Bộ trưởng Tiến: Cán bộ phải đổi mới từ tim, óc…
Không hài lòng với thái độ cán bộ y tế thờ ơ, quát bệnh nhân, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định phải đổi mới cán bộ từ trong tim, óc, máu.
“Có một bộ phận không nhỏ cán bộ y tế vẫn có thái độ thờ ơ, thậm chí là quát bệnh nhân… Vì thế, muốn đổi mới phong cách, cán bộ y tế phải đổi mới từ trong não, tim, óc và máu”.
Đó là một trong những vấn đề được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề cập trong chương trình Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời tối 21/6.
Bác sỹ gia đình không có nghĩa đến tận nhà khám bệnh
Trả lời sự quan tâm của người dân về những định hướng để phát triển mô hình bác sỹ gia đình, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, bác sỹ gia đình là dịch vụ cung cấp về chăm sóc sức khỏe, kể cả dự phòng điều trị, gần dân nhất, giúp cho người dân có thể tiếp cận các dịch vụ đỡ tốn kém, đỡ mất thời gian và thân thiện nhất.
Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời chương trình Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời.
Video đang HOT
Mô hình bác sỹ gia đình đã được Bộ Y tế triển khai thí điểm tại 8 tỉnh và đã ban hành thông tư thực hiện thí điểm bác sỹ gia đình và sắp tới sẽ sơ kết để có thể triển khai nhân rộng, phát triển mô hình hiện nay và mô hình hội nhập với quốc tế. Mô hình sẽ triển khai với các phòng khám của các bệnh viện huyện, thậm chí đến bệnh viện tỉnh, ở cả trạm y tế xã, phường cũng như phòng khám bác sỹ gia đình tư nhân.
Các trung tâm này thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu như tiêm chủng, kế hoạch hóa gia đình, dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, phòng chống các bệnh nhiễm trùng gây dịch cũng như các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, tiểu đường và tuyên truyền cho người dân có lối sống lành mạnh, chất lượng cuộc sống cao.
Đồng thời, khám chữa bệnh có gắn với bảo hiểm y tế với những bệnh thông thường và sau này có thể trang bị được hệ thống có thể thu nhận được bệnh phẩm, chẩn đoán bằng phòng xét nghiệm cho các bệnh nhân đến khám mà không cần phải đi xa; có thể chuyển viện với các bệnh viện tuyến trên và điều quan trọng nữa là ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin nối các thông tin của bệnh nhân tại phòng khám bác sỹ gia đình với bảo hiểm y tế và với các bệnh viện tuyến trên.
Theo Bộ trưởng Y tế, đó là kế hoạch trong tương lai và Bộ cũng sẽ gắn với những dự án ODA để tăng cường y tế cơ sở và gắn với mạng lưới của bác sỹ gia đình và hệ thống cấp cứu ban đầu đối với người dân sống ở vùng sâu vùng xa cũng như ở các vùng thành thị.
Về chất lượng của hệ thống bác sỹ gia đình, Bộ trưởng Y tế khẳng định, bác sỹ gia đình không có nghĩa là sẽ đến tận nhà để khám bệnh và cũng tùy theo trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, để có bác sỹ gia đình thì đào tạo đòi hỏi đầu tiên phải là những bác sỹ đa khoa và sau đó đào tạo định hướng theo bác sỹ gia đình. Người bác sỹ này phải được đào tạo khá toàn diện, hiểu biết tất cả các lĩnh vực của bệnh tật để tiếp cận, hướng dẫn về chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng như điều trị các bệnh thông thường và trong những trường hợp nặng thì mới phải chuyển lên tuyến trên. Mạng lưới bác sỹ gia đình rất phát triển ở các nước đã phát triển cũng như là một số nước khác.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, ở Việt Nam, mô hình này chưa phát triển nhiều nhưng với các nước mô hình này giúp cho người dân tiếp cận với bác sỹ gia đình này trước và không cần phải đến những tuyến trên giúp tiết kiệm thời gian cũng như giảm quá tải cho tuyến trên không cần thiết.
