Bộ trưởng Thăng bắt lỗi, “trói” trách nhiệm người để đường hằn lún
Tiếp tuc hoạt động kiểm tra tuyến quốc lộ 1A mở rộng qua các tỉnh miền Trung, ngày 10/7, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng “nắn” nhiều chuyện trái mắt trên chặng đường từ Quảng Trị đến Huế.
Tư vấn giám sát “dính chàm” vẫn làm… chui
Tại đoạn đường tuyến tránh thành phố Hà Tĩnh – Kỳ Anh, phát hiện tư vấn giám sát công trình là đơn vị đã “dính chàm”, vừa bị thổi còi tại một dự án ở Quảng Ngãi vừa qua, Bộ trưởng Thăng yêu cầu Ban quản lý dự án phải thay ngay tư vấn. Ông yêu cầu các ban quản lý phải chọn tư vấn cho chất lượng, phải kiểm tra.
“Chọn tư vấn giám sát như thế này thì chết. Tại sao tư vấn từ công ty 497 đã đuổi từ Quảng Ngãi lại đến đây xin làm. Sao cứ để họ chạy vòng vòng như thế?” – vị tư lệnh ngành giao thông gay gắt.
Bộ trưởng Đinh La Thăng trong tuyến thị sát dự án mở rộng Quốc lộ 1A đoạn Hà Tĩnh – Huế.
Dù nhận định, việc tìm kiếm được tư vấn và giám sát công trình có chất lượng đang là một vấn đề khó, vì cung không đủ cầu, song Bộ trưởng Thăng vẫn yêu cầu Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng công trình GTVT Trần Xuân Sanh phải tìm được ra giải pháp để quản lý được chất lượng, “niêm yết” danh sách các đơn vị tư vấn và giám sát công trình.
Bộ trưởng GTVT gợi ý hướng xếp hạng tư vấn, giám sát, nhằm giúp cho các ban quản lý dự án dễ dàng hơn trong việc lựa chọn tư vấn đủ tiêu chuẩn.
Ông Thăng nhấn mạnh, không thể để tình trạng tư vấn giám sát kém chất lượng đã bị đuổi ở công trình này lại nhảy sang công trình khác.
Qua địa phận xã Hương Văn, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên – Huế, phát hiện tình trạng mặt đường bị hằn lún, Bộ trưởng đã yêu cầu đại diện Cục Qquản lý xây dựng, Vụ kết cấu hạ tầng và Ban QLDA 6 – đơn vị chịu trách nhiệm quản lý giám sát quá trình thi công dự án báo cáo cụ thể.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP 471 thuộc Tổng Cty xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) Vương Đình Ngũ thanh minh, đơn vị thi công vốn mạnh về công nghệ thảm bê tông, đã dồn tâm huyết thực hiện công trình nhưng tuyến tránh thành phố Huế vẫn… lún.
Nguyên nhân tình trạng này được tư vấn giám sát (Viện khoa học công nghệ GTVT) giải thích do trời quá nóng, mưa quá nhiều thời gian qua. Tư vấn giám sát trưởng tại công trình phân trần, đoạn đường đã được sửa nhưng lại tái hằn lún.
Video đang HOT
Bộ trưởng Thăng yêu cầu các đơn vị chịu trách nhiệm “bóc đi làm lại”.
“Tư vấn trưởng gì mà kinh nghiệm công tác 16-17 năm rồi vẫn làm nhom nhem như này. Chỗ này phải lên phương án trình, phê duyệt xong mới sửa. Đường này mà sửa không ngon lành, tôi điều ra Hà Nội làm để giám sát. Đã giám sát là phải rất nghiêm khắc chứ không làm thế này, không được xuê xoa” – ông Thăng nghiêm khắc.
“Toát mồ hôi” vì những truy vấn gắt gao của người đứng đầu ngành giao thông, Chủ tịch Cty 471 hứa sẽ tiếp tục sửa chữa, hoàn thành trước 15/7. Ông Thăng lại nhắc, việc sửa đường cũng không được làm ẩu, đã làm kém lúc ban đầu thì phải có trách nhiệm khắc phục sai sót ở mức tối đa. Bộ trưởng Thăng giao hẹn cuối tháng này sẽ trở lại kiểm tra, nếu việc sửa đường vẫn chưa xong sẽ “xử” cả loạt.
