Bộ trưởng Y tế: ‘Bệnh viện tỉnh phải bằng bệnh viện trung ương’
Một trong những giải pháp ngành y tế đưa ra để giảm quá tải là tăng số giường bệnh ở tuyến trên. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, để giải quyết được vấn đề này thì mấu chốt là phát triển bệnh viện địa phương.
Phát biểu tại hội nghị ngày 21/8 về đề án bệnh viện vệ tinh, phân tuyến và chuyển tuyến, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, điều quan trọng là các bệnh viện tuyến tỉnh phải thực hiện được các kỹ thuật cao như tuyến trung ương. Để làm được điều này, Bộ đã phê duyệt đề án bệnh viện vệ tinh gồm 48 bệnh viện vệ tinh, 14 bệnh viện hạt nhân, với 5 chuyên khoa ung bướu, chấn thương chỉnh hình, sản, nhi, ngoại đặt ở 36 tỉnh. Tổng kinh phí ước tính là hơn 1.700 tỷ đồng.
Thể hiện rõ quyết tâm thay đổi bộ mặt y tế cơ sở, Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh: “Sản phẩm lần này phải ra tấm ra món, tức là sau 3 năm thực hiện thì bệnh viện tuyến tỉnh được chuyển kỹ thuật gì thì phải tự làm được. Mục đích là bệnh viện tỉnh dứt khoát không chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, tuyến trên cũng dứt khoát không nhận bệnh nhân nếu đó là kỹ thuật đã được chuyển giao”.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Thừa nhận khó khăn lớn nhất hiện nay là nhân lực nhưng Bộ trưởng Tiến hy vọng sau 3 năm đội ngũ cán bộ y tế của bệnh viện vệ tinh sẽ trưởng thành về kỹ thuật. Đây sẽ là tiền đề thực hiện việc phân tuyến và chuyển tuyến giữa các bệnh viện. Cụ thể, bệnh viện sẽ được xếp hạng không theo tuyến huyện, tỉnh, trung ương mà theo trình độ kỹ thuật, năng lực.
Video đang HOT
Về vấn đề chuyển tuyến, ông Cao Hưng Thái, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, theo dự thảo đang lấy ý kiến, người bệnh được chuyển từ tuyến dưới lên trên khi bệnh vượt quá khả năng chẩn đoán và điều trị của cơ sở y tế tuyến dưới. Bệnh không phù hợp với danh mục kỹ thuật quy định hoặc có nhưng do điều kiện khách quan cơ sở không đủ điều kiện chẩn đoán và điều trị.
Trong khi đó, điều kiện để chuyển người bệnh từ tuyến trên về tuyến dưới là khi họ đã được chẩn đoán xác định, được điều trị qua giai đoạn cấp cứu, tình trạng bệnh thuyên giảm, có thể tiếp tục điều trị ở tuyến dưới. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể chuyển giữa các cơ sở y tế cùng tuyến khi bệnh vượt quá khả năng chẩn đoán, điều trị của cơ sở y tế hoặc theo nguyện vọng của người bệnh.
Quá đông bệnh nhân là hình ảnh thường thấy tại nhiều bệnh viện tuyến trên. Ảnh: N.P.
Nhiều ý kiến khác nhau được đưa ra, trong đó đại biểu đặt vấn đề tại sao việc chuyển tuyến theo nguyện vọng của người bệnh chỉ được thực hiện theo chiều từ tuyến trên chuyển về dưới, trong khi không cho phép chuyển từ tuyến dưới lên trên.
Ông Nguyễn Hoàng Sa, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Sở Y tế Cà Mau cho rằng, theo Luật Khám chữa bệnh, người dân có quyền lựa chọn nơi khám bệnh, nếu như chỉ vì bệnh nhẹ mà bệnh viện từ chối tiếp nhận bệnh nhân sẽ trái quy định và gây phản ứng từ phía người bệnh. Bệnh nhân muốn lên tuyến trên vì tâm lý thích điều trị ở các cơ sở khám chữa bệnh có chất lượng cao nhưng phần cũng vì ở tuyến cơ sở chưa tạo được niềm tin cho người bệnh. Do vậy, theo ông cần đầu tư hơn nữa cho y tế cơ sở.
