Bộ trưởng Quốc phòng Pháp tuyên bố sẽ vẫn duy trì quân đội tại Syria
Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây trong một tuyên bố trên Twitter rằng tổ chức khủng bố IS đã bị đánh bại tại Syria và cho biết thêm rằng đây là lý do duy nhất để quân đội Mỹ hiện diện ở quốc gia Trung Đông này trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông.
“IS đang yếu hơn bao giờ hết. Chúng đã chuyển sang hoạt động ngầm và thay đổi phong cách chiến đấu. Chúng đã mất hơn 90% lãnh thổ. IS không còn lực lượng hậu cần như trước. Nhưng chúng cùng với gốc rễ của mình không bị xóa sổ hoàn toàn khỏi bản đồ, cần phải đánh bại hoàn toàn các ổ kháng chiến của tổ chức khủng bố này”, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly đăng trên Twitter.
Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu của Pháp, bà Nathalie Loiseau cũng đã bình luận về tình hình này, nói rằng Paris sẽ tiếp tục ở lại chiến trường Syria dù Mỹ đã tuyên bố rút quân.
“Đúng là liên quân đã đạt được tiến bộ đáng kể ở Syria, nhưng cuộc chiến vẫn tiếp tục và chúng tôi sẽ tiếp tục nó”, bà Loiseau nói.
Vị quan chức này nói thêm rằng, trong hoàn cảnh địa chính trị hiện tại, châu Âu phải đưa ra quyết định độc lập với Mỹ vì khu vực này có những ưu tiên riêng.
“Chúng ta lại phải suy nghĩ về quyền tự chủ chiến lược trong việc đưa ra quyết định. Khi chúng ta đối mặt với mối đe dọa trực tiếp, chúng ta phải quyết định và hành động tự chủ. Chúng ta có thể có những ưu tiên của riêng mình”, bà Loiseau kết luận.
Các tuyên bố được đưa ra sau khi phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders nói rằng quân đội Mỹ đang trên đường trở về nhà từ Syria và nước này đang chuyển sang giai đoạn tiếp theo trong chiến dịch tiêu diệt IS.
Pháp hiện duy trì một số máy bay chiến đấu ở Jordan và lực lượng pháo binh dọc biên giới Syria ở Iraq như một phần của liên quân do Mỹ đứng đầu, cũng như một số lực lượng bộ binh đặc biệt không được tiết lộ.
Liên quân do Mỹ đứng đầu gồm hơn 70 quốc gia đang tiến hành các hoạt động quân sự chống lại tổ chức khủng bố IS ở Syria và Iraq. Các hoạt động của liên quân tại Iraq đang được tiến hành với sự hợp tác của chính phủ nước này, nhưng hoạt động tại Syria không được chính quyền Damascus hoặc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ủy quyền.
Huy Vũ
Theo ngaynay/Sputnik
Video đang HOT
Liệu Mossad có đứng sau vụ ám sát "ông trùm" vũ khí người Syria?
Ngày 5-8 vừa qua, ông Aziz Asbar, quốc tịch Syria, người bị phương Tây gọi là "ông trùm" vũ khí đã thiệt mạng khi chiếc xe hơi của ông này bất ngờ nổ tung. Ngay sau đó, mọi nghi ngờ đều hướng về Cơ quan tình báo Israel (Mossad) khi cho rằng, Tel Aviv đã thực hiện vụ ám sát trên nhằm loại bỏ sớm các mối đe dọa với an ninh Israel.
Cái gai trong mắt Tel Aviv
Theo báo chí Syria, Aziz Asbar, từng là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển khoa học Syria, nơi có khoảng 10.000 người làm việc trên các lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất tên lửa, vũ khí hóa học. Trước cuộc nội chiến ở Syria, trung tâm này điều hành hoạt động sản xuất và lưu trữ vũ khí hóa học của chính phủ.
Nhà khoa học Aziz Asbar. Ảnh: Reuters.
