Bộ trưởng TN&MT: Cần những đột phá, biến thách thức thành cơ hội
2017 là một năm đặc biệt khi lần đầu tiên sau nhiều năm, chúng ta hoàn thành vượt mức 13 chỉ tiêu phát triển KT-XH, trong đó GDP vượt mục tiêu 6,7% đề ra, trở thành mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trong thành công chung có sự đóng góp “âm thầm” của ngành TN&MT, bởi nếu không giải quyết vấn đề này sẽ tác động đến đầu vào của hầu hết các hoạt động KT-XH, ảnh hưởng không chỉ đến tăng trưởng mà còn nhiều vấn đề xã hội.
Nhân dịp đầu năm mới, PV Dân trí đã có cuộc trò chuyện với Bộ trưởng Trần Hồng Hà về những kết quả đã đạt được, những trăn trở và định hướng cho tương lai.
“Cởi trói” cho đất, kiên quyết với môi trường
- Thưa Bộ trưởng, năm 2017 nhiều người đánh giá là năm ngành Tài nguyên và môi trường (TN&MT) “tứ bề thọ địch” nhưng bằng những nỗ lực, ngành đã tạo được bước chuyển căn bản, chuẩn bị nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững sau này. Xin Bộ trưởng cho biết những điểm nhấn quan trọng mà ngành đã đạt được trong năm qua?
- Nếu như năm 2016 là năm ngành TN&MT vượt qua khó khăn, thì năm 2017 chính là năm tạo nền tảng. Toàn ngành đã tập trung vào những mục tiêu lớn là giải quyết tồn tại của quá trình phát triển nóng để lại; tháo gỡ, cởi trói các điểm nghẽn về thể chế, chính sách để đưa nguồn lực TN&MT vào sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Có 9 điểm nhấn mà ngành đạt được trong năm 2018.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà
Thứ nhất, đã ban hành nhiều chính sách mới tháo gỡ các khó khăn điển hình như Nghị định số 01/2017/NĐ-CP được các địa phương, doanh nghiệp,dư luận đánh giá là đã tháo gỡ cơ bản các vướng mắc về đất đai, thị trường bất động sản, đặc biệt, đã “cởi trói” được một phần cho nông nghiệp.
Thứ hai, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp đề xuất cắt giảm 45% điều kiện kinh doanh; rút ngắn 1/3-1/2 thời gian thực hiện các thủ tục về cấp giấy chứng nhận (GCN).
Thứ ba, đã tổ chức thành công Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ cho phát triển bền vững ĐBSCL, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP, mở ra mô hình mẫu về phát triển các vùng đồng bằng lớn thích ứng với BĐKH trên cả nước.
Thứ tư, công tác quản lý, sử dụng đất đai đã có sự chuyển biến rất rõ nét.
Thứ năm, đã tạo ra những chuyển biến lớn, chủ động kiểm soát, phòng ngừa không để phát sinh các sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hoàn thành kế hoạch khắc phục đối với các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao để đi vào vận hành như: Công ty Formosa tại Hà Tĩnh, Công ty Lee&Man tại Hậu Giang… đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.
Thứ sáu, đã dự báo kịp thời các hiện tượng thời tiết cực đoan trên diện rộng, đưa thông tin về sạt lở đất, lũ ống, lũ quét vào bản tin cảnh báo, dự báo Khí tượng thủy văn.
Thứ bảy, triển khai kinh tế hoá trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Thứ tám, đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về quản lý cát, sỏi lòng sông, nhờ đó tình trạng khai thác trái phép đã giảm rõ rệt.
Cuối cùng, ngành TN&MT đã hoàn thành việc sơ kết, đánh giá một cách toàn diện các chủ trương, chính sách, pháp luật đối với 2 lĩnh vực hết sức quan trọng cho phát triển bền vững đó là đất đai, môi trường.
