Bộ Tư pháp sẽ trao đổi với Bộ GD&ĐT về việc bút phê lý lịch
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Công Khanh – Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực (Bộ Tư pháp) – khẳng định, “Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể quy định cấp xã phải làm thế nào về lý lịch tư pháp. Công tác chuyên môn chứng thực đã có văn bản hướng dẫn và phải tuân thủ… Chúng tôi sẽ trao đổi với bên Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc này”.
Ông Nguyễn Công Khanh trả lời tại một cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tư pháp (Ảnh: Thế Kha)
Từ năm 2014, Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực (Bộ Tư pháp) đã có Công văn số 1520/HTQTCT-CT yêu cầu UBND cấp xã chỉ chứng thực chữ ký của người khai sơ yếu lý lịch. Trường hợp người thực hiện chứng thực của UBND cấp xã biết rõ về nhân thân của người khai sơ yếu lý lịch và yên tâm, tin tưởng vào nội dung đã khai trong sơ yếu lý lịch của người đó, thì xác nhận nội dung sơ yếu lý lịch là đúng. Nhưng tại sao vừa qua ở Hải Dương và Hà Nội lại xảy ra chuyện xác nhận cả việc chấp hành chủ trương, chính sách pháp luật vào sơ yếu lý lịch như vậy, thưa ông?
- Chúng tôi vừa báo cáo lãnh đạo Bộ Tư pháp về chuyện này. Đến nay tinh thần hướng dẫn trong Công văn số 1520 vẫn đúng. Suốt từ năm 2014-2016 thì không có vấn đề gì, nhưng có thể thời gian vừa rồi cán bộ tư pháp, lãnh đạo xã đã thay mới nên không tiếp cận được văn bản hướng dẫn này.
Năm 2014, xuất phát từ việc người dân yêu cầu xác định lý lịch cá nhân khiến địa phương thực hiện không thống nhất, có nơi chỉ xác nhận anh A, chị B sinh sống ở đây, có nơi xác nhận chữ ký đã khai trong lý lịch này là đúng, có nơi lại xác nhận “chấp hành chủ trương, chính sách pháp luật tốt”…
Khi đó chúng tôi đang dự thảo Luật Chứng thực có đưa vào hành vi xác nhận của UBND cấp xã với yêu cầu của người dân, nhưng khi dự thảo luật trình lên thì lãnh đạo Bộ Tư pháp yêu cầu trước mắt chưa làm Luật Chứng thực.
Chính vì thế, căn cứ vào Nghị định 23 của Chính phủ về chứng thực, chúng tôi đã hướng dẫn xác nhận hành chính như thế nào đó cho thuận lợi với người dân. Vận dụng pháp luật về chứng thực thì nếu trường hợp ông Chủ tịch xã biết chắc về gia đình này rồi thì xác nhận nội dung khai là đúng.
Nếu không biết, mà nhiều trường hợp không biết thật, thì chỉ xác nhận chữ ký, áp dụng thủ tục xác nhận chữ ký đã nêu trong Nghị định 23 thôi. Tức là cho người ta phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin khai về ông bà, bố mẹ, anh em gì đó, còn UBND xã chỉ chứng thực chữ ký trong đó là đúng, ký trước mặt mà thôi.
UBND xã không xác nhận kiểu “chấp hành chủ trương, chính sách pháp luật”, bởi câu đó rất chung chung. Cả hệ thống pháp luật to đùng gồm cả hình sự và dân sự mà bây giờ bảo xác nhận “chấp hành pháp luật” là chấp hành cái gì?
Chấp hành chủ trương của Đảng, Nhà nước cũng rất rộng lớn mà xác nhận chung chung thế cũng không ổn. Pháp lý phải chặt chẽ.
Chúng tôi đã yêu cầu không xác nhận chấp hành pháp luật. Các vấn đề liên quan đến pháp luật thì đã có quy định về lý lịch tư pháp rồi. Xác nhận một cái vô thưởng vô phạt như thế, cấp xã cũng chưa có văn bản nào quy định xác nhận cái đó của công dân cả.
Video đang HOT
Chúng tôi đã hướng dẫn áp dụng Nghị định 23 về chứng thực, chữ ký, không đưa xác nhận chủ trương, chính sách, pháp luật vào.
Nhiều địa phương áp dụng cái này và năm 2015-2016 thì không có gì cả. Năm nay các cháu xin xác nhận lý lịch để đi học thì nổ ra chuyện ở Hà Nội, Hải Dương.
UBND xã ở Hà Nội xác nhận theo mẫu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong phần Lý lịch học sinh, sinh viên (bản có đóng dấu treo của Bộ GD-ĐT), ở mục “Xác nhận của chính quyền xã phường nơi học sinh, sinh viên cư trú” có yêu cầu rất chi tiết: “Đề nghị chính quyền địa phương xác nhận theo nội dung: Hộ khẩu thường trú, việc thực hiện nghĩa vụ công dân và chấp hành pháp luật của học sinh, sinh viên tại địa phương”. Như vậy yêu cầu này của ngành giáo dục là không đúng với hướng dẫn của Bộ Tư pháp?
- Nếu yêu cầu đó là của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì chúng tôi sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ Tư pháp để làm việc với bộ phận pháp chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể quy định cấp xã phải làm thế nào về lý lịch tư pháp. Công tác chuyên môn chứng thực đã có văn bản hướng dẫn và phải tuân thủ. Hơn nữa cấp xã phải thực hiện theo đúng Luật Chính quyền đia phương. Các lĩnh vực chuyên ngành đều đã có văn bản quy định cả rồi. Giáo dục thì có Luật Giáo dục.
Nếu ngành giáo dục lại quy định cấp xã phải xác minh về cái này cái kia thì phải xem lại. Tôi đã có báo cáo lãnh đạo Bộ Tư pháp rồi, chúng tôi sẽ trao đổi với bên Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc này.
Nhưng về lâu dài thì vấn đề này sẽ được giải quyết ra sao, thưa ông?
- Khi nào xây dựng Luật Chứng thực thì trong đó sẽ bổ sung phạm vi vào; trong đó có việc chứng thực, chứng nhận về hành vi xác nhận hành chính.
Đến nay nhiều việc của UBND xã chưa có cơ sở pháp lý, chủ yếu áp dụng pháp luật thôi. Ví dụ như xác nhận gia đình có công với cách mạng thì dễ nhưng xác nhận gia đình chính sách, hộ nghèo thì hiện nay chưa được hướng dẫn. Chính vì thế các thủ tục giải quyết phải làm sao cho hợp lý, chứ hiện nay ở cấp xã toàn vận dụng thôi.
Xin cảm ơn ông!
Theo công văn số 1520/HTQTCT-CT ban hành ngày 20.3.2014 của Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực (Bộ Tư pháp), Sở Tư pháp địa phương chỉ đạo UBND cấp xã chỉ chứng thực chữ ký của người khai sơ yếu lý lịch. Người khai phải tự chịu trách nhiệm về nội dung đã khai trong sơ yếu lý lịch. Trường hợp người thực hiện chứng thực của UBND cấp xã biết rõ về nhân thân của người khai sơ yếu lý lịch và yên tâm, tin tưởng vào nội dung đã khai trong sơ yếu lý lịch của người đó, thì xác nhận nội dung sơ yếu lý lịch là đúng. “UBND cấp xã không được ghi nội dung về việc chấp hành pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước, địa phương vào sơ yếu lý lịch của công dân” – công văn nêu rõ. Theo ông Nguyễn Công Khanh, hiện nay tinh thần của Công văn số 1520 vẫn phải được áp dụng thực hiện.
Theo Thế Kha (thực hiện) (Dân Trí)
Cán bộ xã phê xấu vào lý lịch của dân là kiểu "giận cá chém thớt"!
Theo nguyên ĐBQH Lê Văn Cuông, việc cán bộ xã phê vào lý lịch các cháu vì bố mẹ thiếu các khoản đóng góp với địa phương vô tình tạo dấu ấn vào đời không tốt với các cháu. Các cháu sẽ có suy nghĩ không hay về chính quyền cũng như về người lãnh đạo ở địa phương.
Nguyên Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Lê Văn Cuông. (Ảnh: I.T)
Giận cá chém thớt
Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa cho rằng, trường hợp cán bộ xã phê vào lý lịch của người dân (sự việc xảy ra ở xã An Bình, Nam Sách, Hải Dương và xã Duyên Hà, Thanh Trì, Hà Nội-PV) cũng như nhiều vụ gây khó khăn cho người dân khi họ đến xã xin xác nhận (được báo chí phản ánh) vì chuyện gia đình thiếu khoản đóng góp với địa phương là kiểu hành xử "giận cá chem thớt".
"Cán bộ xã không xử lý được bố mẹ lại quay ra "hành" con cái họ khi các cháu đến xin xác nhận, như thế rất tội nghiệp. Chính việc đó làm cho các cháu có dấu ấn vào đời không được tốt. Các cháu sẽ có suy nghĩ không tốt về chính quyền, về người lãnh đạo ở địa phương đó", ông Cuông đánh giá.
Sơ yếu lý lịch của tân sinh viên bị cán bộ xã viết nhận xét "chưa chấp hành đúng chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương".
Vẫn theo ông Cuông, kiểu cán bộ xã phê vào lý lịch của người dân là kiểu gây áp lực, đè nén người dân. Đây không phải là cách giáo dục tốt để người dân tuân thủ những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước hay các quy định ở địa phương.
"Người cán bộ ngoài việc hiểu biết pháp luật, phải hiểu biết cả tâm lý xã hội để khi triển khai việc gì đó phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền, dùng lý lẽ để giáo dục, thuyết phục người dân chứ không được dùng mệnh lệnh hành chính, tạo áp lực để đè nén người dân. Làm như thế sẽ tạo ra ức chế trong suy nghĩ của người dân, dẫn tới sự phản ứng, chống đối về sau này. Điều này sẽ mang lại hậu quả rất nguy hiểm", ông Cuông cảnh báo.
Việc nào ra việc đó, không được lẫn lộn
Trụ sở UBND xã Duyên Hà vừa được xây mới khang trang khi xã này xây dựng NTM, nơi vừa xảy ra sự việc đáng tiếc khi cán bộ văn phòng và Chủ tịch UBND xã phê và xác nhận với nội dung trái pháp luật vào sơ yếu lý lịch của tân sinh viên Ngô Việt A gây xôn xao dư luận. (Ảnh: V.T)
TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, những trường hợp báo chí nêu về tình trạng cán bộ xã phê xấu vào lý lịch của người dân cho thấy cán bộ cấp cơ sở có vấn đề về trình độ.
"Lẽ ra việc nào đi việc đó, không được lẫn lộn. Việc chính quyền yêu cầu người dân đóng góp các khoản này, khoản kia chưa hẳn đã là hợp lý và hợp pháp nên người dân có thể không đồng tình làm theo", TS Dũng nói.
Vẫn theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, cán bộ hành xử kiểu đó xuất phát từ quan niệm mình nắm trong tay quyền hành ở địa phương nên làm gì cũng được. Đây là quan niệm hết sức sai lầm.
"Cấp cơ sở không phải là cơ quan có quyền ở địa phương mà là cơ quan lập ra để phục vụ người dân, có thể là việc xác thực hay chứng nhận hồ sơ... Việc xác thực hồ sơ, bản chất là xác nhận việc đó có hay không. Ví dụ người dân khai sơ yếu lý lịch thì cán bộ cơ sở xem họ khai như vậy đã đúng chưa. Còn đằng nay lại lợi dụng để ghi cả nhận xét vào đó là sai mục đích của việc xác thực. Cán bộ xã, phường không có thẩm quyền đánh giá người dân như vậy", TS Dũng nói.
Trong khi đó, theo TS Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, vấn đề yếu kém về trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở không phải bây giờ mới đặt ra.
"Nói chung trình độ cán bộ cấp cơ sở nhiều nơi còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó là sự chưa nghiêm túc của người cán bộ, nghĩa là chưa phải người công chức thực thụ. Công chức là phải tận tụy phục vụ nhân dân, nếu chưa đáp ứng được yêu cầu này nghĩa là còn sự bất cập của công vụ cơ sở", TS Phúc nói.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, để nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở phải tăng cường sự kiểm tra từ cấp huyện, sự giám sát của cấp ủy Đảng, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị -xã hội.
"Chúng ta đã có quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí để lựa chọn cán bộ cấp cơ sở, nhưng vấn đề là việc tuyển chọn có được kiểm soát chặt chẽ không, các cơ quan chức năng, hệ thống chính trị có vào cuộc không?", TS Phúc băn khoăn. Ông Phúc cho rằng nếu vấn đề giám sát công tác công vụ ở cơ sở không được quan tâm đúng mức, lâu dần sẽ dẫn tới sự mất lòng tin của nhân dân với chính quyền các cấp.
"Nhờ sự phát triển của mạng xã hội, nhiều vấn đề bức xúc của người dân đã được thông tin, báo chí vào cuộc phản ánh, các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý kịp thời. Nếu phát huy tốt mặt tích cực của mạng xã hội thì việc giám sát xã hội ngày càng thực hiện tốt hơn", nguyên Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Lê Văn Cuông.
Theo danviet
Hà Nội: Kiểm điểm cán bộ phê "chưa chấp hành" vào lý lịch tân sinh viên Đến UBND xã Duyên Hà (Thanh Trì, Hà Nội) làm thủ tục nhập học, tân sinh viên Ngô V.A. bị cán bộ xã phê vào hồ sơ với nội dung "bản thân và gia đình chưa chấp hành chủ trương chính sách của nhà nước, quy định của địa phương"... Chủ tịch Hà Nội vừa yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm cán bộ...