Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường giải thích việc dự báo thời tiết chưa chính xác
Nhận trách nhiệm về chuyện dự báo khí tượng hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu, đảm bảo tính chính xác, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Elnino 90 năm mới quay lại và diễn ra liên tục suốt gần một năm 2016, kèm theo tính chất cực đoan của biến đổi khí hậu, gây ảnh hưởng trực tiếp đến công tác dự báo.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc họp.
Tại buổi làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường sáng 21/12, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng – Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, đặc biệt quan tâm tới công tác dự báo khí tượng thủy văn khi năm 2016 liên tiếp xảy ra hạn hán ở miền Trung, ngập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán ở Tây Nguyên, rét đậm rét hại ở miền núi phía Bắc. Riêng đợt lũ vừa xảy ra ở 9 tỉnh miền Trung đã khiến hơn 100 người chết và mất tích.
“Điều đó cho thấy công tác dự báo, đặc biệt dự báo từ xa, dự báo từ sớm rất quan trọng, được dư luận đặc biệt quan tâm trong bối cảnh liên quan đến biến đổi khí hậu như hiện nay. Cùng với các ngành khác, bộ khác, dự báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện nay như thế nào?”- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đặt vấn đề.
Phản hồi Tổ công tác của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhận trách nhiệm về chuyện dự báo khí tượng hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu để đảm bảo tính chính xác. Tuy nhiên, 90 năm mới quay lại một quy luật Elnino diễn ra liên tục suốt gần một năm 2016, kèm theo tính chất cực đoan của biến đổi khí hậu, gây ảnh hưởng trực tiếp đến công tác dự báo.
Theo ông Hà, dù Nhà nước quan tâm đầu tư nhưng hệ thống dự báo hiện nay còn vô cùng bất cập. “Chúng ta vừa thiếu về radar, vừa thiếu về công nghệ như các nước. Anh em cán bộ áp dụng các phần mềm hiện đại nhất trong dự báo nên hiện nay chất lượng cải thiện một phần. Thời gian tới chúng tôi tiếp tục có kiến nghị tăng cường năng lực, mạng lưới thủy văn trong khu vực, bởi hiện nay mạng lưới của Việt Nam chỉ hơn Lào với Campuchia” – ông Hà nêu thực tế.
Tuy nhiên về đợt mưa lũ vừa xảy ra ở miền Trung, Bộ trường Trần Hồng Hà đánh giá: “Rất ngạc nhiên là dự báo rất chính xác. Nếu không có dự báo chính xác thì thiệt hại ở miền Trung còn lớn hơn nhiều, đặc biệt ở Bình Định”.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phải nâng cao chất lượng cảnh báo để làm sao có thể đưa ra thông tin sớm, chính xác, cố gắng hạn chế được hậu quả xấu nhất xảy ra.
Sổ đỏ in ra nhiều nhưng có nằm trong tủ của cán bộ?
Video đang HOT
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đặt vấn đề: “Sổ đỏ in ra nhiều nhưng cấp thế nào hay sổ đỏ nằm trong phường, trong tủ của cán bộ? Rồi chi phí không chính thức, gây phức tạp khó khăn của người dân khi được nhận sổ đỏ nữa đã giải quyết thế nào?”.
Phúc đáp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận đang gặp không ít khó khăn ở địa phương, đặc biệt khi tiến hành dồn ô đổi thửa, điều chỉnh cấp lại giấy chứng nhận sử dụng đất, trong khi người dân rất cần sổ đỏ.
“Khi xuống địa phương chúng tôi phát hiện việc in bìa đỏ là sớm nhưng không cấp được, có nhiều nguyên nhân như người dân không có tiền nộp, người có sổ đỏ đi vắng không ở nhà, rồi vấn đề tranh chấp nên không nhận được sổ đỏ”- Bộ trưởng Hà lý giải.
Ông Hà khẳng định, trong năm 2017 sẽ tập trung giải quyết những vấn đề tồn đọng liên quan đến cấp sổ đỏ bởi đấy là vấn đề nảy sinh nhiều khiếu nại, tố cáo.
Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin đất đai thông suốt trên tinh thần phục vụ người dân. Các thủ tục hành hành chính sẽ phải được công khai minh bạch thông qua hệ thống thông tin dữ liệu đất đai quốc gia để dễ dàng giám sát.
90% các doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu xử lý chất thải
Sau khi Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vùng biển 4 tỉnh miền Trung, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành thanh tra, kiểm tra trên 336 doanh nghiệp có nguồn thải lớn và đến nay đang trong quá trình hoàn thiện kết luận để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
“Nếu làm nghiêm theo quy định của luật hiện nay thì khoảng 90% các doanh nghiệp chưa đáp ứng được. Hiện nay khí thải, nước thải, chất thải rắn chưa kiểm soát được, các làng nghề, cụm công nghiệp đang thải trực tiếp ra môi trường”- Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu thực tế.
Đối với Dự án Nhà máy giấy Lee&Man Hậu Giang, Bộ trưởng Hà khẳng định đã tiến hành thanh tra kịp thời và đề xuất giải pháp. Tuy nhiên đây là vấn đề rất phức tạp, liên quan đến đầu tư nước ngoài và cả trách nhiệm của cơ quan nhà nước từ Trung ương và địa phương với doanh nghiệp nên Bộ Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.
Thế Kha
Theo Dantri
Xử lý các cá nhân vụ Formosa: Bộ trưởng đã hứa rồi thì làm sớm đi!
