Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: Đang điều động lực lượng tới gần Syria
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ngày 23/8 hé lộ Lầu Năm Góc đang điều động lực lượng để sẵn sàng hành động quân sự đối với Syria, ngay cả khi Tổng thống Obama vẫn còn tỏ ra thận trọng.
Mỹ đang bố trí thêm tàu chiến có tên lửa hành trình ở Địa Trung Hải.
Bộ trưởng Quốc phòng Hagel đã sẵn sàng
Phát biểu với các phóng viên trên máy bay tới Malaysia trong chuyến công du 4 nước Đông Nam Á, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hagel cho biết, các tư lệnh của ông đã chuẩn bị hàng loạt “lựa chọn” cho Obama nếu Tổng thống Mỹ chọn tiến hành tấn công quân sự vào Damascus. Bình luận của Bộ trưởng Hagel được đưa ra khi kêu gọi đòi hành động quân sự đối với chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al- Assad ngày càng riết ráo, nhất là khi có cáo buộc chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học
“Bộ Quốc phòng có trách nhiệm cung cấp cho Tổng thống lựa chọn cho mọi tình huống”, ông Hagel cho hay. “Điều đó đòi hỏi phải triển khai lực lượng, tài sản của chúng ta để có thể thực hiện các lựa chọn khác nhau, dù Tổng thống có lựa chọn khả năng nào đi chăng nữa.”
Tuy nhiên, ông Hagel từ chối cung cấp thông tin chi tiết về việc triển khai các tàu, máy bay hay binh sỹ Mỹ. Trong khi đó, có tin chính quyền Obama đang dự tính tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình nhằm vào lực lượng của ông Assad.
Bình luận của ông Hagel được đưa ra khi một quan chức quân sự khác cho hay hải quân Mỹ sẽ mở rộng hiện diện ở Địa Trung Hải bằng một tàu chiến thứ tư, được trang bị tên lửa hành trình.
Hạm đội 6 của Mỹ, chịu trách nhiệm Địa Trung Hải, đã quyết định giữ tàu USS Mahan ở khu vực, thay vì để tàu trở về cảng quê nhà ở Norfolk,Virginia.
3 tàu khu trục khác hiện đang được triển khai ở khu vực gồm USS Gravely, USS Barry và USS Ramage. Cả 4 tàu chiến này đều được trang bị hàng tá tên lửa hành trình Tomahawk.
Động thái củng cố trên sẽ cho phép Lầu Năm Góc hành động nhanh hơn nếu Obama ra lệnh tấn công quân sự Syria.
Tuy nhiên, người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng nói rõ rằng hiện chưa có quyết định tấn công quân sự Syria nào được đưa ra.
Tổng thống Obama vẫn thận trọng
Trong khi đó, báo chí Mỹ trong những ngày qua cho rằng đã có bất đồng bên trong chính quyền Obama về lựa chọn tiến hành têm một cuộc can thiệp quân sự nữa vào Trung Đông. Trong cuộc phỏng vấn được phát vào sớm ngày thứ sáu trên kênh truyền hình CNN, ông Obama đã tỏ ra thận trọng. Ông nói cáo buộc của phe đối lập Syria rằng hàng trăm người đã bị sát hại vì bị tấn công khí độc gần Damascus vào tuần này, nghiêm trọng hơn rất nhiều các cáo buộc trước đó nhằm vào chính quyền của ông Assad.
Một năm sau khi cảnh báo Syria “vượt giới hạn đỏ” nếu sử dụng vũ khí hóa học, Obama cho rằng người Mỹ kỳ vọng ông bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia lâu dài, nhưng tránh sa lầy ở nước ngoài. Ông cảnh báo nước Mỹ “có thể bị cuốn vào các cuộc can thiệp đắt đỏ, tốn kém và khó khăn, rồi cuối cùng là gây ra thêm lòng thù hận, trả thù ở trong khu vực”.
Trong khi đó ông Hagel cho hay cơ quan tình báo Mỹ sẽ “nhanh chóng” xác định xem liệu có phải Damascus sử dụng vũ khí hóa học để tấn công quân nổi dậy. “Nếu thông tin tình báo và các bằng chứng cho rằng những gì đã xảy ra là do sử dụng vũ khí hóa học, thì khi đó vấn đề không chỉ của riêng Mỹ mà là của quốc tế”, ông cho hay.
