Bộ trưởng Thăng: Bênh cái sai của cấp dưới, hậu quả có thể là… thảm họa!
“Bênh cái sai là anh đã sai thêm một lần nữa. Còn bênh vực cái sai của người do anh quản lý, trong đó có một phần cái sai của anh, thì cấp số sai là vô cùng…”, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng bày tỏ trong cuộc trao đổi với phóng viên Dân trí.
“Không ai ngăn tôi toàn quyền… chịu trách nhiệm”
Bộ trưởng Đinh La Thăng: “Cầm tay chỉ việc, với tôi, là một trong hàng trăm cách điều hành” (ảnh: Minh Thanh).
Trong năm qua, việc Bộ trưởng liên tục có mặt ở những điểm “ nóng” trên mọi mặt trận của ngành giao thông đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, chia sẻ của dư luận, tuy nhiên cũng có không ít ý kiến cho rằng Bộ trưởng đang phải ôm đồm, đang phải cầm tay chỉ việc với bộ máy vận hành phía dưới quá nhiều?
Chúng ta thường chỉ hay nói về một vế của vấn đề, trong khi chuyện gì cũng luôn có hai mặt. Điều hành một Bộ, có muốn ôm đồm, có muốn mọi nơi đều cầm tay chỉ việc cũng không ai làm được. Nhưng không vì thế mà loại bỏ cách thức ấy trong những trường hợp thực ra nó là cách điều hành hữu hiệu và đơn giản nhất.
Tôi nhớ hồi mới về nhận nhiệm vụ, nhân viên ở đây viết một bản thông báo đưa tôi duyệt, tôi viết lại một dòng: “Đồng ý giữ lại chữ… “thông báo”". Sau đó tôi viết lại toàn bộ. Nhưng chỉ cần đúng một lần như thế là đủ để từ những lần sau không còn xảy ra hiện tượng tương tự. Trong những trường hợp tôi vừa nêu, có người sẽ gọi là cầm tay chỉ việc. Nhưng với tôi, đó chỉ là một trong hàng trăm cách điều hành.
Thời gian qua dư luận đã nói rất nhiều về những lần “trảm tướng” của ông, nhưng có tướng nào sau khi bị “trảm” bày tỏ sự không phục hoặc trách móc, xin xỏ?
Phải nói ngay rằng, không một cán bộ nào muốn bị kỷ luật, ngay cả khi họ biết rõ mình mắc khuyết điểm. Không người nào bị kỷ luật lại có thể vui được. Điều đó là trái mọi logic tình cảm, tâm lý. Tất cả chúng ta đều như vậy và thế mới là con người. Tôi luôn hiểu rõ điều ấy khi phải quyết định kỷ luật ai đó. Vì thế, nói thật, đấy là việc bất đắc dĩ. Tôi chỉ hành động khi thực sự tin rằng, việc kỷ luật đó tốt cho công việc chung, vì lợi ích của xã hội.
Xử lý kỷ luật cán bộ, dù ở cấp nào, đều phải động đến vấn đề nguyên tắc tổ chức và luật pháp, chưa bao giờ là công việc đơn giản. Chính vì thế mà không thể tùy tiện được. Có thể là ngay tại chỗ, tại hiện trường, tôi đình chỉ công việc cấp dưới nào đó do không còn cách nào khác tốt hơn cho công việc – Bộ trưởng nhất định phải có cái quyền ấy – nhưng sau đó, để xử lý kỷ luật, cách chức hay giáng chức cán bộ… là cả một quy trình chặt chẽ. Việc này chúng tôi làm rất công khai, minh bạch, đối thoại thẳng thắn, cố gắng tối đa cả về lý về tình. Nếu có sự trách móc, không phục, thì chỉ là chính người bị kỷ luật tự trách móc, không phục mình khi đẩy người khác vào một việc mà họ không muốn làm.
Việc Bộ trưởng không ít lần thẳng tay “trảm tướng” cộng với cách thức điều hành quyết liệt của Bộ trưởng, xét ở khía cạnh nào đó liệu có làm cấp dưới vì sợ mà thường bị lúng túng, thậm chí “mất khôn” khi đối diện với Bộ trưởng?
