Bộ trưởng Thăng: Làm rõ vụ máy bay Vietnam Airlines suýt đụng máy bay quân sự
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng vừa chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm khẩn trương điều tra làm rõ sự cố máy bay Vietnam Airlines suýt đụng máy bay quân sự và sự cố mất điện tại ACC Hồ Chí Minh làm tê liệt hoạt động điều hành bay Tân Sơn Nhất.
Cục Hàng không đang họp với Bộ Tổng tham mưu – Bộ Quốc phòng để làm rõ sự cố 2 máy bay dân dụng và quân sự suýt đụng nhau
Trao đổi với PV Dân trí, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho hay, sáng nay (21/11), Cục Hàng không, Tổng Công ty Quản lý Bay Việt Nam cùng với Bộ Tổng tham mưu, Quân chủng Phòng không không quân – Bộ Quốc phòng họp tại TPHCM để làm rõ nguyên nhân và đánh giá tính chất của sự cố máy bay Vietnam Airlines suýt đụng trực thăng khi vừa cất cánh mới đây.
“Trước hết phải xem xét lại công tác của mình, phải đánh giá lại năng lực điều hành bay dân dụng xem đã đúng chưa, có sai sót ở khâu nào không, thực hiện hiệp đồng với bên quân sự thế nào, đánh giá đúng vai trò của dân sự và quân sự… Hai bên cùng phân tích, điều tra làm rõ sự cố và nguy cơ uy hiếp an toàn bay, từ đó làm rõ trách nhiệm của mỗi bên chứ không được đổ lỗi cho nhau” – Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định.
Như Dân trí đã đưa tin, một sự cố nghiêm trọng đã xảy ra hôm 29/10 trên bầu trời Tân Sơn Nhất, khi đó chuyến bay VN1376 của Vietnam Airlines vừa cất cánh thì tổ lái của chuyến bay phát hiện chiếc trực thăng Mi172/423 của quân sự cắt ngang đầu máy bay ở cự ly khoảng 200 feet. Tình huống trên xảy ra khiến tổ lái VN1376 phải giảm tỷ tốc và góc bay lên khi máy bay đạt độ cao 476 ft, trong khi đó tín hiệu radar sơ cấp không hiển thị độ cao.
Liên quan đến sự cố mất điện tại Trung tâm kiểm soát bay đường dài Hồ Chí Minh (ACC Hồ Chí Minh), Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết hiện nay vẫn chưa rõ nguyên nhân tại sao dẫn tới sự cố nghiêm trọng, chưa từng xảy ra trong tiền lệ.
Video đang HOT
Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam và Tổng Công ty Quản lý Bay Việt Nam khẩn trương tìm hiểu làm rõ sự việc, làm rõ trách nhiệm của những người có liên quan và xử lý nghiêm nếu có vi phạm gây sự cố nghiêm trọng.
Sự cố mất điện tại ACC Hồ Chí Minh hôm qua (20/11) gây ảnh hưởng đến hơn 50 chuyến bay
Sự cố mất điện hơn 1 tiếng đồng hồ tại ACC Hồ Chí Minh xảy ra trưa hôm qua (20/11) đã làm ảnh hưởng đến hơn 50 chuyến bay đang hoạt động trong vùng thông báo bay Hồ Chí Minh, trong đó 3 chuyến bay quốc tế quá cảnh bị ảnh hưởng trực tiếp. Các cơ sở điều hành bay của Việt Nam tạm thời dừng cất cánh đối với các máy bay chuẩn bị khởi hành, các chuyến bay đang đến sân bay Tân Sơn Nhất quay lại sân bay khởi hành, bay chờ tại các khu vực chờ hoặc hạ cánh xuống sân bay dự bị.
Các biện pháp ứng phó không lưu cũng đã được triển khai. Các chuyến bay được theo dõi tại Trung tâm ứng phó tại Hà Nội thông qua hệ thống tự động quản lý không lưu (ATMS) của Trung tâm kiểm soát không lưu Hà Nội (ACC Hà Nội). ACC Hồ Chí Minh đã thông báo cho các ACC của các quốc gia lân cận là Singapore, Manila, Sanya, Kuala Lumpur, Vientiane, Phnom Penh triển khai ngay kế hoạch ứng phó không lưu.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Mất điện, không lưu Hà Nội "giành" quyền điều hành bay Tân Sơn Nhất
Do sự cố mất điện trong thời gian 1 giờ 35 phút tại đài chỉ huy không lưu TP HCM, lần đầu tiên không lưu Hà Nội phải "giành" điều hành bay khu vực sân bay TSN.
Ngày 20/11, Trung tâm ứng phó không lưu tại Hà Nội (ATCC/HAN) đã phải giành quyền điều hành bay thay cho Trung tâm Kiểm soát không lưu đường dài, tiếp cận Hồ Chí Minh (ACC/HCM) vì nguyên nhân sự cố mất điện trong thời gian 1 giờ 35 phút. Đây là sự cố lần đầu tiên xảy ra đối với hàng không dân dụng Việt Nam.