Theo Dantri
Nga tìm ra kế "trị" tên lửa Mỹ
Trong cuộc chiến Iraq năm 1991, Nam Tư năm 1998, Afghanistan năm 2001, Iraq lần 2- năm 2003, Lybia-năm 2012 tên lửa hành trình nắm giữ vai trò chủ yếu, đặc biệt trong giai đoạn mở màn.
Không thể phủ nhận tên lửa hành trình là hệ thống vũ khí có uy lực lớn, nhưng phương tiện chiến đấu này chưa thể soán ngôi và hoàn toàn thay thế được máy bay có người lái.
Video đang HOT
Nhiệm vụ tác chiến của tên lửa hành trình là phá hủy những mục tiêu có khả năng bảo vệ tốt, chế áp các hệ thống phòng không và chỉ huy bộ đội trên các hướng nhất định. Kinh nghiệm sử dụng tên lửa hành trình của Mỹ trong chiến đấu và việc phân tích khả năng của các hệ thống phòng không hiện hành và tương lai chứng tỏ rằng, hoàn toàn có thể xây dựng được một hệ thống đối phó một cách hiệu quả với loại vũ khí này.
Vũ khí tên lửa có độ chính xác cao của quân đội các nước tiên tiến có vai trò then chốt trong hệ thống vũ khí hiện đại. Vai trò đặc biệt thuộc về các loại tên lửa hành trình tầm xa, như các phiên bản khác nhau của Tomahawk, được sử dụng nhằm tiêu diệt các mục tiêu trên bộ. Chính những tên lửa loại này được phóng đi từ các chiến hạm trên biển cũng như từ các máy bay trên không có vai trò rất lớn trong việc giải quyết nhiệm vụ đột phá hệ thống phòng không đối phương, giành quyền làm chủ trên không, phá vỡ tổ chức hệ thống chỉ huy quân đội và điều hành nhà nước, triệt hạ các hệ thống cơ sở hạ tầng và thông tin liên lạc của địch bằng cách tiêu diệt những hợp phần quan trọng của các hệ thống này.
Cùng với khả năng của các phương tiện phòng không ngày càng được mở rộng và nỗ lực giảm thiểu thương vong cho bộ đội không quân, vai trò của loại vũ khí này trong hệ thống các phương tiện tiến công đường không cũng ngày càng gia tăng. Do đó việc đánh giá một cách khách quan khả năng cuả tên lửa hành trình rất quan trọng, vì đánh giá về địch không đầy đủ hoặc đánh giá địch quá cao đều nguy hiểm như nhau.
Tên lửa hành trình trong các cuộc chiến
Trong các cuộc xung đột quân sự gần đây như Iraq năm 1991, Nam Tư năm 1998, Afghanistan năm 2001, Iraq lần 2- năm 2003, Lybia-năm 2012 tên lửa hành trình nắm giữ vai trò chủ yếu, đặc biệt trong giai đoạn mở màn các hoạt động tác chiến. Đồng thời số lượt phóng tính được hàng trăm.
Những tên lửa nói trên được sử dụng cho cuộc tiến công phủ đầu vào các phương tiện phòng không, các hệ thống chỉ huy và thông tin liên lạc, các tổ hợp tên lửa phòng không tầm cao, các mục tiêu chỉ huy quân đội và điều hành nhà nước. Sau những đòn tiến công như thế, phe tấn công có thể chế áp được một hướng nào đó trên không và khu vực bảo vệ hỏa lực của hệ thống phòng không trên hướng tiến công chính trong những chiến dịch tiến công đường không, làm rối loạn quá trình chỉ huy, phá vỡ việc tổ chức đánh trả.
Chiến dịch quân sự quy mô lớn đầu tiên mà tên lửa hành trình hiện đại Tomahawk được sử dụng rộng rãi là "Bão táp trên sa mạc". Cường độ sử dụng chúng thường xuyên được thay đổi tùy thuộc vào ưu thế của loại vũ khí này so với các phương tiện chiến đấu khác. Chẳng hạn như, trong thời gian 4 ngày đêm đầu tiên của chiến dịch, 16% các cuộc tiến công là do tên lửa hành trình thực hiện. Nhưng sau 2 tháng chiến dịch chỉ số này là 55% tổng số các cuộc tiến công đường không được thực hiện (trong đó 80% vụ phóng tên lửa hành trình được thực hiện từ các chiến hạm trên biển).