Cán bộ y tế phải đổi mới
Liên quan đến kế hoạch cụ thể của Bộ Y tế trong việc thực hiện đổi mới phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh để tạo nên một bước đột phá mới, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, ngành y tế có một bệnh mãn tính và nan y đó là thái độ phục vụ của cán bộ y tế đối với bệnh nhân. Thực tế, từ trước đến nay thì hầu hết các cán bộ đã đi theo ngành y dược thì rất đam mê, say mê với nghề nghiệp và tận tâm, tận tụy, không ngại khó ngại khổ đối với việc chăm sóc sức khỏe người dân.
“Tuy nhiên, có một bộ phận không nhỏ cán bộ y tế từ điều dưỡng, kỹ thuật viên cho đến các bác sỹ vẫn có thái độ thờ ơ đối với nỗi đau của bệnh nhân, thậm chí là quát tháo và có tư tưởng ban ơn, cơ chế xin cho; đặc biệt nữa là có những biểu hiện tiêu cực đối với người bệnh”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo_Báo Đất Việt
Bộ trưởng Y tế: "Nguy cơ MERS - CoV vào Việt Nam là khá cao"
Trước những diễn biến phức tạp của dịch MERS, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định, nguy cơ dịch MERS-CoV xâm nhập vào Việt Nam là khá cao.
Hàn Quốc có thêm 3 trường hợp nhiễm MERS
Triều Tiên tuyên bố chế được thuốc điều trị MERS, Ebola, SARS và AIDS
Theo thông tin mới nhất từ Văn phòng EOC (Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế), tính đến sáng ngày 22/6, Hàn Quốc đã ghi nhận thêm 3 trường hợp nhiễm MERS - CoV và 2 trường hợp tử vong. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại quốc gia này đã có 172 trường hợp nhiễm MERS và 27 người tử vong do căn bệnh này.
Trước những diễn biến của dịch bệnh này tại Hàn Quốc và khả năng xâm nhập vào Việt Nam, tối 21/6 trong chương trình dân hỏi - Bộ trưởng trả lời, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, nguy cơ dịch MERS-CoV xâm nhập vào Việt Nam là khá cao.
Trước tình hình đó, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã họp Ban Chỉ đạo Trung ương liên ngành yêu cầu 63 tỉnh thành thực hiện quyết liệt công điện của Thủ tướng Chính phủ, tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát và tập huấn cho các cán bộ dự phòng điều trị; chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc phòng chống dịch.
Hà Nội diễn tập quy mô lớn nhằm sẵn sàng ứng phó nếu MERS vào Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ Y tế đã có chỉ đạo ngăn chặn dịch ngay từ các cửa khẩu, biên giới. Theo đó, các hành khách đi từ vùng có dịch đều phải khai tờ khai y tế và được khuyến cáo theo dõi nhiệt độ trong thời gian 14 ngày. Nếu bị sốt thì phải đến cơ sở y tế theo hướng dẫn, cách ly, điều trị. Bên cạnh đó, cần thực hiện nghiêm khắc, triệt để phòng chống nhiễm khuẩn, cách ly tại bệnh viện nếu có ca nghi ngờ mắc bệnh.
Với những nỗ lực trong thời gian qua của chúng ta, tổ chức WHO đánh giá là Việt Nam đã có những biện pháp quyết liệt. Tuy nhiên, chúng ta không được lơ là, chủ quan.
Cuối cùng Bộ trưởng khuyến cáo người dân trong nước, tốt nhất giai đoạn này không nên đi đến các vùng có dịch trừ trường hợp bất khả kháng. Nếu có người nhà, người thân nằm trong bệnh viện nghi có nhiễm bệnh thì hạn chế tối đa việc vào thăm.
Trước đó, ngày 20/6 Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành diễn tập phòng chống dịch MERS tại BV Bắc Thăng Long (Đông Anh - Hà Nội). Tại buổi diễn tập này, ngành y tế Thủ đô cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu kiểm soát, thu dung, thăm khám, cách ly và điều trị ...cho bệnh nhân trong trường hợp MERS xâm nhập vào Việt Nam.
Theo_Eva
3 "kịch bản" ứng phó với dịch MERS - CoV nguy hiểm Bộ Y tế vừa ban hành Hướng dẫn giám sát và phòng, chống Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do vi rút corona (MERS-CoV). Là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nên dù chỉ có 1 người mắc bệnh cũng sẽ được nâng cấp độ lên là một ổ dịch... Ngay sau hội nghị trực tuyến với 63 đầu cầu chiều...