Bộ trưởng Tài chính, lãnh đạo TPHCM tranh luận chuyện “gà đẻ trứng vàng”
Phiên thảo luận tại Quốc hội chiều 1/11 về tình hình ngân sách năm 2016, dự toán năm 2017 càng về cuối càng “tăng nhiệt” với cuộc tranh luận giữa Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng với đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Chủ tịch HĐND TPHCM) về việc cắt giảm tỷ lệ ngân sách TƯ để lại cho thành phố…
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nhiều lần tranh luận lại với Bộ trưởng Tài chính (ảnh: N.T).
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu vấn đề tự chủ của các địa phương, cơ chế để đảm bảo không gian cho những sáng tạo của lãnh đạo địa phương. Bà Tâm phân tích từ chuyện điều hành ngân sách.
Theo đại biểu, cần giao nhiệm vụ cụ thể và tạo không gian chủ động cho địa phương trong việc thu-chi đồng thời minh bạch hoá chính sách điều hành để loại bỏ cơ chế xin – cho tồn tại nhiều năm nay.
Nói về câu chuyện “ nóng” đang gây tranh luận từ đầu kỳ họp Quốc hội đến giờ là việc cắt giảm tỷ lệ ngân sách TƯ để lại với nhiều địa phương từ năm 2017 tới, trong đó có TPHCM, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm phân trần, thành phố phải có nguồn lực để đầu tư. Theo đó, Thành ủy TPHCM đã có báo cáo gửi Bộ Chính trị, đề nghị để được tăng điều tiết.
“TPHCM đồng ý việc giảm tỷ lệ ngân sách TƯ để lại nhưng phải ở mức độ sao không gây ảnh hưởng đến TPHCM, không thể đột ngột cắt giảm 5% (từ 23% xuống còn 18%) được. Mà 1% thu ngân sách của TPHCM cũng là số tuyệt đối rất lớn, mất một khoản như vậy, thành phố rất khó mà thực hiện nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết Đại hội 10. Chúng tôi xin hạ mức cắt giảm là để thành phố có điều kiện phát triển, đóng góp lớn hơn cho đất nước” – Chủ tịch HĐND thành phố đề cập đến bài toán đầu tư một cách thông minh để “con gà tiếp tục đẻ trứng vàng” đã nói đến những ngày qua.
Tương tự đại diện của TPHCM, đại biểu một số tỉnh, thành khác như Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Đà Nẵng… cũng ta thán trước Quốc hội cùng về việc bị cắt giảm tỷ lệ ngân sách TƯ để lại cho địa phương.
Cuối phiên thảo luận, giải thích thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, TƯ đã có chủ trương tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ cho địa phương, từ vấn đề đầu tư tới khoán chi trong bộ máy, điều hành ngân sách…
Cụ thể về tỷ lệ điều tiết ngân sách giữa các địa phương, Bộ trưởng Tài chính cho biết, Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo về vấn đề này. Theo luật Ngân sách, ngân sách nhà nước là thống nhất giữa TƯ và địa phương, trong đó ngân sách TƯ là chủ đạo. Sau mỗi thời kỳ ổn định ngân sách (như giai đoạn 2011-2016 vừa qua), mỗi địa phương đều phải tự cân đối, giảm dần tỷ lệ điều tiết của ngân sách TƯ khi bước vào giai đoạn mới (2017-2020).
Đất nước có 63 tỉnh thành nhưng đặc điểm, khả năng phát triển và quy mô kinh tế rất khác nhau. Tính riêng phần thu ngân sách của Hà Nội, TPHCM đã tới chiếm tới 50% tổng thu cả nước, mở rộng ra 16 tỉnh thành trọng điểm thì nguồn thu tới 80% tổng số thu ngân sách cả nước.
Ngược lại, có những địa phương nguồn thu rất khó khăn, hạn chế. Bộ trưởng Tài chính dẫn chứng tỉnh Bắc Kạn, thu ngân sách cả năm chưa được 600 tỷ đồng, chưa bằng số thu bình quân 1 ngày của TPHCM (khoảng 1000 tỷ đồng). Cả nước có khoảng 10 tỉnh tương tự như Bắc Kạn.
Video đang HOT
“Chúng tôi rất chia sẻ với các địa phương, rất hiểu câu chuyện con gà đẻ trứng vàng và coi các địa phương trọng điểm như nuôi gà, cần cho ăn để tiếp tục đẻ ra nhiều trứng hơn nhưng chúng ta cũng phải có trách nhiệm với các địa phương khó khăn mà đa phần chính là những phần phên dậu của tổ quốc” – Bộ trưởng Tài chính khẳng định đã cố gắng xử lý tối đa vấn đề để xây dựng phương án công bằng nhất với các địa phương.
Điểm nghẽn kẹt xe, ngập nước do TPHCM bị… tận thu?
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định kiên quyết bảo vệ quan điểm điều tiết lại nguồn ngân sách thu được của các thành phố lớn (ảnh: Hoàng Long).
