Bộ trưởng Y tế: ‘Tôi cũng bị gọi là thị phi đấy!’
Sáng 20-10, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chia sẻ với báo chí trước khi kết thúc hai nhiệm kỳ làm bộ trưởng.
. Phóng viên: Nếu có một thang điểm 10 chấm điểm cho việc hoàn thành nhiệm vụ của bộ trưởng, bà tự chấm cho mình bao nhiêu điểm?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Tôi chả dám chấm cho mình, có ai tự chấm cho mình được đâu. Chỉ biết rằng trong thời gian giữ cương vị bộ trưởng, anh em toàn ngành đã rất nỗ lực. Trên cơ sở những quyết sách rất đúng của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế đã chỉ đạo quyết liệt; từ sở y tế đến huyện, trạm y tế, phải nói là áp lực công việc rất nhiều. Tôi cũng có cái hơi áy náy là áp lực cho nhân viên quá.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Mình thay đổi nhiều quá, nhiều việc nhưng đến lúc có kết quả thì các giám đốc sở, giám đốc bệnh viện tỉnh, huyện lại là người hạnh phúc. Họ cứ dẫn tôi đi đến bệnh viện khoe rằng đã làm được những gì: “Đây này bộ trưởng, chỗ này công đoàn làm, chỗ này thanh niên làm, chỗ này kẻ vạch hướng dẫn người dân, nhà vệ sinh phải như thế này… Bộ trưởng ở trên chỉ đạo là bọn em làm đúng như thế”.
Đi thăm bệnh nhân thì ai cũng nói: “Bây giờ đỡ lắm rồi bộ trưởng ạ”. Có người còn ôm lấy tôi nói: “Chỉ mong bộ trưởng khỏe cho chúng tôi được nhờ”. Đây cũng là niềm hạnh phúc của ngành y tế chúng tôi, từ bệnh viện huyện, tỉnh, sở y tế, trạm y tế. Tôi đến bệnh viện chỉ hỏi người dân chứ mình không hỏi cán bộ nhà mình. Tôi hỏi: “Bác chờ lâu không, thái độ của cán bộ có tử tế không, người ta có đòi bác cái này cái khác không, bác có phải trả thêm nhiều tiền không, bác thấy bệnh viện bây giờ thế nào?…”. Tất cả đều được trả lời tích cực và nói: “ Sao bộ trưởng khác ở trên tivi thế?”.
Trong khi trước đây, mỗi lần đến các bệnh viện nhiều khi tôi phải giả vờ, không dám nhìn. Đây là tâm sự thật, các bạn muốn viết thì viết. Cũng có thể tôi gặp các nhà báo ở Quốc hội kỳ họp này là lần cuối, sau này tôi chuyển chỗ làm khác.
. Tám năm qua, bà tâm đắc nhất với điều gì đã làm được?
Tăng sự hài lòng của người dân và chất lượng dịch vụ, có chính sách bảo hiểm y tế lo cho cả người nghèo và người khó khăn.
Đây là đánh giá độc lập của UNDP, đánh giá của tổ chức sáng kiến VN toàn trên 80% và đặc biệt đánh giá sự minh bạch tuyến huyện của UNDP.
. Bà có cảm thấy thiệt thòi và áp lực không khi là nữ bộ trưởng duy nhất, lại là tư lệnh ngành gắn nhiều với cuộc sống của người dân nên phải gánh chịu nhiều bức xúc của xã hội?
Video đang HOT
Bộ trưởng nào cũng phải vất vả. Để có động lực làm việc thì mình phải đặt mình vào vị trí của người dân, khi dịch vụ của mình chưa đạt được như mong muốn. Muốn thế thì phải nỗ lực toàn diện trong thời gian ngắn. Đó là áp lực rất lớn. Nhưng tôi nghĩ đó là quy luật của cuộc sống, không thể buông bỏ được. Nếu như mình quyết tâm thì phải cố gắng.
Còn rơi vào trường hợp là nữ bộ trưởng duy nhất thì đó cũng là chuyện của cuộc sống, chứ không phải là điều mang cho mình cảm giác gì khác.
