Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia cảnh báo xung đột chết chóc nhất ở Biển Đông
Bộ trưởng Quốc phòng Hishammuddin Hussein hôm nay cảnh báo rằng nếu xung đột nổ ra ở Biển Đông, đây có thể trở thành một trong những cuộc xung đột chết chóc nhất mà thế giới từng biết đến.
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein
Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore ngày 30/5, ông Hishammuddin cho hay các thách thức toàn cầu mới đang nổi lên từ những xung đột lâu đời, và hối thúc việc cần tuân thủ luật pháp trong tranh chấp lãnh thổ.
“Nếu chúng ta không thận trọng, nó có thể leo thang thành một cuộc xung đột chết chóc nhất trong thời đại chúng ta, nếu không muốn nói là nhất trong lịch sử”, ông cảnh báo. “Một khu vực dường như hòa bình và thịnh vượng không có nghĩa là nguy cơ xung đột không gia tăng”.
Ông Hishammuddin cho hay tất cả các bên phải có trách nhiệm duy trì hòa bình và sự ổn định.
Mỹ và Trung Quốc đã công khai các quan điểm đối lập về chủ quyền trên Biển Đông, với việc Mỹ miêu tả các hoạt động cải tạo ngày càng gia tăng của Trung Quốc và khả năng triển khai vũ khí trên các đảo nhân tạo, là chưa từng thấy và gây mất ổn định.
Video đang HOT
Đáp trả, Bắc Kinh biện bạch rằng họ đã hành động kiềm chế và báo cuộc Mỹ góp phần làm gia tăng những bất đồng trong khu vực.
“Giọng điệu chỉ trích và sự cáo buộc lẫn nhau sẽ không có lợi gì cho nước nào. Có thể là quá lạc quan khi tin rằng chúng ta có ngăn ngừa xung đột và sự leo thang căng thẳng ở mọi thời điểm”, Bộ trưởng quốc phòng Malaysia nhấn mạnh.
Theo ông Hishammuddin, các quốc gia có thể hành động mà họ cho là phù hợp với chủ quyền của mình nhưng cũng nên ý thức được những hậu quả về các quyết định của họ.
“Thế giới không thể chịu được một cuộc xung đột toàn cầu khác. Thế giới này không thể chịu được sự mất ổn định, chết chóc, phá hủy thêm nữa”, ông Hishammuddin nói.
Trước những diễn biến căng thẳng gần đây ở Biển Đông và sau khi Washington có những bước đi mạnh mẽ hơn nhằm thách thức các tuyên bố chủ quyền quá đáng trong khu vực, các chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo rằng nguy cơ xảy ra xung đột Mỹ-Trung ở Biển Đông đang gia tăng.
Vấn đề Biển Đông đang trở thành chủ đề được quan tâm nhất tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 14 tại Singapore.
An Bình
Theo Dantri/CNA
Malaysia lên kế hoạch gìn giữ hòa bình cho Biển Đông
Malaysia đã khuyến khích các nước láng giềng thiết lập các căn cứ ở Biển Đông bằng cách chuyển đổi các giàn khoan dầu bỏ hoang thành tiền đồn quân sự.
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia.
The Wall Street Journal ngày 18/3 đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia hôm 17/3 cho biết, một lực lượng gìn giữ hòa bình chung mới sẽ giúp các nước Đông Nam Á xây dựng lại niềm tin sau những tranh cãi gay gắt về cách thức xử lý tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông.
Đông Nam Á sẽ hình thành Cộng đồng ASEAN vào tháng 12 này để mở ra thời đại mới của sự hợp nhất trong khu vực. Nhưng các thành viên của khối vẫn không thể nhất trí trong những năm gần đây trong việc đối phó như thế nào với (tham vọng bành trướng lãnh thổ của) Bắc Kinh.
Philippines và Việt Nam đã tố cáo những hành vi hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông, trong khi Bắc Kinh luôn bác bỏ điều này. Sự bất đồng nhận thức đã nổ ra tại một hội nghị thượng đỉnh ASEAN gần đây làm dấy lên nghi ngờ về toàn bộ kế hoạch xây dựng Cộng đồng ASEAN.
"Chúng tôi cần phải tìm kiếm những vấn đề mà chúng ta có thể đoàn kết. Nếu chúng tôi tiếp tục chỉ tìm kiếm xung quanh đường đứt đoạn và tuyên bố chủ quyền, tương lai có vẻ rất ảm đạm", Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Husein cho biết tại hội nghị hàng hải quốc tế Langkawi.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không ngay lập tức đáp ứng yêu cầu bình luận về điều này từ The Wall Street Journal. Nhưng gần đây Bắc Kinh đã phản đối (một cách cay cú - PV) về phát biểu của Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh xung quanh tính bất hợp pháp của đường lưỡi bò Trung Quốc vẽ ra ở Biển Đông.
Thành lập một lực lượng gìn giữ hòa bình chung cho khu vực sẽ là một trọng tâm của Malaysia trong vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2015, ông Hishammuddin cho biết. Quy mô và nguồn lực của đề xuất này vẫn chưa được xac định. Nhưng Malaysia hy vọng sẽ hàn gắn được một số rạn nứt giữa các thành viên ASEAN bằng lực lượng này.
Malaysia cũng đang nỗ lực để thiết lập hoạt động giám sát, tuần tra chung trên biển Sulu, gồm Brunei, Malaysia, Indonesia và Philippines với hy vọng tái tạo một nỗ lực chung tương tự ở eo biển Malacca. Tim Huxley, một học giả từ Singapore cho rằng Kuala Lumpur sẽ gặp khó khăn để thuyết phục các nước ASEAN khác về ý tưởng này.
Không có một thỏa thuận tuyệt vời nào về sự tin cậy xung quanh các vấn đề an ninh giữa các thành viên ASEAN, cần có sự tin tưởng trước sau đó mới có thể hợp tác, Tim Huxley bình luận. Trong một động thái riêng biệt, Tư lệnh Hạm đội 7 Hoa Kỳ, Phó Đô đốc Robert Thomas cũng nói rằng hải quân ASEAN nên bắt đầu tuần tra chung ở Biển Đông để ổn định tình hình.
Ông Hishammuddin cho biết, Malaysia đã khuyến khích các nước láng giềng thiết lập các căn cứ ở Biển Đông bằng cách chuyển đổi các giàn khoan dầu bỏ hoang thành tiền đồn quân sự. Một tiền đồn như vậy của Malaysia ở gần Borneo sẽ đi vào hoạt động tháng Tư tới.
Theo Báo Giáo dục Việt Nam
An ninh cho huyết mạch trên biển An ninh hàng hải, cả an ninh truyền thống và phi truyền thống, đang đặt ra những thách thức ngày càng lớn cho Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đòi hỏi các quốc gia ASEAN phải tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa. Các binh sỹ đặc nhiệm hải quân Indonesia diễn tập chống cướp biển ở eo biển...