Bộ trưởng Y tế: Tôi đã stress suốt mấy tuần qua
Những ngày qua, vụ việc bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường ởthẩm mỹ viện Cát Tường (Hà Nội) vứt xác, phi tang nạn nhân đã làm nóng lên dư luận. Lần này, cũng giống như trước bất cứ sự cố nào trước kia, tư lệnh ngành -Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến – phải là người chịu áp lực từ người dân, từ các đại biểu trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra.
Bộ trưởng gặp chúng tôi lúc 9h tối tại căn phòng ở nhà công vụ – nơi đã gắn bó với bà từ khi rời TPHCM ra Hà Nội công tác trên cương vị lãnh đạo Bộ Y tế. Sau một ngày họp Quốc hội, dự một số cuộc họp tại bộ, bà chỉ có thời gian dành cho báo chí lúc này. Bà nói đã ăn tối lúc tiếp khách ở bộ. Chưa kịp tẩy trang, sự mệt mỏi sau một ngày làm việc vẫn còn nguyên trên nét mặt, nhưng bà đã chủ động vào câu chuyện ngay.
Bộ trưởng đã kể lại cảm xúc của bà khi nghe tin bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường – GĐ Thẩm mỹ viện Cát Tường – đã phi tang xác nạn nhân: “Lúc đó tôi đang ở Philippines, và đọc được thông tin trên mạng lúc khoảng 4h30 chiều 22.10. Tôi vô cùng sốc, đau đớn và bàng hoàng. Điều đau đớn nhục nhã là bệnh nhân đã bị chết lại còn bị vứt xác bởi chính người thầy thuốc đã phẫu thuật cho mình. Lên xe ôtô, lúc trước tôi cầm điện thoại trong tay mà lúc này không nhớ là mình đã để điện thoại ở đâu nữa.
Tìm được, tôi điện thoại ngay về Việt Nam, yêu cầu Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên triệu tập ngay một cuộc họp, mời Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe T.Ư, Bệnh viện (BV) Bạch Mai, Sở Y tế Hà Nội lên để báo cáo chi tiết sự việc, nguyên nhân và bàn xem phải làm gì, trách nhiệm của Bộ Y tế trong sự việc này ra sao. Cuộc họp đó đã kéo dài từ 6 – 7h tối hôm trước đến 2h sáng hôm sau.
Tôi đã yêu cầu ngay BV Bạch Mai và Sở Y tế làm việc ngay với cơ quan công an để nhanh chóng làm rõ sự việc. Thời gian qua, trong ngành y đã xảy ra nhiều việc không mong muốn. Sự việc 3 cháu bé sơ sinh ở Quảng Trị, trên facebook, blog có những ý kiến khác nhau, tôi đã stress suốt cả mấy tuần. Lúc này, với chuyện xảy ra ở Thẩm mỹ viện Cát Tường, tôi cũng như vậy, căng thẳng từ hôm đó đến nay.
Dư luận có những diễn đàn chỉ trích việc bà không đến thăm gia đình những cháu bé tử vong sau tiêm vaccine ở Quảng Trị. Nếu có thể quay ngược lại thời gian, bà có làm khác đi không?
- Phản xạ tự nhiên của tôi lúc đó là rất muốn đến chia buồn với các gia đình. Lúc đó, tôi đang dự lễ khởi công xây dựng tháp chuông tại Nghĩa trang liệt sĩ. Đi cùng tôi lúc đó có anh Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Trị, anh có nói rằng nếu bây giờ tôi đi vào gia đình 3 cháu nhỏ ở cách đó hơn 50km thì lộ trình chuyến công tác sẽ phải thay đổi, kéo dài đến ngày hôm sau, nên khuyên tôi chưa nên đến.
Vì thế, tôi vẫn nợ một lời xin lỗi với họ. Nếu có thể quay ngược lại thời gian, lúc đó tôi sẽ đến thăm và chia buồn với gia đình các cháu. Là người rất yêu trẻ con, nên đi đến các khoa sản, lúc nào tôi cũng muốn bồng các cháu. Hơn nữa, xuất phát là người của y tế dự phòng, tôi đã nhiều năm gắn bó với công tác tiêm chủng từ những ngày khi đến tiêm cho trẻ em, chúng tôi còn bị người dân phản đối, vác gậy đuổi đánh nên tôi cũng muốn đến với các anh chị em làm tiêm chủng.
