Bộ trưởng Y tế khuyến nghị TP.HCM phong tỏa khu vực có nguy cơ cao
Bộ trưởng Y tế khuyến nghị TP.HCM áp dụng 3 hình thức giãn cách: Toàn TP áp dụng Chỉ thị 16; khu vực nguy cơ cao thực hiện phong tỏa; vùng lõi áp dụng cơ chế như cách ly tập trung.
Đề xuất trên được Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đưa ra trong cuộc họp trực tuyến với TP.HCM về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn. Cuộc họp diễn ra sáng 8/7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Báo cáo tình hình, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhìn nhận việc phòng chống dịch tại TP.HCM không chỉ đơn thuần cho thành phố mà còn quyết định thành công trong phòng chống dịch của cả nước, nhất là các địa phương lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An.
Ông cho biết Bộ Y tế sẽ cử lực lượng khoảng 10.000 cán bộ y tế giúp TP.HCM lấy mẫu, xét nghiệm, điều trị… và thiết lập 24 đoàn công tác hỗ trợ.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long khuyến nghị TP.HCM áp dụng 3 hình thức giãn cách. Ảnh: VGP.
Trước diễn biến dịch phức tạp tại TP.HCM, Bộ trưởng Y tế đưa ra khuyến nghị TP.HCM áp dụng 3 hình thức giãn cách: Toàn thành phố áp dụng theo Chỉ thị 16; một số khu vực nguy cơ cao thực hiện phong tỏa; khu vực vùng lõi áp dụng cơ chế như cách ly tập trung.
Với vùng lõi nên tiến hành xét nghiệm 3 ngày/lần, với khu vực nguy cơ cao xét nghiệm 5-7 ngày/lần, với khu vực khác thì tầm soát, lấy mẫu gộp (Bộ Y tế khuyến nghị lấy mẫu gộp 5), lấy mẫu theo hộ gia đình.
Video đang HOT
TP.HCM cũng cần chuẩn bị 50.000 giường điều trị, bố trí riêng các khu điều trị tập trung cho bệnh nhân không có triệu chứng (chiếm khoảng 70% tổng số ca nhiễm). Tất cả bệnh viện toàn thành phố sẵn sàng điều trị bệnh nhân nặng. Khu cuối cùng là điều trị bệnh nhân nguy kịch, gồm Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Bệnh viện 115, Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
Cũng tại cuộc họp, ông Long thông tin trong tháng 7, sẽ có 8,7 triệu liều vaccine về Việt Nam và ưu tiên cho TP.HCM cùng các tỉnh lân cận có dịch; ưu tiên lực lượng tuyến đầu trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế; ưu tiên người trên 65 tuổi và có bệnh lý nền.
Việc tiêm chia thành nhiều điểm nhỏ và chia theo khung giờ thay vì tập trung điểm lớn; bố trí 30 xe tiêm chủng lưu động cho một số khu vực dân cư.
Sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng có chỉ đạo giao Bộ Y tế chủ động phối hợp, ưu tiên phân bổ vaccine sẽ về trong tháng 7/2021 cho TP.HCM, đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức tiêm vaccine kịp thời, an toàn và hiệu quả.
Hiện, Việt Nam đã tiếp nhận tổng cộng gần 5 triệu liều vaccine phòng Covid-19. Trong đó gần 2,5 triệu liều do Covax hỗ trợ, hơn 400.000 liều đặt mua thông qua công ty VNVC, khoảng 2 triệu liều do Chính phủ các nước tặng.
Tính đến ngày 6/7, Việt Nam đã thực hiện tiêm 3.928.001 liều vaccine phòng Covid-19. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine là 235.570 người.
Phong tỏa bãi xe ở TP.HCM do người dân tụ tập nhận đồ tiếp tế từ quê
Nhiều người chờ suốt 7 giờ đồng hồ để lấy thực phẩm đông lạnh từ quê gửi lên bất chấp việc bãi xe bị phong tỏa và khuyến cáo hạn chế tụ tập của chính quyền.
Ngày 8/7, nhiều người tụ tập tại bãi xe số 397 Đinh Bộ Lĩnh, phường 26, quận Bình Thạnh, TP.HCM (đối diện bến xe Miền Đông), nhận hàng tiếp tế từ quê. Sau khi nhận được thông báo, lực lượng chức năng quận Bình Thạnh đã tổ chức phong tỏa, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 những người bên trong bãi xe. Đồng thời phát loa yêu cầu người dân không tụ tập, đảm bảo nguyên tắc 5K.
Những người có kết quả xét nghiệm âm tính mới được rời khỏi bãi xe.
Đến 12h, nhiều người dân vẫn tụ tập, đứng đợi lấy hàng bất chấp trời mưa lẫn khuyến cáo của chính quyền.
Anh Sang (quận 6) đợi 7 tiếng nhưng chưa lấy được thịt cá gia đình gửi từ Đắk Lắk xuống. Anh chọn cách ngồi ở đối diện bãi xe để tránh tiếp xúc đông người. "Tôi đến nhà xe lúc 6h, được báo chưa có hàng. Tới gần 7h nhà xe bị phong toả, nhà xe hứa hẹn 9h xét nghiệm xong sẽ có hàng, nhưng giờ đã 13h vẫn chưa thấy hàng đâu", anh nói.
Tương tự, anh Trọng Toàn (TP Thủ Đức) cũng xếp hàng nhiều giờ chờ lấy hàng, trước đó anh thử các dịch vụ giao đồ nhưng không đơn vị nào nhận. Hàng hoá ở quê gửi cho anh là hàng chục kí thực phẩm đông lạnh.
Ông Lê Minh Hiếu, Chủ tịch UBND phường 26, quận Bình Thạnh, cho biết bãi xe này không nằm trong các hoạt động kinh doanh thiết yếu nên không được phép hoạt động. Bãi xe liên tục bị lực lượng chức năng xử phạt nhưng vẫn sai phạm, tụ tập rất đông người, nhất là trong thời kì dịch đang diễn biến phức tạp.
Theo Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong, dù số ca nhiễm đang tăng nhanh, thành phố đã chuẩn bị sẵn sàng mọi tình huống. Ông khẳng định đảm bảo lượng hàng hóa cung ứng nên người dân không cần mua tích trữ, không tập trung đông người và "bình tĩnh, tin tưởng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố".
Trong cuộc họp chiều 7/7, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cũng khẳng định thành phố đã tăng lượng hàng hóa cung ứng của các hệ thống phân phối lớn, chủ lực như Saigon Co.op, Satra, Bách Hóa Xanh...
Phong tỏa phòng khám và dãy trọ ở Đồng Nai Ngành y tế tỉnh Đồng Nai đã phong tỏa một phòng khám và dãy trọ tại TP Biên Hòa khi phát hiện tài xế chở cá tại chợ Hóa An dương tính SARS-CoV-2, có nguy cơ lây nhiễm cao. Ngày 8/7, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết trong 24 giờ qua, TP Biên Hòa ghi nhận 15 trường hợp...