Từ các chiến hạm nổi và tàu ngầm 297 vụ phóng đã được thực hiện, trong số đó 282 tên lửa đã tiêu diệt mục tiêu ấn định với 6 trục trặc vì những nguyên nhân kỹ thuật sau khi phóng và 9 tên lửa không rời bệ phóng. Theo những số liệu chính thức, thành công của các vụ phóng đạt gần 100%. Nhưng không loại trừ khả năng, hiệu quả cao được thông tin công khai là nhằm tạo ra áp lực tuyên truyền đối với kẻ đối thủ tiềm tàng.
Tên lửa hành trình Tomahawk luôn mở màn các cuộc chiến gần đây của Mỹ và NATO.
Việc sử dụng tên lửa trong những đòn tiến công đầu tiên trên thực tế đã loại trừ tổn thất của các máy bay có người lái trong những giai đoạn tiếp theo của chiến dịch. Như vậy, tên lửa hành trình đã thể hiện ưu thế của mình là loại vũ khí sử dụng cho đòn tiến công đầu tiên trong giai đoạn khởi đầu cuộc xung đột.
Nhưng đã ghi nhận được cả những khiếm khuyết: thời gian chuẩn bị nhiệm vụ bay kéo dài (gần 80 giờ); lựa chọn lộ trình bay phức tạp, bởi vì các điều kiện đặc thù của địa hình Iraq (không đủ chia cắt và thiếu những vật chuẩn dễ nhận ra) hạn chế khả năng điều chỉnh quỹ đạo; hiệu quả tiêu diệt các mục tiêu di động thấp.
Xuất phát từ những kết luận do các chuyên gia của Bộ quốc phòng Mỹ đưa ra, từ năm 1993 đã bắt đầu những nghiên cứu nhằm hoàn thiện các tính năng kỹ- chiến thuật của tên lửa hành trình. Không lâu sau đó những phiên bản mới (Block III), được trang bị hệ thống dẫn đường vệ tinh GPS, mà sử dụng nó cho phép rút ngắn thời gian chuẩn bị nhiệm vụ bay bắt đầu được đưa vào trang bị.
Kinh nghiệm năm 1991 đã được vận dụng trong thời gian chiến dịch "Cáo sa mạc" năm 1998, mà ở đó những phiên bản mới của tên lửa hiệu quả cao được sử dụng, đã cho phép giảm thiểu số lượng tiêu hao chúng. Vì vậy, chỉ có 370 tên lửa hành trình được phóng (13 quả không tiêu diệt được mục tiêu do những nguyên nhân kỹ thuật). Cần nhớ rằng, vào giai đoạn này hệ thống phòng không Iraq đã bị phá vỡ tổ chức và trên thực tế không có sự đánh trả đáng kể nào.
Việc sử dụng tên lửa hành trình chống Iraq trong chiến dịch "Cơn sốc và sự kinh hoàng" vào năm 2003 với gần 700 tên lửa hành trình được phóng, cũng cho thấy đặc điểm tương tự.
Một cụm hải quân và không quân mạnh, lúc đầu đầu gồm 49 chiến hạm (trong đó có 3 tàu sân bay) và 550 máy bay đã được huy động để tham gia chiến dịch.
Trong quá trình chiến dịch các lực lượng vũ trang liên quân NATO trong vòng 2 ngày đêm đã thực hiện 2 cuộc tập kích không quân-tên lửa tăng cường, mỗi cuộc kéo dài hơn 3 giờ. Đồng thời thay đổi bố trí sử dụng lực lượng chiến dịch bằng việc tách riêng thê đội tên lửa hành trình. Trong những cuộc tập kích đầu tiên, đã sử dụng hơn 200 tên lửa, 65% số tên lửa đó đã tiêu diệt mục tiêu quy định (theo tính toán chỉ số này phải không dưới 80%), 10 tên lửa bị bắn rơi và 6 bị chệch mục tiêu. Điều này cho thấy bằng những hành động tích cực của hệ thống phòng không, ngụy trang, cơ động, bên phòng ngự có khả năng làm giảm hiệu quả hoạt động của đối phương có ưu thế áp đảo về quân số và trang bị kỹ thuật.