Trong nhiều năm, ông Asbar từng tham gia nhiều dự án phát triển vũ khí, tên lửa. Gần đây, trong vai trò lãnh đạo Sector 4, ông Asbar tập trung vào việc cải tiến, nâng cấp vũ khí cũ của Syria để có thể tấn công mục tiêu chính xác ở tầm xa. Do có vai trò quan trọng nên ông Asbar có đặc quyền ra vào tự do ở dinh Tổng thống Syria tại thủ đô Damascus. Bên cạnh đó, ông Asbar được cho là có mối quan hệ chặt chẽ với Thiếu tướng Qassim Suleimani - chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Quds và các nhà khoa học khác của Iran để phát triển tên lửa tầm xa. Đó là lý do vì sao ông trở thành cái gai trong mắt Israel bởi lâu nay quan hệ giữa Tel Aviv và Damascus luôn như "mặt trăng, mặt trời".
Theo giới tình báo Trung Đông, Mossad đã theo dõi hoạt động của ông Asbar trong một thời gian dài. Thậm chí ông Asbar từng bị Mossad hai lần ám sát hụt. Theo báo Al-Watan của Syria, ông Asber bị ám sát bởi công việc "quan trọng" của ông này trong lĩnh vực hệ thống phòng thủ của Syria. "Tuy nhiên, một lần nữa, kẻ thù Israel đã ám sát một trong những bộ óc vĩ đại nhất của người Syria", tờ Al-Watan viết. Theo BBC, tối 4-8, ông Asbar lên xe ôtô rời nhà riêng tới Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển khoa học Syria. Khi chiếc xe đi đến làng Masyaf, ở vùng nông thôn phía tây tỉnh Hama, một chiếc xe hơi có cài bom đã đâm vào xe của ông Asbar khiến chiếc xe phát nổ. Cả ông Asbar và viên tài xế đều thiệt mạng.
Ngay sau khi vụ nổ xảy ra, mọi ánh mắt đều đổ về Mossad. Giới chuyên gia quân sự Trung Đông cho rằng, ông Asbar bị sát hại bởi vai trò quan trọng của ông đối với chương trình tên lửa Syria.
Mặc dù không đưa ra lời thừa nhận Mossad có dính líu vào vụ ám sát nhà khoa học Syria hay không, song Israel tỏ vẻ phấn khởi trước thông tin ông Asbar đã chết. Thậm chí, Bộ trưởng Tình báo Israel Yisrael Katz ngày 7-8 còn lên tiếng bày tỏ đồng tình với vụ ám sát ông Asbar. "Tôi chỉ có thể nói rằng giả sử những chi tiết về các hoạt động của người đàn ông này là đúng và việc ông ta tích cực phát triển vũ khí hóa học và tên lửa tầm xa có khả năng bắn tới Israel, tôi hoan nghênh vụ ám sát ông ấy". Ngay lập tức, phát ngôn trên của ông Katz đã bị dư luận chỉ trích mạnh mẽ.
Những vụ ám sát trong bóng tối
Từ lâu, Mossad thường bị cáo buộc đứng đằng sau nhiều vụ hạ sát các nhà khoa học giúp đối thủ của Israel chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt. Cơ quan tình báo này biện minh rằng, hành động trên nhằm chống lại mối đe dọa hiện hữu đối với Israel và dân tộc Do Thái của họ.
Ngay từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Mossad đã tiến hành nhiều vụ bắt cóc, ám sát các nhân vật "đồ tể" của Đức Quốc xã trước đây. Điển hình là vụ bắt giữ Adolf Eichmann ngay tại thủ đô Buenos Aires của Argentina hồi tháng 5-1960.
Nhà lãnh đạo của Hamas Khaled Mashal, người thoát chết trong vụ mưu sát do Mossad tiến hành. Ảnh: Ynetnews.
Theo RFI, Adolf Eichmann (1906-1962) là một sỹ quan thuộc lực lượng vũ trang SS của Đức Quốc xã. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Eichmann đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa kế hoạch. Giải pháp cuối cùng (Final Solution) mà giới cầm quyền Đức Quốc xã đưa ra để xử lý người Do Thái đang bị giam cầm trên toàn châu Âu. Eichmann phụ trách việc bắt giữ thêm người Do Thái và chuyên chở tù nhân Do Thái đến các trại tập trung nơi các lò hơi ngạt và lò thiêu đang chờ xử lý họ.
