Bộ trưởng Thăng: Chưa tịch thu xe của tài xế say xỉn
Không tán thành việc tịch thu phương tiện, song, Bộ trưởng Đinh La Thăng đồng ý đề nghị tăng mức xử phạt đối với tài xế vi phạm nồng độ cồn.
Sáng 30/3, chủ trì cuộc họp dự thảo báo cáo Thủ tướng về các nội dung liên quan đến quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, Bộ GTVT đề nghị chưa tịch thu phương tiện của lái xe vi phạm nồng độ cồn.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Giao thông cho rằng, cần phải có tổng kết, đánh giá và tăng mức xử phạt vi phạm để đảm bảo tính răn đe, tính nghiêm minh của pháp luật.
Đo nồng độ cồn người tham gia giao thông. Ảnh minh họa: Hoàn Nguyễn.
Nói thêm về đề xuất tịch thu phương tiện của lái xe vi phạm nồng độ cồn, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, các bộ Giao thông, Công an, Tư pháp đều thống nhất là có căn cứ pháp lý. Tuy nhiên, ông Thăng yêu cầu cần phải cân đối, tính toán để đảm bảo phù hợp quy định của Hiến pháp 2013, các bộ luật liên quan và tính khả thi khi triển khai thực hiện.
Bộ trưởng GTVT nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là cần có thời gian để tuyên truyền, phổ biến, vận động, tạo đồng thuận xã hội.
Ông Thăng giao các đơn vị chức năng hoàn chỉnh lại báo cáo để trình Thủ tướng vào đầu tháng 4/2014.
Về các hành vi vi phạm như say rượu, vượt quá tải, Bộ trưởng yêu cầu vẫn triển khai thực hiện theo đúng quy định (Nghị định 107, 171), sau đó sẽ căn cứ vào tổng kết, đánh giá để điểu chỉnh, bổ sung cho phù hợp thực tế.
Đầu tháng 3, Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia đề nghị Chính phủ thí điểm tịch thu phương tiện với người điều khiển xe vi phạm nồng độ cồn. Theo đó, nếu lái xe có nồng độ cồn trên 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/l khí thở, sẽ bị tước giấy phép 2 năm và tịch thu phương tiện; đồng thời, tài xế phải thi lại Luật giao thông đường bộ.
Hình thức xử phạt này áp dụng cho cả người vi phạm điều khiển môtô, xe gắn máy ( xe máy điện) và các loại xe tương tự môtô, xe gắn máy. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Giao thông chủ trì, phối hợp với các bộ Công an, Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định trước ngày 31/3.
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Giao thông chủ trì, phối hợp với các bộ Công an, Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định trước ngày 31/3.
Trong văn bản gửi Bộ Giao thông, góp ý việc sửa đổi Bộ luật hình sự, Tổng cục Đường bộ đã đề nghị hình sự hóa hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định (vượt quá 100 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,5 mg/1 lít khí thở).
Video đang HOT
Tổng cục Đường bộ cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế, hành vi này bị xử lý nghiêm khắc tại nhiều nước. Ngoài việc phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, người vi phạm còn bị khởi tố hình sự và hình phạt tù.
Theo Tri Thức
Tịch thu xe "ma men": Một đề xuất đột phá?
Với đề xuất tịch thu xe hơi của người say xỉn, rất nhiều bạn đọc nói như trên nhưng cũng còn nhiều người băn khoăn về khía cạnh pháp luật.
Tài xế say xỉn lái xe gây tai nạn ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) - Ảnh: Gia Bảo
Kiến nghị tịch thu xe hơi và tước giấy phép hai năm nếu lái xe trên đường mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn trên 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/ml khí thở đã được Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đưa ra.
Vì tính mạng con người là trên hết
Theo khảo sát của TTO, có hơn 60% bạn đọc tham gia khảo sát đồng tình với kiến nghị này của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia.
Bạn đọc Trần Anh cho rằng đáng ra phải thực hiện việc này từ lâu lắm rồi. "Tôi ủng hộ Bộ trưởng Thăng", bạn đọc viết.