Không loại trừ có hiện tượng đó, ở một vài người yếu về năng lực, không tự tin về tính chính đáng của việc mà mình đang làm. Khi đó họ sợ tôi không phải như sợ một cấp trên, mà sợ một người có thể nhìn ra lỗi của họ và có quyền rất lớn để xử lý lỗi đó một cách nghiêm khắc, thậm chí là tức khắc.
Video đang HOT
Đã tả xung hữu đột trên các lĩnh vực, đã thẳng tay “trảm tướng” này, “xử” nhà thầu kia trong thời gian qua… Vậy, ông có thực sự được toàn quyền trên cương vị tư lệnh ngành như nguyện vọng, yêu cầu đã nêu trong ngày nhậm chức Bộ trưởng GTVT gần 4 năm trước?
Toàn quyền không có nghĩa muốn làm gì thì làm như một số người vẫn quen nghĩ khi quan sát cách thức chúng tôi thực hiện công việc. Xã hội chúng ta chỉ có một thứ quyền lực tuyệt đối và nó thuộc về nhân dân.
Như vậy, diễn đạt chính xác điều chúng ta đang bàn thì sẽ là thế này, toàn quyền, có nghĩa là toàn quyền chịu trách nhiệm về công việc được giao. Đó là thứ quyền mà bất cứ ai cũng thỏa sức thực hiện. Liệu có ai lại ngăn cản người khác đòi được toàn quyền chịu trách nhiệm trong thực thi công vụ? Suy từ bản thân tôi thì tôi không thấy có bất cứ sự ngăn cản nào.
“Sự cố chỉ ở mức mất ngủ vẫn là… may lắm”
Với nhiều vấn đề của ngành giao thông, dư luận đã có những lần bất ngờ với phản ứng và quan điểm của Bộ trưởng. Chẳng hạn vấn đề taxi Uber, các hiệp hội vận tải phản đối và thậm chí những cán bộ quản lý của ngành cũng “nói không” hay ít ra rất dè chừng, nhưng Bộ trưởng lại quyết định tìm hướng đi cho Uber ở Việt Nam. Hay khi hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất bị một tạp chí xếp hạng tệ hại nhất châu Á, người trong ngành đã không đồng tình với bình chọn này, nhưng Bộ trưởng lại cho rằng, đánh giá của tạp chí kia là khách quan… Dường như Bộ trưởng không có tự ái ngành?
Tôi thật sự không hiểu khái niệm tự ái ngành là để diễn giải và phản ánh điều gì. Chắc chắn nó khác xa lòng tự trọng. Nếu tự ái ngành là thứ mà để có nó đồng nghĩa với việc phải giấu giếm, bao che những khuyết điểm, yếu kém, thói quan liêu, trì trệ, ngại khó, tệ làm ăn gian dối, tham nhũng, sách nhiễu người dân và doanh nghiệp của ai đó hay bộ phận nào đó… thì đừng bao giờ tìm kiếm điều ấy ở tôi, dù nó có quan trọng với thành tích cũng như danh tiếng của cá nhân tôi bao nhiêu đi nữa.
Bộ trưởng không thích nghe thanh minh, bao biện và không bênh người trong ngành?
Không một người quý trọng thời gian nào thích nghe bao biện, chứ chả riêng gì tôi. Phản biện, tranh luận, đối thoại để tìm ra lẽ phải, chân lý thì luôn cần lắng nghe và tôi thích những cách thức ấy.
Về mặt tình cảm thì thủ trưởng nào cũng dễ dàng thiên vị người trong ngành, giống như thiên vị người thân của mình. Đó là một thực tế đời sống mà chúng ta chỉ không nói ra thôi.
Vấn đề bạn hỏi, trước hết cần phải nói rõ ràng là bênh cái gì. Nếu bênh cái sai là anh đã sai thêm một lần nữa. Còn bênh vực cái sai của người do anh quản lý, trong đó có một phần cái sai của anh, thì cấp số sai là vô cùng. Hậu quả có thể ở mức thảm họa.
(Ảnh: Minh Thanh)
Dư luận đều thấy quyết tâm của Bộ trưởng, nhưng không phải tất cả những việc làm của Bộ trưởng đều mang lại kết quả như mong muốn, chẳng hạn như cầu treo Sam Lang mà Bộ trưởng chỉ đạo làm ở Điện Biên bị lũ cuốn ngay khi mới xây dựng xong?
