Bộ trưởng Thăng: “Rút phép bay nếu không giảm chậm, hủy chuyến”
“Chậm chuyến là do các hãng hàng không dồn khách để tăng doanh thu, đừng đổ lỗi cho thời tiết, kỹ thuật! Mỗi ngày tôi phải xin lỗi người dân 50-60 lần vì máy bay chậm, hủy chuyến. Từ bát mì tôm Bộ trưởng cũng phải lo thì Cục trưởng Hàng không làm gì?”.
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng chỉ trích gay gắt khi chủ trì cuộc họp bàn về thực trạng chậm, hủy chuyến bay ngày càng nghiêm trọng và trách nhiệm của Cục Hàng không Việt Nam cũng như hãng vận chuyển vào sáng nay 11/7.
Mở đầu cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh về sự bức xúc của nhân dân, của hành khách đi máy bay trước thực trạng bị chậm, hủy chuyến. Lâu nay, thói quen của quản lý nhà nước cứ có tồn tại là nghĩ ngay đến người dân và doanh nghiệp mà không nghĩ đến trách nhiệm của mình. Trong khi đó, các hãng hàng không bản thân chưa tốt, chưa hỗ trợ với nhau mà toàn nói xấu nhau.
Máy bay lòng vòng như… xe buýt
Báo cáo về tình hình chậm, hủy chuyến bay, ông Lại Xuân Thanh – Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam – cho biết, máy bay cất cánh chậm 15 phút so với giờ khởi hành thì bị coi là chậm. Trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ chậm, hủy chuyến tăng và tăng cao hơn năm 2013, trong đó tỷ lệ chậm cao nhất là 44% của VietJet Air và Jetstar Pacific.
Theo ông Thanh, nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là do hoạt động khai thác của các hãng, tắc nghẽn lên máy bay do xếp khách chưa khoa học, thời gian quay đầu chưa phù hợp năng lực khai thác, thời tiết, kỹ thuật, hạ tầng cơ sở tại cảng hàng không sân bay… So với thế giới, tỷ lệ hủy chuyến của Việt Nam ở mức trung bình và thấp.
Nghe báo cáo này, Bộ trưởng Đinh La Thăng cắt ngang: “Dồn chuyến mới là nguyên nhân chính dẫn đến chậm hủy chuyến. Chậm hủy chuyến năm nay cao hơn năm trước dù số lượng máy bay nhiều hơn. Bản thân mình không khá lên, không so sánh với chính mình mà lại đi so sánh với các nước? Như thế thì không tiến bộ được”.
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng: “Mỗi ngày tôi phải xin lỗi người dân 50-60 lần vì máy bay chậm chuyến”
Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ trích Cục trưởng Lại Xuân Thanh: “Ông chưa nhận ra khuyết điểm của ông và của ngành thì không thể tiến bộ. Đây mới là mấu chốt. Tình trạng ngành như hiện nay mà ông vẫn vô cảm thì còn chậm, còn hủy, không ai chịu trách nhiệm. Một ngày 50-60 lần tôi phải xin lỗi người dân vì họ phản ánh máy bay chậm chuyến, chứ họ nhắn tin cho tôi, tôi lại chuyển để Cục xin lỗi dân à?
Cũng giống như xe buýt khi ít khách thì chạy lòng vòng, nhưng máy bay không chạy lòng vòng được thì cố tình chậm chuyến để đợi khách nhằm tăng doanh thu. Còn Cục Hàng không, khi hãng hàng không lăn lộn để kinh doanh thì Cục phải nhảy xuống cùng “bơi” với doanh nghiệp chứ. Việc đầu tiên phải nhận trách nhiệm của Cục Hàng không, giải pháp đầu tiên giảm chậm, hủy là đổi mới toàn diện Cục Hàng không, chứ từ bát mì tôm Bộ trưởng cũng phải lo thì Cục trưởng Hàng không làm gì?
