Bộ trưởng Thăng: Các anh chị đừng đổ lỗi cho người khác
Bác ý kiến của giám đốc các cảng vụ kêu còn nhiều khó khăn trong giám sát chất lượng dịch vụ, Bộ trưởng Thăng nói luôn: “Bảo không có trụ sở, thiếu người hay vì cái nọ, vì cái kia nên chưa làm tốt là không chấp nhận được”.
Cách chức giám đốc 3 cảng vụ nếu không làm được việc
Xảy ra tình trạng chậm, hủy chuyến có phần trách nhiệm của các cảng vụ.
Tại buổi làm việc với Bộ trưởng về phương án đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không, giảm chậm huỷ chuyến bay sáng 4/8, bà Trần Thụy Minh, Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam nhận lỗi “đã phát hiện tình trạng chậm, hủy chuyến gia tăng nhưng không thông báo với Cục Hàng không và cũng không đưa ra các giải pháp để hạn chế”.
“Đây là yếu kém mà chúng tôi phải nhận thức một cách sâu sắc để tạo chuyển biến trong thời gian tới. Tuy nhiên, cũng phải nói thêm, việc kiểm tra, giám sát của chúng tôi còn nhiều tồn tại một phần xuất phát từ việc cảng vụ không có trụ sở, phải ở nhờ trụ sở của Tổng công ty Cảng hàng không VN. Nhiều khi có vi phạm xảy ra, đại diện của cảng dọa đuổi không cho mượn phòng nếu tiến hành xử lý vi phạm”, bà Minh nói.
Nghe vậy, Bộ trưởng Đinh La Thăng truy ngay: “Ai là người đòi phòng chị?”. Bà Minh ấp úng: “Hai lãnh đạo của Tổng công ty Cảng HKVN thì không đòi nhưng cấp dưới của các anh ấy đòi”. Bộ trưởng cắt ngang: “Cấp dưới của các anh ấy làm sao có quyền đòi, cũng không có chuyện xử lý vi phạm mà người ta đòi phòng làm việc, chị nói thế là không đúng”.
Bộ trưởng truy tiếp: “Chị biết thời gian quay đầu của máy bay không thể đạt 35 phút mà phải mất 50-60 phút, chỉ cần một chuyến bay chậm sẽ kéo theo cả chục chuyến nữa chậm theo. Vậy nhưng không yêu cầu các hãng kéo dài thời gian quay đầu của máy bay. Vai trò quản lý nhà nước của cảng vụ ở đâu?”. Về vấn đề này, bà Minh đã nhận trách nhiệm và thừa nhận đây là yếu kém trong quản lý.
Báo cáo Bộ trưởng, ông Lê Văn Nguyện, Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Trung lại nêu một khó khăn khác: lực lượng của cảng vụ còn mỏng và cần phải bổ sung quân số. Thấy vậy, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GTVT) Trần Văn Lâm lập tức đưa ra danh sách số lượng cán bộ, nhân viên ở các cảng vụ trong cả nước. Theo đó, Cảng vụ Hàng không miền Bắc có 111 người, miền Trung là 82 người, miền Nam là 129 người. Đồng thời, ông Lâm khẳng định, hiệu quả kiểm tra, giám sát chậm chuyến, hủy chuyến có liên quan đến công tác con người nhưng đây không phải là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng kiểm tra, giám sát kém hiệu quả.
“Ba năm nay, công việc của các cơ quan hành chính ở Bộ tăng gấp nhiều lần mà không tăng thêm bất cứ một biên chế nào nhưng công việc vẫn phải chạy ầm ầm. Đối với cảng vụ có thể thiếu nhân sự ở mức độ nào đó nhưng không đến mức là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến công tác giám sát hàng không của các cảng vụ hàng không”, ông Lâm khẳng định.
Video đang HOT
Liên quan đến vấn đề này, người đứng đầu ngành giao thông gay gắt: “Các anh chị đừng đổ lỗi cho người khác, đừng có bảo chúng tôi không có trụ sở, thiếu người hay vì cái nọ, vì cái kia nên chưa làm tốt là không chấp nhận đươc. Nếu tư tưởng nhận thức của lãnh đạo cảng vụ còn như thế thì không thể tiến bộ được”.