Bạn đọc Mai Anh cũng rất đồng tình với đề xuất này của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia khi cho biết: "Tôi có mấy người bạn rất ham nhậu, nhưng khi lái xe hơi họ biết tự hạn chế không nhậu vì sợ bị phạt nặng, tước bằng lái, bị giữ xe...".
Bày tỏ sự đồng tình với đề xuất này, bạn đọc Trần Thị Quỳnh Như (Q.7, TP.HCM) cho biết phải có biện pháp mạnh với những người cầm lái uống rượu bia, coi thường tính mạng của chính mình và người xung quanh.
"Chỉ có biện pháp mạnh mới mong giảm được những tai nạn giao thông đau lòng mà nguyên nhân là các ma men", Quỳnh Như nói.
CSGT kiểm tra nồng độ cồn của một tài xế gây tai nạn - Ảnh: Cảnh Phúc
Bạn đọc Hai Lúa đánh giá đây là một đề xuất mang tính đột phá. Bạn đọc này phân tích: không bận tâm lắm việc người lái xe có phải chủ xe không. Việc này có vướng mắc phát sinh thì người chủ xe, người lái xe có thể kiện nhau ra tòa dân sự. Song tính mạng con người vẫn quý hơn hết!
Đồng quan điểm, bạn đọc Nguyễn Minh Sang bình luận: chủ xe giao xe cho tài xế lái mà không kiểm soát thì bị tịch thu là rất đúng, thể hiện chủ xe phải có trách nhiệm quản lý tài xế của mình.
Bên cạnh đó, một số bạn đọc nêu ý kiến phải có biện pháp để thực hiện, tránh việc một số cảnh sát giao thông lợi dụng, phát sinh tiêu cực.
Còn nhiều băn khoăn
Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, vẫn còn nhiều băn khoăn về kiến nghị tịch thu ôtô của "ma men".
Anh Lê Thành Chung (Cần Thơ) nêu ý kiến: nếu người điều khiển ôtô uống rượu bia với nồng độ quá cao thì có thể bị tước bằng lái, tạm giam xe có thời hạn và nộp tiền phạt với mức tăng gấp hai, gấp ba so với hiện hành, chứ không thể tịch thu xe hơi vì đó là quyền sở hữu của người dân.
Anh Minh Thành (Q.Gò Vấp, TP.HCM) đồng tình với kiến nghị tịch thu xe nhưng "vẫn còn nhiều băn khoăn về cách làm như thế nào cho hợp lý". Anh nói: xe là tài sản cá nhân của công dân. Việc bị tịch thu luôn xe khi lái trong tình trạng có nồng độ cồn cao thì có hợp pháp không?".
Một tài xế ôtô trong lúc say xỉn lao sang đường chiều ngược lại gây tai nạn trên cầu Calmette (nối Q.1 với Q.4, TP.HCM) chiều 2-8-2014 làm hai người bị thương - Ảnh: Hải Hiếu
Anh Bùi Anh Đức (Thủ Đức, TP.HCM) phân tích thêm từ góc độ một người cho thuê xe. "Ví dụ tôi là người cho thuê xe, người đến thuê đủ điều kiện thì tôi cho họ thuê. Sau đó họ uống rượu bia, say xỉn rồi lái xe và bị bắt. Thế là xe của tôi bị tịch thu. Sẽ có nhiều vấn đề nảy sinh ở đây", anh Đức nói.
Cùng ý kiến này, phó giám đốc một công ty cho thuê ôtô cho rằng đề xuất này chưa thật sự hợp lý bởi "tài xế say xỉn thì xử phạt tài xế, còn chủ xe thì đâu liên quan gì".
Luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên, phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, đánh giá đây là một đề xuất tốt, xuất phát từ thực tiễn các vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia quá liều. Tuy nhiên, "xét theo tình hình thực tiễn, việc áp dụng biện pháp tịch thu xe là chưa phù hợp trong thời điểm này", bà Liên nói.
