Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, Nhật Bản, Trung Quốc
Obama phải đối mặt với một viễn cảnh buồn khi rời Nhà Trắng: Chiến lược đối ngoại mang chữ ký của ông – xoay trục sang châu Á bị đánh chìm dưới sóng biển…
Gideon Rachman, Giám đốc đối ngoại của Financial Times ngày 19/9 bình luận trên tạp chí này nhận định, chính sách xoay trục sang châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama đang chìm xuống đáy Thái Bình Dương.
Hoa Kỳ đang gặp khó khăn thực sự, từ vấn đề Biển Đông cho đến hiệp định TPP. Người đưa ra phép thử trực tiếp với chiến lược xoay trục của ông Obama (không phải ông Tập Cận Bình, mà) là ông Rodrigo Duterte.
Tân Tổng thống Philippines đã khiến dư luận quốc tế thực sự sốc khi ông dùng lời lẽ tục tĩu để chỉ trích Barack Obama. Nhưng điều Rodrigo Duterte khiến Nhà Trắng thực sự đau đầu lại được đưa ra vài ngày sau đó.
Ông thông báo rằng Philippines sẽ không tuần tra chung với Hải quân Hoa Kỳ ở Biển Đông. Lý do Rodrigo Duterte đưa ra là: Trung Quốc hiện đang rất mạnh, họ có ưu thế quân sự trong khu vực.
Bình luận này làm Washington đau nhói.
Suốt nhiệm kỳ thứ 2 của ông Obama, Mỹ đã cố gắng trấn an các đồng minh và đối tác châu Á của mình rằng, Hoa Kỳ có đầy đủ phương tiện và ý chí để duy trì sức mạnh quân sự thống trị khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Gideon Rachman, ảnh: theorwellprize.co.uk.
Trong bài phát biểu mang tính bước ngoặt năm 2011, Obama khẳng định: “Mỹ là một cường quốc Thái Bình Dương và chúng tôi đang có mặt ở đây.”
Kể từ đó, Mỹ bắt đầu điều chuyển lực lượng hải quân tới khu vực này nhiều hơn, và ông Obama đã thường xuyên thực hiện các cuộc hành trình dài công du từ Washington đến Đông Á.
Tuy nhiên, ông Rodrigo Duterte hiện đã trực tiếp thách thức ý tưởng rằng, Mỹ vẫn là bá chủ ở Thái Bình Dương.
Nếu những người khác chấp nhận quan điểm này của ông, quyền lực có thể rời khỏi Washington và theo đó, nhiều nước trong khu vực sẽ lựa chọn ngả về Bắc Kinh.
Đánh giá của Tổng thống Philippines về cán cân quân sự Trung – Mỹ là vấn đề. Người Mỹ hiện có 11 tàu sân bay, trong khi Trung Quốc có 1 chiếc và 1 chiếc khác đang đóng.
Nhưng chi tiêu quân sự của Trung Quốc đã tăng nhanh chóng và liên tục trong nhiều thập kỷ. Bắc Kinh cũng đã đầu tư vào các loại thiết bị bao gồm tên lửa, tàu ngầm, có khả năng làm cho tàu sân bay Mỹ dễ bị tổn thương.
Trong những năm qua, niềm tin mới của Trung Quốc đã được phản ánh trong chương trình xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Biển Đông.
Nó được thiết kế để củng cố yêu sách gây tranh cãi của Bắc Kinh đòi 90% diện tích vùng biển này.
Người Mỹ đã không thể ngăn chặn sự khẳng định rõ ràng sức mạnh của Trung Quốc.
Nhà Trắng đã rất kiềm chế bản thân, không cho tàu thuyền Hải quân Mỹ qua lại gần các đảo nhân tạo Trung Quốc quân sự hóa ở khu vực (Bắc Kinh nhảy vào) tranh chấp để báo hiệu, họ không chấp nhận các yêu sách này.
Tầm quan trọng của Biển Đông trong chính sách của Hoa Kỳ đã nhiều lần được chính quyền Barack Obama nhấn mạnh.
Trong một bài viết về “Thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ” xuất bản năm 2011, bà Hillary Clinton khi đó đã chỉ ra rằng, một nửa khối lượng thương mại thế giới đi qua khu vực này.
Mỹ lo ngại Bắc Kinh biến Biển Đông thành ao nhà của Trung Quốc.
