Bộ trưởng Y tế giải thích lý do không thể từ chức
Đáp lại câu hỏi “có nghĩ đến việc từ chức ở thời điểm này” của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phân trần “không thể từ chức khi toàn ngành y tế đang tập trung cao độ cho công tác chống dịch bệnh”…
Văn bản trả lời chất vấn của Bộ trưởng Y tế vừa được gửi trực tiếp đến đại biểu. Không ít phiếu chất vấn gửi đến nữ Bộ trưởng trong kỳ họp này đề cập đến câu chuyện trách nhiệm khi liên tiếp các bức xúc nổ ra với ngành y.
Một đại biểu của tỉnh Tiền Giang nêu vấn đề, thời gian qua, nhiều dịch bệnh xảy ra liên quan đến công tác y tế dự phòng như bệnh sởi, bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết… Đây là những bệnh có thể phòng ngừa được nếu làm tốt công tác dự phòng, chủ động các nguồn lực phòng bệnh nên việc dịch sởi làm chết nhiều trẻ em khiến dư luận bức xúc.
Đại biểu hỏi suy nghĩ của Bộ trưởng Y tế về vấn đề trách nhiệm với lời nhắc nhở, mọi sai sót của ngành đều dẫn đến hệ quả là gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sinh mạng của con người.
Đại biểu khác ở đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long cũng nhắc đến dịch sởi và câu chuyện trách nhiệm. Đại biểu yêu cầu làm rõ trách nhiệm quản lý, chỉ đạo điều hành của Bộ Y tế trong công tác phòng chống, khống chế dịch thời gian qua.
Thông điệp về trách nhiệm càng được đẩy cao với chất vấn của một lãnh đạo đoàn ĐBQH Đà Nẵng. Đại biểu khái quát, một trong những vấn đề bức xúc, bất bình, kể cả phẫn nộ mà cử tri cả nước nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng khi tiếp xúc cử tri chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội lần này là việc dịch sởi vừa qua gây tử vong cao bất thường với trẻ em ngay tại bệnh viện đầu ngành nhi giữ thủ đô nhưng Bộ Y tế xử lý quá chậm.
Đại biểu cho rằng, vấn đề đặt ra ở đây là, tại sao các vụ việc tiêu cực liên tục xảy ra ở ngành y, giống như “nạn đại dịch”, hết vụ rút ruột vắc-xin ở trung tâm y tế Hà Nội, đến vụ nhân bản phiếu kết quả xét nghiệm ở Bệnh viện huyện Hoài Đức, thay thiết bị đục thủy tinh thể giả ở Bệnh viện Mắt, tiêm nhầm vắc-xin ở Quảng Trị, thẩm mỹ viện Cát Tường …
Video đang HOT
Đại biểu truy Bộ trưởng Y tế: “Với tư cách là “tư lệnh ngành” trên mặt trận “ nóng bỏng này”, đã liên tục để xảy ra “những tai họa” cho đất nước và cho gia đình nạn nhân, Bộ trưởng có thấy tình trạng trên có phần trách nhiệm chính do công tác điều hành của mình hay không? Ở các nước khác, nếu để xảy ra tình trạng trên, Bộ trưởng phải từ chức. Đến thời điểm này Bộ trưởng có nghĩ đến điều này hay không?”.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại diễn đàn Quốc hội (Ảnh: Việt Hưng).
Trả lời câu hỏi này, nữ Bộ trưởng phân trần: “Như đã phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ ngày 29/4/2014, tôi không thể “từ chức” khi toàn ngành y tế đang tập trung cao độ cho công tác phòng chống dịch bệnh, đang dồn sức lực cho việc giành giật sự sống của các bệnh nhi, nhằm dập tắt dịch sởi càng sớm càng tốt”.
Nữ Bộ trưởng cũng giải thích, hiện nay, khi dịch sởi cơ bản đã được kiểm soát thì dịch chân tay miệng, sốt xuất huyết và một số dịch bệnh nguy hiểm khác đang có nguy cơ bùng phát tiếp tục đặt ngành y tế trước những thách thức mới đầy khó khăn. Với mục tiêu kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh và giảm tới mức thấp nhất số trường hợp tử vong, ngành y tế hiện đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, chính quyền địa phương tiếp tục khẩn trương triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh trên toàn quốc.
Bà Tiến cũng lý giải chưa thể từ chức thời điểm này vì Bộ Y tế đang tiếp tục triển khai 7 nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra từ đầu nhiệm kỳ, đặc biệt là giảm quá tải bệnh viện, phòng chống dịch bệnh, đổi mới và phát triển ngành y tế… nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.
“Tôi được Đảng và Nhà nước bổ nhiệm giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Y tế theo quy trình quy hoạch cán bộ, qua một quá trình phấn đấu. Khi nhận nhiệm vụ này, tôi luôn tâm niệm đặt quyền lợi của nhân dân, dân tộc lên trên hết” – khẳng định về ý thức trách nhiệm, Bộ trưởng Tiến mong được đại biểu và cử tri thấu hiểu, chia sẻ, ủng hộ ngành y tế nói chung và với cá nhân người đứng đầu ngành nói riêng để có thể tiếp tục vững tâm hoàn thành được những nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược của ngành, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn .
Bà Tiến cam đoan, với bất cứ vụ việc nào xảy ra trong ngành y tế, quan điểm của Bộ là phải xử lý nghiêm minh, không bao che, đúng người đúng việc, đúng trách nhiệm, thẩm quyền quản lý, giải quyết theo quy định của pháp luật và cần có sự phối hợp chặt chẽ, quyết liệt, cộng đồng trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức ở cả Trung ương và địa phương, bên cạnh trách nhiệm của người đứng đầu ngành y tế.
Theo Dantri
Chốt danh sách 4 bộ trưởng trả lời chất vấn
Quốc hội đã chốt danh sách 4 vị trưởng ngành sẽ trả lời chất vấn gồm Tư pháp, Tài chính, Giáo dục - Đào tạo và Thanh tra Chính phủ. Hiện chưa chốt là Thủ tướng hay một vị Phó thủ tướng sẽ trả lời chất vấn sau cùng để làm rõ thêm các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Ảnh minh họa
Thông tin trên vừa được Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết khi trao đổi với báo giới bên hành lang phiên họp Quốc hội sáng nay 6.6.
Theo đó, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng sẽ trả lời chất vấn các nhóm vấn đề gồm đầu tư công, quản lý đầu tư công, giảm nợ đầu tư công, kiểm soát đầu tư công; giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu; kiểm soát thuế, chống chuyển giá, chống thất thu thuế; đẩy nhanh tiến trình đổi mới doanh nghiệp Nhà nước. Các vị tư lệnh ngành Kế hoạch - Đầu tư, Công thương sẽ "chia lửa" với Bộ trưởng Tài chính ở nhóm vấn đề này.
Với Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo Phạm Vũ Luận, các nhóm vấn đề phải giải trình tập trung vào chất lượng đào tạo đại học, dạy nghề; giảm tỷ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp; đề án đổi mới giáo dục, việc thay đổi sách giáo khoa mà thời gian qua dư luận bức xúc nhiều.
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường sẽ giải trình các vấn đề liên quan đến Hiến pháp mới thông qua, việc triển khai thực hiện; tình hình ban hành văn bản pháp luật; thi hành án dân sự.
Các nhóm vấn đề về giải quyết khiếu nại tố cáo tồn đọng; phòng chống tham nhũng, ngay trong nội bộ ngành thanh tra, giải pháp nào... sẽ là những vấn đề Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh phải giải đáp trước Quốc hội.
Liên quan đến các câu hỏi chất vấn về biển Đông, ông Phúc cho biết có đại biểu đề nghị Thủ tướng trả lời một số vấn đề liên quan đến biển Đông. "Việc Thủ tướng trả lời chất vấn hay giao một Phó thủ tướng trả lời thì Chính phủ sẽ có ý kiến. Sau khi các bộ trưởng trả lời, Chính phủ sẽ có phần trả lời thêm, trong đó sẽ trả lời các câu hỏi của đại biểu liên quan đến biển Đông", Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói.
Lý do vì sao Bộ trưởng Quốc phòng, Ngoại giao không trả lời chất vấn trong bối cảnh biển Đông nóng bỏng, theo ông Phúc, là vì tiêu chí lựa chọn bộ trưởng trả lời chất vấn là vấn đề bức xúc, nhiều đại biểu có ý kiến. "Cũng nên chọn những vị từ đầu nhiệm kỳ đến giờ chưa trả lời lần nào. Đồng thời phải cân đối hài hòa các nhóm vấn đề về kinh tế, xã hội, tư pháp. Khi đưa phiếu thăm dò tới đại biểu, họ sẽ căn cứ vào các tiêu chí đó để lựa chọn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp rồi hỏi lại đại biểu. Một bộ trưởng chỉ được trả lời chất vấn khi được đại biểu đồng ý", ông Phúc nói thêm.
Còn về lý do vì sao Bộ trưởng Y tế nhận được nhiều câu hỏi nhưng không chọn để trả lời chất vấn, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội giải thích: Bộ trưởng Y tế cũng nằm trong nhóm có nhiều vấn đề bức xúc, nhận được nhiều câu hỏi, nhưng Bộ trưởng Y tế trước đó đã trả lời chất vấn một lần rồi.
Theo ông Phúc, trước kỳ họp này, tại phiên họp 26, Bộ trưởng Y tế đã trả lời chất vấn Ủy ban Thường vụ Quốc hội, được phát thanh truyền hình trực tiếp cho toàn dân theo dõi, trực tuyến đến 63 đầu cầu để các đại biểu chất vấn.
Theo thứ tự trả lời chất vấn, Bộ trưởng Tài chính sẽ đăng đàn đầu tiên, kế đến là Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo, Bộ trưởng Tư pháp, Tổng thanh tra Chính phủ.
Theo TNO
142 trẻ tử vong do sởi Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa có báo cáo gửi riêng các ĐBQH về một số vấn đề ĐB và cử tri quan tâm, liên quan đến trách nhiệm quản lý của ngành y tế vừa qua, trong đó có dịch sởi. Ảnh minh họa Báo cáo cho biết đến nay đã ghi nhận 142 trường hợp tử vong do...