Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường “thúc” kỷ luật cán bộ vụ Formosa
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà vừa giao Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương báo cáo kết quả về việc xử lý, xem xét kiểm điểm trách nhiệm của đơn vị, cá nhân có liên quan đến sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung do Formosa gây ra.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà (đứng) trong buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ (Ảnh: V.H)
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà vừa ký công văn yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ triển khai ngay và nghiêm túc thực hiện một số nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Công văn nêu rõ: Tại buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 21/12/2016, Tổ công tác đã ghi nhận và đánh giá cao tinh thần làm việc quyết liệt, đổi mới, sáng tạo của Bộ trong thời gian vừa qua; nhiều nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đã có sự chuyển biến rõ nét trong kết quả thực hiện, nhất là nỗ lực điều tra nguyên nhân, khắc phục sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế).
Tuy vậy, Bộ trưởng Trần Hồng Hà giao Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương báo cáo kết quả về việc xử lý, xem xét kiểm điểm trách nhiệm của đơn vị, cá nhân có liên quan đến sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung trong thời gian vừa qua.
Ông Hà yêu cầu đơn vị liên quan khẩn trương hoàn chỉnh Đề án thiết kế, lắp đặt hệ thống thiết bị quan trắc môi trường tại 4 tỉnh miền Trung trình Chính phủ, trong đó tiếp tục triển khai thường xuyên, liên tục việc quan trắc môi trường biển tại 4 tỉnh, cập nhật và công bố thông tin công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân cả nước biết và giám sát, nhất là tại các nhà máy, khu vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, công bố rộng rãi số liệu quan trắc môi trường biển miền Trung.
“Đề xuất biện pháp quản lý, bảo vệ môi trường cụ thể đối với Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh”- ông Hà nêu rõ.
Video đang HOT
Về công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà giao Tổng cục Môi trường chủ trì, phối hợp với các địa phương tiếp tục rà soát, chấn chỉnh công tác bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, không để tái diễn sự cố môi trường, không để hiện tượng “phạt để tồn tại”.
Chú trọng thực hiện các giải pháp về chính sách, pháp luật; áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Tập trung các giải pháp giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, khu công nghiệp, cụm công nghiệp gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Thanh tra, kiểm tra, giám sát hệ thống xả nước thải, khí thải không đạt quy chuẩn cho phép và không đầu tư xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường, hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung.
Ông Hà chỉ đạo đơn vị liên quan đề xuất biện pháp quản lý, bảo vệ môi trường cụ thể với các dự án Nhà máy Giấy Lee & Man (Hậu Giang), dự án Núi Pháo (Thái Nguyên), dự án DAP Đình Vũ (Hải Phòng) để bảo đảm chắc chắn không tái diễn sự cố gây ô nhiễm môi trường, dự phòng kế hoạch, biện pháp xử lý nếu để xảy ra sự cố…
Tháo gỡ vấn đề cấp sổ đỏ ở các địa phương
Về công tác quản lý nhà nước về đất đai và vấn đề tích tụ, tập trung đất đai, Bộ trưởng Trần Hồng Hà giao Tổng cục Quản lý đất đai xây dựng kế hoạch công tác quản lý đất đai năm 2017, trong đó chú trọng chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử đụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ), nhất là tại các địa phương còn để tình trạng xử lý hồ sơ quá thời gian quy định, kéo dài nhiều tháng, thậm chí hàng năm như Bà Rịa -Vũng Tàu, Nghệ An…
“Kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của cơ quan chuyên môn xử lý hồ sơ chưa đúng quy định tại một số địa phương (Cần Thơ, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Hà Nội, Bắc Giang…); duy trì hoạt động hiệu quả và báo cáo thường xuyên kết quả xử lý của đường dây nóng tiếp nhận, phản ánh kiến nghị của người sử dụng đất. Nghiên cứu đề xuất sửa đổi các quy định liên quan đến tích tụ, tập trung đất đai để vừa bảo đảm tích tụ ruộng đất vừa bảo đảm quyền lợi người nông dân”- công văn nêu rõ.
Bộ trưởng Hà cũng giao Cục Quản lý tài nguyên nước tập trung xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, các quy chuẩn, định mức kinh tế – kỹ thuật; nghiên cứu đề xuất cơ chế chia sẻ, trách nhiệm giữa các bên trong khai thác, bảo vệ tài nguyên nước trên các lưu vực sông để đảm bảo an ninh nguồn nước;
Thiết lập hành lang bảo vệ, quản lý, giám sát chặt chẽ các hoạt động trong hành lang bảo vệ nguồn nước; rà soát, đánh giá và điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các quy trình vận hành liên hồ chứa để điều tiết nước đáp ứng yêu cầu về phòng, chống, giảm lũ, cấp nước mùa cạn và phát điện của các hồ chứa.
Thế Kha
Theo Dantri
Lập hội đồng đánh giá việc khắc phục hậu quả vi phạm của Formosa
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa ký quyết định thành lập Hội đồng kỹ thuật đánh giá việc khắc phục hậu quả vi phạm của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.