Bộ trưởng giao lãnh đạo Cục Hàng không VN theo dõi và giám sát kết quả hoạt động của 3 Cảng vụ. Nếu trong 3 tháng nữa, không thay đổi hiệu quả trong công việc, Bộ trưởng yêu cầu Cục Hàng không cách chức 3 giám đốc các cảng vụ này.
Hãng hàng không phải kéo dài thời gian quay đầu các chuyến bay
Báo cáo Bộ trưởng về nguyên nhân chậm chuyến, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không VN Phạm Ngọc Minh thẳng thắn chỉ rõ các hãng hàng không, nhất là hàng không giá rẻ tính thời gian quay đầu sân bay theo tiêu chuẩn quốc tế (30-35 phút/lượt), nhưng với thực trạng sân bay ở Việt Nam hiện nay, không có cách nào để thực hiện đúng tiêu chuẩn đó.
“Thời gian quay đầu ngắn nhất ở các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng là 45-50 phút, còn ở các sân bay địa phương là 35 phút. Chúng tôi đã khảo sát rất nhiều nhưng không thể rút ngắn hơn được, ông Minh nói. Ngoài ra, ông Minh còn chỉ ra một nguyên nhân nữa đó là nhiều hãng hàng không chưa bố trí đủ các máy bay dự phòng.
Là người tường tận chuyện kinh doanh, Bộ trưởng ra yêu cầu ngay: “Tôi đồng tình doanh nghiệp kinh doanh phải có hiệu quả nhưng phải tính đến lợi nhuận tổng thể lâu dài chứ đừng tính đến những lợi ích trước mắt. Dứt khoát thời gian quay đầu các chuyến bay phải kéo dài ra”.
Theo thống kê của Cục Hàng không VN, trong 7 tháng đầu năm 2014, các hãng HKVN thực hiện 86.864 chuyến bay, tỷ lệ chậm là 20,9%, tỷ lệ hủy chuyến là 3%. Tỷ lệ quá cao là do hãng bố trí lịch khai thác dày đặc, cao hơn khả năng thực hiện được.
Thay ngay kiểm soát viên không lưu không đạt chuẩn
Liên quan đến công tác đảm bảo an toàn, an ninh hàng không, ông Hoàng Thành, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam thừa nhận một thực tế có tới 30% kiểm soát không lưu hiện nay không đạt tiêu chuẩn, trong đó phần lớn yếu ngoại ngữ, không đạt mức 4 theo tiêu chuẩn của ICAO.
Nghe tới đây, Bộ trưởng Đinh La Thăng lập tức hỏi dồn: “Vừa rồi, có một số đồng chí có chức vụ trong ngành giao thông nói với tôi rằng muốn vào được ngành hàng không phải mất 20.000USD, đặc biệt là vị trí kiểm soát viên không lưu. Anh ấy nói nói thêm, vì nhận tiền rồi nên lãnh đạo Tổng công ty Quản lý bay không nói được nhân viên. Không biết chuyện này thực hư thế nào?”.
Trước câu hỏi của Bộ trưởng, ông Hoàng Thành giải thích, 2 năm gần đây TCT chủ yếu tuyển kỹ thuật, kiểm soát viên không lưu còn không tuyển dụng ở các bộ phận hành chính. Còn việc lãnh đạo TCT có nhận tiền của người xin việc hay không, ông Thành khẳng định sẽ cho rà soát lại.
Không hài lòng với cách giải thích của ông Thành, Bộ trưởng lập tức yêu cầu lãnh đạo TCT Quản lý bay phải thay ngay số nhân sự yếu kém. “30% số người yếu ngoại ngữ mà các ông để kiểm soát không lưu thì không thể chấp nhận, cần phải thay ngay lực lượng này, nếu ông nào trót nhận tiền của người ta rồi thì phải trả lại người ta ngay”, Bộ trưởng nói.
Kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng đánh giá số lượng chậm hủy chuyến trong 7 tháng đầu năm trên 40% nhưng tính riêng trong tháng 7 đã cải thiện rõ rệt, xuống còn 28%. Đây là sự nỗ lực đáng biểu dương nhưng còn phải cố gắng nhiều hơn nữa.
Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện ưu tiên đảm bảo an ninh, an toàn nhưng không được coi đây là lý do để các hãng hàng không lấy làm căn cứ nguyên nhân làm chậm, hủy chuyến. Các hãng hàng không phải công khai lý do chậm hủy chuyến, mức độ thông báo thế nào phải tính toán cho phù hợp tránh gây hoang mang cho hành khách.
“Các hãng phải cải cách phương thức bán vé, thông báo sớm cho hành khách nếu bị chậm, hủy chuyến, chủ động cung cấp thông tin, không được né trách nhiệm. Còn Cục Hàng không VN thì phải tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các cảng vụ”, Bộ trưởng nói rõ.
Theo báo Giao thông Vận tải
Vụ máy bay suýt va chạm: Rút phép kíp trưởng, phạt tiền hàng loạt
Liên quan đến vụ việc máy bay Vietnam Airlines và Jetstar Pacific suýt va chạm tại Đà Nẵng hôm 27/6, Cục Hàng không Việt Nam vừa ra quyết định xử phạt các cá nhân vi phạm điều hành bay gây ra sự cố nghiêm trọng này.
Theo đó, sân bay quốc tế Đà Nẵng tiếp nhận chuyến bay VN130 của Vietnam Airlines từ TPHCM hạ cánh xuống đường băng 35 Phải và tổ lái đã báo cáo nhận huấn lệnh. Nhưng cũng thời điểm này, kiểm soát viên không lưu lại cấp huấn lệnh dừng chờ cất cánh tại đường lăn E5 đối với máy bay PIC595 của Jetstar Pacific cất cánh đi TPHCM.
Vụ máy bay Vietnam Airlines và Jetstar Pacific suýt va chạm do lỗi điều hành không lưu là một trong 4 sự cố hàng không nghiêm trọng nhất từ đầu năm đến nay
Cục Hàng không Việt Nam đã thu hồi Giấy phép điều hành bay của kíp trưởng trực đài chỉ huy của ông Phan Nho Quang. Ông Phan Nho Quang bị xử phạt hành chính về 4 hành vi vi phạm hành chính, với tổng mức phạt tiền là 45 triệu đồng; cùng với đó, kéo dài thời hạn nâng lương 6 tháng vì trực điều hành bay nhưng để xảy ra sự cố.
Xử phạt ông Trương Công Tuấn - Trưởng Trung tâm Kiểm soát Tiếp cận sân Đà Nẵng - về hành vi bố trí kiểm soát viên không lưu chưa có giấy phép tham gia điều hành bay, mức tiền phạt là 15 triệu đồng.
Ông Ngô Xuân Vĩnh - Phó Trưởng Trung tâm Kiểm soát Tiếp cận tại sân Đà Nẵng - bị phạt về hành vi không thực hiện đúng quy định về giám sát giao nhận ca, kíp trực theo Tài liệu Hướng dẫn khai thác. Số tiền phạt 7,5 triệu đồng.
Công ty Quản lý bay miền Trung bị phạt về hành vi vi phạm Quy chế không lưu Hàng không dân dụng với mức phạt tiền là 30 triệu đồng.
Trước đó, ông Trần Mạnh Sỹ - Giám đốc Công ty Quản lý bay miền Trung - đã bị đình chỉ công tác với thời hạn 15 ngày (kể từ ngày 11/7).
Đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam là những cán bộ thuộc diện quản lý của Bộ Giao thông Vận tải, xét trách nhiệm của người đứng đầu trong vụ việc này, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản đề nghị Bộ trưởng Đinh La Thăng phê bình ông Hoàng Thành - Chủ tịch Hội đồng thành và khiển trách Ông Đỗ Quang Việt - Tổng Giám đốc.
Với người ra huấn lệnh sai gây sự cố nghiêm trọng là thực tập viên Trương Nguyễn Quỳnh Anh, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam xử lý kỷ luật bằng hình thức kéo dài thời gian thực tập 1 năm.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Biết trước chậm hủy chuyến, hãng vẫn lừa dối khách "Có hãng biết trước chậm 4h-5h đồng hồ, nhưng hãng lại cắt thành chậm 1 đến 2 tiếng, ngắt quãng nhiều lần để chống phản cảm. Điều nay là không chung thực với khách...". Ông Võ Huy Cường - Phó cục trưởng Cục hàng không VN cho TS biết về kết quả thực hiện giám sát chậm, hủy đối với các hãng hàng...