Từ lâu người Mỹ đã khẳng định một cách hợp lý và đầy đủ về vai trò, vị trí của họ trên Biển Đông.
Washington tuyên bố trách nhiệm của mình là, giữ gìn luật pháp quốc tế chứ không phải tham gia một cuộc cạnh tranh quyền lực với Trung Quốc.
Philippines đã quyết định chiến lược sống còn dựa vào nền tảng luật pháp này.
Tháng Bảy vừa qua, Manila giành chiến thắng trong vụ kiện trọng tài Biển Đông thách thức yêu sách (đường lưỡi bò) của Trung Quốc.
Video đang HOT
Phán quyết Trọng tài được nhiều người coi là một trở ngại đối với tham vọng của Trung Quốc.
Tuy nhiên Mỹ có muốn bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Philippines cũng khó, khi Rodrigo Duterte nguyền rủa Obama công khai, sau đó tuyên bố không tuần tra với Mỹ ở Biển Đông.
Mỹ hiện không có đối tác khác trong khu vực. Tuần trước Nhật Bản thông báo sẽ tiến hành tuần tra chung với hải quân Hoa Kỳ ở Biển Đông.
Nhưng mối quan hệ cạnh tranh gay gắt giữa Tokyo với Bắc Kinh làm cho vấn đề trở nên giống như một cuộc đấu tranh quyền lực với Trung Quốc.
Đặc biệt là cuộc tập trận chung Nga – Trung ở Biển Đông vừa kết thúc, nhiều nước Đông Nam Á có thể sẽ bị cám dỗ phải đứng sang một bên, hơn là chấp nhận bị cuốn vào một cuộc đụng độ giữa những gã khổng lồ trong khu vực.
Cảm giác rằng chiến lược xoay trục của Mỹ sang châu Á đang gặp rắc rối, càng trở nên phức tạp thêm, bởi nghi ngờ ngày càng tăng về số phận của Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).
TPP do Mỹ khởi xướng, quy tụ 12 quốc gia, bao gồm cả Nhật Bản và Hoa Kỳ, nhưng không có Trung Quốc.
Thỏa thuận này được coi như một công cụ để Mỹ ngăn chặn sự thống trị ngày càng tăng của Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế ở châu Á – Thái Bình Dương.
Biện hộ cho TPP trước Quốc hội Mỹ, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lập luận rằng, giá trị chiến lược dài hạn của TPP là rất tuyệt vời.
Nhưng lời cầu xin của ông Shinzo Abe và ông Barack Obama dường như không thể bảo vệ được TPP.
Cả hai ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump và Hillary Clinton đều chống lại TPP.
Ông Obama vẫn đang cố gắng ép buộc Quốc hội Mỹ thông qua TPP trước khi rời nhiệm sở. Nhưng cơ hội để TPP sống sót trong môi trường hiện tại của chủ nghĩa bảo hộ Mỹ dường như rất nhỏ.
Nếu chính quyền Mỹ không thông qua được TPP, đồng minh của Hoa Kỳ ở châu Á sẽ cảm thấy tình huống rất xấu.
Họ có nguy cơ làm mất lòng Bắc Kinh bằng cách tham gia vào định chế này.
Bấy giờ Washington có thể bỏ rơi họ.
Trong chuyến thăm Hoa Kỳ gần đây, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã gọi TPP là một phép thử về độ tin cậy, mức độ cam kết của Mỹ trong chiến lược xoay trục sang châu Á.
Ông chỉ ra rằng, những tác động của nó sẽ vượt xa khỏi phạm vi thương mại, vươn sang cả phạm vi mức độ tin cậy đối với cam kết của Mỹ, đảm bảo an ninh cho các đồng minh, đối tác châu Á.
Thật không may, một tư duy chiến lược dài hạn là gần như không thể có trong cơn lốc chính trị Mỹ hiện nay.
Kết quả là Tổng thống Obama phải đối mặt với một viễn cảnh buồn khi rời Nhà Trắng: Chiến lược đối ngoại mang chữ ký của ông – xoay trục sang châu Á bị đánh chìm dưới sóng biển Thái Bình Dương.
Donald Trump có thể là “cứu tinh” của nước Mỹ?
Người viết cho rằng, nhận định của Gideon Rachman trên đây là rất đáng lưu ý, cần được nghiên cứu một cách thấu đáo, đưa ra dự đoán chính xác.
Bởi lẽ nó ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai khu vực, cũng như mỗi quốc gia, dân tộc ở châu Á, đặc biệt là khu vực Biển Đông.
