Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Thành lập Tổ công tác xác minh dấu hiệu bất thường về điểm thi tại Lạng Sơn, Sơn La
Ngày 18/7, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã ra Quyết định thành lập Tổ công tác của Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2018 để kiểm tra xác minh dấu hiệu bất thường về kết quả thi tại Hội đồng thi Sở GD&ĐT Sơn La và Sở GD&ĐT Lạng Sơn.
Theo Quyết định thành lập Tổ công tác của Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học hệ chính quy, tuyển sinh cao đẳng, trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2018, Tổ công tác có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng chỉ đạo việc kiểm tra xác minh dấu hiệu bất thường về kết quả thi tại Hội đồng thi Sở GD&ĐT Sơn La và Sở GD&ĐT Lạng Sơn trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Nhiệm vụ cụ thể của các thành viên Tổ công tác do Tổ trưởng phân công. Các thành viên của tổ công tác được hưởng các chế độ theo quy định hiện hành của nhà nước. Tổ công tác sẽ tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày hôm nay 18/7/2018.
Thành lập Tổ công tác xác minh dấu hiệu bất thường về điểm thi tại Sơn La
Thành lập Tổ công tác xác minh dấu hiệu bất thường về điểm thi tại Lạng Sơn
Sự bất thường về điểm thi của Sơn La và Lạng Sơn như Dân trí đã phản ánh như sau:
Tại Lạng Sơn, dư luận đang xôn xao về bảng điểm của 35 thí sinh được cho đã tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Lạng Sơn với điểm cao bất thường vừa được đăng tải trên mạng xã hội.
Theo bảng điểm vừa được đăng tải này, có đủ danh sách tên, tuổi, ngày tháng năm sinh và số điểm 3 môn (Toán, Văn, Lịch Sử) với số lượng điểm trên 8 và 9 tại hai môn Ngữ Văn và Lịch sử cao đột biến.
Đối với môn Ngữ Văn, trong số 35 thí sinh nêu trên, có 5 thí sinh đạt điểm 9. Trong khi đó, theo phổ điểm môn Ngữ Văn được bộ GD&ĐT công bố, cả nước có 1.706 thí sinh đạt điểm 9.
Tổng 3 môn thi Ngữ Văn, Toán, Lịch sử và điểm ưu tiên của 35 thí sinh trong bảng nêu trên không có thí sinh nào dưới 24 điểm.
Cao nhất là thí sinh N.V.D với tổng điểm 27,9 điểm – môn Toán (7,4); môn Ngữ Văn (9); môn Lịch sử (8.75); điểm ưu tiên là 2,75. Đứng thứ 2 là N.V.L với tổng điểm 26,8 – môn Toán (7,8); môn Ngữ Văn (8,75); môn Lịch sử (7,5); điểm ưu tiên là 2,75…
Theo thông tin mới nhất, ngày 18/7, Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia Lạng Sơn cũng đã bắt đầu vào cuộc để xác minh danh sách 35 thí sinh có điểm được cho “cao bất thường” này.
Video đang HOT
Bảng điểm thi được cho là của Lạng Sơn gây xôn xao trên mạng xã hội.
Tại Sơn La: Khi Bộ GD-ĐT công bố điểm thi, theo bảng thống kê trong top 15 thí sinh có điểm cao nhất kỳ thi THPT quốc gia năm nay, có 2 thí sinh đến từ Sơn La. Đặc biệt là điểm công bố của 2 thí sinh này đều cách xa so với điểm thi thử trước đó diễn ra tại trường.
Cụ thể thí sinh N.D có đến hai điểm 10 cho môn Lịch sử và Tiếng Anh, các môn khác Toán 9,6; Ngữ văn 9,0; Địa lý 8,25, GDCD 7,5. Điểm thi thử hồi tháng 3 của em này là Toán 6,4; Ngữ văn 6,5; Tiếng Anh 5,8; Lịch sử 5,5; Địa lý 4,25; GDCD 5,5.
Còn thí sinh B.N có điểm thi 6 môn lần lượt như sau: Toán 9,8; Ngữ văn 8,75; Lịch sử 7,5; Địa lý 8,25; Giáo dục Công dân 8; Tiếng Anh 9,8. Trong khi điểm thi thử, thí sinh này có điểm Toán: 5; Ngữ văn: 4; Tiếng Anh: 1,2; Lịch Sử: 6,25; Địa lý: 6,25; Giáo dục Công dân: 5,25. Đáng chú ý, điểm thi thử Tiếng Anh của nữ sinh chỉ đạt 1,2 nhưng điểm thi thật lên tới 9,8.
GS Nguyễn Văn Tuấn, Viện Garvan (Australia) đã phân tích dữ liệu điểm thi của Sơn La cho biết, kết quả phân tích điểm thi của Sơn La cho thấy quả thật có bất thường, tuy mức độ không nghiêm trọng như ở Hà Giang. Điểm thi chênh lệch tập trung ở các môn Lý, Toán.