Video đang HOT
Coi rác thải là tài nguyên
- Các Nghị quyết gần đây của Đảng đều hết sức chú trọng đến công tác quản lý TN&MT, coi đây là vấn đề cần tiếp tục đổi mới để tạo ra xung lực mới cho phát triển. Vậy đâu sẽ là trọng tâm ưu tiên của Bộ trưởng để đáp ứng được yêu cầu trên cũng như kỳ vọng của nhân dân?
- Hai động lực quan trọng đó là đột phá trong thể chế và quyết liệt trong hành động. Chủ trương, chính sách có phù hợp đến mấy mà không được tổ chức thực hiện tốt thì sẽ không đi vào thực tiễn cuộc sống. Ngành sẽ phải nỗ thực hiện 3 trọng tâm lớn, đó là tập trung cho việc sửa đổi Luật đất đai, Luật bảo vệ môi trường (BVMT); trình ban hành chiến lược biển và khoáng sản, nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai bởi hiểm họa thiên tai luôn gây tổn thất lớn về người và của.
- Cụ thể, trong lĩnh vực đất đai, ngành sẽ tập trung vào những vấn đề gì?
- Ngành sẽ tập trung sửa đổi Luật đất đai; trong đó xem xét một cách căn cơ một số vấn đề lớn đang đặt ra trong quản lý đất đai. Cơ chế quản lý đất đai sẽ cần được chuyển trọng tâm từ nặng về quản lý hành chính sang cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; qua đó giải quyết 3 mục tiêu cơ bản: quản lý chặt chẽ tài nguyên đất đai;nâng cao hiệu quả sử dụng, phát huy được nguồn lực tài chính từ đất đai cho phát triển; giải quyết vấn đề khiếu kiện trọng lĩnh vực đất đai.
- Còn đối với môi trường, một lĩnh vực mà người dân rất quan tâm?
- Trong lĩnh vực môi trường, sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung Luật BVMT tạo ra những cơ chế đột phá để quản lý huy động nguồn lực xã hội nhằm giải quyết vấn đề môi trường; chuyển thói quen từ BVMT cuối đường ống sang BVMT ở đầu đường ống, kiên quyết loại trừ quan điểm sản xuất trước làm sạch sau. Phải coi rác thải là tài nguyên, cần tái chế, tái sử dụng một cách hợp lý.
Ngoài ra, cần tập trung cải thiện chất lượng môi trường, xử lý ô nhiễm, nhất là tại các làng nghề, khu, cụm công nghiệp, khu dân cư, lưu vực sông, hồ, ven biển… Quan trọng hơn cả, cần hiểu BVMT là bảo vệ sức khỏe, cuộc sống của chính người dân và chỉ có thể thành công khi thay đổi nhận thức trước đây bảo vệ môi trường là việc của Nhà nước sang mọi người, mọi nhà, mọi tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan phải tự chịu trách nhiệm đối với những gì mình thải ra môi trường.
Đã đến lúc không thể không thay đổi
- Có lần ông còn nói, đã đến lúc “không thể không thay đổi”. Vậy đâu là lý do thưa ông?
- Hiện nay, đang có những dịch chuyển lớn trong chính sách đầu tư quốc tế, đặc biệt là chuyển năng lượng từ “đen” sang “xanh”, tiến tới phi các-bon hóa nền kinh tế. Điều đó được thể hiện trong những cam kết rất mạnh mẽ tại Hội nghị Thượng đỉnh “Một hành tinh” diễn ra tại Paris, Pháp, tháng 12/2017, mà điển hình là tuyên bố của WB về việc ngừng hỗ trợ tài chính cho các dự án ảnh hưởng đến môi trường.
Ở Việt Nam, mô hình phát triển hiện nay còn chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, chưa quan tâm đúng mức đến BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu. Nếu không có những thay đổi mang tính cơ bản trong nhận thức, hành động của toàn xã hội thì các thế hệ mai sau, thậm chí là ngay cả hôm nay sẽ phải gánh chịu nhiều hậu quả khôn lường.
- Vậy thay đổi đó là những gì, được hiểu như thế nào?