Vị tư lệnh ngành Tài chính cũng phân trần là TPHCM hay Hà Nội cũng được hưởng những ưu đãi đặc biệt từ TƯ như tăng định mức chi cho hoạt động kinh tế để xử lý môi trường, đảm bảo an sinh, an ninh trật tự…
Năm 2017, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội dành khoản 14.450 tỷ đồng từ việc cổ phần hoá DNNN để hỗ trợ thêm các tỉnh thành bị cắt điều tiết ngân sách để đảm bảo mức giảm không quá lớn. Theo đó, tính ra, TPHCM cũng chỉ giảm từ 23% xuống 18% chứ không phải 17% như yêu cầu điều tiết.
Tỷ lệ này cũng được cân đối với dự toán mức tăng thu năm 2017 của thành phố lớn nhất cả nước sẽ ở mức 20% so với năm 2016. Như thế, ở tỷ lệ điều tiết 18%, mức chi ngân sách bình quân theo đầu dân của TPHCM năm tới vẫn cao hơn mức chi bình quân của các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ.
Giơ biển xin tranh luận lại, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm khẳng định lãnh đạo và người dân TPHCM không “bàn lùi”, nếu Quốc hội, Chính phủ đã quyết, thành phố sẽ quyết tâm thực hiện bằng được, thậm chí thực hiện vượt kế hoạch đề ra vì ai cũng hiểu việc có lợi thế so sánh lớn hơn các địa phương khác thì phải có trách nhiệm với cả nước.
“Chúng tôi không xin tiền để chi tiêu cho bộ máy hay chi tiêu thường xuyên mà muốn Quốc hội thấy rằng vì sao TPHCM hiện tại đang rơi vào nhiều điểm nghẽn như kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường, quá tải y tế, giáo dục… như vậy, đó là vì nhiều năm qua không được đầu tư thoả đáng. Có phải là có sự tận thu hay không?” – bà Tâm đặt câu hỏi.
Tương tự, đại diện của Đà Nẵng – đại biểu Nguyễn Thanh Quang cũng “than”, mức điều tiết giảm 17% tỷ lệ thu ngân sách TƯ để lại là quá lớn, rất khó cho Thành phố quy mô còn rất nhỏ bé, mới vươn lên được ít năm nay để có thể đạt mục tiêu phát triển thành đô thị lớn, trung tâm của miền Trung như Nghị quyết Bộ Chính trị giao.
Đáp lại, một lần nữa, Bộ trưởng Tài chính giải thích, không thể đòi hỏi sự công bằng tuyệt đối, TƯ chia sẻ với nỗi khó của các địa phương nhưng địa phương cũng phải hiểu áp lực ngày càng lớn với nguồn thu của ngân sách TƯ khi giá dầu thô giảm sâu, các loại thế cũng phải cắt giảm theo tiến trình hội nhập.
“Chúng tôi kiên quyết bảo vệ quan điểm này vì thấy đây là phương án tương đối, hợp lý nhất trong điều kiện hiện nay” – Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chốt lại.
P.Thảo
Theo Dantri
Bộ trưởng Tài chính: Khoán xe, các Thứ trưởng thoải mái hơn trước
Như Dân trí đã đưa tin, từ 1.10, Bộ Tài chính là cơ quan đầu tiên gương mẫu thực hiện chính sách khoán kinh phí sử dụng xe công cho các Thứ trưởng và các Tổng cục trưởng thuộc Bộ này. Trong giờ giải lao Quốc hội sáng nay (21/10), Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trả lời Dân trí về kết quả bước đầu của việc thực hiện có tính chất "thí điểm", làm mẫu này:
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Khoán kinh phí sử dụng xe công, các Thứ trưởng của Bộ rất vui vẻ, thoải mái
Thưa Bộ trưởng, sau khi khoán kinh phí sử dụng xe công cho các Thứ trưởng, kế hoạch tiếp theo của Bộ Tài chính trong việc sửa đổi chính sách mua sắm, sử dụng xe công như thế nào để tiết kiệm cho ngân sách nhà nước?
-Hiện nay, chúng tôi vẫn đang sắp xếp đầu xe lại và định hướng tiền tệ hoá việc sử dụng xe. Tiêu chuẩn hiện nay của các Thứ trưởng 1,3 vay Tổng cục trưởng 1,25 là có ô tô thì tới đây không có ô tô nữa mà tiền tệ hoá theo khung từ 5-10 triệu đồng/người. Từng cơ quan sẽ xác định và quyết định cụ thể. Lúc đó không mua xe nữa thì bớt, hết đầu xe đi thôi. Đó là hướng thứ nhất
Hướng thứ hai có thể gom các văn phòng, UBND tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh, và kể cả Văn phòng đại biểu Quốc hội, thì gom lại một đầu mối xe chung. Chứ hiện nay là rất bất cập. Ví dụ như Hội đồng nhân dân tỉnh mà định mức cũng 2 xe, thế thì ai đi? Nhưng mà Văn phòng UBND cũng 2 xe thì có 3-4 ông Phó chủ tịch đi lại hàng ngày như thế thì lại thiếu, bất cập. Nên phải gom lại. Lúc đó còn 1 văn phòng nhưng 7-8 xe, không còn xe riêng cho từng ông nữa. Thì nó sẽ giảm đầu xe.