Dù chiến lược xoay trục của ông Obama có thể chưa “chìm” như nhận xét của Gideon Rachman, nhưng thực tế đã có những dấu hiệu cho thấy nó rất đuối sức.
Không phải đợi đến khi Trung Quốc xây đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) thì điều đó mới bộc lộ.
Mà kể từ cuộc khủng hoảng Scarborough suốt hai tháng năm 2012, Mỹ đã không muốn hoặc không thể làm gì, dù là đồng minh hiệp ước của Philippines.
Trung Quốc bắt đầu nắm được thực lực của Mỹ và nhanh chóng leo thang ngoài Biển Đông từ đây. 2013 họ bắt đầu công việc xây đảo.
Chính sách xoay trục sang châu Á của ông Obama “hụt hơi” có lẽ là do nội lực Hoa Kỳ đã hao tổn trầm trọng sau 2 cuộc chiến “đốt tiền” ở Iraq, Afghanistan cũng như nhiều điểm nóng khác.
Nhiệm kỳ đầu của ông Obama, Mỹ đã dần từng bước rút khỏi vũng lầy Trung Đông.
Nhưng sang nhiệm kỳ thứ 2, ông chủ Nhà Trắng đã không tập trung củng cố nội lực, vẫn tiếp tục đầu tư vào chiến lược đối ngoại để thực hiện vai trò “cảnh sát toàn cầu”.
Sau 30 năm “giấu mình chờ thời”, làm giàu nhanh chóng và kiếm bộn tiền từ việc cung cấp hàng giá rẻ cho thị trường toàn cầu, con sư tử Trung Quốc bây giờ đã thức giấc.
Do đó, cá nhân người viết cho rằng, sự xuất hiện của Donald Trump trên chính trường Mỹ hay việc Rodrigo Duterte thắng cử ở Philippines, có thể là dấu hiệu khởi đầu cho một thời kỳ mới của bàn cờ chính trị quốc tế, hơn là những trường hợp “cá biệt” như cách miêu tả của truyền thông.
Dù chiến lược xoay trục của Mỹ sang châu Á đang “hụt hơi” trong khi Nga – Trung liên thủ ép Mỹ, không có nghĩa là Hoa Kỳ đã yếu đến mức phải “buông giáp quy hàng” để Trung Nam Hải nối ngôi.
Tuy nhiên khả năng Nhà Trắng phải tìm cách thỏa hiệp với Trung Nam Hải không phải điều không thể xảy ra.
Nếu Hoa Kỳ không có sự hiệu chỉnh chính sách để nhanh chóng khôi phục nội lực, thì viễn cảnh bị Trung Quốc hất khỏi vũ đài chính trị quốc tế cũng chẳng còn xa.
Vì vậy nếu Donald Trump trở thành Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ cũng không có gì là đáng ngạc nhiên. Mỹ cần phải thay đổi.
Người viết cho rằng, vị thế của Hoa Kỳ có thể được giữ vững và chiến lược xoay trục của ông Obama sẽ không bị “đánh chìm dưới sóng biển Thái Bình Dương” nếu Trump trở thành chủ nhân Nhà Trắng.
(Theo Giáo Dục)
Vai trò của các bãi cạn lúc nổi, lúc chìm qua Phán quyết Trọng tài hôm 12/7
Đây là nội dung quan trọng nhất không thể không đề cập và lên án, trước khi luận tội về những vi phạm của Trung Quốc có liên quan đên nội dung và thủ tục...
Trung Quốc huy động hàng chục tàu thuyền ráo riết bồi đắp bãi cạn Scaborough
LTS: Sau Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc hôm 12/7/2016, vẫn còn những băn khoăn xung quanh việc ứng dụng, giải thích UNCLOS 1982 từ dư luận, trong đó có bạn đọc của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Tiến sĩ Trần Công Trục gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích của ông về vấn đề này, xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc.
Sau nội dung trao đổi của tôi với Giáo sư Ngô Vĩnh Long về các cấu trúc lúc nổi lúc chìm ở Trường Sa dư luận vẫn có một số băn khoăn, thắc mắc từ góc độ pháp lý, nhân đây cũng xin được làm rõ.