Các trại tập trung dưới quyền Eichmann liên tục thủ tiêu người Do Thái cho đến tận năm 1945 khi phe đồng minh giành chiến thắng trước Đức Quốc xã. Eichmann khai gian tên tuổi để lẩn vào đám tù binh Đức Quốc xã. Sau đó y trốn khỏi trại giam và cuối cùng dùng danh tính giả mạo tìm được đường trốn sang Argentina năm 1950.
Năm 1959, lực lượng tình báo Mossad lần ra được tung tích của Eichmann tại Argentina. Năm 1960, Mossad tổ chức bắt cóc Eichmann thành công để đưa về Israel xét xử. Phiên tòa xử Eichmann tại Jerusalem năm 1961 là một trong những sự kiện quốc tế nổi bật nhất thời kỳ đó. Không như những phiên tòa Nuremberg do phe đồng minh tổ chức để xử tội phạm chiến tranh Đức Quốc xã, phiên tòa Jerusalem do chính người Do Thái tổ chức để xử một kẻ đã tham gia vào việc thủ tiêu 6 triệu đồng bào của họ.
Đến cuối những năm 1970, điệp viên của Mossad được cho là đã đâm chết một nhà khoa học Ai Cập, đầu độc 2 người làm việc cho chương trình hạt nhân của Iraq. Khi hoạt động ám sát chỉ làm gián đoạn chứ không ngưng hoàn toàn chương trình hạt nhân của Iraq, Israel đã không kích phá hủy lò phản ứng hạt nhân của Iraq vào năm 1981.
Vào năm 1990, 2 điệp viên Mossad ở Brussels (Bỉ) đã ám sát Gerald Bull, kỹ sư tên lửa Canada, người đã hứa giúp Ai Cập phát triển khẩu pháo khổng lồ có thể bắn tới Tel Aviv. Theo BBC, Gerald Bull sinh năm 1928 tại North Bay, Ontario, Canada. Ông là người thông minh tài giỏi, nhưng khó gần. Ở tuổi 22, Gerald Bull trở thành người trẻ nhất có bằng tiến sĩ tại Đại học Toronto, Canada. Ông nổi tiếng về khả năng sáng tạo và sự hiểu biết về kỹ thuật.
Bull đặc biệt yêu mến các khẩu pháo lớn và thực sự có tài trong việc nghiên cứu pháo. Ông bắt đầu làm việc trong các dự án nghiên cứu siêu pháo mà chính quyền Mỹ hợp tác với Canada từ những năm 1960. Do những bất đồng với các nước phương Tây, Bull đã quay sang hợp tác với chính quyền Iraq. Nhanh chóng, ông trở thành cái gai trong mắt Israel.
Trong một buổi tối yên tĩnh của tháng 3-1990, tại vùng ngoại ô Uccle ở thủ đô Brussels của Bỉ, Gerald Bull rảo bước dọc theo một hành lang dẫn tới căn hộ chung cư của ông và rút chìa khóa định mở cửa. Phía sau lưng ông, lẩn trong bóng tối, là một sát thủ đang chờ sẵn. Gã này lặng lẽ tiếp cận Bull, rút súng bắn liền hai phát đạn 7,65mm vào sau gáy, lập tức tước đi mạng sống của nhà khoa học tài ba này.
Tuy nhiên, không phải vụ bắt cóc hay mưu sát nào của Mossad cũng thành công. Trong hồ sơ lưu trữ của Mossad ghi nhận sự thất bại của Mossad trong việc bắt bác sĩ tử thần Josef Mengele về quy án.
Josef Mengele là một bác sĩ Đức Quốc xã, có biệt danh "thiên sứ của quỷ thần". Mengele nhận học vị tiến sĩ nhân chủng học tại Đại học Mnchen và y học tại Đại học Frankfurt. Người đàn ông này đã tham gia điều hành các thí nghiệm vô nhân đạo trên tù binh, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, tại Trại tập trung Auschwitz trong thời gian chiến tranh Thế giới thứ hai.
Trong nhiều năm liền, Mossad truy lùng Josef Mengele khi thì ở Mỹ Latinh, lúc ở châu Âu. Thế nhưng, kẻ ác đã không sa lưới pháp luật mà lại chết trong vụ đuối nước năm 1979. Phải đến năm 1985, thông qua việc xác định ADN, Mossad mới xác định đó chính là Josef Mengele.