Điều để lại nhất là mình làm được gì, ít ra phải có sản phẩm gì cho người dân và cho xã hội. Muốn vậy thì phải “siêng nhặt chặt bị”, “lấy cần cù bù thông minh”, nhất là ngành này đòi hỏi phải có thời gian. Luôn đặt niềm tin để có sự nỗ lực hết sức nhưng phải có chiến lược bài bản, có hệ thống cấu trúc từng bước, cái nào giải quyết trước, cái nào giải quyết sau, phải tranh thủ học tập rất nhiều kinh nghiệm của nước ngoài để rút ngắn đoạn đường.
. Có lúc nào bà thấy quá áp lực, muốn buông bỏ không?
Tôi nghĩ đó là quy luật cuộc sống, mâu thuẫn luôn phát sinh và phát triển. Giải quyết xong việc này lại phát sinh mâu thuẫn khác và phải giải quyết các mâu thuẫn để phát triển ở mức cao hơn. Mâu thuẫn đó luôn có, không chỉ ở xã hội thu nhập trung bình ở mức thấp mà cả ở những nước thu nhập rất cao, riêng y tế là như vậy. Vì đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến sức khỏe người dân, mà người dân lúc nào cũng muốn được chăm sóc tốt hơn.
. Khi rời cương vị bộ trưởng, điều gì khiến bà trăn trở nhất? Điều gì bà nghĩ có thể làm tốt hơn nhưng vì nhiều lý do vẫn chưa làm được?
Vừa rồi tôi phải tập trung vào bệnh viện nhiều để “hạ hỏa” những bức xúc của người dân. Số người bị bệnh chỉ chiếm 5%-10% dân số, còn lại chúng ta cần phải chăm sóc, dự phòng và phát hiện bệnh sớm; khuyến khích người dân có lối sống lành mạnh để phòng bệnh, nhất là các bệnh tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp, ung thư và các bệnh lớn tuổi.
Lối sống sinh hoạt, phát hiện bệnh sớm thế nào và cái đó phải gắn với y tế cơ sở, tiến tới mục tiêu bao phủ y tế toàn dân. Mơ ước của Liên Hiệp Quốc, y tế thế giới, các tổ chức quốc tế là không để lại ai phía sau.
. Còn tâm tư thì sao, thưa bà?
Còn nhiều thứ phải lo cho người dân và trách nhiệm với thế hệ sau, giải quyết mâu thuẫn này lại có mâu thuẫn khác phát sinh. Tôi cũng trăn trở một số công trình xây dựng có vướng mắc, chưa xong sớm để phục vụ người dân tốt hơn. Cạnh đó, một số vấn đề về dược vẫn đang giải quyết.
Tôi cũng bị gọi là thị phi đấy nhưng thực chất là bị thông tin không trung thực, không chính xác qua những mạng trái lề. Nhưng tôi nghĩ cơ quan chức năng sẽ làm một cách công minh, chính xác, đúng người, đúng tội, đúng việc, không bỏ sót, không làm oan sai…
. Dù đến nay chưa có nhân sự kế nhiệm nhưng khi có người kế nhiệm, bà kỳ vọng họ sẽ giải quyết được vấn đề gì ở nhiệm kỳ của mình mà bà chưa giải quyết được?
Chắc ai cũng phải tâm huyết với nhiệm vụ và mỗi một nhiệm kỳ phải có một chiến lược công việc.
. Xin cám ơn bà.
Dự kiến tại kỳ họp thứ 8, sáng 25-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đọc tờ trình đề nghị miễn nhiệm bộ trưởng Y tế đối với bà Nguyễn Thị Kim Tiến. Chiều cùng ngày, các đại biểu sẽ thảo luận ở đoàn và bỏ phiếu kín. Sau khi có kết quả bỏ phiếu, Quốc hội thông qua nghị quyết miễn nhiệm bộ trưởng Y tế.