Phân bố điểm thi môn Toán, Lí, Hóa, và Sinh cho cả nước (màu xanh) và Sơn La (màu hồng). Trong đó mức điểm cao đều “nhô cao” gấp nhiều lần so với kỳ vọng
Phân tích phổ điểm của 8 môn học có thể thấy: Tính trung bình, điểm thi môn toán, lí, hóa và sinh học của Sơn La đều thấp hơn so với cả nước. Chẳng hạn như môn toán, điểm trung bình [độ lệch chuẩn] của Sơn La là 3.43 (1.33), so với cả nước là 4.88 (1.44). Điểm đáng chú ý là độ lệch chuẩn của Sơn La (1.33) thấp hơn so với cả nước (1.44).
Đối với môn Toán, kết quả thi ở Sơn La có vẻ có số thí sinh điểm 9.0 đến 9.8 cao bất thường. Nếu theo phân bố quốc gia, chúng ta kì vọng Sơn La có 6 thí sinh, nhưng trong thực tế thì có đến 30 thí sinh, tức cao hơn 5 lần so với kì vọng.
Phân tích cụ thể hơn bằng bảng số liệu, đối với môn Toán, có thể thấy quả thật Sơn La có vẻ có số thí sinh điểm 9.0 đến 9.8 cao bất thường. Nếu theo phân bố quốc gia, chúng ta kì vọng Sơn La có 6 thí sinh, nhưng trong thực tế thì có đến 30 thí sinh, tức cao hơn 5 lần so với kì vọng.
Đối với môn Lý, thấy có sự bất thường ở ngưỡng điểm cao (trên 9). Tính trung bình, điểm môn Lí của Sơn La là 4.03, thấp hơn so với trung bình quốc gia là 4.96. Ở đây, độ lệch chuẩn không khác nhau đáng kể, chứng tỏ phân bố có cùng dạng. Nhưng phân tích kì vọng cho thấy một lần nữa, số học sinh có điểm 9.0 trở lên là 13 em, trong khi đó theo kì vọng quốc gia thì chỉ có 1 thí sinh. Nói cách khác, số thí sinh có điểm Vật lí cao ở Sơn La chênh lệch gấp 12 lần so với phân bố quốc gia.
Đối với môn Lý, có sự bất thường ở ngưỡng điểm cao, chênh lệch gấp 12 lần so với phân bố quốc gia.
Trước đó, ngay khi có dư luận phản ánh nghi ngờ về điểm thi cao bất thường tại Hà Giang, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đã trực tiếp trao đổi với đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang đề nghị phối hợp chỉ đạo điều tra, làm rõ sự việc để xử lý nghiêm các sai phạm.
Ngày 12/7/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 2868/BGDĐT-QLCL yêu cầu Ban Chỉ đạo thi THPT tỉnh Hà Giang kiểm tra, rà soát, xác minh toàn bộ các khâu của Kỳ thi và báo cáo bằng văn bản về Ban Chỉ đạo thi quốc gia. Bộ trưởng Bộ GDĐT đã trực tiếp chỉ đạo rà soát, xác minh và xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có) trên tinh thần nghiêm túc, kiên quyết, kịp thời, chính xác theo đúng quy chế và các quy định hiện hành.
Sau khi nhận được báo cáo của Ban Chỉ đạo thi THPT tỉnh Hà Giang, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 2593/QĐ-BGDĐT về việc thành lập Tổ công tác của Ban Chỉ đạo thi Trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học hệ chính quy, tuyển sinh cao đẳng, trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2018 chỉ đạo việc kiểm tra, xác minh dấu hiệu bất thường về kết quả thi tại Hội đồng thi Trung học phổ thông tỉnh Hà Giang (bao gồm các thành viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Công an).
Hồng Hạnh
Theo Dân trí
Vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang: "Hé lộ" thêm những tình tiết mới
Theo nguồn tin riêng của Dân trí, vụ gian lận thi cử ở Hà Giang không đơn thuần chỉ do một cá nhân đảm nhận mà có thể còn liên đới đến những người khác. Vụ việc này chắc chắn sẽ được Bộ Công an làm rõ trong thời gian tới bởi Thủ tướng đã có chỉ đạo xử lý nghiêm sai phạm ở Hà Giang.
Trong cuộc trả lời báo chí chiều ngày 17/7 tại Hà Giang, ông Nguyễn Cao Khương, Phó trưởng Phòng 4 của A83 (Bộ Công an) - thành viên Tổ công tác của Bộ GD&ĐT thẳng thắn cho hay, quy trình bảo mật liên quan đến giám sát của Công an cũng như của thanh tra Bộ và thanh tra Sở ( ở khâu chấm thi- PV) chưa chặt chẽ, để cho trường hợp ông Vũ Trọng Lương (Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Giang) xử lý tất cả những thí sinh có liên quan và trong toàn bộ cả quá trình đó mà các thành viên không biết.
Tuy nhiên việc chưa chặt chẽ này là do cố tình hay thể hiện sự yếu kém thì cần được cơ quan điều tra làm rõ.