- Trước hết, thay đổi trong nhận thức, hành động của các cấp chính quyền và toàn xã hội về mô hình phát triển;
Thứ hai, là thay đổi trong mô hình phát triển, cần tiếp tục chuyển đổi theo hướng xanh, thân thiện mới môi trường với lộ trình phù hợp.
Thứ ba, đó là thay đổi trong cơ chế, chính sách theo hướng giảm phát thải các-bon,ô nhiễm môi trường, chuyển từ ứng phó sang chủ động phòng ngừa và ngăn chặn suy thoái và ô nhiễm môi trường, phi các-bon hóa các ngành kinh tế. Nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng môi trường, giảm phát thải khí nhà kính chính là điều kiện tiên quyết để Việt Nam hội nhập quốc tế thành công.
Được biết tại Hội nghị Tổng kết của ngành năm 2017 vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có những chỉ đạo sát sao đối với công tác TNMT…?
Phó Thủ tướng đã ghi nhận những đóng góp của chúng tôi thay mặt Chính phủ, thay mặt Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương ngành TNMT nói chung, Bộ TNMT nói riêng. Phó Thủ tướng cũng nhận xét là: “Đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, người dân; có bước tiến lớn trong cải cách thủ tục hành chính”.
Đồng thời Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo: “Phát triển nhanh nhưng phải bền vững, phải tăng đầu tư, tăng sản xuất kinh doanh. Phát triển kinh tế đỏi hỏi phải tăng đầu tư, khai thác hợp lý các nguồn lực tài nguyên, đẩy mạnh sản xuất, đẩy mạnh kinh doanh giải quyết tốt vấn đề tăng trưởng và môi trường; phát triển và công bằng xã hội. Giữ vững được 3 mối quan hệ hữu cơ của 3 trụ cột chính là phát triển kinh tế, văn hóa, và bảo vệ môi trường”.
- Ông mong muốn cụ thể gì từ những người làm báo chúng tôi?
- Tôi mong các bạn truyền tải thông tin về những thay đổi đột phá trong cơ chế chính sách, pháp luật của ngành đến với người dân, doanh nghiệp đồng thời tiếp tục có tiếng nói phản biện để ngành TN&MT cùng với các ngành khác tiếp tục tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện hơn nữa thể chế, chính sách, pháp luật về TN&MT, đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển bền vững đất nước.
- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Bùi Hoàng Tám (thực hiện)
Theo Dantri
"Không để xảy ra sự cố môi trường đáng tiếc như Formosa"
Đó là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường sáng 8/1.
Không cấp phép các dự án không đảm bảo về bảo vệ môi trường
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết ngành này đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
"Đó là vấn đề biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn dự báo. Thiên tai, bão, lũ lụt, sạt lở xảy ra ở nhiều nơi, tác động lớn đến nhiều ngành kinh tế, đời sống người dân. Sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung vẫn đang để lại một số hậu quả. Môi trường sống đang phải chịu những áp lực không nhỏ do tác động tích lũy của quá trình tăng trưởng. Tình trạng lãng phí tài nguyên còn xảy ra ở nhiều địa phương"- ông Hà nói.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, thách thức đang đặt ra trong công tác quản lý của ngành tài nguyên môi trường.
Đó là một số chính sách, pháp luật chưa theo kịp yêu cầu phát triển của thực tế, chưa có đột phá lớn để thúc đẩy giải phóng các nguồn lực khác như lao động, khoa học và các nguồn vốn cho phát triển. Nhiều vụ việc khiếu nại chưa được giải quyết dứt điểm, phát sinh điểm nóng, phức tạp.
Tình trạng khai thác khoáng sản, cát sỏi trái phép còn xảy ra ở một số nơi. An ninh nguồn nước đang là vấn đề hết sức quan trọng nhưng việc điều tra cơ bản tài nguyên nước toàn quốc, quy hoạch tài nguyên nước các lưu vực sông còn chậm.
Ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp do tác động tích lũy trong thời gian dài, trong khi công tác huy động nguồn lực xã hội trong giải quyết vấn đề môi trường chưa được triển khai thực hiện hiệu quả. Rác thải chưa trở thành tài nguyên, công nghiệp xử lý rác thải chưa phát triển.