Tiếp tục bám theo cung đường, ông Thăng chỉ rõ hiện tượng đường hằn lún không đều, có những đoạn lằn hún cả 2 chiều đường, có đoạn chỉ hằn chiều hướng vào Nam, có đoạn đến 10km lại hoàn toàn không hằn lún, mặt đường đanh, lỳ. Bộ trưởng GTVT lại bấm máy gọi Cục trưởng Cục quản lý chất lượng công trình giao thông Nguyễn Xuân Sanh, chỉ đạo kiểm tra tìm nguyên nhân, khắc phục ngay vì việc này cho thấy nguyên nhân thời tiết, đường gánh tải trọng lớn đơn vị thi công báo cáo là không chuẩn.
Ông Thăng cho rằng có lỗi trong thiết kế và yêu cầu nâng thời gian bảo hành lên mức tối thiểu là 2 năm để nhà thầu có trách nhiệm hơn với công trình do mình thi công.
“Cấm om tiền làm khó doanh nghiệp”
Hầm Phước Tượng đang chậm thi công vì lãnh đạo đơn vị đường sắt ở địa phương “bất tuân” cấp trên.
Điểm dừng tiếp theo trước hầm Phước Tượng, Bộ trưởng GTVT lưu ý việc kiểm tra lại năng lực các nhà thầu tham gia để sau khâu làm nền, hoạt động thảm đường có thể thực hiện một cách tập trung, tránh băm vụn mặt đường, khó kiểm soát chất lượng.
“Nhà thầu ông nào khoẻ thì để làm, yếu là phải cho thôi ngay chứ nếu cứ công nhận các đơn vị đều khoẻ hết, đến khi làm hỏng thì chính tổng thầu sẽ thành yếu đấy. Giờ cứ chính sách ông nào làm nhanh, tốt thì cho làm tràn luôn, kiểu “hoa thơm lấn cỏ dại” – ông Thăng dặn.
Người đứng đầu ngành GTVT cũng yêu cầu rút kinh nghiệm việc thi công đoạn đường trước đó với tối hậu thư “sẽ không có thêm cơ hội rút kinh nghiệm cho nhà thầu nữa, tiếp tục để hỏng sẽ phải đền, không lý gì nhà nước phải chịu tốn phí khủng cho mỗi lần rút kinh nghiệm của người có trách nhiệm”.
Phê bình hạng mục hầm đèo Phú Gia-Phước Tượng (thuộc địa bàn huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) chậm tiến độ vì lý do nhà thầu là Tổng công ty Lũng Lô không được ngành đường sắt địa phương cho nổ mình phá hầm theo kế hoạch (lượng mìn được duyệt nổ mỗi lần chỉ bằng 1/3 công suất tính toán của TCty Đường sắt VN, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã gọi điện trực tiếp cho Chủ tịch TCty Trần Ngọc Thành ngay tại công trường.
Ông Thăng yêu cầu ông Thanh phải chỉ đạo đơn vị quản lý đường sắt ở Thừa Thiên – Huế tổ chức thực hiện nổ mìn theo đúng kế hoạch đã được chuyên gia thẩm định. Bộ trưởng cũng gợi ý hướng phạt chuyện “bất tuân” của cấp dưới bằng cách “điều cán bộ ra Hà Nội làm trợ lý để giám sát”, “cắt quyền… tự tung tự tác”.
Để hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia đầu tư dự án, ông Thăng góp ý việc giải ngân đúng tiến độ để giúp nhà thầu đẩy nhanh thi công, không “om tiền làm khó doanh nghiệp”.
P.Thảo
Theo dantri
Xuất hiện vết nứt trên "biểu tượng mới của Đà Nẵng"
Mấy ngày nay, dư luận Đà Nẵng râm ran chuyện cầu Rồng vừa đưa vào hoạt động vài tháng đã xuất hiện nhiều vết nứt. Tuy nhiên, theo chủ đầu tư, đây chỉ là hiện tượng bê tông giãn nở.
Được khánh thành và đưa vào sử dụng từ ngày 29/3/2013, cầu Rồng được xem là biểu tượng mới của TP Đà Nẵng. Đây không chỉ là một cây cầu độc đáo, có tính thẩm mỹ cao mà còn là điểm đến của nhiều khách du lịch khi tới thành phố biển này để được ngắm và xem "Rồng thép" phun lửa, phun mưa.
