Bộ trưởng Quốc phòng: Dự án trên núi Hải Vân ảnh hưởng lớn tới quốc phòng
Trao đổi với PV Dân trí bên hành lang Quốc hội sáng 28/11, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho biết, Bộ đã kiểm tra và gửi báo cáo lên Chính phủ, đề nghị dừng dự án du lịch nghỉ dưỡng World Shine – Huế trên núi Hải Vân.
Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh khẳng định hỗ trợ hết mức để phát triển kinh tế nhưng nếu ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng thì phải dừng.
Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh, quan điểm của Bộ khi tổ chức kiểm tra địa điểm thực hiện dự án khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế này là tạo điều kiện tối đa, khuyến khích, thu hút hoạt động đầu tư kinh doanh vào Việt Nam. Các dự án kinh tế hiện nay cũng khá phổ biến việc có vùng “giao thoa” với địa bàn kiểm soát về quốc phòng an ninh. Quan điểm là các cơ quan chức năng cần cân nhắc hết sức có thể để hỗ trợ phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, với World Shine – Huế, địa điểm triển khai dự án được xác định là vị trí ảnh hưởng lớn đến quốc phòng an ninh nên Bộ Quốc phòng đã nêu quan điểm đề nghị dừng – Bộ trưởng Quốc phòng cho biết. Và thực tế, địa phương (tỉnh Thừa Thiên – Huế) cũng đã tiếp thu ý kiến, đã cho tạm dừng dự án.
Theo đó, kết quả kiểm tra đã được Bộ Quốc phòng làm văn bản, báo cáo lên Chính phủ, Thủ tướng. Văn phòng Chính phủ cũng xác nhận đã nhận được báo cáo của Bộ Quốc phòng về vấn đề này, sau khi Thủ tướng có ý kiến sẽ thông tin cụ thể.
2 ngày trước, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Cao đã khẳng định tỉnh này có quyết định dừng thực hiện dự án khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine – Huế ở đèo Hải Vân sau khi kiểm tra và nhận thấy vị trí cấp phép khu du lịch này “có vấn đề về an ninh quốc phòng”. Quyết định này đã được gửi tới nhà đầu tư là Công ty cổ phần Thế Diệu.
Quyết định dừng triển khai dự án sau khi đã cấp phép đồng nghĩa với việc Thừa Thiên – Huế chấp nhận giải quyết hậu quả từ yêu cầu của nhà đầu tư. Tỉnh đã giao Ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô làm việc với chủ đầu tư để thống nhất việc dừng thực hiện dự án và xử lý các tồn tại liên quan.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng xác nhận, mặc dù việc cấp chứng nhận đầu tư cho dự án cơ bản phù hợp với trình tự, quy trình và quy hoạch nhưng trong quá trình thực hiện, công tác phối hợp, thẩm tra văn bản vẫn còn một số vấn đề chưa chặt chẽ.
Video đang HOT
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chưa chủ động đề xuất xin ý kiến của Quân khu 4 về vấn đề an ninh quốc phòng đối với khu vực nghiên cứu dự án; không kịp thời xin ý kiến của Quân khu 4, Bộ Quốc phòng khi có ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh.
Trong quá trình thẩm tra dự án, Ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô phối hợp chưa thường xuyên với các cơ quan quản lý chuyên ngành, giấy chứng nhận đầu tư có một số nội dung chưa chặt chẽ…
Dự án sau đó nhận nhiều phản ứng từ dư luận, các chuyên gia về quốc phòng an ninh. Khu vực núi Hải Vân được giao để thực hiện dự án, theo đó, được xác định là “con mắt” của đất liền để bao quát ra cả khu vực biển đảo trước mặt của tổ quốc, là vị trí chiến lược, nhạy cảm, không nên giao cho nhà đầu tư nước ngoài với thời hạn dài tới 50 năm.
“Thấy việc mình làm chưa đúng, dừng lại là chuyện bình thường”
Trước đó, ngày 27/11, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Trung tướng Bế Xuân Trường – Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam cho biết, việc Thừa Thiên – Huế dừng dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng trên núi Hải Vân là quyết định được toàn dân ủng hộ. “Thấy việc mình làm chưa đúng thì dừng là chuyện bình thường”, Trung tướng Bế Xuân Trường nói.
Trung tướng Bế Xuân Trường cho rằng việc dừng dự án được toàn dân ủng hộ Theo Trung tướng Trường, khi đã dừng dự án thì trách nhiệm chắc chắn được đặt ra. Cụ thể, đơn vị nào quyết định cho phép xây dựng khu nghỉ dưỡng ở khu vực này thì phải chịu trách nhiệm chính. Còn cấp tham mưu cho việc ra quyết định đó cũng không được bỏ qua.
Trước câu hỏi liệu có thể tạm dừng dự án để đánh giá, xem xét kỹ lưỡng những tác động của nó đến quốc phòng an ninh? Trung tướng Trường cho biết quan điểm: “Phải dừng hẳn dự án chứ không tạm dừng đánh giá. Ở đây không phải là việc dư luận phản đối mới dừng mà phải nói là ý thức trách nhiệm của mỗi công dân đối với Tổ quốc. Khi họ đã có ý thức dừng lại thì cần phải nhìn nhận để không có chuyện tái phạm”.
Năm 2013, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã đồng ý cấp phép gần 200ha đất ở khu vực đèo Hải Vân (nằm trong quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, được Chính phủ phê duyệt năm 2008) cho Công ty cổ phần Thế Diệu (thuộc Công ty TNHH World Shine Hong Kong – Trung Quốc) để thực hiện Dự án xây dựng Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine – Huế, với tổng mức đầu tư lên đến 250 triệu USD, thời gian là 50 năm.
