Bỏ tục đốt vàng mã: “Cần quyết liệt như cấm đốt pháo”
Tục đốt vàng mã không phải chính pháp nhưng đã ăn sâu vào đời sống văn hóa của người dân, vì thế, muốn bỏ tập tục này, Nhà nước cần quyết liệt như cấm đốt pháo.
Tục đốt vàng mã không phải chính pháp, vì thế cần phải dần dần loại bỏ ra khỏi đời sống văn hóa tâm linh của người dân. (ảnh: Tất Định).
Văn hóa du nhập, cần có chế tài mang tính răn đe
Mới đây, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ban hành công văn số 31 do Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ký về việc tăng cường nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc tại các cơ sở thờ tự Phật giáo.
Một trong những nội dung công văn 31 đề nghị đó là, chư tôn đức tăng ni bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo (bao gồm: chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm Phật đường).
Việc làm này nhanh chóng gây xôn xao dư luận và được nhiều người hưởng ứng.
Theo Thượng tọa Thích Thọ Lạc – Phó ban Văn hóa (Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam), tục đốt vàng mã không phải của người Việt Nam mà xuất phát từ Trung Quốc.
Vào trước thế kỷ thứ 6, các vua chúa qua đời thường chôn theo người thân cận, kẻ hầu, của cải và vật dụng sử dụng thường ngày. Về sau, người ta nghĩ ra cách tạo hình nhân thế mạng và làm đồ giả như vàng, ngân xuyến,… đốt gửi xuống âm phủ. Dần dần, tục đốt vàng mã lan sang Việt Nam và được người dân coi là tín ngưỡng văn hoá.
“Thay vì đốt vàng mã cúng tổ tiên, tôi nghĩ chúng ta nên đi chùa, thành tâm cầu nguyện hồi hướng tâm đức và dâng thanh bông hoa trái. Bên cạnh đó, hãy dành số tiền mua vàng mã để làm việc thiện, giúp đỡ người nghèo khó vì Phật có câu “Cứu một người dương gian bằng ngàn người âm phủ”", Thượng tọa Thích Thọ Lạc nói.
Đánh giá về công văn của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng cho rằng, công văn bỏ tục đốt vàng mã chỉ có tác dụng giáo dục một phần đối với các Phật tử hiểu rằng tục đốt vàng mã không phải chính pháp, còn muốn ngăn chặn trong dân thì không thể.
Video đang HOT
Ông dẫn chứng, trước kia, đốt pháo được coi là phong tục của người Việt trong các dịp Tết, lễ hội lớn. Năm 1994, Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị Cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo, nếu ai vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính. Nhờ đó, dân ta ai cũng chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật.
“Tôi nghĩ, trong vấn đề bỏ đốt vàng mã cũng cần quyết liệt như cấm đốt pháo vậy và chỉ Nhà nước mới đủ năng lực.
Cụ thể, Nhà nước cần cấm các cơ sở sản xuất vàng mã bởi đó là văn hoá phẩm, nghệ phẩm tạo nguy cơ cho đời sống. Hơn nữa, muốn hạn chế sản xuất vàng mã cần đánh thuế cao và có các chế tài mang tính răn đe, cưỡng chế”,ông Trảng nhấn mạnh.
Tuyên truyền, vận động, từng bước loại bỏ tục đốt vàng mã
Theo Hoà thượng Thích Gia Quang – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, do tục đốt vàng mã đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân, vì thế, trong giai đoạn đầu, chưa thể triệt để ngay. Công văn nhằm mục đích, yêu cầu các trụ trì các chùa phổ biến, lan toả cho người dân hạn chế dần dần rồi đi đến từ bỏ tục đốt vàng mã.
Đối với chế tài xử phạt những người cố tình vi phạm đốt vàng mã ở những nơi cấm, Hoà thượng Thích Gia Quang cho hay: “Nhà chùa không có chế tài xử phạt mà chỉ tuyên truyền, đem giáo lý của nhà Phật ra giảng giải để người dân hiểu,từ đó mới dần dần bỏ được tập tục này”.
Hoà thượng Thích Gia Quang cho biết thêm, trong thời gian tới, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần có sự kết hợp liên ngành, phối hợp với Bộ Văn hóa- Thể thao- Du lịch để tuyên truyền và triển khai đồng bộ công văn thì mới mong có kết quả tốt.
Trả lời báo chí, ông Vương Duy Biên – Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch cho rằng, công văn của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một tư duy cách mạng và ông hoàn toàn ủng hộ vì theo ông, tục đốt vàng mã giờ đã bị biến tướng.
Nếu như trước đây ở góc độ tâm linh, người ta đốt vàng mã chỉ là tượng trưng một chút lòng thành con cháu muốn gửi gắm tới ông bà, tổ tiên thì giờ đây cái suy nghĩ mê tín dị đoan rằng “trần sao âm vậy” nên họ đốt quá nhiều và đốt đủ thứ gây. Nhiều hệ lụy xảy ra như làm cho ô nhiễm môi trường, tốn kém về tài chính, thậm chí hỏa hoạn và nhiều vấn đề kèm theo dẫn đến tiêu cực, mất đi ý nghĩa ban đầu của tục đốt vàng mã.
Xét trên nhiều góc độ của đời sống xã hội, Thứ trưởng Biên cũng đưa ra một vài ý kiến băn khoăn. Vì theo ông, nếu việc cấm đốt vàng mã được thực thi sẽ ảnh hưởng tới một số lĩnh vực, nhất là các làng nghề sẽ ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, văn hóa làng nghề, bởi rất nhiều nơi người dân đang sống bằng nghề làm vàng mã và những đồ thờ cúng.