Cục Hàng không Việt Nam chiều 20/11 ra thông cáo cho biết lúc 11h5" sáng cùng ngày đã xảy ra sự cố mất điện tại ACC/HCM, dẫn đến Công ty Quản lý bay miền Nam phải áp dụng kế hoạch ứng phó không lưu.
Khi xảy ra sự cố, Công ty Quản lý bay miền Nam kịp thời báo cáo các cơ quan có liên quan, triển khai điều hành bay theo kế hoạch ứng phó không lưu đã được phê duyệt. Hàng loạt các biện pháp ứng phó không lưu đã được triển khai như: Thông báo cho các Trung tâm Kiểm soát đường dài của các quốc gia lân cận gồm Singapore, Manila, Sanya, Kualalumpur, Vientiane, Phnompenh triển khai ngay kế hoạch ứng phó không lưu. Yêu cầu các cơ sở điều hành bay của Việt Nam tạm thời dừng cất cánh đối với các máy bay chuẩn bị khởi hành. Các chuyến bay đang đến sân bay Tân Sơn Nhất được hướng dẫn quay lại sân bay khởi hành, bay chờ tại các khu vực chờ hoặc hạ cánh xuống sân bay dự bị.
Ngay sau sự cố kỹ thuật, Lãnh đạo Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã kịp thời có mặt tại Trung tâm ứng phó không lưu tại Hà Nội để chỉ đạo thực hiện ứng phó không lưu, điều hành bay tuyệt đối an toàn
Cùng lúc, Công ty Quản lý bay miền Nam gấp rút khắc phục từng phần hệ thống kỹ thuật tại ACC/HCM. Đến 12h40" cùng ngày, hệ thống kỹ thuật hoạt động ổn định và công tác điều hành bay đã trở lại bình thường.
Lãnh đạo Cục Hàng không và Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã kịp thời có mặt tại ATCC/HAN để chỉ đạo thực hiện ứng phó không lưu, điều hành bay tuyệt đối an toàn. Trong thời gian xảy ra sự cố, có trên 50 chuyến bay đang hoạt động trong vùng thông báo bay Hồ Chí Minh. Các chuyến bay này đều được theo dõi tại Trung tâm ứng phó của Tổng Công ty tại Hà Nội thông qua hệ thống tự động quản lý không lưu (ATMS) của ATCC/HAN.
Thực hiện yêu cầu của Bộ trưởng Đinh La Thăng, chiều 20/11, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Lãnh đạo Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và các chuyên gia đầu ngành về kỹ thuật đã bay ngay vào TP HCM để đánh giá, xác định sự việc nhằm ngăn ngừa các sự cố tương tự.
Theo quy định của ngành hàng không, hoạt động không lưu phải được dự phòng nhiều cấp nhằm đảm bảo xử lý tốt nhất các tình huống sự cố, kể cả tình huống phi tiêu chuẩn (chưa có trong các bài huấn luyện), bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay. Theo đó, tại mỗi ACC đều được trang bị cấu hình dự bị cho ACC khác, ví dụ ACC Hồ Chí Minh có cấu hình dự bị cho Hà Nội và ngược lại. Khi một ACC bị sập, cấu hình dự bị của ACC khác sẽ được khởi động để chỉ huy thay thế cho đến khi sự cố được khắc phục xong.
Hãng hàng không VietJet cho biết có 50 chuyến bay bị ảnh hưởng gián tiếp vì phải đổi giờ khởi hành, số chuyến bay bị ảnh hưởng trực tiếp là 11 chuyến. Trong đó, chuyến bay VJ157 từ Hà Nội đi TP HCM phải đáp xuống sân bay dự bị Buôn Ma Thuột. Chuyến bay VJ461 HAN đi Vinh phải quay lại sân bay xuất phát. Vietnam Airlines cũng có hàng chục chuyến bay bị ảnh hưởng.
Theo kế hoạch, trưa 20/11, lãnh đạo cấp cao của hãng chế tạo máy bay Airbus có mặt tại TP HCM để làm việc với một hãng hàng không trong nước. Tuy nhiên, giữa đường nhận được thông báo tạm dừng cung cấp dịch vụ không lưu từ ACC/HCM, máy bay của vị lãnh đạo đã phải quay lại Hong Kong./.
Theo VOV
Cục trưởng Cục Hàng không VN: Có chuyện con ông cháu cha Nguyên nhân cũng có thể là do khâu tuyển đầu vào toàn con ông cháu cha, nên trình độ và năng lực của đội ngũ KSVKL mới kém. Đó là khẳng định của ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục hàng không VN với Đất Việt, ngày 19/11. PV:- Vừa qua, Tổng Giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam...