Bộ trưởng Y tế: “Dịch chưa thể kết thúc trong năm 2021″
“ Dịch Covid-19 không thể kết thúc trong 6 tháng đầu năm nay được, thậm chí kể cả năm 2021. Do đó, các địa phương cần tăng cường công tác chống dịch, chuẩn bị kịch bản cho mọi tình huống dịch bệnh, tuyệt đối không được chủ quan lơ là”…
Bộ Y tế họp trực tuyến với các địa phương về công tác phòng chống dịch sáng 19/2. Ảnh – N.Dương.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương về công tác phòng chống dịch Covid-19 sáng 19/2.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, trong quý 1/2021 phải tiếp tục coi chống dịch không chỉ là nhiêm vụ trọng tâm, ưu tiên cấp bách trước mắt mà phải cả về lâu dài.
“Dịch Covid-19 không thể kết thúc trong 6 tháng đầu năm nay được, thậm chí kể cả năm 2021. Do đó, chúng tôi yêu cầu các địa phương tăng cường công tác chống dịch, chuẩn bị kịch bản cho mọi tình huống dịch bệnh, tuyệt đối không được chủ quan lơ là, đặc biệt sử dụng triệt để phương châm 4 tại chỗ khi có dịch”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Theo Bộ trưởng, thời gian qua chúng ta đã có một cái Tết an lành đối với toàn bộ người dân, song một vài địa phương vẫn phải căng mình chống dịch. Bộ trưởng đánh giá, đợt dịch lần này tương đối phức tạp, chủng lây bệnh là chủng virus biến đổi của Anh, tốc độ lây nhiễm cao hơn 70% so với các chủng trước đó, vì vậy chỉ trong thời gian ngắn đã phát hiện nhiều ca nhiễm.
Đặc biệt, dịch lần này được phát hiện trong khu công nghiệp, lại xảy ra ngay trong dịp trước và trong Tết Nguyên đán khiến mức độ phức tạp càng cao hơn. Đến nay, riêng ổ dịch Hải Dương đã phát hiện 575 trường hợp, vượt số ca nhiễm ở Đà Nẵng trước đó là 389 trường hợp. Số ca mắc trung bình trong ngày tại Hải Dương cũng cao hơn do chủng lần này tốc độ lây lan mạnh hơn.
Video đang HOT
Bộ trưởng Y tế đánh giá, nhờ đồng bộ quyết liệt triển khai các biện pháp chống dịch, đến nay 12/13 tỉnh, thành về cơ bản kiểm soát được dịch, riêng Hải Dương dù đã phong tỏa Tp Chí Linh ngay từ đầu nhưng trước tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp, tỉnh cần tăng cường giám sát hơn nữa, Bộ Y tế sẽ liên tục bổ sung lực lượng hỗ trợ cho Hải Dương.
Với các địa phương khác, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lưu ý không được chủ quan lơ là, đặc biệt không được nghĩ rằng dịch sẽ không xảy ra trên địa bàn tỉnh mình. “Thực tế dịch có thể xảy ra ở bất cứ đâu, trường hợp của tỉnh Gia Lai là ví dụ, tưởng như không có ca nhiễm nào nhưng cuối cùng vẫn xảy ra lây nhiễm, tương tự các tỉnh khác cũng thế. Có như vậy, chúng ta mới không bị luống cuống đối phó khi dịch bệnh xảy ra”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tiếp tục nhắc lại việc các địa phương luôn phải chuẩn bị kịch bản khi dịch xảy ra, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, trước hết là phải chuẩn bị phương án cho việc cách ly, giãn cách xã hội trên diện rộng, cách ly F1, F2 ra sao, đặc biệt trong trường phải cách ly đột ngột…tất cả các tình huống này đều phải được chuẩn bị sẵn cơ sở nếu không khi bùng phát dịch sẽ rất khó khăn.