Nguồn tin của Dân trí cho hay, ngay từ ngày đầu tiến hành chấm thi trắc nghiệm ở Hà Giang đã xuất hiện những bất thường. Cụ thể, buổi chấm thi trắc nghiệm đầu tiên, hai cán bộ giám sát chấm thi trắc nghiệm do Bộ GD-ĐT ủy quyền (hai cán bộ này thuộc trường ĐH Tân Trào) đều xin phép nghỉ và không có mặt. Mặc dù thiếu cán bộ giám sát nhưng Hà Giang vẫn tiến hành bóc niêm phong bài thi và tiến hành quét bài bình thường. Việc này đã bị giấu nhẹm đi.
"Rõ ràng quy trình thanh tra, giám sát ở đây là có vấn đề", nguồn tin này khẳng định.
Cũng theo nguồn tin này, trong quá trình kiểm tra ở Hà Giang cũng phát hiện những dấu hiệu đáng ngờ đối bài thi môn tự luận (môn Ngữ Văn).
Cụ thể, trong quá trình kiểm tra phòng thi chấm tự luận đã phát hiện ra rất nhiều những tờ giấy nhỏ, ghi đánh dấu kí hiệu làm bài của thí sinh trong ngăn bàn chấm thi của giáo viên. Toàn bộ giấy tờ này đã bị thu giữ để làm minh chứng cho việc chấm lại môn Văn sau này (nếu có) xem xét việc có can thiệp hay không can thiệp vào bài làm môn thi tự luận của thí sinh.
Một thông tin "gây sốc" cũng được nguồn tin này tiết lộ, trong quá trình kiểm tra phát hiện một danh sách có 13 trường hợp "đáng ngờ" được soạn thảo trực tiếp từ máy tính của một lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Giang.
Trước đó, chiều 17/7, Bộ GD&ĐT phối hợp cùng UBND tỉnh Hà Giang họp báo công bố về điểm thi bất thường trong kì thi THPT quốc gia 2018. Theo đó, có 114 thí sinh với 330 bài thi được nâng điểm ít nhất từ 1,0 đến cao nhất là 8,75 điểm.
Cụ thể, với các bài thi tự luận môn Ngữ văn, đã đối chiếu điểm thi ở trên bài thi của tất cả các thí sinh với biên bản thống nhất điểm. Đối chiếu kết quả thi trên biên bản thống nhất điểm với kết quả đã công bố, kết quả cho thấy hoàn toàn chính xác, trùng khớp.
Tuy nhiên, với bài thi trắc nghiệm, qua xác minh cho thấy có dấu hiệu nâng cao kết quả của thí sinh một cách bất thường.
Cụ thể, có 102 bài thi Toán đã chênh lệch từ 1,0 điểm đến 8 điểm (điểm chấm thẩm định là 1,0 điểm; đã công bố là 9,0 điểm).
Có 85 bài thi Vật lý đã chênh lệch lên từ 1,0 điểm đến 7,75 điểm (điểm chấm thẩm định là 1,0; điểm đã công bố là 8, 75 điểm).
Có 56 bài thi Hóa đã chênh lệch từ 1,0 điểm đến 8,75 điểm (điểm chấm thẩm định là 0,75 điểm; điểm đã công bố là 9,5 điểm).
Có 8 bài thi môn Sinh đã chênh lệch lên từ 1,0 điểm đến 4,25 điểm (điểm chấm thẩm định là 4,25 điểm; điểm đã công bố là 9,0 điểm).
Có 9 bài thi Lịch sử đã chênh lệch lên từ 1,0 điểm đến 7,25 điểm (điểm chấm thẩm định là 2,5 điểm; điểm đã công bố là 9,75 điểm).
Có 3 bài thi Địa lý đã chênh lệch từ 1, 25 điểm đến 3,0 điểm (điểm chấm thẩm định là 6,0; điểm đã công bố là 9,0 điểm).
Có 52 bài thi Tiếng Anh đã chênh lệch từ 1,4 điểm đến 7,8 điểm (điểm chấm thẩm định là 1,2 điểm; điểm đã công bố là 9,0 điểm).
Qua chấm thẩm định có một số bài thi có điểm tăng hơn đã công bố từ 0,2 đến 1 điểm. Cá biệt, có 3 bài thi môn GDCD có điểm chấm thẩm định tăng hơn 5,75 điểm so với đã công bố.
Như vậy, có tổng cộng tất cả 114 thí sinh, với 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh lệch hơn 1 điểm so với điểm thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lệch lên hơn 20 điểm so với điểm thẩm định. Cá biệt, có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định.
Qua xác minh ban đầu cho thấy Ông Vũ Trọng Lương, Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang là người trực tiếp can thiệp vào kết quả thi của thí sinh. Cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, làm rõ, củng cố hồ sơ để xử lí các cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật.
Nguyễn Hùng
Theo Dân trí
Những phát hiện "bất thường" về phổ điểm thi THPT quốc gia ở Sơn La Từ phân tích dữ liệu điểm thi THPT Quốc gia 2018 của tỉnh Sơn La so với cả nước, GS Nguyễn Văn Tuấn, Viện Garvan (Australia) đưa ra kết quả những bất thường tại đây. Ngay sau thông tin nâng điểm thi gây choáng váng ở Hà Giang chính thức được công bố chiều ngày 17/7, đã rất nhiều ý kiến quan tâm...