Vì vậy, theo ông Biên, có thể thực hiện việc cấm đốt vàng mã ở một số nơi và quy mô đưa ra như thế nào cho hợp lý. Ngoài ra, nếu như làm tốt công tác truyền thông, công tác dân vận thì người dân sẽ ủng hộ.
Theo Danviet
Nhà nước cần phối hợp ngay với Phật giáo để bỏ tục đốt vàng mã!
PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị bỏ tục đốt vàng mã tại các nơi thờ tự Phật giáo là rất tích cực. Tuy nhiên, việc đốt vàng mã thuộc về phong tục tập quán, là "quán tính" của nhiều người nên rất khó "gột rửa" ngay.
Mới đây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị chư Tôn đức Tăng Ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Liên quan đến nội dung này, sáng nay (23/2), phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học).
PGS.TS Trịnh Hòa Bình. (Ảnh: Nguyễn Dương).
PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, đề nghị bỏ tập tục đốt vàng mã của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói trên là rất tích cực, nhà nước và toàn xã hội cần ủng hộ để thực hiện vấn đề này.
"Nếu nhìn nhận vấn đề này trên bình diện xã hội thì rõ việc đốt vàng mã rất ảnh hưởng đến môi trường, thậm chí có người còn chứng minh rất lãng phí vì tốn kém về mặt kinh tế. Còn đứng trên bình diện của nhà Phật mà người ta cũng tán đồng, đề nghị bỏ thì đó là một ý kiến rất tích cực, đây cũng là cơ sở để chúng ta thực hiện vận động trong toàn dân để bỏ tập tục đốt vàng mã" - PGS.TS Trịnh Hòa Bình nêu quan điểm.
Tuy nhiên, PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, việc bỏ ngay tập tục đốt vàng mã là không hề đơn giản. Bởi theo ông, tục đốt vàng mã có từ bên lương, từ nhà Phật, không liên quan đến Thiên Chúa Giáo. Nhưng tập tục đốt vàng mã hiện nay đã thoát ra khỏi "bàn tay" của "chủ thể quản lý" là Phật giáo, tập tục này giờ đã thuộc về toàn thể cộng đồng, không riêng những người theo Phật, mà người dân chỉ theo đạo cúng tổ tiên vẫn có hành vi đó, như đốt vàng mã ở nhà, đốt vàng mã ở nghĩa trang, chùa, đền, miếu,...
Bởi theo quan niệm của nhiều người, đốt vàng mã là để gửi xuống cõi âm cho người thế giới bên kia. Gần đây, tục này còn phát triển hơn khi nhiều người nghĩ "trần sao âm vậy", tức là dùng tiền thật mua những hình nộm như nhà lầu, xe hơi,... để đốt.
Việc đốt vàng mã là thuộc về phong tục tập quán, là "quán tính" của nhiều người nên rất khó "gột rửa" ngay được.
Tục đốt vàng mã gây lãng phí, ảnh hưởng môi trường và đặc biệt là nguyên nhân gây ra nhiều vụ hỏa hoạn đáng tiếc. (Ảnh minh họa)
"Bây giờ mà nhà Phật đề nghị chuyện đó thì đây là điều kiện tốt để chúng ta khẩn trương cùng với họ làm cho cả xã hội bỏ tập tục đó. Hiện nay, chúng ta đi đến bất cứ nhà chùa nào thì họ đều khuyến cáo là hạn chế đốt hương, chứ không chỉ vàng mã, cả 1 đoàn chỉ đốt 1 nén hương thôi" - PGS.TS Trịnh Hòa Bình nói.
Hòa thượng Tố Liên viết trên trang web chính thức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, với quan niệm thông thường, sau cái chết, con người cũng có một đời sống, cũng có các nhu cầu như khi đang ở dương thế.
Một số người vì quá thương tiếc người thân đã mất, sắm đủ thứ vàng mã để đốt cúng nhân ngày giỗ hoặc các dịp lễ để người ở đã chết sử dụng ở cõi âm.
Việc làm đó đôi khi thái quá, người ta có thể sắm vàng mã với hình dáng nhà lầu, xe hơi, máy lạnh, điện thoại di động, tiền mô phỏng đô- la Mỹ... để cúng cho người đã chết.
Hòa thượng Tố Liên khẳng định Đức Phật Thích Ca không hề dạy đốt vàng mã để cúng gia tiên.
"Tại sao ngày Rằm tháng Bảy là ngày lễ trọng thể của Phật giáo mà thấy một số tín đồ nhà Phật đốt rất nhiều vàng mã để cúng gia tiên. Xin hỏi giới trí thức Việt Nam hiện tại tìm thấy Phật giáo và Nho giáo dạy về thuyết đốt vàng mã ở kinh sách nào?" - Hòa thượng Tố Liên trăn trở.
Nguyễn Dương
Theo Dantri
Thực hư "trần sao, âm vậy" qua việc đốt vàng mã Nhiều phật tử quan niệm, đốt vàng mã sẽ rước nhiều lộc về nhà và báo hiếu được tổ tiên, thánh thần. Đốt vàng mã là mê tín, dị đoan, lãng phí tiền của. Cứ đến mùa lễ hội, nhà nhà lại sắm sửa tiền vàng lễ vật gửi xuống cõi âm cho tổ tiên. Các nơi bán đồ vàng mã mỗi năm...