Tòa nhà Trung tâm nghiên cứu và phát triển khoa học Syria bị phá hủy hoàn toàn sau đợt không kích của Israel tháng 4-2018. Ảnh: AFP.
Một thất bại khác của Mossad là lần truy lùng chủ mưu vụ sát hại 11 vận động viên Israel trong Thế vận hội Olympics Munich năm 1972. Một chiến dịch mang tên "Sự giận dữ của Chúa" (Colère de Dieu) đã được vạch ra. Thế nhưng, kẻ đáng chết lại không phải đền tội mà thay vào đó là một thường dân vô tội.
Theo hồ sơ giải mật của Mossad, mùa hè năm 1973, một nhóm điệp viên Mossad được cử sang Na Uy để tiêu diệt Ali Hassan Salameh, lãnh đạo nhóm "Tháng Chín đen tối" - tổ chức đã gây ra vụ thảm sát 11 vận động viên Israel tại Olympics Munich một năm trước đó. Tuy nhiên, Mossad đã phạm phải một sai lầm ngớ ngẩn.
Khi sang Na Uy, các điệp viên Mossad bám theo một người gốc Algeria tên là Kamal Benamane mà họ cho là giao liên của nhóm "Tháng Chín đen tối". Các điệp viên Israel tin rằng, Benamane sẽ dẫn họ đến chỗ Salameh. Số phận run rủi thế nào đã khiến Benamane tình cờ gặp lại người bạn cũ Ahmed Bouchikhi, một kiều dân Maroc đã sống ở Na Uy 9 năm bằng nghề hầu bàn. Và Bouchikhi đã bị nhận dạng là kẻ khủng bố mà không có bất cứ bằng chứng nào ngoài cuộc gặp gỡ định mệnh với Benamane.
Ngày hôm sau, khi vừa cùng vợ bước ra khỏi rạp chiếu phim, anh Bouchikhi bị hai người lạ mặt áp sát. Hàng chục phát đạn lập tức cướp đi mạng sống của con người tội nghiệp trước khi anh kịp nói lời cuối cùng với người vợ đang mang thai sắp đến ngày sinh.
6 trong số 7 điệp viên Mossad tham gia vào vụ này bị cảnh sát Na Uy bắt giữ, nhưng chỉ có 5 người bị xét xử và lĩnh án từ 2 năm rưỡi đến 5 năm tù. Chỉ 22 tháng sau, tất cả đã được trả tự do. Trong khi đó, tên khủng bố Salameh thì tới năm 1978 mới bị ám sát tại Beirut.
Trong một vụ bê bối khác, năm 1997, 10 điệp viên Mossad nhận nhiệm vụ sang Jordani ám sát Khaled Mashal, một lãnh đạo của Hamas bằng cách tiêm thuốc độc. Kế hoạch thất bại, nhóm điệp viên bị bắt khi đang mang hộ chiếu giả Canada. Sự việc này đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Canada và Jordan với Israel. Canada đã ra lệnh trục xuất đại sứ Israel cho đến khi Chính phủ Israel chịu cam kết sẽ không cho phép sự việc tương tự xảy ra.
Trong các kho tư liệu của Mossad vẫn còn có nhiều bộ hồ sơ liên quan tới các vụ ám sát thành công hay thất bại, trong đó một số vụ chưa bao giờ được công bố. Cho tới nay, Mossad vẫn là một trong những cơ quan tình báo hoạt động tích cực nhất trên thế giới.
Yên Bình
Theo antg.cand.com.vn
Syria tấn công pháo đài cuối cùng của khủng bố: LHQ sợ cảnh "tắm máu" Liên Hợp Quốc đã cảnh báo về nguy cơ xảy ra một cuộc tắm máu khi quân đội Syria chuẩn bị phát động cuộc tấn công vào tỉnh Idlib, pháo đài cuối cùng của khủng bố ở Syria. Quân đội Syria, bao gồm cả lực lượng đặc nhiệm Hổ tinh nhuệ được cho là đã tập hợp ở ngoại ô của tỉnh Idlib....