Quyết định trên của tỉnh Thừa Thiên – Huế vấp phải sự phản đối của nhiều chuyên gia an ninh quốc phòng. Do vậy, ngày 26/11, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã quyết định dừng Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine tại mũi Cửa Khẻm, núi Hải Vân. Vấn đề đền bù, giải quyết hậu quả khi dừng thực hiện dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, hai bên sẽ làm việc tiếp trong thời gian sắp tới. Quang Phong
P.Thảo
Theo Dantri
Thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi): Cấm 6 hoạt động kinh doanh
Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi) quy định rõ, 6 hoạt động đầu tư kinh doanh bị cấm như: kinh doanh các chất ma túy; mại dâm; mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người...
Sáng nay 26/11, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Luật bao gồm 7 chương, 76 điều, quy định về hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài.
Điểm mới nhất của Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) lần này là sự thay đổi phương pháp tiếp cận khi làm luật, thay vì "chọn cho" (nghĩa là cái gì cho thì ghi trong luật), đã chuyển sang cách "chọn bỏ" (quy định những gì cấm, còn lại thì doanh nghiệp, nhà đầu tư được phép đầu tư, kinh doanh theo quy đinh của pháp luật).
Theo Luật Đầu tư (sửa đổi), nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu vốn điều lệ không hạn chế trong tổ chức kinh tế, trừ các trường hợp sau đây:
Thứ nhất, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại công ty niêm yết, công ty đai chung, tổ chức kinh doanh chứng khoán và các quỹ đầu tư chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
Thứ hai, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu theo hình thức khác thực hiện theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước.
Thứ ba, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không thuộc hai quy định trên, thực hiện theo quy định khác của pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Luật cũng sửa đổi, bổ sung ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Sau khi xem xét, cân nhắc Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo thu hẹp lại còn 6 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Hoạt động mại dâm bị cấm kinh doanh tại Việt Nam (ảnh minh họa).
Về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, có ý kiến đề nghị sửa đổi điểm đ thành: cấm kinh doanh mại dâm và các hoạt động kinh doanh trái thuần phong, mỹ tục. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Điều 7 của dự thảo Luật đã quy định nguyên tắc về những ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện có khả năng ảnh hưởng đến đạo đức xã hội như kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu; kinh doanh dịch vụ Karaoke, vũ trường; kinh doanh dịch vụ biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, tổ chức thi người đẹp, người mẫu...
Do đó, "nếu những hoạt động đầu tư kinh doanh trái với thuần phong mỹ tục và có hành vi vi phạm pháp luật như hoạt động mại dâm thì cũng đã bị cấm trong Luật này và pháp luật có liên quan", Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh.
Về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay: Có ý kiến đề nghị quy định rõ những trường hợp nào phải xin giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và những trường hợp nào được thực hiện hoạt động kinh doanh khi có đủ điều kiện. Nhưng cũng có ý kiến đề nghị bổ sung quy định giao Chính phủ hệ thống và công bố các điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành nghề quy định.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, điều kiện kinh doanh là các yêu cầu cần thiết để bảo đảm cho hoạt động bình thường mà không bị pháp luật cấm; còn các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được hiểu là hạn chế quyền tự do đầu tư kinh doanh, do đó cần quy định trong Luật nhằm bảo vệ quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Để tăng cường tính công khai minh bạch của các chính sách pháp luật tạo điều kiện cho nhà đầu tư tự quyết định hoạt động của mình, dự thảo Luật đã quy định rõ các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Hiện nay, nước ta đang tiến hành cải cách thủ tục hành chính theo hướng giảm thiểu hình thức cấp phép để chuyển sang áp dụng chủ yếu hình thức ban hành quy định về tiêu chuẩn, điều kiện để nhà đầu tư tự đăng ký thực hiện và cơ quan quản lý tiến hành hậu kiểm. Ngoài ra, các khoản 4, 5 và 6 của Điều 7 dự thảo Luật cũng đã quy định nguyên tắc về điều kiện đầu tư kinh doanh của ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện phải bảo đảm tính minh bạch, khách quan, tiết kiệm thời gian và chi phí tuân thủ của nhà đầu tư. Căn cứ vào danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đã được quy định tại Luật này, Chính phủ sẽ tập hợp và công bố công khai trên cổng thông tin doanh nghiệp các điều kiện đầu tư áp dụng đối với cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho biết, có ý kiến đề nghị rà soát, bỏ một số ngành, nghề ra khỏi danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo thống nhất với các bộ, ngành hữu quan tiến hành rà soát các ngành, nghề trong Danh mục. Trên cơ sở rà soát cho thấy một số ngành, nghề trùng lắp nhau được gộp lại hoặc bổ sung , do vậy, số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong Danh mục được thu hẹp xuống còn 267 ngành, nghề như quy định.
Nguyễn Hiền
Theo Dantri
Hà Nội khẳng định Trung tâm thông tin văn hóa không "đe dọa" Hồ Gươm Ngày 25/11, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Lâm Quốc Hùng cho biết, vị trí khu đất xây dựng Trung tâm thông tin văn hóa tại số 2 phố Lê Thái Tổ nằm trong vùng phụ cận chứ không nằm trong phạm vi khoanh vùng di tích Hồ Hoàn Kiếm. Trước thông tin quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) xây dựng Trung tâm...