Nhưng cần phải nhớ rằng, dù hiêu quả có bị giảm đi đôi chút, mục tiêu của các đợt tiến công cũng đã đạt được. Trong giai đoạn mở màn chiến dịch 72 mục tiêu đã bị phá hủy, trong đó có 52 mục tiêu quân sự.
Do sự chống trả quyết liệt của các lực lượng vũ trang Nam Tư, NATO đã phải tăng cường cụm quân của mình lên 57 chiến hạm (có 4 tàu sân bay). Trong quá trình hoạt động tác chiến tiếp theo các cuộc tiến công vào 130 mục tiêu, trong đó có 40% là những mục tiêu dân sự đã được thực hiện.
Về tổng thể trong số hơn 700 tên lửa hành trình được bắn vào các mục tiêu của Nam Tư, gần 70% được sử dụng để tiêu diệt những mục tiêu cố định, và gần 30%- vào các mục tiêu công nghiệp và hành chính-nhà nước. Gần 40 tên lửa hành trình bị bắn rơi và 17 không đánh trúng mục tiêu. Trong một ngày đêm tiêu diệt trên thực tế được khoảng 30 mục tiêu. Nhờ các chiến dịch đường không NATO đã giành được ưu thế tuyệt đối trên không, phá vỡ tổ chức của hệ thống phòng không Nam Tư, nhờ đó cuối cùng đạt được những mục tiêu chính trị đã đặt ra.
Tại Afghanistan đã sử dụng gần 600 tên lửa hành trình, rõ ràng là thừa, và theo những gì thấy được thì điều này mang tính chất báo thù và dằn mặt. Không hề có những mục đích "tương xứng" với một lượng tên lửa như thế ở Afghanistan, khi ở đất nước này không có hệ thống tên lửa-pháo phòng không, hệ thống ra đa cảnh giới, không quân , hệ thống thông tin liên lạc...Vì thế có thể mô tả khái quát chiến dịch "Tự do bền vững" như một cuộc tập trận quy mô lớn trong tình huống sát chiến đấu, kết thúc bằng nội dung thực hành bắn đạn thật.
Tại Libya trong quá trình đợt tập kích đầu tiên, 112 tên lửa hành trình đã được sử dụng, tiêu diệt được 20 trong số 22 mục tiêu quy định.
Vỏ quýt dày có móng tay nhọn
Thông thường, trong tất cả các cuộc xung đột tên lửa hành trình được sử dụng nhằm tiêu diệt các mục tiêu điểm cụ thể, và nhờ đó sẽ làm rối loạn hoạt động của những hệ thống cơ cấu tổ chức và mục tiêu phức tạp trên một diện tích nhất định. Để chắc chắn tiêu diệt mỗi mục tiêu điểm như thế cần phải có từ 1-2 đến 3-4 tên lửa hành trình tùy thuộc vào kết cấu và kích thước của mục tiêu này và mức độ nó được bảo vệ bằng các phương tiện phòng không.
Số hợp phần bị tiêu diệt trong cấu trúc các mục tiêu quân sự và nhà nước tăng lên đáng kể. Những hợp phần tương đối đơn giản như các trạm ra đa, các tổ hợp tên lửa phòng không, những cây cầu, những mục tiêu hạ tầng năng lượng riêng lẻ có thể bị vô hiệu hóa hoặc tiêu diệt nếu bị mất 1-2 hạng mục điểm trong cấu trúc của mình.
Để vô hiệu hóa (tiêu diệt) những công trình phức tạp hơn, như sở chỉ huy, tổng trạm thông tin, sân bay, tổ hợp tên lửa phòng không, các hạng mục công trình hạ tầng giao thông và năng lượng lớn, đòi hỏi phải phá hủy được 3-5 hạng mục điểm đơn giản trong cấu trúc của chúng.
Những xí nghiệp công nghiệp lớn, các căn cứ quân sự và những mục tiêu có tầm quan trọng về quân sự và dân sự, bao gồm nhiều công trình xây dựng, tòa nhà, hệ thống thông tin liên lạc và các hợp phần khác có thể bị vô hiệu hóa hoặc phá hủy nếu có từ 10 hạng mục điểm trở lên bị tiêu diệt.