Thứ 3, nó cũng còn phụ thuộc địa phương, địa hình nơi đó để mình bố trí xe, tìm xử lý theo cách khác. Ví dụ, cũng là một xe thôi nhưng mình quy định 600 hay 700 triệu đồng/xe chung nhưng ở miền xuôi thì được nhưng mà ở miền núi lại phải cho họ cái xe 2 cầu như xe fortuner nó mới thực tế. Chứ không xe ở miền xuôi làm sao phù hợp với địa hình miền núi được. Cho nên, Bộ Tài chính cũng dự kiến sửa theo hướng như thế thì sẽ giảm đầu xe, tiền tệ hoá đi và để xe được mua sắm cũng phải phù hợp với từng nơi.
Theo ông, sau khi khoán xe thì dịch vụ xe để người được khoán thuê xe đi nó phải thay đổi thế nào để đáp ứng nhu cầu đi lại của người được khoán xe?
-Cái đó để xã hội sẽ điều chỉnh, xã hội hoá thôi. Như anh em vẫn đi taxi được. Khi được khoán rồi thì người được khoán sẽ tự dùng.
Như thời gian vưà rồi, sau khi được khoán xe thì các Thứ trưởng của Bộ thấy thế nào, thưa Bộ trưởng ?
-Anh em thực hiện rất nghiêm túc và thoải mái, và còn nói là thấy thoải mái hơn trước. Về mặt tâm lý, họ cũng không muốn xã hội soi vào. Anh em cũng nghiêm túc thôi. Nhưng cũng có những trường hợp con sâu bỏ rầu nồi canh, có người cũng dùng xe công đi chuyện nó chuyện kia nên bản thân nhiều người thấy cũng bị xúc phạm mà thực ra chuyện nó không đáng.
Thực ra trước khi khoán xe thì có Thứ trưởng của Bộ như ông Huỳnh Quang Hải cũng đã tự đi xe riêng đến cơ quan rồi, đúng không thưa Bộ trưởng?
-À, khi đó thì ông Hải vẫn là Vụ trưởng thì đến bây giờ, khi khoán xe, đi xe riêng đi làm thì cũng thành thói quen rồi.
Chi phí mua sắm, sử dụng xe công hiện nay rất lớn, lên tới gần 40.000 tỷ đồng/năm
Hiện có một số vấn đề phát sinh mà Bộ Tài chính phải giải quyết như phát sinh số lái xe dôi dư, số xe dôi dư do không còn chế độ phục vụ riêng. Mức dôi dư này có thể tăng lên nhiều và thành vấn đề lớn, một khí áp dụng chế độ khoán xe công đại trà, thưa Bộ trưởng ?
-Hiện nay lái xe cho các Bộ thì vẫn theo chế độ hiện hành hợp đồng thôi nên mình cũng phải sắp xếp. Có quy định cả rồi. Nhưng dù sao cũng phải có lộ trình nhất định vì liên quan đến vấn đề việc làm, con người.
Ở nhiều nước, việc lãnh đạo cơ quan nhà nước của họ rất ít dùng xe công, thậm chí lãnh đạo cao cấp Chính phủ như ở Đức, Singapore còn tự đi xe riêng đi làm. Việc sử dụng xe ở Việt Nam có thể hướng tới như vậy không?
-Chắc ở ta cũng phải từng bước. Trước mắt cứ sửa Quyết định 32 (quyết định 32 của Thủ tướng Chính phủ về mua sắm, sử dụng xe công ban hành năm 2015), theo hướng các chức danh hệ số lương 1,3 trở xuống thì khoán xe, tiền tệ hoá đi. Trước mỗi người một xe, nay khoán đi sẽ giảm được nhiều chứ. Nhưng quan trọng nhất hiện nay là khi mình thực hiện sửa chính sách thì khi thực hiện, có sự giám sát của người dân, của dư luận xã hội. Cái đó rất quan trọng. Nó tạo sức ép ngược lại cho việc xây dựng và triển khai chính sách.
Việc sửa Quyết định này dự kiến bao giờ xong thưa Bộ trưởng?
-Chúng tôi cố gắng sửa Quyết định này trong khoảng 1 năm, sau đó triển khai, thực hiện. Tôi nghĩ việc này cũng không phải khó. Vấn đề là thay đổi tư duy, định hướng chính sách để từng bước giảm bớt đầu xe. Tôi nghĩ tiền tệ hoá việc này là đúng hướng vì ngay cả chính sách về nhà ở mình cũng đã tiền tệ hoá được rồi.
Xin cảm ơn Bộ trưởng
Mạnh Quân
Theo Dantri
Ai chịu trách nhiệm nếu tình trạng đầu tư dàn trải... be bét hơn? Xem xét kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 mà Chính phủ trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển không yên tâm với 2 triệu tỷ đồng được "lược tính". Ngược lại, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng lại cảnh báo, chia "cứng" 2 triệu tỷ đồng lúc này, 5 năm sau nhìn lại, tình...