Nếu một sinh viên ngành y – bác sĩ tương lai – hỏi Bộ trưởng nhìn nhận về sự việc Thẩm mỹ viện Cát Tường, Bộ trưởng sẽ nói gì?
- Là công dân thì phải tuân theo pháp luật. Là con người bình thường có văn hóa thì phải có nhân cách. Là thầy thuốc phải chấp hành những quy định chuyên môn, đạo đức của ngành. Tôi rất chia sẻ với các bác sĩ hiện nay phải làm thêm ngoài giờ. Hai vợ chồng tôi cũng đều là BS, chúng tôi cũng từng phải làm thêm như vậy. Nhưng làm ở đâu cũng vẫn phải giữ lấy chữ đức chứ.
Việc làm mất nhân tính của bác sĩ Tường thì chúng tôi không bao giờ bảo vệ. Đành rằng hàng triệu bác sĩ mới có 1 người như thế, nhưng quá cay nghiệt. Là người đứng đầu ngành y tế, tôi cũng thấy ngượng với ngành. Án cho hành vi xâm phạm thi thể có thể không lớn, nhưng sự lên án của xã hội sẽ là vô cùng lớn.
Sau sự việc xảy ra, không chỉ có tôi bàng hoàng, mà cả ngành y đều bất bình. Ngay cả các chị em ở Bộ Y tế, một số chị em đợi tôi đi công tác ở Philippines về liên hoan ngày Phụ nữ 20.10, nhưng khi xảy ra chuyện này rồi, ai cũng oải luôn.
Vậy sau sự việc này, Bộ trưởng sẽ làm gì để tránh tái diễn những sự việc tương tự?
Video đang HOT
- Hiện nay, việc cấp phép, kiểm tra giám sát hoạt động của các phòng mạch, phòng khám, cơ sở y tế tư nhân là do cấp TP, cấp quận/huyện thực hiện. Nhưng trên thực tế, cấp xã/phường mới nắm rõ nhất hoạt động của các cơ sở trên địa bàn. Ngành y tế cũng không thể làm hết được, cần có sự phối hợp của Bộ Nội vụ, Chính phủ.
Vì thế, chúng tôi đang xây dựng thông tư để có thể giao trách nhiệm quản lý giám sát cho cấp phường, cụ thể là UBND phường và trạm y tế xã/phường nắm ai hành nghề khám – chữa bệnh gì, có giấy phép không, có làm đúng thẩm quyền ghi trong giấy phép. Khi đó, thuế thu được từ các cơ sở kinh doanh này cũng cần trích lại cho phường, như vậy phường vừa có trách nhiệm, vừa có quyền lợi, việc giám sát sẽ hiệu quả hơn hiện nay.
Những tai nạn xảy ra với trẻ sơ sinh như vậy rõ ràng là đáng tiếc. Bộ trưởng có thể nói gì về việc theo thống kê mỗi ngày ở Việt Nam vẫn còn có khoảng 30 trẻ sơ sinh tử vong?
- Con số đó nếu chỉ đứng độc lập thì có vẻ rất đáng sợ. Nhưng trên thực tế, tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm được đến con số đó là thành tựu, nỗ lực rất lớn trong chăm sóc sức khỏe. Thế giới đánh giá cao việc Việt Nam đã đứng ở 7/74 nước có tỉ lệ tử vong sơ sinh, tử vong mẹ giảm nhiều nhất.
Với tỉ lệ này, ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là điểm sáng, đứng xếp hạng cao hơn Philippines, Indonesia. Các thành tựu về tiêm chủng ở Việt Nam cũng được thế giới đánh giá cao. Việt Nam đã thanh toán được bại liệt, loại trừ uốn ván trẻ sơ sinh và đang tiến tới loại trừ bệnh sởi, khống chế viêm gan B dưới 2% dân số.