Một bạn đọc tên là Tuấn đặt câu hỏi trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 6/8. Câu hỏi của bạn đọc đặt ra rằng:
"Liệu một thực thể nửa nổi nửa chìm (theo điều 13 của UNCLOS) nằm ở vùng biển quốc tế thì có được yêu sách chủ quyền không, tức là vào chiếm đóng, chiếm hữu, xây dựng công trình...để xác lập chủ quyền? Nếu có xin bác dẫn ra một vài án lệ." . Ngoài ra cũng còn có những thắc mắc, băn khoăn tương tự.
Tiến sĩ Trần Công Trục. Ảnh: Hồng Thủy.
Đây là những câu hỏi có liên quan đến quy chế của các thực thể địa lý lúc nổi lúc chìm hoặc hoàn toàn chìm dưới biển khi thủy triều thấp nhất. Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) đã quy định về vai trò, vị trí và giá trị pháp lý của thực thể này.
Vai trò của các bãi cạn lúc nổi, lúc chìm
Tại Điều 13: " Bãi cạn lúc nổi, lúc chìm" đã định nghĩa rằng:
1. "Bãi cạn lúc nổi lúc chìm" (haut-fonds découvrants) là những vùng đất nhô cao tự nhiên có biển bao quanh, khi thủy triều xuống thấp thì lộ ra, khi thủy triều lên cao thì bị ngập nước.
Khi toàn bộ hay một phần bãi cạn đó ở cách lục địa hoặc một đảo một khoảng cách không vượt quá chiều rộng của lãnh hải, thì ngấn nước triều thấp nhất ở trên các bãi cạn này có thể được dùng làm đường cơ sở để tính chiều rộng của lãnh hải.
2. Khi các bãi cạn lúc chìm lúc nổi hoàn toàn ở cách lục địa hoặc một đảo một khoảng cách vượt quá chiều rộng của lãnh hải, thì chúng không có lãnh hải riêng.
Tuy nhiên, khi vận dụng vai trò, vị trí của các thực thể này vào việc thiết lập hệ thống đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải, chúng ta không nên bỏ qua quy định tại Khoản 3, Khoản 4 và Khoản 5 của Điều 7: "Đường cơ sở thẳng":
3. Tuyến các đường cơ sở không được đi chệch quá xa hướng chung của bờ biển, và các vùng biển ở bên trong các đường cơ sở này phải gắn với đất liền đủ đến mức đạt được chế độ nội thủy.
4. Các đường cơ sở thẳng không được kéo đến hoặc xuất phát từ các bãi cạn lúc nổi lúc chìm, trừ trường hợp ở đó có những đèn biển hoặc các thiết bị tương tự thường xuyên nhô trên mặt nước hoặc việc vạch các đường cơ sở thẳng đó đã được sự thừa nhận chung của quốc tế.
5. Trong những trường hợp mà phương pháp kẻ đường cơ sở thẳng được áp dụng theo Khoản 1, khi ấn định một số đoạn đường cơ sở có thể tính đến những lợi ích kinh tế riêng biệt của khu vực đó mà thực tế và tầm quan trọng của nó đã được một quá trình sử dụng lâu dài chứng minh rõ ràng.
Căn cứ vào các quy định nói trên, có thể rút ra những kết luận chủ chốt sau đây:
Một là: Các bãi cạn lúc nổi, lúc chìm, nếu nằm cách bờ biển đất liền hay bờ biển của một đảo, một khoảng cách không vượt quá chiều rộng lãnh hải thì chúng được dùng làm điểm cơ sở để thiết lập hệ thống đường cơ sở thẳng, với điều kiện ở trên đó có xây các ngọn hải đăng hay các thiết bị tương tự thường xuyên nhô trên mặt nước (Khoản 4, Điều 7).
Hai là: Nếu các thực thể này nằm ngoài ranh giới lãnh hải đất liền hoặc của một đảo thì chúng không có lãnh hải riêng, có nghĩa là chúng không được hưởng quy chế đảo theo định nghĩa tại Điều 121, UNCLOS 1982.
Và như vậy thì chúng được coi là một bộ phận cấu thành của vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của quốc gia ven biển hay của một đảo.
Nếu những thực thể này nằm ở trong vùng biển cả (high sea) hay nằm trên đáy và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài giới hạn thềm lục địa của quốc gia ven biển hay của một đảo, nghĩa là nó ở trên một phạm vi được gọi là "Vùng" (The Area quy định tại Phần XI, UNCLOS 1982), thì các bãi cạn lúc nổi lúc chìm này là tài sản chung của nhân loại.