Như vậy, để tiêu diệt (vô hiệu hóa) những mục tiêu quân sự hoặc dân sự có vai trò quan trọng, khi không có hệ thống phòng không hoặc hệ thống này yếu kém, cần tiêu hao 2-4 tên lửa cho những mục tiêu tương đối đơn giản, từ 6 đến 10 hoặc nhiều tên lửa hơn cho những mục tiêu phức hợp.
Còn khi có hệ thống phòng không được tổ chức chặt chẽ, thậm chí trên cơ sở những phương tiện đã cổ lỗ thì định mức tiêu hao tăng lên từ 1,3-1,5 lần, chừng 3-6 tên lửa để phá hủy những mục tiêu tương đối đơn giản và 10-15 hoặc nhiều tên lửa hơn cho những mục tiêu phức tạp.
Nghĩa là, ngay cả trong trường hợp không có một hệ thống phòng không hiệu quả thì, số lượng tên lửa hành trình cần sử dụng để phá hủy các mục tiêu chiến dịch quan trọng không lớn lắm- định mức tiêu hao 500-700 tên lửa hành trình cho 50-60 đến 120-170 mục tiêu phụ thuộc vào việc mục tiêu thuộc dạng nào. Trong trường hợp các mục tiêu được hệ thống phòng không, thậm chí có khả năng đối phó với tên lửa hành trình hạn chế thì, số lượng mục tiêu bị phá hủy sẽ giảm xuống tương ứng, tới mức 30-40 và 80-120.
Nghĩa là, nếu chỉ sử dụng tên lửa hành trình thì không thể giải quyết được các nhiệm vụ chiến lược, bởi vì số lượng mục tiêu cần phải phá hủy, ngay cả ở những quốc gia kém phát triển cũng có thể vào khoảng 500-600 và nhiều hơn. Tên lửa hành trình nhất thiết phải sử dụng kết hợp với máy bay có người lái, và định hướng vào việc thực hiện các nhiệm vụ đặc thù, mà không quân không thể giải quyết, hoặc nếu sử dụng máy bay có người lái để thực hiện các nhiệm vụ như thế sẽ dẫn tới những tổn thất không thể chấp nhận được.
Đánh giá khả năng của hệ thống phòng không trong việc đối phó với tên lửa hành trình theo kinh nghiệm của các cuộc xung đột quân sự đã diễn ra, có thể thấy những tổ hợp tên lửa phòng không tầm cao và tầm trung có trong vũ khí trang bị của các nước - nạn nhân của cuộc tấn công đều đã lạc hậu không có khả năng tiêu diệt tên lửa hành trình.. Lý do chủ yếu là chúng không có khả năng tiêu diệt các mục tiêu trên không tầm thấp với mặt phẳng tản mát hiệu quả nhỏ. Đối phương luôn cố gắng vòng tránh các khu vực bố trí những tổ hợp tên lửa phòng không và không để các tên lửa hành trình của mình bay vào vùng tiêu diệt.
Phương tiện đối đầu chủ yếu với tên lửa hành trình là các vũ khí phòng không tầm thấp trong hệ thống phòng không mục tiêu, trước hết là các hệ thống pháo phòng không.. Xác suất tiêu diệt tên lửa hành trình của các loại hỏa khí này đạt vào khoảng 4-6% (theo kinh nghiệm cuộc chiến tranh Nam Tư). Với các loại vũ khí không có các hệ thống chỉ huy hỏa lực tiên tiến này, hiệu quả là khá cao. Điều này chứng tỏ chính hệ thống phòng không mục tiêu, dựa trên nền tảng các phương tiện tầm thấp hiện nay có thể trở thành công cụ đối phó hiệu quả với tên lửa hành trình.
Nếu hệ thống phòng không mục tiêu được trang bị những tổ hợp như "Pantsi-S", "Tor" và cả các tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung, có khả năng đương đầu với tên lửa hành trình, khi có trường cảnh giới ra đa tầm thấp tối thiểu cần thiết, hoàn toàn có thể cho phép bảo vệ một cách vững chắc các mục tiêu quan trọng nhất trước tên lửa hành trình. Đặc biệt, nếu hệ thống này có thêm các phương tiện tác chiến điện tử phù hợp, có khả năng chế áp hệ thống chỉ huy của đối phương.