“Trong đợt dịch ở Hải Dương, số lượng F1 phải cách ly đã vượt xa so với Đà Nẵng do xảy ra ở khu công nghiệp với số lượng công nhân lớn. Do đó, khi dịch xảy ra ở khu công nghiệp, trường học, thì các địa phương đều phải có kịch bản, quan điểm là tất cả F1 phải cách ly, sớm đưa mầm bệnh ra khỏi cộng đồng, chỉ có như vậy mới ngăn chặn được dịch”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Bộ trưởng Y tế cũng đề nghị các địa phương cần kiểm tra ngay trên địa bàn toàn tỉnh những địa điểm có thể sử dụng làm nơi cách ly, lên kịch bản giám sát điều hành, cung cấp nhu yếu phẩm, đưa ra phương án cách ly với số lượng lớn.
Đặc biệt, phải phối hợp với lực lượng quân đội để điều hành khu cách ly. Thực tế, ở Hải Dương vừa qua, một số điểm cách ly ở khu vực dân sự chưa thực hiện nghiêm nên đã xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đánh giá, việc thực hiện giãn cách xã hội ở Hải Dương dù tốt nhưng vẫn phải quyết liệt và nghiêm chỉnh hơn nữa, tuyệt đối không để các gia đình giao lưu với nhau.
Người đứng đầu ngành Y tế cũng đề nghị các địa phương cần chuẩn bị kịch bản xét nghiệm trên diện rộng, nhất là trong trường hợp dịch lây lan thì phải nâng công suất lên trong thời gian ngắn.
Trường hợp của Hải Dương, Bộ Y tế đã phải cử rất nhiều lực lượng hỗ trợ tỉnh trong vấn đề lấy mẫu xét nghiệm, tuy nhiên nếu một hai địa phương thì Bộ có thể hỗ trợ, nhưng nếu dịch bùng phát diện rộng thì Bộ sẽ không thể đáp ứng được.
“Chính vì vậy, chúng tôi đề nghị các địa phương quan tâm đặc biệt cho công tác xét nghiệm, tất cả các cán bộ y tế phải được tập huấn lấy mẫu. Vai trò của xét nghiệm cũng là một trong những mấu chốt trong công tác phòng chống dịch, giúp chặn được tất cả nguồn lây.
Nếu xét nghiệm chậm là chúng ta đang đuổi theo dịch chứ không phải chặn dịch, trong khi chủng lần này lây nhiễm rất nhanh, nếu càng đuổi theo chúng ta sẽ càng bị đuối”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Hải Dương dập dịch nhanh hay chậm: Không vội phán xét?
Không có mục tiêu nào quan trọng hơn lúc này là Hải Dương tập trung dập dịch Covid-19 càng sớm càng tốt. Để làm được điều này rất cần sự cảm thông, sẻ chia cùng chung sức đẩy lùi dịch bệnh, thay vì vội vàng phán xét.
Qua kiểm tra, giám sát thực tế công tác chống dịch tại Hải Dương ngày 18/2, Thứ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định: "Tỉnh Hải Dương đã thực hiện hết sức quyết liệt, nhanh chóng và hiệu quả trong giai đoạn đầu của dịch khi xảy ra ở Chí Linh. Điều này chúng tôi khẳng định. Một số thông tin cho rằng làm nhanh, làm chậm, làm như thế nào, so sánh thành phố này với tỉnh nọ. Theo tôi vấn đề này chúng ta cũng phải làm rất rõ ràng, chúng tôi sẽ về báo cáo lại với Ban Chỉ đạo như cũng như lãnh đạo Bộ Y tế và Chính phủ".
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kiểm tra, giám sát thực tế công tác chống dịch tại Hải Dương
Trong các cuộc họp ở Trung ương và tại các địa phương nơi đang xuất hiện dịch bệnh, lãnh đạo Bộ Y tế đã nhiều lần khẳng định, đợt dịch lần này xuất hiện ở Hải Dương khác với đợt dịch ở TP.HCM và Đà Nẵng, khi chủng virus biến thể kiểu Anh với tốc độ và thời gian lây lan nhanh hơn.
"Qua các điểm kiểm tra, cả khi được bố trí hay kiểm tra đột xuất thì chúng tôi hoàn toàn an tâm về các hoạt động cách ly của tỉnh Hải Dương. Điều này có lẽ cũng khác với một số dư luận khi cho rằng còn lơ là, còn tụ họp... nhưng chúng tôi đi trên đường hoàn toàn không có hiện tượng này. Tất cả đều thực hiện nghiêm đúng theo tinh thần của Chỉ thị 16", Thứ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá.