Là đất nước sau chiến tranh, mới vươn lên mức có thu nhập bình quân trên đầu người là 1.000USD/năm, Việt Nam đã đạt được 8 mục tiêu thiên niên kỷ. Để có được kết quả ấy, việc đạt được mục tiêu về y tế đã góp phần không nhỏ.
Cả 2 sự cố 3 trẻ tử vong sau tiêm vaccine ở Quảng Trị và Thẩm mỹ viện Cát Tường đều còn dang dở. Chừng nào sự việc còn chưa được khép lại, dư luận sẽ vẫn còn tiếp tục có ý kiến. Bộ trưởng nói với chúng tôi rằng, hơn ai hết bà rất nóng lòng, vẫn thường xuyên giục các anh bên Bộ Công an sớm làm rõ nguyên nhân vụ 3 cháu tử vong để công bố rộng rãi người dân biết, và hiểu nữa.
Sau sự việc đó, nhiều anh chị em làm công tác tiêm chủng có tâm lý hoang mang, không dám tiêm cho các cháu nhỏ nữa. Vì thế, công tác tiêm chủng mở rộng đã bị ảnh hưởng.
Tâm lý cán bộ y tế nói chung cũng như vậy, sinh viên khi bước chân vào trường ĐH Y cũng bị sức ép ấy. Những người làm không tốt, làm sai chỉ là con sâu bỏ rầu nồi canh, nhưng đã làm ảnh hưởng tới lòng tin của người dân tới cả ngành y tế.
“Ngành y rủi ro lớn, giống như người lái xe khi cầm vô lăng khi ra đường ấy, không ai nói trước được điều gì, nhưng vẫn phải cho xe chuyển bánh. Là người đứng đầu ngành, tôi chỉ mong mỗi bác sĩ, mỗi cán bộ y tế khi bắt đầu ngày làm việc, hãy nhớ rằng cần phải làm đúng chức trách, nhiệm vụ của mình để không bao giờ phải làm con sâu ấy mà thôi”.
Theo Lao động
Chỉ có Bác Hồ trả lời được câu hỏi về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
"Người ta từng đặt câu hỏi tại sao đang là một thầy giáo dạy sử ông lại thành một vị tướng giỏi được. Tốt nhất câu đó phải hỏi... Bác Hồ. Chỉ Bác mới trả lời được vì Bác đã phát hiện ra điểm gì đó đặc biệt ở thầy giáo Võ Nguyên Giáp..."
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc - Phó Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam nói khi trả lời về việc đánh giá vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lịch sử hiện đại của dân tộc...
Phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội thứ 6 kết thúc, nhiều đại biểu tỏ ý lấy làm đáng tiếc vì Quốc hội không dành thời gian để tưởng nhớ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cảm giác của cá nhân ông?
Tôi cũng có hơi bất ngờ về việc này. Sự ra đi của Đại tướng là sự kiện rất lớn, gợi rất nhiều suy nghĩ. Tôi thấy rất nhiều người nói về việc sự ra đi của Đại tướng khiến chúng ta nhận ra rất nhiều vấn đề không chỉ về tình cảm mà về cả ý thức, không chỉ đối với cá nhân Đại tướng mà với cả một di sản một thế hệ để lại.
Nhưng xét cho cùng, vấn đề không phải là nhà nước có động thái gì hay không mà cơ bản là người dân có tưởng niệm Đại tướng hay không.
Sau khi Đại tướng yên nghỉ, đã có rất nhiều ý kiến đề xuất nên phong tặng một danh hiệu đặc biệt dành cho Đại tướng như "Đại nguyên soái" hay gắn danh xưng "Anh hùng dân tộc" khi nói về Đại tướng như nói về nhiều bậc tiền nhân kiệt xuất khác trong lịch sử dân tộc. Ý kiến của ông về vấn đề này?
