Bộ Văn hóa sẽ kiểm soát chặt chẽ hình ảnh của nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật
Chiều 9/10, tại cuộc họp thường kỳ quý III-2023 của Bộ VHTT&DL, rất nhiều vấn đề nóng được bàn luận. Trong đó, vấn đề quảng cáo sai sự thật của các nghệ sĩ và người có ảnh hưởng trên mạng xã hội cũng được nêu ra.
Thời gian qua, nhiều nghệ sĩ, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đã tự đánh mất uy tín khi thổi phồng công dụng của sản phẩm, trong đó có nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng và thậm chí là tiền ảo. Điều này đã gây ra bức xúc trong dư luận.
Trả lời những câu hỏi có liên quan về vấn đề này, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở cho biết: “Trong những năm vừa qua, Bộ VHTT&DL kết hợp cùng Bộ Thông tin Truyền thông đã hết sức quan tâm và chỉ đạo chặt chẽ về vấn đề quảng cáo trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, Bộ VHTT&DL cũng được giao nhiệm vụ đề xuất, sửa đổi một số điều trong luật quảng cáo. Vừa qua, hồ sơ đề nghị sửa đổi lại một số điều luật quảng cáo cũng đã được Thủ tướng chính phủ và Chính phủ thông qua và chính thức có một nghị quyết trong tháng 9, giao cho Bộ tiếp tục hoàn thiện, trình Chính phủ và đưa ra Quốc hội xem xét, sửa đổi”.
Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở trả lời về vấn đề nghệ sĩ, người có tầm ảnh hưởng quảng cáo sai sự thật
Nói thêm về nội dung và hình thức quảng cáo, bà Hương nêu rõ: “Điều 19 Luật Quảng cáo quy định: Nội dung quảng cáo phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo. Hình thức được thể hiện trên các phương tiện khác nhau sau khi được cơ quan thẩm quyền phê duyệt nội dung”.
Bên cạnh đó, bà Hương cũng khẳng định luật quảng cáo hiện nay đã có những cơ chế, chế tài, quy định để kiểm soát về mặt nội dung, hình thức, để mỗi quảng cáo đến với người tiêu dùng đảm bảo được tính chính xác, trung thực theo đúng tính năng, chất lượng mà sản phẩm quảng cáo đưa ra. Đồng thời, luật cũng có những quy định về quyền và trách nhiệm đối với các đối tượng tham gia quảng cáo.
Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở cho biết, thời gian qua, không chỉ những người nghệ sĩ nổi tiếng mà cả những người có ảnh hưởng, có uy tín trên mạng xã hội cũng quảng cáo nhiều sản phẩm vượt quá tính năng và công dụng đã được cấp phép.
Do đó, bà Hương nhấn mạnh: “Đối với các nghệ sĩ, những người có ảnh hưởng lớn, chúng ta đưa ra những chế tài pháp lý chặt chẽ hơn, bởi họ có ảnh hưởng đến định hướng người tiêu dùng và có thể lựa chọn sai sản phẩm khi tin lời quảng cáo”.
“Dự thảo về Luật Quảng cáo sửa đổi, bổ sung cũng đưa ra quyền và trách nhiệm của người truyền tải sản phẩm quảng cáo có uy tín, nghĩa là chúng ta không chỉ hướng tới các nghệ sĩ mà còn hướng tới những người có uy tín khác. Người có uy tín đó sẽ được định nghĩa trong dự thảo sắp tới”, bà Ninh Thị Thu Hương nói.
Video đang HOT
Cũng trong buổi họp báo chiều nay, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ VHTT&DL cho biết Bộ đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng quy trình xử lý, kiểm soát đối với các trường hợp nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, vi phạm chuẩn mực và gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
“Những hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức ứng xử được quy định trong bộ quy tắc ứng xử, nhất là về quảng cáo không trung thực, cung cấp sai thông tin tới công chúng, gây ảnh hưởng thì ngoài việc xử lý theo quy định pháp luật về quảng cáo, các nghệ sĩ này sẽ được Bộ VHTT&DL và Bộ Thông tin và Truyền thông đưa vào diện xem xét, kiểm soát trong quy trình xử lý”.
Tùy vào mức độ vi phạm, Bộ VHTT&DL phối hợp cùng các cơ quan báo chí có quyết định kiểm soát hình ảnh cũng như sự hiện diện của cá nhân vi phạm đó trên các nền tảng thông tin đại chúng.
“Chúng tôi mong muốn quy trình này cùng với các quy định pháp luật, xử phạt hành chính liên quan tới các lĩnh vực của ngành, một lần nữa sẽ tạo ra ý thức trách nhiệm của các chủ thể tham gia, nhất là những nghệ sĩ có tác động lớn đến xã hội”, ông Sơn nói.
Ông Sơn cho biết, quy trình phối hợp giữa hai Bộ về việc này đang trong quá trình hoàn thiện. Dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn thiện và sẽ biện pháp xử lý chặt chẽ hơn với những nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật.
'Cùng một diễn viên mà hôm nay yếu sinh lý mai viêm khớp, thận hư'
"Nhìn sâu xa hơn, những vi phạm về quảng cáo sai sự thật của nghệ sĩ Việt góp phần làm đảo lộn các giá trị và chuẩn mực cuộc sống", chuyên gia truyền thông Lê Ngọc Sơn.
Nghệ sĩ và những người nổi tiếng có thể được gọi là những người có ảnh hưởng (KOLs). Những KOLs này thường có nhiều người mến mộ (fan/follower), do vậy họ cũng là các đối tượng được các nhãn hàng tìm đến để quảng bá.
Những nghệ sĩ nổi tiếng sẽ có nhiều đơn hàng quảng cáo, tất nhiên là thu nhập sẽ tốt. Đây là lý do giải thích vì sao các nghệ sĩ nổi tiếng thường tham gia quảng cáo cho các sản phẩm nổi tiếng.
Tuy nhiên, với thu nhập hấp dẫn từ việc quảng cáo, nhiều nghệ sĩ bất chấp để quảng cáo cho các sản phẩm rởm, không đạt chất lượng...
Do vậy, thật ngạc nhiên khi ta xem quảng cáo, thấy có những nghệ sĩ "mắc quá nhiều bệnh" từ nhẹ đến nặng. Cũng một ông diễn viên mà khi thì yếu sinh lý, khi thì mất ngủ, khi thì ăn không ngon, khi khác lại đau đại tràng, thận hư, viêm khớp, hôm thì mắc bệnh ung thư này, hôm khác thì lại mắc bênh ung thư khác,...
Nhiều nghệ sĩ bị lên án vì quảng cáo "lố", sai sự thật về các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng.
Tôi cho rằng việc quảng cáo sai sự thật này của các KOLs trong lĩnh vực nghệ thuật đã vi phạm cả các chuẩn mực đạo đức lẫn pháp luật.
Về mặt đạo đức nghề nghiệp, chính việc các KOLs này quảng cáo sai sự thật đã góp phần làm hại người tiêu dùng, trong đó có cả những người hâm mộ (fan/follower) của những nghệ sĩ này. Họ đang trục lợi và làm hại cả những người yêu mến, hâm mộ mình từ việc quảng cáo sai sự thật.
Về mặt pháp luật, những KOLs này đang có dấu hiệu vi phạm nhiều luật hiện hành, chẳng hạn Luật Quảng cáo 2012, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 và Bộ luật Hình sự 2015.
Khi khởi sinh các rắc rối pháp lý, tuỳ tính chất và mức độ của các vi phạm, những KOLs này có thể bị khởi kiện và đối mặt với các mức phạt tiền khác nhau, thậm chí là phạt cải tạo không giam giữ.
Nhìn sâu xa hơn, những vi phạm về quảng cáo sai sự thật của nghệ sĩ Việt góp phần làm đảo lộn các giá trị và chuẩn mực cuộc sống.
Những giá trị thật mà không bỏ tiền ra để quảng cáo, PR thì bị hạ thấp và lãng quên; trong khi những giá trị ảo, những sản phẩm không có chất lượng, thậm chí làm hại sức khoẻ con người... lại được nâng lên tận mây xanh do được bỏ tiền ra để các KOLs thổi phồng.
Những điều này đi ngược lại với các chuẩn mực xã hội và các giá trị đạo đức. Do vậy, cần tăng các chế tài pháp luật để nắn chỉnh những KOLs chỉ biết nghĩ đến lợi ích của bản thân mà gián tiếp hay đồng loã làm hại lợi ích của cộng đồng.
Nghệ sĩ hay những người nổi tiếng cần ý thức rõ trách nhiệm xã hội của bản thân đối với cộng đồng. Mỗi hành vi của họ có ảnh hưởng rất lớn đến xã hội, do đó trước hết họ phải ý thức được "quyền lực mềm" của mình và sống có trách nhiệm khi sử dụng những "quyền lực mềm" đó.
Nghệ sĩ Việt "hồn nhiên" quảng cáo "thầy" xem bói toán, tử vi, phong thủy,... đến khán giả của mình.
Về mặt quản trị rủi ro, điều này tốt cho các nghệ sĩ. Bởi hơn ai hết, khi họ ý thức được rằng nếu họ cổ vũ cho cái xấu thì những hậu quả sẽ đến với họ. Họ nghiêm khắc với bản thân cũng là cách để quản trị các rủi ro cho chính mình.
Tuy nhiên, khi không thể trông chờ vào sự tự giác và tự ý thức, pháp luật cần lên tiếng. Về mặt pháp luật, cần có chế tài thật nghiêm và nặng hơn nữa cho những hành vi quảng cáo sai sự thật, để các nghệ sĩ lấy đó làm gương.
Đồng thời, người hâm mộ cũng cần nâng cao ý thức trách nhiệm trước khi lan truyền bất cứ thông tin nào từ các "thần tượng" của mình và hiểu về các quyền mình có thể có.
Ở một góc độ khác, về bản chất, người hâm mộ cũng có các "quyền lực mềm" của mình. Họ cần sử dụng quyền tẩy chay nếu phát hiện ra các nghệ sĩ vô lương, trục lợi trên sự thiếu hiểu biết của đám đông, làm hại sức khoẻ cộng đồng.
Khi người hâm mộ biết dùng đến quyền của mình, chắc chắn hành vi của những nghệ sĩ/người nổi tiếng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp hơn.
Kiểm soát hình ảnh của người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ kiến nghị bổ sung thêm chế tài mạnh hơn để xử lý các nghệ sĩ, người nổi tiếng có hành vi quảng cáo sai sự thật, vi phạm Luật Quảng cáo. Tại họp báo thường kỳ của Bộ VHTT&DL, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở cho biết, thời...