Video đang HOT
Dịch vụ phi hàng không kinh doanh thiếu lành mạnh, giá cả loạn, mì tôm vẫn 100.000 đồng/bát, sân bay không được như ga tàu, đến đón tiễn khách mang chiếu, đồ ăn, rải ở sân bay ăn uống không ai kiểm soát, cực kỳ lộn xộn”.
Bộ trưởng cũng bị “nhốt” trong ống lồng
Tại cuộc họp, nói về công tác điều hành bay và kiểm soát không lưu, ông Đỗ Quang Việt – Tổng Giám đốc Tổng Công ty quản lý Bay Việt Nam – khẳng định luôn làm đúng quy chế Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ban hành.
“Trong hủy chuyến chúng tôi không có liên quan, còn chậm thì có thể do khi dẫn dắt máy bay, kiểm soát viên tính tốc độ máy bay không chuẩn nên giữ khoảng cách không chính xác” – ông Việt phân bua.
Nghe vậy, Bộ trưởng Đinh La Thăng cắt lời Tổng Giám đốc Tổng Công ty Quản lý Bay và dẫn chứng vụ máy bay Jetstar Pacific đang trên đường băng nhưng kiểm soát viên không lưu lại cho máy bay Vietnam Airlines ở phía sau cất cánh trước.
“Hôm đó phi công của Jetstar Pacific không phát hiện ra thì có phải sẽ là một thảm họa không? Tổng Công ty này nhiều vụ lắm rồi nhưng đùn đẩy trách nhiệm, công tác chưa chặt chẽ” – Bộ trưởng Đinh La Thăng gay gắt.
Tình trạng chậm hủy chuyến bay được cam kết sẽ giảm từ tháng 8 tới đây
Vai trò và trách nhiệm của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam cũng bị Bộ trưởng Đinh La Thăng nhắc nhở khi máy bay hạ cánh rồi không có thang xuống, không mở cửa được, vị Bộ trưởng này cũng chính là nạn nhân của một trong những vụ việc như thế.
“Ít nhất tôi phải 3 lần gọi điện về việc này nhưng không thấy các anh nhắc đến. Tôi cũng có lần bị nhốt trong ống lồng lúc trời nóng vì máy bay xuống rồi, khách ra đến nơi rồi nhưng ông cầm chìa khóa đi đâu mất không tìm được” – Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết.
Theo Bộ trưởng, cách làm giảm chậm hủy chuyến phải ưu tiên là thông tin đến khách cho đi chuyến gần nhất, trên 20 chuyến bay bị chậm thì phải công bố ngay nguy cơ vỡ lịch và khi đó Tổng Giám đốc hãng hàng không phải điều hành toàn mạng.
Với tình hình nội tại của hãng, ông Lưu Đức Khánh – Giám đốc Thương mại VietJet Air đã nhận trách nhiệm chuyến bay bị chậm, tỷ lệ chuyến bay đúng giờ mới đạt 60% dù mục tiêu đặt ra là 95%. Tuy nhiên, ông Khánh giải thích chuyện chậm chuyến hoàn toàn không phải vì dồn khách. Ông Khánh cam kết trong tháng 7 và tháng 8, tỷ lệ chuyến bay bị chậm của VietJet Air sẽ giảm một nửa.
Còn ông Lê Hồng Hà – Tổng Giám đốc của Jetstar Pacific cho biết cuối năm nay đội bay của hãng sẽ tăng lên 10 máy bay nên việc điều hành máy bay hỗ trợ sẽ linh hoạt hơn, tỷ lệ chậm hủy cũng sẽ giảm. Jetstar Pacific hiện cũng đang phối hợp với Vietnam Airlines để hỗ trợ vận chuyển hành khách trong trường hợp lịch bay thay đổi.
Rút phép bay nếu không giảm chậm, hủy chuyến
Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh, việc các hãng hàng không để chậm, hủy chuyến tăng cao là do thiếu tôn trọng khách hàng, toàn ngành hàng không phải thấy xấu hổ vì không có khả năng bay đúng giờ.