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm hoàn tất, công khai việc xử lý kỷ luật đối với những cá nhân liên quan đến việc Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường biển 4 tỉnh miền Trung: "Bộ trưởng đã hứa với Quốc hội rồi, mà đã hứa không làm là không được. Làm sớm đi!".
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại cuộc họp sáng 21/12 (Ảnh: T.K)
Sáng 21/12, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã có buổi kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác, khẳng định sự cố môi trường do Formosa gây ra ở 4 tỉnh miền Trung gây thiệt hại vô cùng lớn.
Ông Dũng kể, Tổ công tác vừa tới Quảng Bình, Hà Tĩnh là 2 trong 4 địa phương thiệt hại nhiều nhất. Ngoài chính sách hỗ trợ của nhà nước, hàng trăm tấn cá đã bị tiêu hủy vì không đảm bảo chất lượng, hàng nghìn tấn cá sạch không có độc tố nhưng do để lâu ngày, kho bảo quản chuyên dùng không tốt đã ảnh hưởng đến yêu cầu về thực phẩm.
"Đoàn công tác khi xuống đó thấy thương tâm vô cùng. Cá không đủ nhiệt độ -20 độ, cá chảy máu, cá bầm dập, bắt đầu phân hủy... Đấy là điều rất đáng tiếc"- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Thủ tướng đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, đánh giá các tổ chức, cá nhân liên quan đến cấp phép, xả thải, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), quy trình xử lý trách nhiệm,... liên quan đến sự việc này. Tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa 14 vừa qua, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đã hứa với Quốc hội và các thành viên Chính phủ yêu cầu kiểm tra, đánh giá, kiểm điểm các lỗi vi phạm và công bố công khai trên báo chí để dư luận được biết.
"Đề nghị Bộ trưởng báo cáo tiến độ thực hiện công việc, chứ để lâu quá ảnh hưởng không tốt cho công tác chỉ đạo"- ông Dũng thẳng thắn.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà giải thích về việc chưa công khai thông tin xử lý cán bộ liên quan đến sự cố Formosa xả thải.
Báo cáo với Tổ công tác xung quanh việc xử lý cán bộ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, Bộ đã làm ngay khi xảy ra sự cố, làm từ dưới lên và từ trên xuống theo đúng tinh thần chỉ đạo.
"Tuy nhiên hiện nay chúng tôi đang phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xác định dấu hiệu vi phạm. Chúng tôi sẽ căn cứ vào kết quả của đoàn kiểm tra để xử lý. Tiếp đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thực hiện đầy đủ quy trình xử lý theo quy định để đảm bảo tính dân chủ, chính xác và nghiêm minh. Tiến độ xử lý này đang có chỉ đạo làm khẩn trương. Sau khi có ý kiến của Bộ Chính trị về trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan thì chúng tôi sẽ có ý kiến thêm"- Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Giải thích lý do không giám sát chặt chẽ Formosa, "tư lệnh" ngành tài nguyên và môi trường cho rằng, quy định chỉ giám sát 3 năm 1 lần, còn việc tiến hành giám sát qua trạm quan trắc thì lần này mới đặt ra. Trong khi đó việc phối hợp giữa các cơ quan rất quan trọng, bởi như Bộ Công an có Cục Cảnh sát môi trường (C49) với bộ máy lớn hơn nhiều lực lượng ở Bộ Tài nguyên và Môi trường.
"Bây giờ phải làm sao để phối hợp lực lượng đó lại, có một kế hoạch tổng thể, không chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra. Với lực lượng ấy một năm điều tra được bao nhiêu vụ để mà giải quyết, chúng tôi nghĩ trong quy định, cơ chế phối hợp, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trình cách để phối hợp tốt hơn. Chứ như thanh tra Formosa phải huy động 100 nhà khoa học, thanh tra 3 tháng mới xác nhận được hết vi phạm"- ông Hà nêu thực tế.
Kết thúc cuộc họp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phải làm xong sớm việc kiểm điểm, xử lý các cá nhân liên quan đến sự cố Formosa.
"Cái này nằm trong chỉ đạo chung của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và công luận, dư luận nhân dân đang rất quan tâm. Bộ trưởng đã hứa với Quốc hội rồi, mà đã hứa không làm là không được. Đề nghị Bộ trưởng làm sớm, sau khi có kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đề nghị báo cáo sớm vấn đề liên quan đến kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm. Làm sớm đi" - ông Mai Tiến Dũng yêu cầu.
Liên quan đến việc chồng chéo trong quản lý nhà nước về tài nguyên-môi trường, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, tới đây Tổ công tác sẽ tập hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên một số nhiệm vụ cấp bách cần làm ngay, nhất là đề án quan trắc biển miền Trung, các chính sách liên quan đến bồi thường, môi trường biển, chất lượng cá biển...
"Cá sạch phải công bố là cá sạch. Nhiệm vụ của Bộ Tài nguyên và Môi trường phải công bố môi trường sạch, Bộ Y tế phải công bố cá tầng sâu là cá sạch"-ông Dũng đặt ra nhiệm vụ.
Thế Kha
Theo Dantri
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: "Ô nhiễm nghiêm trọng gây bức xúc trong xã hội" "Tình trạng ô nhiễm môi trường và suy kiệt tài nguyên thiên nhiên ngày càng nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của người dân, gây bức xúc trong xã hội"- Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh. Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại diễn đàn (Ảnh: T.K) Tại diễn đàn "Bảo...