Bản thân tôi cũng không bao giờ dám mong mọi việc làm và ý định của mình đều có kết quả mỹ mãn, đều được thực hiện tốt đẹp một trăm phần trăm. Trên thực tế, đó là điều không tưởng. Nhưng chúng tôi mong muốn và đặt ra những yêu cầu rất cao để hy vọng làm được điều tốt nhất có thể.
Trường hợp cầu treo Sam Lang rất đáng để chúng tôi suy ngẫm. Trước áp lực phải tìm mọi cách đảm bảo tính mạng của người dân ngay trong mùa lũ, thì một cây cầu treo là phương án thiết thực nhất và điều đó đã được thực hiện gần như tức khắc. Nhưng chúng tôi đã gặp phải sự cố bất khả kháng trước một thiên nhiên quá khắc nghiệt, quá khó lường mà hàng trăm năm mới có một lần. Điều an ủi duy nhất là rủi ro đó không lớn. Chúng tôi đã nhanh chóng làm lại một cây cầu khác dựa trên những tính toán kỹ càng hơn về tần suất và cường độ lũ.
Bộ trưởng cũng từng nói mất ngủ vì đường lún, nhưng dự án đường sắt trên cao còn có thể làm mất ngủ hơn vấn đề đường lún?
Trước khi mất ngủ vì đường lún, tôi đã từng mất ăn, mất ngủ về nhiều việc khác. Nó đã là một phần cuộc sống mà tôi chấp nhận. Trong một lĩnh vực mọi chuyện đều rất khó lường như giao thông vận tải thì chúng tôi đều phải chuẩn bị sẵn tinh thần cho những tình huống bất ngờ. Tôi tin rằng bất cứ ai cũng có thể hiểu được điều này.
Chỉ có điều, với mỗi sự cố, chẳng hạn như những sự cố bạn vừa nêu, đều có vấn đề đau đầu riêng không chỉ với cá nhân tôi. Tôi biết luôn có rất nhiều người thao thức cùng tôi. Tất nhiên, ở cương vị như tôi thì áp lực lớn hơn. Bằng những gì đã trải qua, tôi nghiệm ra rằng, trước sự cố nào đó, nếu chỉ ở mức độ mất ngủ thôi thì vẫn còn may mắn lắm, bởi sau một đêm dài trằn trọc, khi tỉnh dậy chúng ta luôn còn cơ hội và tìm ra cách thức để hành động.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Cấn Cường – Phương Thảo ( thực hiện)
Theo Dantri
Đề nghị hủy bỏ đề xuất "phạt báo chí 100 triệu đồng"
"Việc xử phạt báo chí phải để Quốc hội quyết định, không thể để các bộ ngành có công cụ để "trả đũa", "trừng phạt" báo chí thường xuyên thông tin những vấn đề không tốt của ngành mình".
Đó là quan điểm của luật sư Trần Vũ Hải (Đoàn luật sư TP Hà Nội) đưa ra tại hội thảo "Chế tài hành chính về xử lý thông tin sai sự thật trên báo chí: Ai cũng được phạt báo chí?" do Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC) - Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), tổ chức sáng ngày 5/2.
MEC cho biết sẽ kiến nghị Bộ Tư pháp và các bộ ngành liên quan hủy bỏ đề xuất xử phạt báo chí 100 triệu đồng khi thông tin sai.
Theo nghiên cứu của MEC, pháp luật về báo chí hiện hành (Luật Báo chí sửa đổi 1999 và Quy chế 03/2007 về cải chính trên báo chí do Bộ Văn hóa-Thông tin ban hành) đang trao cho các bộ, ngành quyền kết luận về các nội dung báo chí nêu liên quan đến lĩnh vực quản lý của mình; từ đó có quyền yêu cầu báo chí cải chính, xin lỗi.