Các tổ hợp phòng không Panshir-S1 được cho là có khả năng đối phó hiệu quả với tên lửa hành trình như Tomahawk.
Hiệu quả đối đầu vô tuyến điện tử của tên lửa hành trình có thể sánh được với với hiệu quả của các hỏa khí phòng không mục tiêu, kinh nghiệm của Nam Tư cho thấy 2,5% số tên lửa hành trình bắm trượt mục tiêu. Điều này trong tương quan chiến dịch, tất nhiên là một kết quả không đáng kể. Nhưng nếu biết trong trang bị của quân đội Nam Tư không có các phương tiện tác chiến điện tử với hệ thống điều khiển của tên lửa hành trình, rõ ràng kết quả đó không tồi, có thể tìm ra cách 'trị' tên lửa hành trình.
Đặc điểm sử dụng quan trọng của tên lửa hành trình là giãn cách loạt bắn trong khu vực mục tiêu phải đủ lớn , đòi hỏi này dựa trên việc tên lửa bắn loạt chuyển động theo những quỹ đạo riêng. Bảo đảm cho tên lửa tiếp cận mục tiêu với giãn cách nhỏ hơn khoảng thời gian một chu trình bắn của các hỏa khí phòng không là rất khó.
Nghĩa là, trên thực tế các tên lửa tiếp cận mục tiêu từng quả một, rất ít khi thành nhóm nhỏ 2 tên lửa. Điều này tạo thuận lợi cho việc đánh trả các đòn tập kích của tên lửa hành trình, đặc biệt bằng các hỏa khí phòng không với chu trình bắn nhỏ.
Tên lửa hành trình bay theo những quỹ đạo riêng, tránh các khu vực phòng không gây khó khăn cho việc bảo vệ chúng bằng các phương tiện đấu tranh điện tử chung cả trong quá trình bay, cũng như trong khu vực mục tiêu. Điều này làm cho các phương tiện hỏa lực phòng không đối phó với chúng phần nào dễ dàng hơn.
Tên lửa hành trình, không thể phủ định là hệ thống vũ khí có uy lực lớn, nhưng chúng không loại bỏ được máy bay có người lái và không hoàn toàn thay thế được không quân. Nhiệm vụ tác chiến của chúng trong hệ thống vũ khí trang bị là chiến đấu với với các mục tiêu được bảo vệ tốt về mặt phòng không, chế áp các hệ thống phòng không và chỉ huy trên những hướng nhất định.
Nhiệm vụ đánh tan cụm quân địch, phá hoại tiềm lực kinh tế chủ yếu dựa vào tên lửa hành trình có trong vũ khí trang bị thông thường ngay cả trong tương lai trung hạn không thể giải quyết được, vì đòi hỏi phải tiêu hao một lượng lớn loại vũ khí không có đủ lượng phương tiện mang.
Trong số những mặt mạnh quan trọng nhất của loại vũ khí này, bộc lộ qua kinh nghiệm sử dụng nó, có thể nhận thấy khả năng giữ được bí mật cao so với các phương tiện tiến công đường không khác, tầm bắn lớn-trên thực tế loại trừ được tổn thất đối với bên sử dụng, độ chính xác tuyệt vời, đảm bảo chắc chắn tiêu diệt mục tiêu (nếu tên lửa tới được khu vực mục tiêu) và giảm thiểu những phá hoại thứ yếu.
Những yếu điểm của loại vũ khí này khiến việc đối phó với nó thuận lợi hơn gồm: vận tốc bay thấp, giãn cách loạt bắn trong khu vực mục tiêu lớn, việc bảo vệ các phương tiện chế áp điện tử phức tạp.
Ngoài ra, chu trình nhập và hiệu chỉnh nhiệm vụ bay cho tên lửa kéo dài (khoảng 1-1,5 giờ đối với những tên lửa có thể hiệu chỉnh trong quá trình bay, và ít nhất từ 10 giờ trở lên đối với những tên lửa không có khả năng hiệu chỉnh như thế), nên chúng thường được sử dụng để tiêu diệt các mục tiêu cố định hoặc ít cơ động.