Đánh giá về kiến nghị này, luật sư Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cho rằng việc tịch thu xe sẽ làm phát sinh nhiều vấn đề pháp lý phức tạp, đặc biệt khi xe đó không phải là xe của người điều khiển phương tiện mà chỉ là xe mượn, xe thuê, xe chuyển nhượng nhưng chưa sang tên.
"Lúc này câu chuyện tịch thu xe sẽ mâu thuẫn với các quy định của Bộ luật dân sự về quyền sở hữu, quyền định đoạt tài sản (bao gồm quyền cho thuê, cho mượn xe). Và thực tiễn áp dụng quy định tịch thu xe đối với người có hành vi đua xe đã cho thấy sự phức tạp này" - ông Hậu phân tích.
Công an đo nồng độ cồn tại đường dẫn vào đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Ảnh: Hữu Khoa
Luật sư Phan Thanh Bình (Công ty luật Bảo Ngọc) nói: "Xe hơi, đối với người Việt Nam hiện nay không phải chỉ dùng để đi lại mà còn là phương tiện kiếm sống. Bên cạnh đó, vấn đề quyền sở hữu của người dân trong trường hợp này cũng không được bảo đảm".
Có nhiều giải pháp khác
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, để giải quyết vấn đề đảm bảo an toàn giao thông thì Nhà nước có nhiều giải pháp, không phải chỉ có biện pháp tăng nặng chế tài đối với hành vi vi phạm.
"Bên cạnh việc tăng nặng chế tài xử lý vi phạm thì để giảm thiểu tai nạn giao thông, Nhà nước còn có các biện pháp như tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về an toàn giao thông; chấn chỉnh công tác tuần tra, kiểm soát của lực lượng cảnh sát giao thông, nâng cấp hệ thống đường giao thông..." - luật sư Nguyễn Văn Hậu nêu ý kiến.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên cho biết thêm biện pháp nên làm là "đánh vào túi tiền", nâng mức phạt tiền lên để tăng sức răn đe, giáo dục và góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.
Ai cũng biết chế tài trong pháp luật hình sự luôn nghiêm khắc hơn trong pháp luật hành chính. Thế nhưng trong nhiều vụ án hình sự có xe máy, xe hơi là phương tiện gây án, phương tiện phạm tội mà cũng không bị tịch thu khi người phạm tội không phải là chủ sở hữu của xe máy, ôtô. Như những trường hợp người phạm tội sử dụng xe mượn, thuê hay trộm cắp của người khác để gây án thì các xe này thường được xem xét trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp.
Người uống nhiều rượu bia lái xe chưa gây ra tai nạn gì nghiêm trọng thì chỉ vi phạm hành chính. Trường hợp người uống nhiều rượu bia lái xe không phải do mình sở hữu, xe do mượn, thuê của người khác thì làm sao có thể tịch thu được? Nếu tịch thu trong trường hợp này là xâm phạm quyền sở hữu của chủ xe được pháp luật dân sự bảo vệ và sẽ xảy ra tranh chấp giữa chủ xe, người lái xe và cả với cơ quan ra quyết định tịch thu xe.
Mặt khác, quy trình tịch thu xe, tài sản sau đó thanh lý bán đấu giá tài sản để sung vào công quỹ nhà nước thường phức tạp và mất nhiều thời gian, các tài sản bị tịch thu không được bảo quản tốt sẽ hư hỏng làm giảm giá trị gây lãng phí, thiệt hại cho xã hội.
Theo tôi, thay vào đó nên phạt nặng bằng tiền và tước giấy phép lái xe một thời gian dài.
Luật sư Lê Quang Vũ (phó trưởng Văn phòng luật sư Người Nghèo)
Theo Tuổi Trẻ
Kiến nghị phạt tù lái xe say xỉn Trước tình trạng người say rượu lái xe không có chiều hướng giảm, Tổng cục Đường bộ đã đề nghị hình sự hóa với người lái xe có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở vượt quá quy định. Trong văn bản gửi Bộ Giao thông, góp ý việc sửa đổi Bộ luật Hình sự, Tổng cục Đường bộ đã đề nghị...