Theo tôi, "Anh hùng dân tộc" không phải chức danh do ai phong cả mà do chính nhân dân phong thôi. Nếu để nhà nước phong thậm chí có thể xảy ra tiêu cực cũng nên. Vậy nên tôi cho rằng vấn đề đó thì nên để người dân thể hiện.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Còn chức "Đại nguyên soái" có lẽ là để thể hiện tấm lòng của người dân với Đại tướng, nhất là sau khi ông qua đời càng dễ thấy rõ vấn đề ấy. Nhưng thứ nhất là luật chưa quy định vấn đề này, muốn có thì phải chờ làm luật. Và sau nữa, đó không phải là vấn đề quan trọng mà tôi cho rằng, như chính Đại tướng cũng từng nói, việc quan trọng nhất, vinh dự nhất đối với ông là danh hiệu Đại tướng do Bác Hồ phong.
Dẫu sao ai cũng biết ông là vị khai quốc công thần, vị tổng Tư lệnh đầu tiên của QĐND Việt Nam. Người Pháp khi viết về ông đã rất tế nhị khi nêu khái niệm "Đại tướng 4 sao", tương đương cấp vị cao nhất trong hệ thống quân đội của họ.
Như ông nói, sự ra đi của Đại tướng khiến chúng ta nhận ra rất nhiều tình cảm của người dân cả nước đối với người. Nhưng một vấn đề khác cũng thể hiện là nhiều học sinh phổ thông không biết nhiều thông tin về Đại tướng cho dù chương trình đều học rất kỹ về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, cuộc kháng chiến chống Mỹ... Đó có phải là một điểm rất đáng tiếc, thưa ông?
Phải nói thật là có một tâm thế của người Việt Nam là khi làm lịch sử hiện đại Việt Nam rất ít nói về cá nhân. Việc này được cân nhắc thận trọng cũng như xu hướng làm tượng danh nhân vậy. Tôi thấy rất nhiều vị tướng lừng danh mà bây giờ không có tượng đài. Đây đúng là một phạm trù, quan điểm tôi cho rằng cũng nên thay đổi. Vấn đề cá nhân cần đặt đúng tầm, cần được tôn vinh trong lịch sử để thấy vai trò đóng góp của mỗi nhân vật trong nền tảng của một dân tộc, một thế hệ.
Đúng là nội dung sách giáo khoa lịch sử nên được xem xét thêm. Nhưng mặt khác, lịch sử đương đại bao giờ cũng có những điểm phức tạp để đánh giá, nhìn nhận.
Vậy dưới góc độ một người nghiên cứu lịch sử, ông có thể khái quát gì về vị trí của Đại tướng trong lịch sử hiện đại của dân tộc?
Như tôi nói, lịch sử đương đại là vấn đề rất phức tạp nên chính thời gian sẽ là thứ thuốc hiện hình rõ nhất. Dịp vừa rồi, sự kiện Đại tướng qua đời đã làm sáng tỏ rất nhiều giá trị và tôi tin nó sẽ tác động nhiều trong đời sống xã hội, và in dấu trong lịch sử.
Đương nhiên Đại tướng là một nhân vật lớn trong lịch sử hiện đại của dân tộc nhưng tôi nghĩ, như chính ông cũng luôn luôn ý thức về việc này, đó là ông không thể tách rời dân tộc của mình, quân đội của mình và đặc biệt là Cụ Hồ. Người ta từng đặt câu hỏi tại sao đang là một thầy giáo dạy sử ông lại thành một vị tướng giỏi được. Tốt nhất câu đó phải hỏi... Bác Hồ. Chỉ Bác mới trả lời được vì Bác đã phát hiện ra điểm gì đó đặc biệt ở con người thầy giáo Võ Nguyên Giáp. Và đúng là không phụ lòng mong đợi của Bác, thầy giáo Võ Nguyên Giáp đã hoàn thành tất cả các nhiệm vụ được giao.
Một điểm cực kỳ quan trọng của Đại tướng trong những năm trước kháng chiến chống Pháp ở vai trò Bộ trưởng Nội vụ. Bác đã thấy ở ông những tố chất của 1 người học luật và ông đã là người thực sự cùng Bác Hồ kiến tạo thể chế chính trị này.
