Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tặng áo ấm cho học sinh Bắc Kạn
Sáng 24/12, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác của Bộ GD-ĐT đã tới thăm và tặng quà một số trường học khó khăn của tỉnh Bắc Kạn.
Đây là hoạt động khởi động chương trình “Điều ước cho em” do Bộ GD-ĐT phối hợp với Ban điều hành Đề án Hệ tri thức Việt số hóa của Chính phủ, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh triển khai.
Tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Nhạn Môn (huyện Pác Nặm), Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng các nhà hảo tâm trao tặng gần 400 chiếc áo ấm, 400 đôi ủng cho học sinh và nhiều phần quà với tổng trị giá hơn 500 triệu đồng.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tặng áo ấm cho các học sinh huyện vùng cao Pắc Nậm, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Thanh Hùng
Bộ trưởng cho hay, “Điều ước cho em” là chương trình ý nghĩa, đặc biệt là với học sinh các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
“Điều ước thì có rất nhiều, nhưng có những điều ước rất giản dị, thiết thực như các em học sinh có được bữa ăn trưa, chiếc áo ấm trong mùa lạnh, có các điều kiện để học tập, sinh hoạt tốt hơn”, ông Nhạ nói.
Video đang HOT
Gần 400 đôi ủng được đoàn công tác của Bộ GD-ĐT tặng học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Nhạn Môn (huyện Pác Nặm). Ảnh: Thanh Hùng
Theo Bộ trưởng Nhạ, chương trình “Điều ước cho em” nhằm kết nối giữa các nhà trường, các cá nhân có điều kiện tốt hơn với những nơi còn nhiều khó khăn. Qua đó, giúp đỡ, chia sẻ về cơ sở vật chất, đồ dùng, thiết bị và những điều kiện thiết yếu như bữa ăn, áo và chăn ấm,…
“Chương trình sẽ kết nối và tạo ra được mạng lưới cộng đồng hỗ trợ lẫn nhau, chung tay để cùng phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo”, Bộ trưởng nói và khẳng định Bộ GD-ĐT sẽ nhận nhiệm vụ kết nối một cách minh bạch, kịp thời, đúng người, đúng việc, đúng nhu cầu của cả kênh hỗ trợ và kênh cần hỗ trợ.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng các học sinh huyện vùng cao Pác Nặm, Bắc Kạn.
Một trong những kênh kết nối mà chương trình hướng đến là việc “trường giúp trường, bạn giúp bạn, thầy cô giúp thầy cô”, qua đó các nhà trường có cơ hội kết nghĩa, giúp nhau không chỉ một lần mà trong suốt quá trình tổ chức dạy học và qua các năm.
Trong chuyến đi này, Bộ GD-ĐT cũng tổ chức khởi công làm sân trường, nhà vệ sinh và bếp ăn bán trú tại điểm trường Slam Vè (huyện Pác Nặm) và bếp ăn bán trú tại điểm trường mầm non Nặm Lẩu (xã Sĩ Bình, huyện Bạch Thông).
Bắc Kạn công bố kết quả giai đoạn 1 về việc chuyển đổi số
Xã Vi Hương (huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) là xã thứ 2 trong 8 xã trên toàn quốc công bố kết quả thực hiện thí điểm chuyển đổi số.
Ngày 22/12, tại xã Vi Hương, UBND tỉnh Bắc Kạn, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Kạn phối hợp với Cục Tin học hóa - Bộ TTTT công bố kết quả giai đoạn 1 về việc chuyển đổi số của xã Vi Hương.
Buổi công bố kết quả chuyển đổi số xã Vi Hương, huyện Bạch Thông (tỉnh Bắc Kạn).
Tại buổi công bố, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TTTT khẳng định, việc chuyển đổi số là một cái mới, là sự thay đổi có tính đột phá, là chương trình quốc gia.