Năng lực xét nghiệm của tỉnh Hải Dương đã được tăng gấp 4 lần nhờ sự hỗ trợ của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
24 ngày kể từ khi dịch bùng phát tại Chí Linh, cả hệ thống chính trị ở Hải Dương đã và đang vào cuộc chống dịch với tinh thần và hành động quyết liệt. Hàng vạn cán bộ, chiến sỹ, y bác sỹ, dân quân tự vệ, thanh niên tình nguyện...đang ngày đêm căng mình thiết lập các vòng tuyến, canh giữ các điểm chốt, đi từng ngõ, gõ từng nhà để khoanh vùng, truy vết, dập dịch, cách ly, cứu chữa người bệnh.
Hàng triệu người dân Hải Dương cũng đang đồng lòng thực hiện nghiêm giãn cách xã hội cùng quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh. Những thông tin về công tác chống dịch ở Hải Dương trên mạng xã hội là đúng hay sai sẽ có các cơ quan chức năng phân xử, chỉ biết rằng lúc này không phải là thời điểm thích hợp để đưa ra các bình luận, đánh giá hay vội vàng phán xét một cách duy ý chí, gây sự hoang mang cho người dân.
Hải Dương thành lập 170 chốt kiểm soát dịch cấp tỉnh, hàng trăm chốt kiểm soát cấp huyện. Mỗi chốt 5-6 thành viên bao gồm Công an, Quân đội, Y tế, thanh niên tình nguyện..., mỗi ca làm việc liên tục 12 tiếng
Chị Nguyễn Thị Trang ở huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, bày tỏ: "Mặc dù Hải Dương những ngày qua dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, nhưng cả chính quyền và người dân đều đã và đang rất cố gắng. Khi đọc được những thông tin trên mạng xã hội, tôi cảm thấy bức xúc vì không có hiện tượng người dân Hải Dương đi các tỉnh, thành khác để chạy dịch. Trong thời điểm này, chúng ta cần có sự đồng sức, đồng lòng để chống lại dịch bệnh. Tôi nghĩ rằng cần hơn nữa sự quan tâm, chia sẻ với người dân Hải Dương đang gồng mình để chống lại dịch bệnh".
Tỉnh Hải Dương xác định, nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh không chỉ cho địa phương mà còn là trách nhiệm với cả nước. Ông Nguyễn Quang Phúc, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương khẳng định: "Quan điểm nhất quán của tỉnh Hải Dương là chúng tôi dập dịch chứ không dập tin, bởi lẽ sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng và hệ thống chính trị vào cuộc là dịch bệnh sẽ sớm được ngăn chặn. Đây sẽ là câu trả lời thỏa đáng nhất cho việc dập dịch của Hải Dương như thế nào. Trong thời điểm này Hải Dương rất cần sự chung tay, góp sức cả về vật chất lẫn tinh thần, sự đồng cảm, chia sẻ của tất cả mọi người và cả hệ thống chính trị vào cuộc để sớm ngăn chặn dịch bệnh. Đây là tình cảm cũng là trách nhiệm của Hải Dương đối với người dân Hải Dương và cả nước".
Hàng tiếp tế được lực lượng chức năng tiếp nhận tại khu vực riêng và tiến hành khử khuẩn trước khi bàn giao đến người nhận trong khu cách ly
Phòng chống dịch bệnh Covid-19 không phải trách nhiệm của riêng ai. Mỗi người dân cần cảm thông, sẻ chia và ủng hộ những người lúc này đang ngày đêm phải chạy đua với thời gian, phải chiến đấu trực tiếp với dịch bệnh, từ những việc đơn giản nhất là hãy bảo vệ an toàn cho chính mình./.
Hà Nội sẽ hỗ trợ Hải Dương vật tư xét nghiệm Covid-19 Thành ủy Hà Nội giao UBND TP chỉ đạo Sở Y tế, Sở Công Thương lên kế hoạch hỗ trợ kịp thời cho công tác chống dịch ở Hải Dương, trước mắt là vật tư xét nghiệm. Chiều 17/2, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc của Thường trực Thành ủy về tình hình TP trong dịp Tết...