ngay sau khi về quê anh liền bắt tay vào xây chuồng trại và mua con giống về nuôi thử nghiệm. Dù mới đưa vào nuôi thử nghiệm nhưng đàn chim bồ câu và dế của gia đình anh luôn phát triển tốt và bước đầu cho thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng.
Mỗi tháng gia đình anh Đức bán ra thị trường hơn 100 đôi chim non với mức giá dao động từ 100-150 ngàn đồng/cặp.
Video đang HOT
Dẫn phóng viên Dân Việt đi thăm quan mô hình, anh Đức cho hay, hiện nhà anh đang nuôi hơn 200 đôi bồ câu và hơn 60 m2 bể xi măng nuôi dế. Trung bình mỗi tháng gia đình anh bán được hơn 100 đôi chim non, với giá dao động từ 100-150 ngàn/đôi. Còn dế mỗi một lứa bán được khoảng trên 50kg với giá 160 ngàn đồng/kg.
“Dù mới đưa vào nuôi thử trong năm nay nhưng đàn vật nuôi phát triển khá tốt. Sau khi trừ hết chi phí, mỗi tháng tôi lãi khoảng gần 13 triệu đồng.” Anh Đức tiết lộ.
Trung bình mỗi lứa dế anh Đức xuất bán ra thị trường khoảng 50 kg dế thương phẩm với giá 160 ngàn đồng/kg.
Cũng theo anh Đức, chim bồ câu và dế là hai loại vật nuôi tương đối dễ nuôi, bồ câu mà gia đình anh đang nuôi là loại bồ câu Pháp, đây là loại bồ câu khá dễ nuôi, ít bị bệnh tật và sinh sản rất nhanh nên cho hiệu quả kinh tế cao. Trung bình nuôi khoảng từ 5-6 tháng là chim bồ câu Pháp bắt đầu sinh sản, mỗi lứa khoảng 40 ngày và mỗi lứa khoảng 2 con. Trong quá trình nuôi con non, chim bồ câu bố mẹ vẫn đẻ và ấp trứng.
Nói thêm về con dế-con “chết sớm” như anh nói, anh Đức cho biết, dế là loại cực kỳ dễ nuôi, lợi nhuận cao hơn cả chim bồ câu nhưng chi phí đầu tư ban đầu thấp mà lại nhanh được thu hồi vốn. “Đầu ra của con dế tương đối ổn định, chủ yếu được bán làm thực phẩm cho các nhà hàng, quán bia. Ngoài ra cũng được bán cho các cửa hàng chim cá cảnh để làm thức ăn cho chim và cá cảnh” anh Đức nói về đầu ra của con dế.
Hiện tại gia đình anh đang có 200 cặp chim bố mẹ, dự định thời gian sắp tới gia đình anh sẽ mở rộng quy mô lên tới hơn 500 cặp bố mẹ.
Chia sẻ về công việc sắp tới của gia đình, anh Đức cho hay, sắp tới gia đình anh sẽ mở rộng quy mô nuôi chim bồ câu sinh sản lên hơn 500 đôi và hàng trăm m2 chuồng nuôi dế. Lúc đó sản phẩm đầu ra sẽ tăng gấp đôi, gấp 3 so với hiện tại và khoản thu nhập hàng tháng là không hề nhỏ.
“Sau gần một năm theo nghiệp nhà nông, bước đầu tôi khá vui khi những thành công ban đầu mang lại, dù thời gian sắp tới còn rất nhiều khó khăn trước mắt. Nhưng tôi cảm thấy rất hài lòng với cuộc sống hiện tại, không phải rong ruổi gập ghềnh trên những cung đường xa như trước, sống một cuộc sống tuy có vất vả nhưng thảnh thơi vui vẻ ở quên nhà.” anh Đức tâm sự.
Theo Danviet
Chuyện lạ: Hot girl báo chí bỏ phố về quê nuôi lợn, thả gà làm giàu
Tốt nghiệp cử nhân báo chí, rồi làm phóng viên cho Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) với mức lương gần chục triệu tháng, khoản thu nhập này là niềm mong ước của rất nhiều cử nhân mới ra trường. Nhưng, cũng chính thời gian làm việc ở VOV đã giúp cho đôi chân của Lan có dịp đến nhiều vùng đất, được gặp nhiều người, biết thêm nhiều mô hình làm ăn hiệu quả đã tạo cho cô niềm đam mê để về quê làm nông.
Chị Phạm Thị Hương Lan (28 tuổi) ở xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh (Ninh Bình), vốn xuất thân trong một gia đình thuần nông nên chị Lan luôn nuôi chí làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Vì thế chị đã từ bỏ công việc thu nhập ổn định ở thành phố Hà Nội về nhà nuôi lợn, chăm gà.
Quyết định của chị đã bị gia đình, bố mẹ, anh em, hàng xóm phản đối, rằng đi học là để thoát li không phải chân lấm tay bùn, có việc làm ổn định, làm bố mẹ được "mở mày, mở măt"..."Ngày bỏ về bố mẹ phản đối kịch liệt lắm, đầu tiên thì khuyên ngăn sau thấy mình quyết tâm quá nên không nói gì nữa, nhưng bố mẹ lại tỏ ra thất vọng kinh khủng" chị Lan nhớ lại.