"Từ bất cập này, nhiều bộ ngành đã soạn thảo các nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý của mình bao gồm xử lý cả thông tin báo chí nêu về ngành với nhiều mức phạt khác nhau, đối với nhiều chủ thể khác nhau. Từ đây gây ra sự chồng chéo về quản lý nhà nước đối với hoạt động báo chí, tạo ra tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi" có thể hạn chế tính phản biện, phê bình của báo chí đã được quy định tại Luật Báo chí"- đại diện MEC cho biết.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền (Đoàn luật sư TP Hà Nội) đặt vấn đề: Ngoài Bộ Thông tin và Truyền thông thì các cơ quan, bộ ngành khác lấy thẩm quyền ở đâu để triệu tập phóng viên các báo tới cơ quan mình, rồi lập biên bản vì thông tin sai sự thật và chuyển văn bản sang Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt? Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông có thẩm quyền để thẩm tra lại văn bản của thanh tra các bộ khác gửi sang hay không?
"Tôi cho rằng các bộ ngành hãy lo xử phạt ngay trong ngành mình trước đi. Đó là xử phạt đối với những cán bộ có thẩm quyền cung cấp thông tin sai sự thật cho báo chí hoặc cung cấp thông tin chậm, không kịp thời, không đầy đủ. Việc xử phạt báo chí thông tin sai hãy để cho cơ quan quản lý báo chí thực hiện. Bộ ngành thấy báo chí viết sai thì hãy gửi văn bản tới cơ quan báo chí đó, nếu họ không giải quyết thì gửi ngay đơn tới tòa án. Uy tín của tờ báo sẽ còn không khi tòa án phán quyết rằng tờ báo đó đã thông tin sai sự thật"- luật sư Truyền nói.
Đồng tình với quan điểm của ông Truyền, ông Đào Ngọc Tước - Phó Tổng biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam - cho rằng các cơ quan báo chí sẵn sàng bồi thường thiệt hại cho đơn vị liên quan khi thông tin sai sự thật. Tuy nhiên việc bồi thường thiệt hại này cần phải được dựa trên phán quyết của tòa án, chứ không thể để xảy ra chuyện ngành nào cũng có thẩm quyền tự quyết việc xử phạt như thế nhiều bộ ngành đang mong muốn được.
Dẫn ra chuyện UBND tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An đã phải hủy bỏ quy định về việc xử phạt phóng viên các báo hoạt động trên địa bàn vào cuối năm 2014, ông Mai Phan Lợi - Phó tổng thư ký tòa soạn báo Pháp luật TPHCM - cho rằng Bộ Tư pháp và các bộ ngành liên quan cần phải đánh giá lại đề xuất xử phạt báo chí thông tin sai. "Tôi không hiểu họ lấy căn cứ ở đâu để đưa ra đề xuất xử phạt số tiền rất lớn, lên tới 100 triệu đồng, trong khi quy chế về phát ngôn với báo chí không được các bộ ngành thực hiện nghiêm túc, đầy đủ. Hơn nữa đến giờ vẫn chưa có chế tài về việc cung cấp thông tin chậm trễ, không kịp thời và thiếu chính xác cho báo chí thì xử ra sao?"- ông Lợi đặt vấn đề.
Đại diện MEC cho biết sẽ tổng hợp ý kiến phát biểu, khảo sát tại buổi hội thảo này để chính thức có văn bản kiến nghị gửi tới Bộ Tư pháp và các bộ ngành liên quan đề nghị hủy bỏ đề xuất bổ sung Điều 8a (trong đó có quy định xử phạt báo chí thông tin sai 100 triệu đồng - PV) vào sau Điều 8 của Nghị định 159/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí xuất bản.
Đồng thời MEC sẽ kiến nghị Chính phủ thống nhất giao một đầu mối là Bộ Thông tin và Truyền thông xác định, xử phạt thông tin sai sự thật theo Nghị định 159/2013; bổ sung chế tài đối với cơ quan quản lý nhà nước vào Điều 9 Nghị định 159/2013 về việc chậm cung cấp thông tin, cung cấp thông tin sai và cung cấp thông tin không đầy đủ.
Một số bộ ngành liên quan có cử đại diện tới tham dự hội thảo nhưng không ai đăng ký phát biểu, phản hồi.
Thế Kha
Theo Dantri
Bộ trưởng Y tế lắng nghe ý dân trên Facebook Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, bên cạnh các kênh báo chí, truyền thông, bà còn theo dõi Facebook để kịp thời nắm bắt, xử lý những sai sót, vi phạm trong ngành. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 1/2015 (ảnh: VGP) Trao đổi tại phiên họp báo...