Kiên quyết giải quyết tận gốc tình trạng chậm, hủy chuyến bay, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Vụ Vận tải – Bộ GTVT bổ sung ngay chế tài xử lý vi phạm đối với hãng hàng không. Theo đó, nếu các hãng hàng không để tỷ lệ chuyến bay bị chậm, hủy tăng cao thì có thể rút giấy phép bay.
“Làm như vậy để phải có ai đó chịu trách nhiệm, không thể hòa cả làng như hiện nay, chỉ mỗi hành khách phải chịu khổ, lang thang cơ nhỡ ở sân bay. Coi thường khách hàng, thiếu tôn trọng, bắt thượng đế lang thang ở sân bay, lúc thì xin lỗi, lúc thì không” – Bộ trưởng Đinh La Thăng cho hay.
Theo Bộ trưởng, Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, VietJet Air đều mang thương hiệu Việt Nam thì phải cảm thấy xấu hổ khi hoãn hủy nhiều như vậy. Chậm hủy chuyến bay trước hết trách nhiệm thuộc về Cục Hàng không Việt Nam.
Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu tất cả các đơn vị trong ngành hàng không phải nghiêm khắc với chính mình, vì để chậm hủy chuyến bay như trong 6 tháng qua, từ Cục Hàng không, Vụ Vận tải, Vụ Tổ chức, Tài chính, Thanh tra đều liên quan. Riêng với Tổng Công ty Quản lý Bay, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu kiểm điểm nhưng phải xác định nguyên nhân, trách nhiệm thực của người có liên quan, trong đó có Chủ tịch, Tổng Giám đốc.
“Cạnh tranh phải lành mạnh, phải đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Lỗi lớn nhất là “Tôi không có lỗi gì, là lỗi của người khác”.” – Bộ trưởng Đinh La Thăng chốt lại buổi làm việc.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Hoạt động hàng không bị ảnh hưởng vì giàn khoan của Trung Quốc
Biển Đông là một trong những khu vực có những đường bay quốc tế nhộn nhịp nhất thế giới, sự gia tăng các hoạt động ngoài đường bay do Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép khiến thị trường hàng không bị ảnh hưởng, có thể phải đối mặt với tình trạng suy giảm.
Hoạt động hàng không bị ảnh hưởng do Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên khu vực biển Đông của Việt Nam
Ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - thông tin về mức độ ảnh hưởng đến hoạt động hàng không dân sự trước tình hình căng thẳng trên biển Đông do Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vung đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
"Đó là hành động hết sức nghiêm trọng và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thị trường hàng không giữa Việt Nam và Trung Quốc" - Cục trưởng Lại Xuân Thanh khẳng định.
Theo ông Lại Xuân Thanh, biển Đông hiện là một trong những khu vực có những đường bay quốc tế nhộn nhịp nhất thế giới. Sự gia tăng đột biến các hoạt động bay ngoài đường hàng không tại khu vực đó có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động bay thường lệ của các chuyến bay bình thường trên các đường hàng không ở biển Đông.
Nói về những ảnh hưởng từ việc Trung Quốc đặt giàn khoai trái phép đến ngành hàng không, Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho biết thị trường hàng không có thể phải đối mặt với tình trạng suy giảm do căng thẳng trên biển Đông.
Hiện nay, Cục Hàng không Việt Nam đã chỉ đạo Tổng Công ty Quản lý Bay Việt Nam đặc biệt chú ý đến việc đảm bảo an toàn cao nhất cho các đường bay tại khu vực điểm nóng của biển Đông.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Bộ trưởng Đinh La Thăng: 'Phải biết xấu hổ khi chậm, hủy chuyến bay' Tại buổi làm việc với Cục Hàng không Việt Nam ngày 11.7, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng chỉ rõ, nếu không biết tự xấu hổ khi chậm chuyến, hủy chuyến thì các hãng hàng không của Việt Nam không thể khắc phục được những yếu kém đang tồn tại. Cố tình chậm chuyến, hủy chuyến Theo Cục Hàng không Việt Nam,...