Do ảnh hưởng của sự cố xả thải của Formosa, hàng vạn tàu cá của ngư dân đã bị ảnh hưởng, trong đó một lượng lớn tàu thuyền buộc phải nằm bờ (Ảnh: Văn Dũng).
Theo Quyết định, Hội đồng kỹ thuật có trách nhiệm đánh giá kết quả và kế hoạch khắc phục tồn tại, vi phạm về bảo vệ môi trường của Công ty Formosa Hà Tĩnh; Báo cáo kết quả cho Hội đồng giám sát việc khắc phục hậu quả do sự cố môi trường biển tại một số tỉnh miền Trung và cam kết thực hiện của Công ty Formosa Hà Tĩnh.
Hội đồng kỹ thuật có 15 thành viên, do TS. Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường làm Chủ tịch; Ths. Lương Duy Hanh làm Phó Chủ tịch Hội đồng.
Các thành viên phản biện gồm: GS.TS Đặng Kim Chi, Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường, Tổng cục Môi trường; GS.TSKH Dương Đức Tiến, Giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học Biolap; PGS.TS Vũ Đức Lợi, Phó Viện trưởng, Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; PS.TS Cao Thế Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Môi trường và Phát triển bền vững, Đại học Khoa học tự nhiên;
Ngoài ra, còn có các thành viên khác là đại diện lãnh đạo các đơn vị: Viện Công nghệ Xạ hiếm, Viện Năng lượng và Nguyên tử Việt Nam; Viện trưởng Viện Công nghệ Xạ hiếm, Viện Năng lượng và Nguyên tử Việt Nam; Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội; Phòng Quản lý môi trường, Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường CN, Bộ Công Thương; Trưởng phòng, Vụ KH&CN các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ KH và Đại diện Bộ Xây dựng; Đại diện Sở TN&MT Hà Tĩnh; Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh.
Trong quá trình làm việc, Formosa và các cơ quan liên quan có trách nhiệm báo cáo kết quả cho hội đồng giám sát việc khắc phục hậu quả do sự cố môi trường biển tại một số tỉnh miền Trung và cam kết thực hiện của Công ty Formosa Hà Tĩnh theo quyết định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Như thông tin đã đưa trước đó, hồi tháng 4/2016, tại ven biển 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế) đã xảy ra sự cố môi trường vô cùng nghiêm trọng làm hải sản chết đồng loạt, bất thường, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh xã hội.
Tại thời điểm đó, nhằm xác định nguyên nhân cá chết, Thủ tướng giao Bộ Khoa học - Công nghệ chủ trì phối hợp với Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam huy động 100 nhà khoa học trong nước, ngoài nước, thu thập dữ liệu có sự phản biện của nhà khoa học nước ngoài. Các cơ quan xác định nguồn độc xuất phát từ nguồn thải của khu vực Vũng Áng, Hà Tĩnh có phenol kết hợp với Hidro tạo thành chất độc trôi theo dòng hải lưu về phía nam làm hải sản chết hàng loạt, nhất là khu vực đáy biển.
Với những chứng cứ khách quan, khoa học, Bộ TN&MT đã phối hợp với các bộ ngành khác và tỉnh thành khác, nhiều lần làm việc với tập đoàn Formosa the one và Công ty Formosa Hà Tĩnh. Ngày 28/6, Công ty Formosa Hà tĩnh cũng nhận trách nhiệm gây ra sự cố ô nhiễm môi trường trên và cam kết thực hiện 5 điểm: Xin lỗi người dân và Chính phủ Việt Nam vì gây ra sự cố; Cam kết bồi thường cho người dân và xử lý phục hồi 11.500 tỷ, tương đương 500 triệu USD.
Đồng thời, cam kết khắc phục triệt để các tồn tại của hệ thống xử lý nước thải, công nghệ sản xuất để đảm bảo chất lượng xả thải theo yêu cầu của Hà Tĩnh và các cơ quan Trung ương, không để tái diễn tình trạng vừa qua; Xây dựng các giải pháp đồng bộ để kiểm soát môi trường biển miền Trung để tạo niềm tin với người dân và bạn bè quốc tế; Thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết nói trên, không để tái diễn các hành vi vi phạm, nếu tái phạm sẽ chịu các chế tài của pháp luật Việt Nam.
Phương Dung
Theo Dantri
Phát hiện, tiêu hủy hơn 20 tấn cá biển nhiễm độc do sự cố Formosa Hơn 20 tấn cá biển nhiễm độc do sự cố Formosa xả thải vừa được các cơ quan chức năng của tỉnh Thừa Thiên-Huế phát hiện, tiêu hủy. Tiêu hủy hải sản không đảm bảo an toàn ở Thừa Thiên-Huế. Sáng nay (2.1), tin từ Sở TNMT tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, cơ quan này vừa phối hợp với các đơn vị liên...