Lật lại các chứng tích lịch sử, thời kỳ đó, chỉ có 2 người duy nhất ký các Sắc lệnh đó là Bác Hồ và Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp.
Chúng ta cũng biết năm 1946 là thời điểm có đến 5 tháng liền Bác Hồ rời đất nước để sang Pháp hoạt động hòa bình. Trong lúc đó, ở trong nước đương nhiên có vai trò của cụ Huỳnh Thúc Kháng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đại tướng đóng góp trong rất nhiều lĩnh vực. Đừng quên ngay cả những năm tháng cuối đời, ông cũng có những đóng góp theo cách khác và điều đó góp phần tạo nên giá trị của ông.
Ông muốn nhấn mạnh vấn đề gì cụ thể về giai đoạn sau trong cuộc đời Đại tướng, từ sau khi hòa bình lập lại?
Không có gì là cần nói tránh, giữ ý ở đây cả, nếu chúng ta nghiên cứu kỹ. Đại tướng rõ ràng vẫn giữ chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng cho đến năm 70 tuổi, giữ chức vụ Phó Thủ tướng đến năm 80 tuổi. Như vậy, tôi cho cũng là điều rất đặc thù.
Chúng ta thường hay quên ông không chỉ là người đánh thắng đế quốc Pháp, Mỹ mà cũng là Bộ trưởng Quốc phòng trong thời kỳ cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam. Cho đến năm 1980 ông mới kết thúc trách nhiệm với tư cách Bộ trưởng Quốc phòng.
Ngoài ra, ở lĩnh vực hoạt động dân sự, những tư tưởng của ông về kinh tế biển, chiến lược biển, những đường lối của ông về khoa học kỹ thuật là điều hết sức đáng trân trọng mà chúng ta vẫn phải suy nghĩ lại tại sao những tư tưởng lớn ấy, những giá trị ấy không đi vào đời sống, ít được tiếp nhận.
Sau này, khi ông đưa ra một số kiến nghị về đời sống xã hội với trách nhiệm của một công dân, một lão thành cách mạng, chúng ta cũng chỉ ít người tiếp thu. Đó cũng là một câu hỏi với chúng ta.
Xin cảm ơn ông!
Phó Chủ tịch Hội Lịch sử Dương Trung Quốc cho biết, mới đây, Hội đã có công văn kiến nghị gửi UBND Hà Nội về việc chọn con đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Theo đó, phương án đổi tên một đường phố nào đó nên hết sức tránh vì mỗi đường phố cũ cũng đã mang cái tên hết sức ý nghĩa, đáng lưu danh. Còn chọn 1 đường mới để đặt theo tên Đại tướng cũng là bài toán không dễ vì con đường đó phải xứng tầm với Đại tướng. Hội Lịch sử kiến nghị gắn tên Đại tướng vào cùng với đường Điện Biên Phủ thành đường Điện Biên Phủ - Võ Nguyên Giáp. Nhấn mạnh ý nghĩa cặp tên này, ông Dương Trung Quốc cũng chỉ rõ, không gian con đường này rất đẹp, chạy thẳng ra quảng trường Ba Đình, nằm trong khu vực có nhiều đường phố mang tên các vị tướng yêu nước trong lịch sử. Phương án đặt tên Đại tướng cho con đường từ cầu Thăng Long ra sân bay Nội Bài mà UBND Hà Nội đưa ra, ông Quốc cho biết, Hội Lịch sử kiến nghị nên đặt tên đường này là đường Cách mạng tháng Tám - con đường từ chiến khu trở về thủ đô. Đến giờ Hà Nội vẫn chưa có con đường nào tên như này trong khi nhiều thành phố khác trong cả nước đã có, theo ông Quốc, là một khiếm khuyết nên bù lấp.
P.Thảo (thực hiện)
Theo Dantri
Hình ảnh ngày đầu kỳ họp Quốc hội dài nhất lịch sử Sáng nay, Quốc hội khóa 13 bước vào kỳ họp thứ 6 với những nội dung thông qua Dự thảo Hiến pháp 1992, thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014. Trước giờ khai mạc một tiếng đồng hồ, tất cả các đại biểu vào lăng...