Hot girl Phạm Thị Hương Lan quyết định bỏ công việc trên thành phố về quê lập nghiệp.
Chị Lan chia sẻ, năm 2012, tốt nghiệp chuyên ngành báo chí của Trường Đại học Khoa Học Huế , chị xin vào làm ở VOV. Trong quãng thời gian công tác tại đây, chị cũng được tiếp xúc được khá nhiều mô hình trang trại cho hiệu quả kinh tế cao và đồng thời chị cũng lập gia đình.
Đồng lương ổn định, nhưng cả 2 vợ chồng đều có chung khát vọng làm giàu bằng nghề nông trên mảnh đất quê hương nên đã thôi thúc chị. Chính vì thế chị quyết tâm nghỉ việc về nhà, đem những kiến thức đã học được vào áp dụng sản xuất tại gia đình.
"Ngày đầu khởi nghiệp 2 vợ chồng gặp muôn vàn khó khăn, cái khó khăn lớn nhất với tôi là nguồn vốn eo hẹp, chỉ vỏn vẹn có 30 triệu đồng. Nhưng rất may mắn là chồng tôi trước đó có khoảng thời gian dài làm trong viện chăn nuôi nên về mảng kĩ thuật nắm bắt khá vững" chị Lan chia sẻ.
Được sự ủng hộ của gia đình, năm 2014, chị Lan mạnh dạn vay vốn ngân hàng, cùng với vốn của gia đình và huy động sự giúp đỡ của anh, em hàng xóm , đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại và mua con giống.
Gia đình chị Lan hiện đang nuôi hàng nghìn con gà Ai Cập hậu bị.
Vừa làm vừa tiếp tục học hỏi, nâng cao kỹ thuật. Chỉ sau 4 năm, đến giờ trang trại của chị Lan luôn duy trì hàng trăm con lợn to nhỏ, bình quân mỗi năm xuất bán 3 lứa lợn thịt, mỗi lứa bình quân khoảng trên dưới 100 con con tùy theo giá cả thị trường.
Nhằm bảo vệ môi trường tận dụng hiệu quả nguồn phân thải, gia đình chị đầu tư xây dựng hầm bioga sử dụng công nghệ khí sinh học đun nấu, thắp sáng, sưởi ấm cho đàn gia súc, giảm sử dụng điện lưới, chủ động điện trong sản xuất.
Ngoài ra, vợ chồng chị còn nuôi hàng nghìn con gà Ai cập, trong đó gà mái đẻ luôn duy trì hàng trăm con và hàng nghìn con gà hậu bị. Toàn bộ hệ thống chuồng nuôi lợn gà của chị Lan đều được xây dựng theo hướng khép kín, áp dụng kỹ thuật nuôi theo kiểu đệm lót sinh học nhiều ngăn, có máng ăn, nguồn nước uống tự động. Trung bình mỗi ngày thu được hàng trăm quả trứng và được bán với giá trung bình khoảng 2.500 đồng/quả.
Chia sẻ với phóng viên báo điện tử Dân Việt, chị Lan cho biết, quy mô chăn nuôi lợn gà của gia đình vẫn còn nhỏ, sau khi trừ hết chi phí mỗi năm gia đình chị chỉ lãi được khoảng 200 triệu đồng. Ngoài ra, hai vợ chồng chị cũng đang ấp ủ dự định mở rộng quy mô chăn nuôi lên để hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn hiện tại.
"Dù mức thu nhập trên tuy không cao hơn công việc cũ là mấy nhưng với mức thu nhập như thế thì có thể sống khá tốt ở quê. Ngoài ra, cuộc sống ở quê rất thỏa mái, không bị áp lực nghề nghiệp, không phải bon chen như trên thành phố, muốn làm gì thì làm..." chị Lan tâm sự.
Từ những quyết định mà mọi người cho là "khùng", sau một thời gian kiên trì và phấn đấu, đến nay chị Lan đã chứng minh cho mọi người thấy con đường mình chọn quay lại làm nông dân là đúng. Nhưng có lẽ điều làm cho chị vui nhất đó là được làm công việc mà mình thích và được làm giàu trên mảnh đất mà mình sinh ra.
Nói thêm về chị Lan, bà Nguyễn Thị Phương Lan - Chủ tịch hội nông dân xã Thiện cho biết, chị Lan là một trong những người đầu tiên mạnh dạn bỏ công việc ổn định trên thành phố để về quê lập nghiệp của xã. Hiện mô hình chăn nuôi lợn, gà của gia đình chị cũng cho thu nhập rất khá nên có thể nói cá nhân chị Lan là một trong những thanh niên tiêu biểu trong sản xuất nông nghiệp của xã chúng tôi.
Theo Danviet
9X Bắc Giang nuôi loài chim siêu đẻ, lãi 100-120 triệu đồng/tháng Nuôi chim bồ câu không phải là mô hình làm kinh tế mới, tuy nhiên làm thế nào để mô hình đạt hiệu quả cao thì không phải ai cũng làm được. Mô hình nuôi chim bồ câu siêu đẻ của anh Hồ Hữu Hải thôn Long Lanh, xã Bảo Đài, huyện Lục Nam (Bắc Giang) là một điển hình về sự sáng...