Tại cuộc họp báo trước khi khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, trả lời câu hỏi “Vì sao bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến được dự kiến miễn nhiệm khi chưa hết nhiệm kỳ và ai sẽ thay bà Tiến?”, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc lý giải: Bộ trưởng Tiến đã đến tuổi nghỉ hưu theo quy định; ngoài ra ba tháng trước, Bộ Chính trị quyết định bổ nhiệm bà Tiến làm trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương thay ông Nguyễn Quốc Triệu.
Bà Tiến sinh ngày 1-8-1959. Bộ luật Lao động quy định tuổi hưu của nam là 60, nữ là 55. Tuy nhiên, nghị định của Chính phủ cho phép nới tuổi hưu thêm năm năm với một số chức vụ từ thứ trưởng và tương đương trở lên.
Bà Tiến quê Hà Tĩnh, là tiến sĩ y khoa, phó giáo sư; ủy viên Trung ương Đảng khóa X (dự khuyết), khóa XI; bí thư Ban cán sự đảng, bộ trưởng Y tế từ năm 2011. Bà Tiến không trúng cử Trung ương khóa XII và là nữ bộ trưởng duy nhất trong Chính phủ hiện nay.
Ngày 14-10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Ủy viên Ban cán sự đảng Chính phủ, đã nhận quyết định kiêm chức bí thư Ban cán sự đảng Bộ Y tế, thay bà Kim Tiến.
ĐỨC MINH
Theo PLO
Tự chủ bệnh viện: Đại biểu kiến nghị tình trạng lạm dụng, lạm thu
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến giải trình, phải có nguồn thu để chi trả, thu hút cán bộ chất lượng, xây dựng mới cơ sở vật chất, đến nhà vệ sinh cũng ít nhất 3 sao...nên sẽ xảy ra lạm thu người bệnh.
Bộ trưởng Y tế tại phiên giải trình sáng nay
Sáng 3/10, Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, đến nay 100% số bệnh viện, trung tâm y tế huyện đã được giao quyền tự chủ. Tính đến năm 2018, cả nước có 215 bệnh viện đã tự đảm bảo chi thường xuyên. Đối với các bệnh viện do Bộ Y tế quản lý, đến năm 2018 có 26/45 bệnh viện đã tự chủ chi thường xuyên.
Để thực hiện tự chủ, nhiều bệnh viện đã vay ngân hàng, mở rộng hợp tác, đầu tư trang thiết bị để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người bệnh, phần lớn các bệnh viện đã không phải nằm ghép. Các bệnh viện tự chủ cũng tiết kiệm chi tiêu, tăng nguồn thu, tăng thu nhập cho cán bộ, bác sỹ, nhân viên. Cơ chế tự chủ đã giúp họ chủ động thuê các chuyên gia, bác sỹ nước ngoài đến từ Mỹ, Pháp, Nga...
"Phục vụ con người là mục tiêu cao nhất. Cái được nhất là chỉ số hài lòng của bệnh nhân. Khảo sát cho thấy mức độ hài lòng người bệnh nội trú hơn 80% đối với các bệnh viện tự chủ, đây là con số vượt cả mong đợi. Cơ chế tự chủ tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị công lập với nhau, tạo động lực để sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, không ỉ lại trông chờ vào ngân sách", bà Tiến cho hay.
Tuy nhiên theo Bộ trưởng, tự chủ có tồn tại, bất cập là chưa làm rõ và giao cụ thể các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ nhà nước giao và hoạt động dịch vụ theo yêu cầu để hạn chế việc chạy theo, ưu tiên các hoạt động để tăng nguồn thu. Ngoài ra, còn có tình trạng lạm dụng các dịch vụ, kỹ thuật cao không cần thiết để tăng thu, làm cho người bệnh phải chi phí nhiều hơn. Hay tình trạng chênh lệch thu nhập, chưa có chính sách đãi ngộ, thu hút đối với cán bộ y tế, nhất là người có trình độ cao về làm việc tại các bệnh viện, cơ sở y tế vùng khó khăn.