Trong khi đó, đại diện một bệnh viện tuyến trung ương lại cho rằng nhiều khi không thể chuyển bệnh nhân về tuyến dưới dù đó là kỹ thuật mà bệnh viện tuyến được phép điều trị. Lý do là vì có thể ca mổ của họ diễn ra suôn sẻ, nhưng về tuyến dưới nếu chăm sóc không đúng kỹ thuật, xảy ra nhiễm trùng, tai biến thì lúc đó bệnh viện tuyến trên lại phải chịu trách nhiệm.
Vấn đề thiếu trang thiết bị y tế cũng được nhiều đại biểu đưa ra. Chẳng hạn, theo phân tuyến kỹ thuật do Bộ quy định, trạm y tế xã phải làm được kỹ thuật siêu âm, đỡ đẻ thường nhưng xã không có máy siêu âm, không có giá đỡ đẻ nên họ buộc phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.
Việc chuyển tuyến hiện gây rất nhiều khó khăn không chỉ cho phía bệnh nhân mà cả bệnh viện. Bệnh viện tỉnh chuyển nhiều bệnh nhân đi thì thâm hụt quỹ bảo hiểm y tế, trong khi bệnh viện tuyến trên quá tải. Còn không chuyển đi nếu có sai sót thì người bệnh thiệt. Năm 2012, riêng Bệnh viện Đa khoa Cà Mau tiền bảo hiểm y tế chi cho bệnh nhân vượt tuyến là 5 tỷ đồng, nhưng cơ quan bảo hiểm mới chỉ chấp nhận thanh toán 1,5 tỷ đồng. Quỹ tiền có hạn, bệnh nhân vượt tuyến nhiều trong đó chi phí ở tuyến trên thường rất cao.
Theo Nam Phương
Bộ trưởng Y tế: BV như trại tị nạn
Lại thêm một lần Bộ trưởng Y tế bị các đại biểu Quốc hội chất vấn về tình trạng quá tải bệnh viện.
Chiều 17/4, UB Các vấn đề xã hội nghe Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến giải trình về chuyển tuyến khám chữa bệnh và quản lý, sử dụng quỹ BHYT. Trong 3 giờ đồng hồ, chuyện vượt tuyến, quá tải bệnh viện và bội chi quỹ BHYT "nóng" với 13 ý kiến từ các ĐBQH.
Không một chỗ trống
Sau khi nghe Bộ trưởng Y tế báo cáo, ĐB Cao Văn Sang (TP HCM) và ĐB Trần Ngọc Tăng (Hà Tĩnh) đặt câu hỏi: "Ngành y tế đang thiếu và yếu về nhân lực, ở tuyến dưới còn thiếu nặng nề hơn khiến người dân dồn lên tuyến trên. Vấn đề chuyển tuyến, vượt tuyến đang diễn ra phổ biến khiến việc phân tuyến kỹ thuật không hiệu quả. Giải pháp căn cơ mà Bộ Y tế đưa ra là gì?".
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận có những điểm bất cập như các ĐB đã nêu. Hiện các trạm y tế xã không có nguồn nào để mua sắm, nâng cấp trang thiết bị. Chính phủ đã duyệt đề án nâng cấp các trạm y tế xã song do kinh tế khó khăn nên chưa triển khai đề án.
Người đứng đầu ngành y tế cũng cho biết thông tư về chuyển tuyến xây dựng đã 2 năm nay nhưng vẫn chưa thể ban hành do chưa thống nhất được một số điểm quan trọng, trong đó đáng chú ý là nếu bệnh viện tuyến trên nhận khám bệnh cho bệnh nhân mắc bệnh thông thường (mà tuyến dưới chữa được) sẽ bị phạt và hạ bậc thi đua.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Có những bệnh nhân lớn tuổi đi tập thể dục từ 5 giờ sáng đợi đến 3 giờ chiều mới lấy được thuốc (Ảnh: Minh Thăng)
Phó chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi đặt câu hỏi: Quá tải có phải do chất lượng khám chữa bệnh của tuyến trên tốt hơn tuyến dưới hay không?