"Tần suất xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng nhiều, diễn biến khó lường trong khi mạng lưới cơ sở quan trắc, dự báo chưa hợp lý, trang thiết bị vẫn còn lạc hậu dẫn đến chất lượng dự báo xa, dự báo chính xác trong phạm vi hẹp còn hạn chế. Ứng phó với biến đổi khí hậu đòi hỏi đầu tư rất lớn nhưng nguồn kinh phí còn hạn chế, hoạt động điều phối các nguồn lực chưa hiệu quả"- ông Hà thẳng thắn.
Chính vì thế, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng cần phải tập trung hoàn thành việc điều tra, quy hoạch tài nguyên nước; khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước trên lưu vực. Đặc biệt, giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, vận hành duy trì dòng chảy tối thiểu của các hồ chứa thủy điện bằng công nghệ tự động, trực tuyến...
"Phải thể hiện quan điểm chuyển từ bảo vệ môi trường cuối đường ống sang bảo vệ môi trường ở đầu đường ống. Kiên quyết loại trừ quan điểm sản xuất trước làm sạch sau. Tập trung quan trắc chất lượng môi trường vùng, khu vực tập trung nhiều nguồn thải, có nguồn thải lớn, khu vực nhạy cảm về môi trường. Kiên quyết không cấp phép các dự án không đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường"- ông Hà nhấn mạnh.
Không để xảy ra sự cố như Formosa
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, phát triển nhanh mà không bền vững thì hậu quả rất lớn. Để phát triển nhanh phải đầu tư nhiều, tăng sản xuất kinh doanh, chính từ đó đặt ra vấn đề phải bảo vệ môi trường ở mức cao nhất.
Phó Thủ tướng yêu cầu ngành tài nguyên - môi trường đặc biệt lưu ý kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải ra môi trường. "Không để xảy ra sự cố môi trường đáng tiếc như Formosa. Đồng thời nâng cao chất lượng đánh giá tác động môi trường bởi đây là vấn đề rất quan trọng. Việc đánh giá phải thực chất, phải có công cụ, có hỗ trợ từ các chuyên gia và phải làm trách nhiệm"- ông nói và đề nghị tổng điều tra, rà soát, phân loại, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm nhất là các nguồn thải ra sông, ra biển.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Đối với lĩnh vực đất đai, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ ngành, địa phương giải quyết hiệu quả các vụ khiếu kiện, tố cáo liên quan đến đất đai, nhất là những vụ khiếu kiện tố cáo đông người.
"Chúng ta thấy nhiều vụ án lớn đều liên quan đến đất đai, vì vậy công tác quản lý phải đặt ra yêu cầu chống lãng phí, nâng cao hiệu quả quản lý từ quy hoạch... Tập trung tháo gỡ thể chế về đất đai, tài nguyên môi trường càng là vấn đề quan trọng. Đồng thời rà soát các pháp luật có liên quan, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sửa đổi. Trong đó, liên quan đến vấn đề tích tụ đất đai cần nghiên cứu theo hướng tạo ra được môi trường huy động nguồn lực đầu tư, làm ăn lớn"-Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhắc lại diễn biến các đợt thiên tai, bão lũ vừa qua dưới tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng phức tạp, Phó Thủ tướng chỉ đạo ngành khí tượng thủy văn phải cố gắng hơn nữa để phục vụ yêu cầu ngày càng cao của xã hội, góp phần bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.
"Cần chỉ đạo tốt việc triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả Chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn đến năm 2020, Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030"- ông Dũng nói.
Thế Kha
Theo Dantri
Lập danh sách 'đen' doanh nghiệp nguy cơ gây ô nhiễm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà cho biết, sắp tới sẽ rà soát, kiểm kê, xây dựng cơ sở dữ liệu các doanh nghiệp tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường từ trung ương đến địa phương. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc xử lý môi trường...