"Xã có chính quyền số, kinh tế số, doanh nghiệp số, nếu việc chuyển đổi số tại xã thành công thì việc tỉnh chuyển đổi số, quốc gia chuyển đổi số có thể thành công", ông Đường nói.
Theo Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, việc chọn xã Vi Hương là một trong 8 xã trên toàn quốc thí điểm, có ý nghĩa quan trọng. Một xã có điều kiện kinh tế khó khăn như Vi Hương có thể chuyển đổi số, chúng ta có thể hy vọng chuyển đổi số thành công ở tất cả các xã khác trên 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
HTX trên địa bàn xã Vi Hương được hỗ trợ thúc đẩy phát triển thương mại điện tử.
Hoạt động chuyển đổi số tại xã Vi Hương gồm: Xây dựng các kênh giao tiếp, tương tác thuận lợi hơn với người dân, nâng cấp hệ thống loa truyền thanh thông minh, cài phần mềm chuyển văn bản sang âm thanh thông qua nền tảng trí tuệ nhân tạo AI.
Triển khai nền tảng kết nối thương mại điện tử Agriconnect cho các sản phẩm nông sản của xã, phần mềm bán hàng Shopone, triển khai các hoạt động thương mại điện tử nhằm hỗ trợ quảng bá, tiếp thị và bản các sản phẩm của địa phương trên môi trường mạng, triển khai cầu truyền hình và nền tảng hỗ trợ hệ thống khám chữa bệnh từ xa telehealth tại trạm y tế, lắp đặt trạm phát sóng di động 4G, trạm wifi công cộng tại khu vực UBND xã...
Theo kết quả công bố, các trường học trên địa bàn đã được số hóa, hồ sơ 100% điện tử, cung cấp sổ liên lạc điện tử SMAS (SMS Parents, SParent), phân hệ quản lý thư viện và tuyển sinh đầu cấp cho các nhà trường; thực hiện nộp các khoản đóng góp của học sinh qua hệ thống tài khoản ngân hàng.
Đến nay, các nội dung trên đã được đưa vào sử dụng đáp ứng yêu cầu của các nhà trường.
Trạm Y tế xã Vi Hương được trang bị thiết bị y tế thông minh.
Với y tế, trạm y tế của xã được trang bị thiết bị y tế thông minh Telehealth và nền tảng hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa để truyền nhận âm thanh, hình ảnh kết nối với các bệnh viện trong cả nước. Nhờ đó, cán bộ y tế xã có thể theo dõi trực tiếp các ca chữa bệnh và tư vấn của các bác sĩ tại các điểm cầu bệnh viện trên toàn quốc.
Doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn được hỗ trợ thúc đẩy phát triển thương mại điện tử như: Xây dựng website giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp; xây dựng fanpage giới thiệu các sản phẩm trên Facebook; xây dựng nền tảng kết nối thương mại điện tử dành cho nông sản AgriConnect để kết nối các gian hàng trên các sàn thương mại điện tử.
Ông Nguyễn Văn Hoán, Bí thư Đảng ủy xã Vi Hương, huyện Bạch Thông cho biết, qua chuyển đổi số, cách thức giao tiếp của chính quyền xã với nhân dân thông qua hệ thống loa phát thanh thông minh đã giúp tuyên truyền nhiều nội dung hơn, nhanh hơn và kịp thời hơn.
Theo ông Hoán, việc chuyển đổi số góp phần tăng cường sự tin tưởng, gần gũi giữa chính quyền và nhân dân tại địa phương.
Trao 1.200 chiếc áo ấm cho trẻ em vùng cao Nghệ An Hôm nay (18/12), tại Trường Tiểu học Yên Tĩnh, huyện Tương Dương (Nghệ An), Liên quân Báo chí Nghệ An phối hợp với Công ty Golden City trao hàng ngàn suất quà cho các em học sinh thuộc huyện miền núi này. Buổi lễ trao quà "Áo ấm mùa đông" tại Trường tiểu học xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An....