Mọi hoạt động có liên quan đến các thực thể này cũng phải tuân thủ các quy định chặt chẽ của UNCLOS 1982 và thuộc quyền hạn của Cơ quan quyền lực (Autority) quốc tế do Liên Hợp Quốc lập ra. Như vậy, không có ai được quyền chiếm hữu, biến chúng thành lãnh thổ của riêng mình.
Ba là: Nếu các thực thể này nằm trên thềm lục địa của quốc gia ven biển thì các quốc gia này có quyền xây dựng các đảo nhân tạo hay các công trình nhân tạo phục vụ cho công viêc thăm dò, khai thác tài nguyên thiên nhiên thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia đó.
Bởi vì, đảo nhân tạo, các công trình thiết bị được xây dựng trên biển là một nhu cầu tất yếu của tất cả mọi quốc gia khi triển khai các hoạt đông thăm dò nghiên cứu, khai thác tài nguyên biển trong phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của mình được xác định theo đúng quy định của UNCLOS 1982.
Bởi lẽ, các đảo nhân tạo, các công trình, thiết bị nhân taọ được xây dựng hợp pháp trên biển, thềm lục địa sẽ mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia ven biển, nhất là lợi ích về kinh tế trong việc khai thác tài nguyên sinh vật và phi sinh vật biển, hoạt động nghiên cứu khoa học và bảo vệ môi trường biển, phục vụ và bảo đảm an ninh an toàn hang hải, hàng không, thương mại, tìm kiếm cứu hộ, phòng chống tội phạm, cướp biển...
Thực tiễn quốc tế về xây dựng đảo nhân tạo, công trình nhân tạo trên các bãi cạn lúc nổi lúc chìm
Thực tiễn quốc tế đã có khá nhiều đảo nhân tạo, công trình thiết bị được xây dựng vì các mục tiêu nói trên:
Balance islands là những đảo nhân tạo được xây dựng ven bờ biển Hà Lan nhằm mục đích chống xói mòn và cân bằng dòng chảy của thủy triều.
Đảo nhân tạo Hulhumale do Cộng hòa Maldives xây dựng tại Ấn Độ Dương với hy vọng trong 15 năm tới sẽ đón khoảng 45.000 dân đến cư trú để tránh tình trạng trái đất nóng lên.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất năm 2001 đã xây dựng 2 đảo nhân tạo lơn nhất thế giới: Palm Jumeriah và Palm Jebel Ali tại bờ biển thành phố Dubai, nhằm phục vụ khách du lịch với nhiều khách sạn, biệt thự sang trọng và tiện nghi....được mệnh danh là "kỳ quan thứ 8 của thế giới".
Azerbaịjan đã xây dựng quần thể đảo nhân tạo Khaza islands gồm 41 đảo nhỏ, diện tích 3000 ha tại vùng biển Caspian.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã xây đảo nhân tạo trên các thực thể địa lý của quần đảo Trường Sa, thuộc lãnh thổ của Việt Nam. Hành động này của Trung Quốc được xem là sự "vi phạm liên hoàn": Đánh chiếm lãnh thổ của Việt Nam bằng vũ lực năm 1988, 1995 , rồi tiếp tục bồi lấp xây dựng trái phép trên vùng lãnh thổ đó.
Hành động này đã vi pham quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc và các nguyên tắc cơ bản trong quan hệ giữa các quốc gia, với tư cách là những thực thể trong quan hệ quốc tế.
Đây là nội dung quan trọng nhất không thể không đề cập và lên án, trước khi luận tội về những vi phạm của Trung Quốc có liên quan đên nội dung và thủ tục tiến hành xây dựng đảo nhân tạo theo quy định của Công ước của Liện Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Mời bạn đọc theo dõi phần 2: Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS 1982 thế nào với đảo nhân tạo ở Trường Sa?
Theo Giáo Dục Việt Nam
"Trung Quốc không thể từ bỏ yêu sách sau một đêm, cần thời gian để thay đổi" Nên tạo không gian cho Trung Quốc chấp nhận phán quyết một cách dần dần theo thời gian, thông qua một quá trình phát triển các chuẩn mực mới. Giáo sư Chu Phong, Giám đốc Trung tâm Hợp tác nghiên cứu Biển Đông thuộc Đại học Nam Kinh, Trung Quốc ngày 8/8 có bài bình luận đăng trên Bloomberg: "Trung Quốc không phải...