Một số đường nứt trên cầu Rồng
Tuy nhiên, thời gian gần đây, cầu Rồng xuất hiện nhiều vết nứt nhỏ, kéo dài khiến nhiều người lo ngại. Theo quan sát của phóng viên, vết nứt xuất hiện ở mố cầu phía đông (đường Trần Hưng Đạo, quận Sơn Trà) và dầm cầu. Có những vết nứt kéo dài đến 2m.
Chiều 1/11, Ban Quản lý dự án cầu Rồng (Sở GTVT Đà Nẵng) đã có văn bản báo cáo Thường trực Thành ủy và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng về vấn đề này.
Đường nứt dưới mố cầu phía Đông
Theo ông Nguyễn Hà Nam, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án cầu Rồng, trong quá trình triển khai dự án, các đơn vị liên quan đều đã nhận thức được vấn đề trên và triển khai các giải pháp kỹ thuật từ khâu thiết kế đến thi công để hạn chế ảnh hưởng của các yếu tố này đến sự co ngót hay giãn nở của bê tông. Tuy nhiên, vì kết cấu phức tạp nên không thể tránh khỏi việc xuất hiện một số vết nứt tại một số vị trí.
Theo ông Nam, qua theo dõi kết cấu công trình nói chung và đặc biệt là qua công tác kiểm định thử tải đánh giá an toàn chịu lực, đơn vị kiểm định thử tải đã có đánh giá chung như sau: Quá trình kiểm định sức chịu tải (chất tải và dỡ tải), không phát hiện các biểu hiện bất thường của kết cấu. Kết cấu cầu vẫn làm việc bình thường trong giới hạn đàn hồi.
Ngoài ra, các chỉ tiêu kỹ thuật như cường độ chịu tải, độ cứng chống biến dạng, chuyển vị đỉnh vòm, chu kỳ dao động riêng đều phù hợp với kết quả phân tích lý thuyết.
Một số vết nứt đã được công nhân trám lại
Qua kiểm tra thực tế, các vết nứt có bề rộng trung bình từ 0,1-0,2mm, xuất hiện ở các vị trí như: trên gờ chắn bánh dải phân cách đoạn nhịp trên dầm hộp thép; tại vị trí tiếp giáp giữa 2 lần đổ bê tông của dầm và ụ chân vòm; tại tường ngực mố cầu dẫn phía Đông.
"Các vết nứt trên xuất hiện là do co ngót bê tông hoặc do thay đổi nhiệt độ môi trường. Qua theo dõi không thấy có hiện tượng phát triển thêm, không có biến đổi bất thường. Các vết nứt này không ảnh hưởng đến khả năng chịu lực và khả năng làm việc của công trình cầu Rồng", ông Nam cho biết.
Ông Nguyễn Hà Nam, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án cầu Rồng trả lời báo chí
Ông Nam cũng cho rằng, công trình cầu Rồng được bảo hành 2 năm, việc xử lý các vết nứt nêu trên nằm trong kế hoạch bảo hành của đơn vị thi công, đảm bảo mỹ quan và hạn chế tối đa ảnh hưởng của yếu tố môi trường xâm thực vào bê tông gây bất lợi cho công trình. Ban Quản lý dự án cầu Rồng và đơn vị quản lý cầu thường xuyên theo dõi và yêu cầu đơn vị thi công xử lý kịp thời.
Được biết, công trình cầu Rồng được xây dựng năm 2009 và đưa vào hoạt động tháng 3/2013 có chiều dài 666m, bề rộng mặt cầu 37,5m với tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng. Đây là cây cầu vòm ống thép hình dáng rồng dài hơn 560 mét, nặng gần 9.000 tấn được đánh giá là độc đáo và lớn nhất Việt Nam.
Công Bính
Theo Dantri
Bộ trưởng Thăng: Sẽ cho Cục trưởng "nghỉ" nếu còn để mưa ngập đường Kiểm tra hoạt động đầu tư, thi công các dự án giao thông tại Thanh Hoá ngày 8/7, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng bức xúc "nạt": Nếu vẫn để tình trạng đường ngập nước sẽ cho Cục trưởng Cục quản lý chất lượng công trình giao thông... nghỉ luôn. Mỗi trạm thu phí "rải" một trạm cân xe Bộ trưởng GTVT Đinh...