Bộ trưởng Y tế nói: "Hiện nay, đúng là bệnh viện tuyến trên có thầy thuốc tốt hơn, trang thiết bị đầy đủ hiện đại hơn, xã hội hóa mạnh hơn nên đầu tư đồng bộ. Có đến 60% bệnh nhân điều trị ở tuyến trên mà không cần thiết, đặc biệt là tuyến trung ương.
Để đảm bảo "tuyến nào làm việc của tuyến ấy", bà Tiến khẳng định giải pháp căn cơ mà Bộ Y tế đưa ra là thực hiện phân tuyến kỹ thuật rất chặt chẽ, không để chuyển tuyến tràn lan.
Ngoài ra, các đề án nâng cấp bệnh viện tuyến huyện, tỉnh cùng với đề án bác sỹ gia đình, luân chuyển cán bộ từ tuyến trên về tuyến dưới, bệnh viện vệ tinh sẽ được triển khai đồng bộ để nâng cao chất lượng tuyến dưới.
"Nếu không làm vậy thì không thể giảm tải được. Vào bệnh viện Ung bướu ở TP HCM mà thấy không khác gì trại tị nạn, đến đêm vẫn không còn một chỗ trống, người nhà bệnh nhân không còn nơi để ngủ", Bộ trưởng cho hay.
Chờ đợi khám bệnh: Quá lâu, quá khổ
Cũng liên quan đến việc chuyển tuyến, quá tải, một số ĐBQH nói việc khám chữa bệnh phải đợi chờ quá lâu, có nơi người dân đi xếp hàng từ 4 giờ sáng.
Bộ trưởng Y tế cũng cho hay bà biết có những bệnh nhân lớn tuổi đi tập thể dục từ 5 giờ sáng mà đợi đến 3 giờ chiều mới lấy được thuốc. Thủ tục khám chữa bệnh và thanh toán BHYT quá rườm rà nên ngành y tế có muốn nhanh cũng không được.
"Chúng tôi đang đề xuất các bệnh viện nên có một cửa đón tiếp riêng dành cho những bệnh nhân từ 75 tuổi trở lên. Ngay trong tuần này Bộ Y tế sẽ ban hành thông tư quy định quy trình khám chữa bệnh, làm sao để với bệnh nhân khám có xét nghiệm, chụp chiếu thì thời gian chờ đợi không quá 2-3 tiếng. Việc thanh toán BHYT cũng giảm từ 6 chữ ký xuống còn 4 chữ ký", bà Tiến nói.
Ngoài ra, vấn đề phục vụ người bệnh cũng được người đứng đầu ngành y tế lưu tâm: "Nếu một bệnh viện không trích tiền thu được từ việc tăng giá viện phi để tái đầu tư, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và không khiến cán bộ nhân viên thay đổi thái độ phục vụ thì sẽ đề xuất BHXH Việt Nam không ký tiếp hợp đồng khám chữa bệnh BHYT".
Ủng hộ quan điểm phải phân tuyến chặt chẽ để tránh chuyển tuyến tràn lan, phá vỡ hệ thống khám chữa bệnh, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội bà Trương Thị Mai lưu ý Bộ trưởng Y tế một điểm quan trọng.
Theo đó, với những nơi ở tuyến dưới vì nhiều lý do mà không thể tiếp cận được tới kỹ thuật để khám chữa bệnh thì cần cân nhắc kỹ càng, bởi nếu không cho chuyển tuyến thì rất nguy hiểm, liên quan trực tiếp tới sinh mạng người bệnh.
Điều này càng nên được lưu tâm trong bối cảnh các bệnh viện tuyến dưới cũng được chủ động triển khai nghị định về tự chủ tài chính, họ có xu hướng giữ lại bệnh nhân để tăng thu.
Theo 24h
Bộ Y tế sốt sắng 'hạ hỏa' bệnh viện Quá tải bệnh viện gây ra nhiều bức xúc trong khám chữa bệnh. Một loạt biện pháp giảm tải đang được Bộ Y tế triển khai đồng bộ để "hạ hỏa" tình trạng này. Cuối tuần qua, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị triển khai quyết định của Thủ tướng liên quan đến đề án giảm quá tải bệnh viện chế...