Cách nào chống tên lửa hành trình?
Từ kinh nghiệm sử dụng tên lửa hành trình trong chiến đấu cho thấy có thể đối đầu với nó một cách hiệu quả, nếu nghiên cứu kỹ lưỡng các mặt mạnh, yếu của tên lửa hành trình khi xây dựng hệ thống phòng không.
Thứ nhất, hợp lý hơn cả là cố gắng xây dựng một hệ thống phòng không chủ yếu dựa trên các lực lượng và phương tiện cơ động. Việc thay đổi trận địa ít nhất sau 2-3 giờ một lần cho phép giảm thiểu (nhiều lần) xác suất bị tên lửa hành trình tiêu diệt.
Thứ hai, tổ chức các tuyến tác chiến đối phó với tên lửa hành trình trên cơ sở trường ra đa tầm thấp dày đặc do các máy bay trinh sát tuần tra cảnh báo sớm tạo ra (ví dụ như A-50 và các phiên bản của nó. Nhóm máy bay tiêm kích được huấn luyện đặc biệt để đối phó với tên lửa hành trình, có máy bay trinh sát tuần tra cảnh báo sớm dẫn đường sẽ tiêu diệt các tên lửa hành trình trên quỹ đạo bay. Nga có thể sử dụng các máy bay tiêm kích Mig-31 để làm nhiệm vụ này.
Thứ ba, xây dựng một hệ thống phòng không mục tiêu trên nền tảng các phương tiện hỏa lực phòng không tầm thấp hiện nay và các phương tiện tác chiến điện tử chuyên dùng, trước hết là xung quanh những mục tiêu quan trọng hàng đầu có nguy cơ bị tên lửa hành trình tiến công. Đó chính là các mục tiêu trong hệ thống phòng không (trước hết là những tổ hợp tên lửa phòng không tầm cao và tầm trung, các trạm ra đa, các sân bay của không quân tiêm kích, các sở chỉ huy và tổng trạm thông tin), lãnh đạo nhà nước và chỉ huy quân đội.
Thứ tư, tiến hành ở quy mô đầy đủ các biện pháp ngụy trang hoạt động (chẳng hạn làm méo phông tín hiệu ra đa phản hồi từ thực địa), cho phép không những che giấu được các mục tiêu, mà trong trường hợp bị tiến công làm giảm độ chính xác của tên lửa hành trình hoặc hướng chúng vào mục tiêu giả.
Để đối phó với những tên lửa có hệ thống tự dẫn tầm nhiệt thụ động trên chặng cuối quỹ đạo, có thể tạo ra các nguồn nhiệt bẫy, có tác dụng làm giảm xác suất tiêu diệt mục tiêu thật.
Cũng có thể sử dụng cả những phương pháp hiệu quả và không tốn kém khác. Ngay cả những biện pháp đã nghiên cứu cũng có thể làm giảm hiệu quả sử dụng tên lửa hành trình 4-6 lần, làm cho việc sử dụng loại vũ khí này để giải quyết nhiều nhiệm vụ không hợp lý về kinh tế.
Về tổng thể phải thừa nhận tên lửa hành trình là một trong những hệ thống vũ khí sử dụng đạn dược thông thường có uy lực lớn nhất hiện nay. Nhưng đối với bất kỳ phương tiện tiến công nào cũng sẽ luôn luôn tìm được công cụ phòng vệ. Kinh nghiệm sử dụng tên lửa hành trình của Mỹ trong chiến đấu và việc phân tích những khả năng của các hệ thống phòng không hiện có và sẽ xuất hiện trong tương lai chứng minh rằn, hoàn toàn có thể chế tạo một hệ thống đối phó có hiệu quả với loại vũ khí này.
Theo Dantri
Thế giới Arab phản ứng trái chiều về đảo chính ở Ai Cập Việc quân đội Ai Cập lật đổ tổng thống Mohammed Morsi gây ra những phản ứng trái chiều, từ vui mừng tới giận dữ, sửng sốt tại các nước Arab vốn đang bị chia rẽ. Ông Mohammed Morsi trong cuộc tranh cử tổng thống. Ảnh: AP Tại Syria, nơi một cuộc nổi loạn chống Tổng thống Bashar al-Assad cách đây hơn hai năm...