Bệnh nhân nghèo vẫn được đến bệnh viện đặc biệt
Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) phản ánh nhiều vướng mắc trong quá trình giám sát, tập hợp ý kiến. Như với giá dịch vụ y tế chưa có sự thống nhất, chỗ chưa tính đúng tính đủ, nơi thì thu thêm. Một lãnh đạo bệnh viện nói "giao tự chủ nhưng không biết tự chủ gì". Nhiều cơ sở phản ánh, được giao tự chủ nhưng không cho tự chủ, đặc biệt về cán bộ, tài chính.
"Làm sao để tháo gỡ, ai có trách nhiệm, khi nào thì tháo gỡ xong?", ông Trí nêu hàng loạt câu hỏi. Từ nghị quyết cho thí điểm với 4 bệnh viện đặc biệt, đại biểu chất vấn, có nên ra nghị quyết đặc biệt để thúc đẩy tự chủ cho bệnh viện tuyến dưới còn nhiều khó khăn?
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) phản ánh thực tế bệnh viện dân lập đầu tư từ cơ sở vật chất đến tuyển dụng y bác sĩ rất tốt, đem lại lợi nhuận. Còn bệnh viện công lập được đầu tư cơ sở vật chất, tuyển dụng y, bác sĩ nhưng lại khó tiếp cận tự chủ. Ông đề nghị Bộ trưởng làm rõ nguyên nhân một số cơ sở thu vượt cầu, lạm dụng kỹ thuật cao...
Giải trình những bất cập đại biểu nêu, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, vướng mắc hiện nay là giá dịch vụ tính đúng tính đủ, họ chọn bác sĩ, điều dưỡng cần, một bác sĩ chăm sóc ít bệnh nhân, chất lượng được nâng lên nhưng như thế giá phải cao hơn.
Nghị quyết thí điểm với bệnh viện tự chủ loại 1, tức là tự chủ đầu tư xây dựng và tài chính, đồng thời xây dựng mô hình tương tự như doanh nghiệp. Những bệnh viện này có 3-4 cơ sở, mỗi cơ sở bằng một bệnh viện. "Đây là tuyến cao nhất, bệnh viện hạng đặc biệt, chỉ có bệnh nhân nặng mới vào, có khoa theo yêu cầu, cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Người nghèo nếu chuyển viện đúng tuyến vẫn được. Đó là bệnh khó từ tuyến tỉnh chuyển lên. Họ cũng được hưởng như những người có điều kiện. Những trường hợp ghép gan, ghép tim vừa qua đều là bệnh nhân nghèo mà các tuyến không giải quyết được", bà Tiến cho hay.
Tuy nhiên, Bộ trưởng vẫn quay lại mấu chốt của vấn đề tự chủ, muốn chất lượng tốt phải có nguồn thu để chi trả, thu hút cán bộ chất lượng, xây dựng mới cơ sở vật chất, xây nhà vệ sinh ít nhất 3 sao trở lên, rồi trang phục, chống nhiễm khuẩn rất tốn kém... Như vậy phải làm sao thu nhiều, trong khi bảo hiểm thanh toán mức tối thiểu nên sẽ có lạm dụng kỹ thuật không cần thiết. Thuốc có thể kê ngoài danh mục bảo hiểm thanh toán, số ngày giường nằm viện cũng tăng, số lượt khám tăng... giải pháp cho việc này, theo bà Tiến là có định mức, thanh tra, kiểm toán, giám sát. "Tháng trước chúng tôi mới ban hành chỉ thị chống lạm dụng, trục lợi để có giải pháp tăng cường giám sát", bà Tiến cho hay.
LUÂN DŨNG
Theo TPO
Sắp thôi chức Bộ trưởng Y tế, bà Nguyễn Thị Kim Tiến nhắn nhủ người dân điều gì? Sắp thôi chức Bộ trưởng Y tế, bà Tiến vẫn không quên nhắn nhủ người dân biện pháp phòng ngừa bệnh tật. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khuyên mọi người nên chăm sóc sức khỏe con người khi chưa bị bệnh. Trước ngày miễn nhiệm Bộ trưởng Y tế đối với bà Nguyễn Thị Kim Tiến, bà Nguyễn Thị Kim Tiến đã...